Báo Đà Nẵng xuân 2016
Anh Lân ơi, Tết này…
Ngày anh Mai Thúc Lân chưa về làm Bí thư Quảng Nam-Đà Nẵng, tôi chưa được quen anh, chỉ nghe tiếng đã ấn tượng lắm. Đặc biệt là chuyện vì anh kiên quyết chống tiêu cực mà bị ném lựu đạn vào nhà. Nghĩ bụng: chà, cái ông Quảng Nam này… ngon đây!
Ảnh: NGỌC THẮNG |
Đến khi gặp được anh, tôi ngớ ra. Vì trong hình dung của tôi, Mai Thúc Lân phải là một trang hảo hán, vai năm tấc rộng, ăn to nói lớn. Đâu ngờ trước mắt chúng tôi chỉ là một người trông nho nhã thư sinh, thấp bé nhẹ cân, vai hơi so, dáng đi hơi nghiêng về một bên với những bước chân ngắn và nhanh, dáng đi của một anh đồ nghèo hơn là của một chính khách.
Buổi đầu tiên sang làm việc với Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, anh ngồi lọt thỏm trong chiếc ghế sô-pha.
- Xin kính chào Bí thư sang làm việc. Tôi là…
Anh đột ngột cười lớn:
- Mới về, lạ nước lạ cái qua làm quen với “trùm tư tưởng” và thăm anh em trong Ban chứ làm việc gì đâu.
Này, chưa gặp ông nhưng đọc ông rồi. Trên Văn nghệ, được lắm. Tranh thủ viết đi, bỏ uổng.
Thế rồi, gần như suốt buổi, hai anh em toàn nói chuyện văn chương. Tôi ngạc nhiên thật sự: từng kinh qua những cương vị quan trọng, trăm công ngàn việc, anh lấy đâu ra thời gian và đam mê để đọc rộng đến vậy. Từ cổ đến kim, rất thông thuộc Tự lực văn đoàn, mê Thạch Lam. Với những tác giả, tác phẩm tâm đắc anh có những nhận xét khá sắc sảo.
Như một cơ duyên, mới gặp mà như thân nhau từ lâu, nên khi cần tôi thường gọi điện hoặc trực tiếp gặp anh.
Dạo ấy, tượng đài vừa khánh thành liền rộ lên nhiều ý kiến về nội dung, hình thức và chất lượng công trình. Nhiều đồng chí hưu trí đăng ký xin gặp Bí thư Tỉnh ủy. Thường vụ quyết định mời một cuộc họp. Ý kiến sôi nổi ngay từ đầu, không nghỉ giải lao, kéo luôn đến gần hết giờ mà hàng loạt cánh tay còn giơ cao.
Một chị hưu cùng quê với anh, trước giữ một chức vụ quan trọng trong Tỉnh ủy, Bí thư chưa kịp chỉ đã đứng dậy nói, hăng hái đến mức gay gắt. Vốn tính nói dài, nhớ đâu nói đó, nói không biết dừng, như người mới tập xe đạp, cứ ngồi là đạp miết, không “xuống pê-đan” được.
Cứ huyên thuyên, đã thiếu kiến thức lại nói xàm, xúc phạm đến các tác giả. Bí thư Lân bật đứng dậy, câu trước câu sau đã phừng phừng phê phán những sai trái trong ý kiến của chị rồi hỏi: “Chị có ý kiến gì không?”. Chị ta ngồi xuống cái bịch, im lặng.
Anh mời người khác. Rồi người khác, người khác… Cuộc họp kéo mãi quá trưa, nhiều người bỏ cơm, về bụng đói, tức anh ách! Thì Quảng Nam lại gặp Quảng Nam mà!
Cái chị cãi không lại Bí thư Tỉnh ủy, người mà chị vẫn coi như chú em đồng hương của mình, về nhà phản ứng rất dữ dội:
- Đánh giấy mời mình đến góp ý, nói nửa chừng hắn đã nhảy vào giữa họng, có ai như rứa không? Lần sau chẳng thèm nói, nói uổng miệng!
