Báo Đà Nẵng xuân 2016

Vang mãi khúc hát người khai hoang

14:42, 04/02/2016 (GMT+7)

Gần 4 thập kỷ đã qua, nhiều thế hệ chung tay xây dựng vùng căn cứ cách mạng phía tây huyện Hòa Vang, để hôm nay Hòa Phú trở thành xã nông thôn mới và là điểm sáng của phong trào thi đua yêu nước ở Đà Nẵng giai đoạn 2010-2015. Điểm sáng này được thắp lên từ những năm ngay sau khi Đà Nẵng được giải phóng với phong trào khai hoang, phục hóa phát triển vùng kinh tế mới.

Học sinh Trường tiểu học Hòa Phú trong giờ ra chơi. Ảnh: Nam Phương
Học sinh Trường tiểu học Hòa Phú trong giờ ra chơi. Ảnh: Nam Phương

Tình người trên vùng đất hoang

Cứ mỗi độ xuân về Tết đến, nhiều đoàn công tác của thành phố và các quận Cẩm Lệ, Ngũ Hành Sơn đều dành thời gian để đến thăm vùng đất Hòa Phú, huyện Hòa Vang. Vùng đất này ghi dấu tình người khẩn hoang, phục hóa của một thời dựng xây. Ở vùng đất Hòa Phú, cũng khắc ghi một kỷ niệm gắn liền với sự nghiệp hoạt động của đồng chí Nguyễn Bá Thanh, nguyên Trưởng ban Nội chính Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND, UBND thành phố Đà Nẵng.

Theo lời kể của vợ chồng ông Trần Đình Trãi và bà Tôn Nữ Thanh Thu (trú tổ 31, phường Khuê Trung, quận Cẩm Lệ) năm 1977, ông và 4 người khác được phân công về Tổ Quy hoạch nông nghiệp Hòa Vang (thuộc Đoàn Quy hoạch nông nghiệp 3, Bộ Nông nghiệp) do đồng chí Nguyễn Bá Thanh làm tổ trưởng. Được hơn một năm, 4 người kia theo đơn vị làm nhiệm vụ nơi khác, còn ông Trãi và đồng chí Thanh ở lại chỉ đạo hoạt động của Thanh niên xung phong (TNXP) Đồng Tréo, nay thuộc địa bàn xã Hòa Phú tăng gia sản xuất.

Một thời gian sau, ông Trãi được phân công công tác về Sở Nông nghiệp Quảng Nam-Đà Nẵng, còn Nguyễn Bá Thanh về huyện Hòa Vang và được huyện phân công làm Chủ nhiệm Hợp tác xã nông nghiệp Hòa Nhơn 3…

Ông Đặng Sơn (thôn Phú Sơn, xã Hòa Khương) đã từng tham gia lực lượng TNXP nói về người thủ trưởng Nguyễn Bá Thanh: “Ảnh đảm nhận nhiều chức vụ cao nhưng mỗi dịp lễ, Tết đều quan tâm gửi quà đến các anh chị em TNXP một thời đi khẩn hoang ở Đồng Tréo, Phú Túc”. Ông Sơn nhớ lại vào những năm 1976-1980, vùng đất Đồng Tréo, Phú Túc xã Hòa Phú là vùng rừng thiêng nước độc, bệnh sốt rét hoành hành.

Lực lượng TNXP có hàng trăm người được biên chế như trong quân đội, sinh hoạt tập trung nhưng làm nhiệm vụ lao động tăng gia sản xuất. Ban đầu là khai hoang đất đai để trồng sắn, trồng mía. Kỷ niệm khó phai với ông Sơn là những ngày mùa đông mưa dầm rả rích, TNXP vẫn hào hứng xúc từng xẻng đất, gánh từng thúng đất đắp đập xây hồ thủy lợi Đồng Tréo.

Ở các xã Hòa Phú, Hòa Ninh, Hòa Liên sau năm 1976 trở thành “mặt trận” sản xuất lương thực qua phong trào khai hoang, phục hóa, tăng gia sản xuất. Phong trào kéo dài liên tục qua nhiều năm. Quốc kỳ cắm ở ngọn đồi núi nào là người người thi đua lao động, người trước phát hoang, người sau cuốc đất lên luống trồng sắn đến đó.

Ngoài lực lượng TNXP, huyện Hòa Vang thuở ấy cũng huy động sức người, sức của lên Hòa Phú khai hoang phục hóa. Mỗi hộ gia đình đều cử người lên tham gia đông như đi trẩy hội. Từng thôn, từng xã dựng lán trại để khai khẩn đất đai, để rồi sau đó chính quyền địa phương di dân đi kinh tế mới mà mỗi xã trở thành địa danh trên vùng đất mới như: Hòa Thọ, Hòa Phát, Hòa Hải…

Ông Đặng Sơn kể: “Thời ấy, thanh niên chúng tôi hăng hái, nhiệt tình. Lý tưởng và hoài bão lớn là nhanh chóng xây dựng lại quê hương, đất nước sau đổ nát của chiến tranh nên sẵn sàng quên đi những mệt nhọc, mất mát, hy sinh.

