Báo Đà Nẵng xuân 2016

Vì một Đà Nẵng an bình

14:44, 04/02/2016 (GMT+7)

Đại hội lần thứ XXI Đảng bộ thành phố Đà Nẵng đã đề ra chủ đề “Xây dựng Đảng bộ trong sạch, vững mạnh, phát huy sức mạnh đồng thuận, huy động mọi nguồn lực để phát triển thành phố Đà Nẵng giàu đẹp, an bình, văn minh, hiện đại”.

Trong bốn mục tiêu mà Đại hội lần thứ XXI Đảng bộ thành phố hướng tới lần này - giàu đẹp, an bình, văn minh, hiện đại - thì  mục tiêu an bình được xem là nét mới. Thật ra an bình không chỉ là khát vọng của người Đà Nẵng đương đại.

Từ xa xưa, khi mới vào đây khẩn đất lập làng, những thế hệ tiên dân Đà Nẵng cũng đã thể hiện khát vọng về một cuộc sống bình yên thông qua nhiều địa danh mang các từ tố có liên quan như An, như Yên, như Bình, như Hòa, như Ninh…

Trong ngôn ngữ thường nhật, ta vẫn hay nghe câu cửa miệng: “Xin cho hai chữ bình yên!”, hoặc câu chúc dành cho người đi xa: “Thượng lộ bình an!”. Trong tập tục và lễ hội dân gian, phổ biến ở các đình làng hằng năm là lễ Cầu an/Kỳ yên…

Xuất phát. Ảnh: NGỌC HỢI
Xuất phát. Ảnh: NGỌC HỢI

Một Đà Nẵng an bình cũng không thể tách rời một đất nước hòa bình, một xã hội thanh bình - thậm chí không dừng lại ở thanh bình mà còn phải phấn đấu để trở nên thái bình như cách nghĩ của anh Nguyễn Bá Thanh hồi đương chức Bí thư Thành ủy.

Phấn đấu để có một xã hội thái bình không dễ, bởi Nguyễn Công Trứ từng hiểu: “Đời thái bình cửa thường bỏ ngõ” (Hàn nho phong vị phú). Đương nhiên ở đây chủ yếu Nguyễn Công Trứ tự trào mình là học trò nghèo, không có gì để mất, nhưng hiểu thái bình như thế thì đường đến một xã hội thật sự thái bình còn xa lắm, bởi thời buổi bây giờ không chỉ cửa nhàcửa nước cũng phải thường xuyên trông ngó.

Càng mở cửa hội nhập, càng không thể bế quan tỏa cảng thì càng phải trông ngó cẩn trọng đối với cửa nước/cửa khẩu quốc gia. Cần nhớ rằng Đà Nẵng là nơi mà vào năm 1837, vua Minh Mạng đã cho lập Vọng Hải đài trên Ngũ Hành Sơn để nhìn về phía khơi xa, và trước đó vào năm 1826, cho trùng tu Hải Vân quan để nhìn về phía cửa Hàn - tất cả đều vì mục tiêu tối thượng là an ninh Tổ quốc.

Muốn có một Đà Nẵng an bình, không thể quên - thậm chí đi ngược lại - ý thức cảnh giác ấy của tiền nhân. Ngay các nước trong Liên minh châu Âu gần đây cũng bắt đầu xem xét khả năng tạm ngừng thực thi Hiệp ước Schengen - quy định miễn thị thực đi lại giữa các nước thành viên - trong hai năm, do cuộc khủng hoảng người nhập cư đang gây ra quá nhiều nguy cơ tại biên giới các nước này. 

