Đà Nẵng trước thời cơ, thử thách và vận hội phát triển mới

.

Tháng 12-2018 vừa qua, Bộ Chính trị (khóa II) làm việc với Ban Thường vụ Thành ủy Đà Nẵng để tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa IX) về xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Bộ Chính trị thống nhất sẽ ban hành một nghị quyết mới về xây dựng và phát triển Đà Nẵng. Đây sẽ là nghị quyết rất quan trọng và ý nghĩa đối với thành phố, tạo động lực, cơ chế mới để thành phố Đà Nẵng tiếp tục phát triển nhanh, bền vững hơn.

Ảnh: T.THU
Ảnh: T.THU

Về dài hạn, thành phố Đà Nẵng có thể phát triển trở thành thành phố cấp quốc gia, hiện đại; là đô thị trung tâm góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội vùng kinh tế trọng điểm miền Trung và Tây Nguyên. Không gian thành phố cần được phát triển theo hướng toàn diện và bền vững bảo đảm quốc phòng-an ninh. Với tầm nhìn đến 2050, thành phố Đà Nẵng sẽ được xây dựng và phát triển trở thành thành phố đặc biệt cấp quốc gia, hướng tới đô thị cấp quốc tế và phát triển bền vững.

Để hướng đến mục tiêu đó, cần phát triển đô thị Đà Nẵng theo 8 định hướng chiến lược quy hoạch, kiến trúc và cảnh quan.

Phát triển vai trò lãnh đạo của Đà Nẵng - đô thị hạt nhân

Trong vài thập niên vừa qua, Đà Nẵng là một trong những đô thị phát triển nhanh chóng hàng đầu trên cả nước. Dù hiện nay chỉ mới là một trong ba đô thị loại 1 trực thuộc Trung ương (Đà Nẵng, Hải Phòng, Cần Thơ) và là đô thị lớn thứ tư của Việt Nam, nhưng nếu có một chiến lược phát triển phù hợp, thì thành phố Đà Nẵng - đô thị hạt nhân của Vùng Kinh tế trọng điểm miền Trung - có thể sẽ trở thành đô thị đặc biệt trực thuộc Trung ương của Việt Nam, như Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh.  

Trong thời đại toàn cầu hóa hiện nay, sự cạnh tranh giữa các vùng đô thị quốc tế nổi bật hơn lên so với cạnh tranh giữa các đô thị đơn lẻ. Do đó, để Đà Nẵng nhanh chóng trở thành đô thị toàn cầu, Đà Nẵng cần phát triển vị thế đô thị hạt nhân của mình trong quá trình phát huy ưu thế của Vùng Kinh tế trọng điểm miền Trung, trong mối tương quan hội nhập lẫn cạnh tranh với các vùng đô thị quốc gia và quốc tế, như vùng đô thị thành phố Hồ Chí Minh, vùng thủ đô Hà Nội, vùng đô thị Bangkok, vùng đô thị Thượng Hải, vùng đô thị Manila…

Bảo tồn và phát triển bản sắc đặc trưng của đô thị biển - sông - núi

Bản sắc của thành phố Đà Nẵng phát triển với đặc trưng của Đô thị Biển - Sông - Núi. Đây là lợi thế hiếm có của Đà Nẵng so với các đô thị trên thế giới.

Phát triển đồng bộ đô thị xanh tương lai với bao cảnh sông hồ, núi đồi, biển khơi, và với bản sắc văn minh hiện đại, đặc trưng cho đô thị Việt Nam phát triển trong thế kỷ 21. Trong đó, tận dụng các lợi thế về Biển Đông (bãi biển quyến rũ hàng đầu thế giới, với hai trục ven biển: Hoàng Sa-Võ Nguyên Giáp-Trường Sa và Nguyễn Tất Thành gắn với vịnh Đà Nẵng; các khu bến cảng Tiên Sa, Thọ Quang (Sơn Trà) và Liên Chiểu, đóng vai trò cảng cửa ngõ quốc tế trong khu vực miền Trung, là cảng tổng hợp quốc gia, đầu mối khu vực), sông Hàn (đóng vai trò trục giao thông và cảnh quan với bản sắc đô thị sông nước), sông Cu Đê và các ngọn núi đẹp nhất Đà Nẵng bao gồm cụm Ngũ Hành Sơn (di tích cấp quốc gia đặc biệt, danh thắng thiên nhiên đặc sắc, với bản sắc văn hóa tâm linh, sinh thái), bán đảo Sơn Trà (không gian rừng tự nhiên gắn liền biển với nhiều động vật hoang dã quý hiếm,  và du lịch sinh thái), Nam Hải Vân, Bà Nà, Phước Tường.

Phát triển theo hướng bền vững, với quy hoạch xanh và kiến trúc xanh

Phát triển theo hướng quy hoạch xanh và kiến trúc xanh, trong đó không những quy hoạch tổng thể toàn thành phố, mà cả quy hoạch chi tiết của từng dự án cần được phát triển trên tiêu chí gắn bó với thiên nhiên, tiết kiệm năng lượng và thân thiện với môi trường.