Tôi nghe được, gặp anh. Mặt anh sững lại, môi trên động đậy – dấu hiệu của sự xúc động mạnh. Rồi gượng nói với vẻ biết lỗi: “Thì ông biết rồi, máu Quảng Nam mà, cố sửa mà sửa chưa được”.
Nhìn gương mặt người lãnh đạo những lúc thế này thiệt dễ thương. Nhưng sau đó không lâu, một bữa Thường vụ Tỉnh ủy mời ngành Y tế đến làm việc. Phó Giám đốc Sở đi họp thay cho Giám đốc đang ốm, là người hiền lành, thiệt thà. Bản báo cáo chuẩn bị kỹ cho buổi ra mắt trước lãnh đạo mới.
Mở đầu anh trình bày hơi dài dòng về khái niệm của sức khỏe, cuối cùng xin đọc nguyên văn định nghĩa của Unesco mà anh cho là khoa học và chính xác nhất.
Đang đọc giữa chừng, nghe tiếng gõ mạnh cán bút xuống bàn, anh dừng lại nhìn Bí thư. Bí thư nhìn anh nói có ý kiềm chế nhưng giọng nghe vẫn dữ:
- Này, hôm nay Thường vụ chúng tôi mời anh đến đây để nghe tình hình sức khỏe của cán bộ và nhân dân ra sao và trách nhiệm của ngành y tế thế nào chứ đâu phải để anh dạy chúng tôi thế nào là sức khỏe…
Phó Giám đốc y tế tái mặt, đứng như trời trồng, mất phản xạ đến hàng phút. Nhìn anh rút khăn tay thấm mồ hôi trán, tôi đâm tự ái giùm cho anh, nghĩ: mình mà lâm vào cảnh này chắc gì đã giữ được bình tĩnh.
Sau đó, nhân một bữa hai ba anh em trong Thường vụ ngồi tán gẫu xung quanh chuyện sức khỏe, thuốc men tôi nhắc lại chuyện Phó Giám đốc y tế lâm nạn và nói thật ý nghĩ của mình lúc đó. Đang vui anh nghiêm mặt lại như thể vừa mới cãi với ai chuyện gì, im lặng không nói. Có vẻ như nỗi bực dọc trước bệnh sách vở đã hằng tháng rồi mà vẫn chưa tan trong người anh.
Cuối năm đó, Tỉnh ủy họp để tổng kết và kiểm điểm cá nhân. Mọi người chia về tổ. Riêng Bí thư và Chủ tịch thì được kiểm điểm trước Tỉnh ủy.
Khi góp ý cho đồng chí Bí thư, phần lớn ý kiến đều đánh giá cao những ưu điểm nổi bật của anh, về khuyết điểm thì chỉ có xí nóng nảy, nhưng đó cũng chỉ là cá tính.
Tôi ngồi nghe và nghĩ: với người bình thường nóng tính đã không lợi, huống với người lãnh đạo không thể coi nhẹ. Rồi nói thẳng, đại ý: cái khó của người lãnh đạo là trước cái đáng khóc, khóc không lợi, không khóc; trước cái đáng cười, cười không lợi, không cười. Đó là sự trầm tĩnh chính trị không thể thiếu!
Nói hùng hồn thế nhưng tối về nhớ ông già tôi ngày cụ còn sống thường mắng mấy đứa hay nói xấc “mình là cái chi mà cứ đòi đi dạy khôn họ”, tôi đâm lo. Chẳng sợ thành kiến, chỉ lo mối tình giữa tôi và ảnh vừa mới nhóm đã tắt, uổng.
Không ngờ, sau đó, chẳng những anh không tỏ ra lạt lẽo, xa lánh mà trái lại, càng gần gũi, thân thiết với tôi hơn.
Đến khi tách tỉnh, tôi nghỉ hưu, anh vô làm Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam, sau đó ra Hà Nội được bầu làm Phó Chủ tịch Quốc hội.
Nhưng dù lên Trung ương hay còn ở địa phương, lúc đang còn làm việc cũng như khi được nghỉ để chữa bệnh, anh vẫn luôn giữ mối liên hệ gắn bó với anh em chúng tôi ở nhà.