Ảnh: VÕ TRIỀU HẢI
Ảnh: VÕ TRIỀU HẢI

Điều đáng nói là muốn có một Đà Nẵng an bình, người Đà Nẵng không thể chấp nhận tư tưởng cầu an, yên phận. Một Đà Nẵng an bình chỉ có thể là kết quả của cuộc đấu tranh không khoan nhượng và không ngừng nghỉ với mọi thế lực đang hằng ngày hằng giờ đe dọa đến cuộc sống bình an của người Đà Nẵng, từ an toàn giao thông - bao gồm đường bộ, đường biển, đường sông và đường hàng không, an toàn lao động - bao gồm mưu sinh trên đất liền và mưu sinh ngoài biển cả, trên các ngư trường truyền thống, an toàn thực phẩm, an toàn dược phẩm… cho đến an ninh nguồn nước và các hình thức an ninh phi truyền thống khác.

Còn nhớ Einstein có một câu rất hay: “Thế giới này là một nơi nguy hiểm, không phải vì những kẻ xấu xa mà vì những người chỉ biết đứng nhìn và không làm gì cả”. Cầu an, yên phận, chỉ biết đứng nhìn và không làm gì cả, mặc cho cái ác, cái xấu hoành hành thì làm sao có thể gầy dựng được một Đà Nẵng an bình như mong đợi?

Chính vì thế, một Đà Nẵng an bình luôn cần đến những con người có trách nhiệm với xã hội, với cộng đồng, đồng thời cũng rất cần những tấm lòng thiện nguyện. Trên diễn đàn Đại hội lần thứ V Hội Từ thiện và Bảo vệ quyền trẻ em thành phố Đà Nẵng hồi cuối tháng 11 năm 2015, đã tỏa sáng không ít nghĩa cử xúc động lòng người.

Một người Đà Nẵng tuổi còn trẻ là anh Trần Minh Sỹ, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Công tác xã hội Teen Đà Nẵng, bằng giọng nói trầm tĩnh, đã kể chuyện anh mới cứu sống một người: “Bản thân tôi đây tháng vừa qua khi đi trên cầu Sông Hàn, bất chợt gặp một cô gái tầm tuổi ba mươi nhảy cầu tự tử vì buồn chuyện gia đình, tôi đã không suy nghĩ và ngần ngại lao theo để cứu sống cô ấy. Tôi cảm thấy rất vui khi mình làm được điều gì đó cho xã hội”.

Nghe câu nói “nhẹ tênh” về một hành động thấm đẫm lòng nhân ái và hơn thế, đầy sức nặng của lòng dũng cảm, cả đại hội đã vang lên tràng pháo tay thán phục. Tôi vừa nhắc đến chức vụ Chủ nhiệm Câu lạc bộ Công tác xã hội Teen Đà Nẵng của một người luôn quan niệm “làm từ thiện không phải để nổi bật hơn người khác” và khẳng định sẽ “đồng hành với hoạt động thiện nguyện cho đến cuối đời”, không nhằm thỏa mãn nhu cầu được thiên hạ nghe tên biết tiếng của diễn giả - mà anh cũng không có nhu cầu này, chỉ cốt nhấn mạnh rằng hành động cứu người rất đáng ngưỡng mộ kia không hề bột phát, mà là hệ quả tất yếu của quá trình nhiều năm Trần Minh Sỹ tự giác tham gia hoạt động thiện nguyện, không chấp nhận cầu an, yên phận, vì một Đà Nẵng an bình.

Du khách tham gia cuộc thi Color Me Run tổ chức tại Đà Nẵng năm 2015. Ảnh: VÕ TRIỀU HẢI
Du khách tham gia cuộc thi Color Me Run tổ chức tại Đà Nẵng năm 2015. Ảnh: VÕ TRIỀU HẢI

Một người Đà Nẵng tuổi đã cao là ông Trần Thạnh, Chủ tịch Hội Từ thiện và Bảo vệ quyền trẻ em phường Thanh Khê Tây, cũng tỏa sáng trên diễn đàn hôm ấy khi kể chuyện ông tình cờ gặp trong quán cơm bình dân một phụ huynh ngoại tỉnh đưa hai con vào Đà Nẵng dự thi tuyển vào đại học năm 2013: “Ba cha con gọi hai dĩa cơm và chia làm ba phần. Nhìn cảnh này mà rơi nước mắt. Chợt nhớ lời dạy của Bác Hồ kính yêu: Khi ta nâng bát cơm ăn, nghĩ đến người đói khổ, chúng ta không khỏi chạnh lòng”.