Lợi thế về tài nguyên và bao cảnh thiên nhiên, sự năng động của đô thị, giúp Đà Nẵng dễ dàng hơn trong việc phát triển theo hướng quy hoạch bền vững, bao gồm quy hoạch xanh và kiến trúc xanh, quy hoạch TOD - Phát triển theo hướng gắn kết với giao thông công cộng, quy hoạch ứng phó với thiên tai và biến đổi khí hậu, kế hoạch bảo vệ và phát triển nguồn nước ngọt, phát triển hệ thống xử lý nước thải và chất thải để bảo đảm sự ô nhiễm môi trường nằm dưới ngưỡng cho phép; duy trì một tỷ lệ đất nông nghiệp hợp lý, vừa phục vụ một phần nhu cầu lương thực, vừa kết hợp làm không gian vành đai xanh đô thị, kết hợp với việc tổ chức các khu đô thị nông nghiệp và du lịch ở vùng ven là điều quan trọng cho Đà Nẵng.

Phát triển thành đô thị văn minh, hiện đại, đại biểu cho phát triển đô thị Việt Nam

Đà Nẵng là thành phố thuộc loại “trẻ”, công trình xây dựng mới chiếm đa số, nên có nhiều thuận lợi trong việc quy hoạch chiều cao bảo đảm các yếu tố: (1) tầng cao không ảnh hưởng hoạt động không lưu; (2) cụm nhà cao tầng phải kết hợp với phát triển tương lai về giao thông công cộng; (3) các nhà cao tầng phải tạo nên được hình dáng đô thị (skyline) phù hợp với bao cảnh biển, sông núi hùng vĩ xung quanh và địa thế phong thủy kết nối với Ngũ Hành Sơn; (4) hình thức kiến trúc cần phù hợp với điều kiện khí hậu tự nhiên và khuyến khích giải pháp thông thoáng và ánh sáng tự nhiên thay vì nhân tạo.

Đà Nẵng vào xuân. Ảnh: MINH TRÍ
Đà Nẵng vào xuân. Ảnh: MINH TRÍ

Đà Nẵng hiện sở hữu một hệ thống hạ tầng kỹ thuật khá tốt. Tuy nhiên, để đáp ứng nhu cầu phát triển tương lai cho một đô thị văn minh hiện đại, hệ thống hạ tầng kỹ thuật này cần được thường xuyên nâng cấp và mở rộng tương ứng với nhu cầu phát triển đô thị.

Phát triển thành đô thị đáng sống (livable city) hàng đầu tầm quốc gia và quốc tế

Đà Nẵng cần tạo lập một môi trường an cư lạc nghiệp, trở nên đô thị đáng sống-sống tốt tiêu chuẩn quốc tế, đem lại cơ hội sống và làm việc hấp dẫn hàng đầu châu Á, thu hút cư dân từ các tỉnh thành trên toàn quốc cũng như từ các nước tiên tiến trên thế giới đến định cư hoặc tạm trú dài hạn.

Theo đó, cần lưu tâm phát triển các cộng đồng dân cư đa dạng, với quy hoạch hạ tầng xã hội phù hợp với nhu cầu đa dạng của nhiều nhóm cộng đồng dân cư có nhu cầu  sống và làm việc khác nhau, giúp người dân địa phương an cư lạc nghiệp, thu hút cư dân mới từ mọi miền đất nước và từ nước ngoài đến định cư và gắn kết, góp sức đắc lực vào sự phát triển về mọi mặt của thành phố. Ngoài ra, điều này còn tạo không gian mở khuyến khích các hoạt động trao đổi và hội nhập quốc tế giữa người dân Đà Nẵng và người dân các thành phố khác trên thế giới.

Phát triển theo hướng đô thị thông minh

Phát triển đô thị thông minh là một xu hướng toàn cầu hiện nay, trong đó Đà Nẵng có nhiều thuận lợi trong việc tận dụng lợi thế của người đi sau, tiếp thu chọn lọc các bài học kinh nghiệm từ các nước tiên tiến trên thế giới, để ứng dụng vào công tác quản lý và phục vụ đời sống, đem lại hiệu quả kinh tế-xã hội cao. Vấn đề quan trọng nhất hiện nay, là ngay từ giai đoạn đầu phát triển, chúng ta cần lập một chiến lược về xây dựng và phát triển đô thị thông minh giúp Đà Nẵng có thể phát triển khả quan, hài hòa, hợp tác tốt giữa các đơn vị trong thành phố, cũng như giữa thành phố với các đô thị thông minh khác của đất nước trong tương lai, hướng đến những mục tiêu giá trị thống nhất và đến việc cùng nhau đem lại hiệu quả cộng hưởng về mọi mặt trong suốt quá trình phát triển đô thị và phát triển quốc gia.
Trước mắt, Đà Nẵng nên cải tổ hệ thống, đổi mới tư duy quản lý đô thị khoa học, dành ưu tiên cho các lĩnh vực: chính quyền điện tử, quản lý đô thị, giao thông vận tải, hạ tầng, môi trường, tiết kiệm năng lượng, y tế và sức khỏe, an ninh trật tự, giáo dục, viễn thông,…