Riêng với tôi, lần nào về Quảng Nam-Đà Nẵng, nếu thu xếp được, anh chị cũng ghé nhà tôi.
Bà xã tôi và chị Khanh của anh Mai Thúc Lân cũng đều là cán bộ về hưu. Cũng giống như các người vợ, người mẹ Việt Nam khác, mối quan tâm lớn nhất của các bà các chị là làm sao có được những cái ngon nhất, tốt nhất cho chồng, cho con, cho cháu.
Cho nên hễ gặp nhau là chuyện chợ búa, bếp núc, thuốc men như những sợi dây quấn họ lại với nhau không dứt ra được, chẳng họ hàng mà như ruột thịt.
Rồi khi thì chúng tôi ra Hà Nội, lúc anh chị về Đà Nẵng, hộp bánh Hội An, gói trà Bắc Thái, chút thơm thảo trao nhau, thế là khoảng cách giữa vị Phó Chủ tịch Quốc hội với một cán bộ bình thường chẳng thấy đâu nữa.
Trước Tết Ất Mùi không lâu, anh đi chữa bệnh ở nước ngoài về, nghỉ ở Hội An. Một hôm ra Đà Nẵng chơi có ghé thăm chúng tôi.
Vốn nhỏ con giờ trông người càng nhỏ hơn. Ít nói hẳn, chỉ cười hiền, ngồi hỏi thăm người này người kia rồi chăm chú nghe, hai bàn tay xoa vào nhau rồi phủi nhẹ, như có dính gì - anh có thói quen thế. Không ngồi được lâu, anh đứng dậy.
Biết rõ gia đình tôi đang khó khăn nhưng anh ý tứ không hỏi tới. Ra đến cửa, anh nhìn tôi, cái nhìn rất lạ. Tôi nắm tay anh, anh rút nhẹ tay ra, bàn tay gầy và khô như bị phơi nắng, vỗ nhẹ lên mu bàn tay tôi, nói chỉ đủ mình tôi nghe “cố nhé!”.
Vậy đấy, khi đã hiểu nhau đâu cần nhiều lời, chỉ hai tiếng thì thầm mà tôi hiểu ngay tấm lòng của anh. Tôi muốn nói với anh vài lời rằng tôi rất thương anh và xin anh tin rằng tôi sẽ không chịu để cho hoàn cảnh xô ngã…
Nhưng hai hàm răng cứ cắn chặt, tôi biết nếu tôi mở miệng là sẽ không cầm được nước mắt. Tôi đỡ anh xuống tam cấp và định dìu anh ra xe. Nhưng anh gạt nhẹ tay tôi, gượng đi một mình.
Vẫn dáng đi hơi nghiêng về một bên, với những bước ngắn nhưng không còn nhanh như trước nữa.
Vào xe hơi khó. Xe chuyển bánh, tôi nhìn theo bàn tay anh vẫy sau cửa kính, linh cảm báo tôi biết đó là lần cuối cùng được gặp anh.
Tết lại đến.
Nhớ những Tết qua, từ ngày anh ra Hà Nội. Cứ sau giao thừa tôi gọi điện chúc Tết anh. Cũng có năm, anh gọi tôi trước.
Chao ôi, cứ nhớ tiếng anh từ đầu máy bên kia. “Anh Phát đấy à!”. Hỏi mà như reo. Chỉ một tiếng gọi nhau qua nghìn trùng xa cách đủ thấy ấm lòng, thấy ham sống.
Vậy mà, Tết này, anh Lân ơi… Thay vì, sau giao thừa, gọi điện chúc Tết anh, tôi lại phải thắp ba nén nhang vọng về phương Bắc, miệng thầm khấn vái anh mà đầu óc cứ nghĩ đến một nơi mông lung, mịt mùng sương khói, cách rất xa mảnh đất quê hương mà anh hằng yêu mến.
Nơi đó, anh đang nằm một mình, giữa vắng vẻ. Hai bàn tay không còn xoa vào nhau mà thả xuôi, môi mím chặt. Một nhân cách Quảng Nam sôi nổi, cống hiến đến tận giọt sống cuối cùng, từ nay đã im lặng. Im lặng mãi mãi.
PHẠM PHÁT