Báo Đà Nẵng xuân 2017
Ngũ Hành Sơn, đạo Phật và thơ ca...
Ở về phía nam trung tâm thành phố Đà Nẵng khoảng 10km, khu danh thắng Ngũ Hành Sơn gắn liền với làng nghề điêu khắc đá nổi tiếng, ngày nay vừa được quy hoạch thành một khu du lịch tâm linh, mỗi năm thu hút hàng trăm ngàn du khách quốc tế. Lễ hội Quán Thế Âm tổ chức vào mỗi đầu năm âm lịch cũng là một sự kiện văn hóa tâm linh gắn liền với danh thắng có tên tuổi gắn liền với lịch sử xứ Đàng Trong này...
Lễ hội Quán Thế Âm. Ảnh: V.T.L |
Tôi đã nhiều lần đến Ngũ Hành Sơn và làng điêu khắc đá ở đây, và dường như mỗi lần đến là thêm một trải nghiệm mới. Tôi từng ngồi nghe những nghệ nhân lớp trước còn lại như Lê Bền, Nguyễn Sang với những tác phẩm phỏng theo điêu khắc Chăm hay thế hệ sau này như Lê Viết Minh, Nguyễn Long Bửu... “hưởng lộc” từ làng nghề mấy trăm năm với những tác phẩm cách tân, đương đại hấp dẫn du khách bốn phương. Vừa nghe họ nói chuyện, vừa nhìn những đôi tay tài hoa sờ nắn theo từng sớ đá và hiểu ra, họ ở dưới chân những ngọn núi linh thiêng này và sinh sống bằng nghệ thuật, nhưng luôn ôm ấp trong tim mình niềm tin vĩnh hằng về Phật giáo...
Bởi, ngoài cảnh quan, hang động độc đáo, những sự kiện lịch sử, văn hóa đặc thù, ở danh thắng Ngũ Hành Sơn còn có nhiều ngôi chùa cổ nổi tiếng. Các chùa chiền tập trung ở hòn Thủy Sơn như chùa (Chân) Linh Ứng, Từ Tâm, Tam Tâm, Tam Thai. Từ chân núi, muốn lên chùa Linh Ứng phải leo 108 bậc cấp bằng đá, nhưng để đến chùa Tam Thai phải lên đến 156 bậc. Tam Thai chính là ngôi chùa cổ nhất ở đây, gắn liền với các di tích Vọng giang đài, Vọng hải đài, nên thường thu hút nhiều khách đến viếng chùa, vãn cảnh...
Người không theo đạo nào như tôi, đến đây vẫn thấy lòng tĩnh lặng, thoát bỏ được bao nhiêu phiền muộn phía dưới kia...
Chùa Tam Thai, thường được gọi là chùa Trong được dựng từ thời Hậu Lê lúc chúa Sãi Nguyễn Phúc Nguyên trấn lĩnh xứ Đàng Trong (1630). Thiền sư Hòa thượng Hưng Liên đã trụ trì chùa vào cuối thế kỷ 17 truyền bá đạo Thiền Tào Động, được chúa Nguyễn Phúc Chu tôn phong là Quốc sư. Năm 1695, Thiền sư Thích Đại Sán đến thăm chùa, cảm tác bài thơ vịnh núi Tam Thai, đã ca ngợi cảnh động Hoa Nghiêm phía sau chùa...
Chùa bị binh lửa thiêu rụi hoàn toàn vào thời Tây Sơn. Năm Minh Mạng thứ 6, 1825, vua cho phục dựng lại bằng gạch ngói, cho khắc bia Ngự chế Tam Thai Tự, bút tích còn lại đến ngày nay:
Trẫm,
Kính cẩn đức Phật tổ Như Lai đã đem Phật pháp vô thượng ngự vào thế gian. Đức Như Lai thị hiện thập đại công đức, phổ độ hằng tế nhân thiên tận khắp cả mười phương hư không.
Thật đức Như Lai là đấng đại từ ân phúc vậy!