Trở thành đô thị toàn cầu (global city)

Hướng đến vị thế đô thị toàn cầu, Đà Nẵng cần phát huy bản sắc riêng của mình, thông qua việc xây dựng vai trò các khu đô thị với bản sắc riêng và hoạt động kinh tế đặc thù, như khu trung tâm đô thị kinh tế tài chính hành chính và dịch vụ thương mại đa chức năng phía đông sông Hàn, khu đô thị sân bay quanh sân bay Đà Nẵng, khu đô thị biển quanh cảng biển và dọc theo các khu du lịch biển, khu đô thị sông nước ở hai bên sông Hàn, khu đô thị đại học ở phía bắc và phía nam thành phố, khu đô thị chăm sóc sức khỏe, khu đô thị công nghiệp và công nghệ cao,…

Bên cạnh đó, Đà Nẵng cần có chính sách thu hút các tập đoàn, cơ quan tài chính và dịch vụ thương mại của những nước tiên tiến trên thế giới đến mở văn phòng đại diện hoặc cơ sở sản xuất tại Đà Nẵng, giống như Hong Kong (Trung Quốc) và Singapore, như việc tạo ra môi trường làm việc theo tiêu chuẩn quốc tế, việc lưu tâm giáo dục phổ cập tiếng Anh như ngôn ngữ thứ hai, và việc kiện toàn hệ thống hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội theo chuẩn quốc tế.

Trở thành đô thị khởi nghiệp, sáng tạo

Đà Nẵng là một thành phố có nhiều điều kiện thuận lợi so với các đô thị trên cả nước, trong việc kích thích phát triển các doanh nghiệp khởi nghiệp, sáng tạo. Trước hết, đó là xu hướng phát triển Đà Nẵng thành đô thị toàn cầu, có khả năng thu hút số lượng lớn nhân tài từ trong nước và từ nước ngoài. Thứ hai, là hệ thống giáo dục đại học và nghiên cứu chất lượng cao đã và đang được phát triển, gắn kết với khu công nghệ cao tại Đà Nẵng sẽ tạo thuận lợi lớn cho việc bổ sung nhân lực trong nghiên cứu và phát triển. Thứ ba, sự thuận lợi trong xu hướng phát triển đô thị thông minh có thể tạo tiền đề cho việc khởi nghiệp, sáng tạo trong lĩnh vực công nghệ số và công nghệ thông minh tiên tiến của thế giới. Thứ tư, sự đổi mới không ngừng của Đà Nẵng về cải tiến hệ thống hành chính và chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI cao của thành phố.

Đà Nẵng nên có chính sách đặc biệt ưu đãi khuyến khích các doanh nghiệp tiên phong giúp phát triển khu đô thị sáng tạo tại các vùng đất còn kém phát triển (như khu vực phía tây nam, phía tây và phía bắc Đà Nẵng), sao cho các doanh nghiệp sáng tạo sẽ là nhân tố quan trọng giúp hình thành động lực phát triển cho các khu vực này.

Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND  thành phố HUỲNH ĐỨC THƠ  phát biểu tại kỳ họp thứ 9 HĐND thành phố khóa IX, ngày 19-12-2018. Ảnh: THÀNH LÂN
Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố HUỲNH ĐỨC THƠ phát biểu tại kỳ họp thứ 9 HĐND thành phố khóa IX, ngày 19-12-2018. Ảnh: THÀNH LÂN

Năm 2018, chúng ta thấy rằng có rất nhiều thay đổi, nhiều chủ trương mới của Thành ủy liên quan đến vấn đề định hướng, quy hoạch, phát triển của thành phố…

UBND thành phố Đà Nẵng đứng trước một khối lượng công việc rất nặng nề, vô cùng phức tạp; vừa phải bảo đảm điều hành phát triển tốt kinh tế-xã hội, vừa không để xảy ra sai phạm, vừa khắc phục hậu quả…

Nhưng nhờ sự cố gắng, đoàn kết, sự quan tâm lãnh đạo, chia sẻ của Thành ủy, của HĐND thành phố, cuối cùng chúng ta đồng tâm hiệp lực vượt qua những khó khăn, thử thách để mang lại kết quả cơ bản ổn định trong năm 2018”

TS. Ngô Viết Nam Sơn (*)

(*) TS. Ngô Viết Nam Sơn là một chuyên gia quy hoạch kiến trúc có trên 30 năm kinh nghiệm quốc tế về tư vấn chiến lược, thiết kế, và giảng dạy tại châu Á (Việt Nam, Trung Quốc, Nhật, Philippines, Malaysia, Singapore,…) và Bắc Mỹ (Mỹ, Canada, và Mexico).

 

;
;
.
.
.
.
.