Lời dạy năm xưa của Bác Hồ cùng với tấm lòng thiện nguyện của người Đà Nẵng ấy đã dẫn đến một nghĩa cử: vận động nấu cơm phát miễn phí cho học sinh nghèo các tỉnh về dự thi tuyển vào đại học trên địa bàn quận Thanh Khê. Và chỉ trong hai năm qua, ông Trần Thạnh cùng những tấm lòng thơm thảo đồng hành với ông đã mời một nghìn bảy trăm năm mươi suất cơm miễn phí nhằm giúp “các em học sinh nghèo xa nhà ấm lòng chăm lo thi cử và để phụ huynh các em thấy rằng Đà Nẵng là nơi để đến và đáng sống”.

Điều đó có nghĩa với ông Trần Thạnh và với nhiều người Đà Nẵng, nơi đáng sống trước hết phải là nơi mà người dân luôn đồng cảm và sẵn lòng giúp đỡ những cảnh ngộ gieo neo bằng các việc làm thiết thực. Đó cũng là cách mà ông Trần Thạnh cùng những người bạn thiện nguyện của ông góp phần gầy dựng nên thương hiệu Đà Nẵng an bình.

Gầy dựng nên thương hiệu Đà Nẵng an bình là một mục tiêu vừa trước mắt - của nhiệm kỳ Đại hội lần thứ XXI Đảng bộ thành phố, vừa lâu dài - cho nhiều thập niên, thậm chí nhiều thế kỷ. Điều đáng chú ý để tránh hiểu lầm/ngộ nhận: Đây mới chỉ là đề bài chứ chưa phải là đáp số. Dám đề ra mục tiêu “thành phố an bình” như một bài toán khó, người Đà Nẵng không bắt đầu từ số không tay trắng.

Nhiều năm nay, so với mặt bằng chung của cả nước và của các thành phố lớn, Đà Nẵng vẫn được xem là điểm đến an toàn. Như vậy, Đà Nẵng đang có đủ khả năng để giải đúng một số phép tính của bài toán “thành phố an bình”. Nhưng người Đà Nẵng luôn ý thức rằng để đi đến đáp số cuối cùng, cần trải qua một chặng đường rất dài, rằng giải đúng một vài phép tính không có nghĩa là nhất định sẽ tiếp tục giải đúng các phép tính còn lại, bởi chỉ một sơ suất, một sai sót nhỏ, tất cả sẽ trở thành dã tràng xe cát Biển Đông.

Người Đà Nẵng cũng luôn ý thức rằng muốn đi đến đáp số cuối cùng, rất cần đến sức mạnh đồng thuận của toàn thành phố - đồng thuận ở đây có nghĩa là cùng hào hứng kỳ vọng về một “thành phố an bình” và quan trọng hơn là cùng hăm hở chung tay để gầy dựng cái an bình ấy. Xin một lần nữa được nhắc lại lời cha đẻ thuyết Tương đối dẫn trên: “Thế giới này là một nơi nguy hiểm, không phải vì những kẻ xấu xa mà vì những người chỉ biết đứng nhìn và không làm gì cả”.

"Thật ra an bình không chỉ là khát vọng của người Đà Nẵng đương đại. Từ xa xưa, khi mới vào đây khẩn đất lập làng, những thế hệ tiên dân Đà Nẵng cũng đã thể hiện khát vọng về một cuộc sống bình yên thông qua nhiều địa danh mang các từ tố có liên quan như An, như Yên, như Bình, như Hòa, như Ninh…”

TRẦN NGUYÊN HẬU

.