Năm sau, vua lại cho xây hai đường bậc đá dẫn lên núi tồn tại cho đến ngày nay và cho đúc chuông, tượng ban cho các chùa. Năm 1837, vua có sắc chỉ, ban tên cho cả 5 ngọn núi gọi là Ngũ Hành: Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ sơn. Em gái vua là công chúa Ngọc Lan cũng đã đến tu hành tại đây trong một thời gian. Vua Thành Thái sau này cũng đã đi thuyền đến viếng thăm các chùa Tam Thai, Linh Ứng theo đường sông Hàn qua sông Cổ Cò, để cầu nguyện cho quốc thái dân an.
Cơn bão năm Tân Sửu (1901) một lần nữa đã tàn phá chùa Tam Thai và 6 năm sau đó chùa lại được trùng tu. Đến lần trùng tu năm 1995, mái chùa nâng lên hai tầng lợp ngói lưu ly, nóc trang trí lưỡng long chầu nguyệt. Nội thất gồm điện Phật thờ tượng Di Đà Tam Tôn, gian giữa có tượng đức Phật A Di Đà, gian hai bên thờ Bồ tát Quan Thế Âm và Bồ tát Đại Thế Chí. Hai bên tiền đường thờ các tượng Hộ Pháp và Tiêu Diện.
Lễ chùa Tam Thai, thăm động Huyền Không và đến ngồi trên các bệ đá Vọng giang đài, Vọng hải đài để ngắm toàn cảnh sông nước, biển cả, phố xá phía nam Đà Nẵng, Cẩm Lệ cũng là một dịp thư giãn thú vị, gợi cùng lòng người những ý nghĩ thanh cao. Có lẽ vì vậy, bà Bang Nhãn Lê Thị Liễu (1853-1927), một nữ sĩ xứ Quảng đã có bài thơ chữ Nôm vịnh Ngũ Hành Sơn nổi tiếng, trong đó có hai câu tả cảnh chùa:
Núi chen sắc đá màu phơi gấm,
Chùa nức hơi hương khói lẫn mây...
Cụm núi Non Nước cũng là một hòn non bộ độc đáo của tự nhiên gắn liền với bao truyền thuyết và thi ca ở phía bắc xứ Quảng. Nhiều nhà thơ nổi tiếng cận, hiện đại như Phạm Hầu, Quách Tấn đều có thơ khi đến đây. Nổi tiếng nhất là hai câu thơ của một thời tuổi trẻ đau đáu với tình yêu, cái đẹp và cả vận mệnh của non sông:
Lòng xiêu xiêu, hồn nức hương mai,
Rạng đông về thức giấc hoa nhài
Đưa tay ra vẫy ngoài vô tận
Biết phía xa lòng có những ai
của Phạm Hầu, một nhà thơ-họa sĩ tài hoa bạc mệnh quê Gò Nổi, con trai của Tiến sĩ Phạm Liệu.
Một nhà thơ xứ Quảng khác, Luân Hoán, đang ở trời Tây vẫn nhớ về quê hương và da diết nhớ Ngũ Hành Sơn và Tam Thai tự quê anh:
Bay theo chuông mõ Tam Thai tự
lạc vào tranh lụa của người xưa
bồng lai tiên cảnh trong huyền thoại
hẳn cũng cau mày ấm ức thua...
Trước đây, nghe các nhà sư kể rằng ở chùa Tam Thai còn có tấm bia đá đề hai câu thơ của vua Lê Thánh Tông khi ông dừng chân ở đây vào cuối thế kỷ 15:
Nhất thiên niên tiền nhất hải đạo
Nhất thiên niên hậu nhất danh sơn...
Năm thế kỷ đã đi qua cùng với lịch sử mở nước của xứ Đàng Trong, Ngũ Hành Sơn Non Nước, ngoài di sản Phật giáo, cũng đã lưu lại cho chúng ta những vần thơ quý giá...
TRƯƠNG ĐIỆN THẮNG