Gia đình tôi có hai anh em; anh tôi đi bộ đội, tôi cũng rời gia đình tham gia TNXP. Từ sau năm 1980, nhiệm vụ khai hoang, phục hóa đã hoàn thành ở Hòa Phú, tôi đã yêu và cưới cô bạn TNXP cùng đơn vị. Nay đã có cháu nội, cháu ngoại nhưng cuộc đời của vợ chồng đẹp nhất và tự hào nhất vẫn là thời TNXP, tham gia khai hoang phục hóa ở Hòa Phú”.

Phát triển nghề nuôi cá nước ngọt dưới hồ thủy lợi Đồng Tréo- Hòa Phú. Ảnh: T.Tùng
Phát triển nghề nuôi cá nước ngọt dưới hồ thủy lợi Đồng Tréo- Hòa Phú. Ảnh: T.Tùng

Nền móng vững cho vùng nông thôn mới

Ông Nguyễn Văn Châu, Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Hòa Phú từ năm 1986 đến năm 1990 kể: Sau ngày quê hương được giải phóng, vùng đất Hòa Phú tức xã Hòa Thượng cũ được sáp nhập về xã Hòa Phong.

Hồi đó, mỗi ngày trôi qua trong lòng luôn tràn ngập sự hứng khởi với công tác. Trên vùng đất Hòa Phú, các khẩu hiệu “Tất cả cho sản xuất”, “Nhiệt liệt hoan nghênh chủ trương phục hóa, khai hoang, mở rộng vùng kinh tế mới”… được giăng khắp nơi. Những ngày đầu thành lập xã Hòa Phú, hoạt động của chính quyền địa phương rất khó khăn về cơ sở vật chất.

Hòa Phú chỉ sản xuất được cây màu như mía, sắn nên tình trạng thiếu ăn trong nhân dân diễn ra dai dẳng. “Củ sắn, tán đường không thể thay thế được hạt gạo cho bữa cơm hằng ngày. Nhiều hộ dân kinh tế mới bỏ về nơi ở cũ”. Đứng trước khó khăn này, lãnh đạo huyện Hòa Vang và chính quyền địa phương đã có những định hướng phát triển đột phá là chuyển dịch cơ cấu cây trồng.

Đất Hòa Phú phải trồng được cây lúa để tự cung, tự cấp lương thực. Theo đó, đập thủy lợi Đồng Tréo, Hố Cau được hoàn thành, xã vận động nhân dân phá bỏ cây mía ở An Châu, khai hoang hóc hố ở thôn Hội Phước, Hòa Phát lấy đất trồng lúa. Thời điểm này, huyện Hòa Vang cũng chọn Hòa Phú triển khai phủ xanh đất trống, đồi núi trọc qua chương trình PAM do Tổ chức Lương thực thế giới (FAO) tài trợ.

Tham gia trồng rừng bạch đàn, người dân nhận được gạo, bột mì nên nạn đói được giải quyết một phần. Những năm sau, xã Hòa Phú vừa sản xuất lương thực, vừa khai thác gỗ rừng trồng nên đời sống đi từ ổn định sang làm giàu.

Hết khai thác gỗ cây bạch đàn đến cây keo lá tràm. Nghề trồng rừng cho đến tận bây giờ là thế mạnh để Hòa Phú trở nên vùng đất trù phú như ngày hôm nay. Nhiều trang trại được hình thành, nhiều mô hình phát triển kinh tế có hiệu quả cao về chăn nuôi, trồng trọt được lan rộng đem lại thu nhập hàng tỷ đồng mỗi năm cho người dân.

Trong dịp Tết Bính Thân này, xã Hòa Phú tròn 30 năm xây dựng và phát triển. Hiện xã Hòa Phú đã hoàn thành Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới và là đơn vị tiêu biểu của phong trào thi đua yêu nước toàn thành phố giai đoạn 2010-2015.

Ông Nguyễn Ngọc Hải, Chủ tịch UBND xã Hòa Phú hiện nay là thế hệ cán bộ trẻ người địa phương vốn cùng gia đình đến lập nghiệp theo chương trình kinh tế mới ở thôn Hòa Thọ. Ông Hải cho biết xã Hòa Phú có 100% hộ gia đình sử dụng nước sạch sinh hoạt hợp vệ sinh.

Những ngày cuối năm 2015, nắng xuân trải vàng trên khắp núi rừng, thôn xóm. Tuyến ĐT604 từ trung tâm huyện Hòa Vang vắt qua xã Hòa Phú, thẳng tới huyện Đông Giang, tỉnh Quảng Nam sớm chiều nhộn nhịp xe cộ vận chuyển hàng hóa nông sản. Nhiều vườn cây trĩu quả, những đàn bò béo tròn và những cánh rừng keo lá tràm bát ngát nối tiếp nhau. Cả vùng căn cứ cách mạng hoang tàn sau chiến tranh năm nào nay bật lên thay da đổi thịt từng ngày.

TRIỆU VĂN TÙNG

.