Điểm đến quốc tế

.

Đà Nẵng không những trở thành điểm đến của các sự kiện quốc tế, thu hút đông đảo du khách trong và ngoài nước, mà còn hội tụ các thương hiệu lớn - các tập đoàn quản lý khách sạn nổi tiếng toàn cầu đến đầu tư, góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ, thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao giúp nâng tầm thương hiệu du lịch Đà Nẵng. Song, Đà Nẵng vẫn cần có những giải pháp phát triển du lịch bền vững, xứng danh là “Điểm đến quốc tế”.

Bàn tròn xuân Kỷ Hợi 2019 của Báo Đà Nẵng ghi nhận ý kiến của các chuyên gia, doanh nghiệp, nhà quản lý về vấn đề này.

Ảnh: V.V.ÁNH
Ảnh: V.V.ÁNH

* Ông Ngô Quang Vinh, Giám đốc Sở Du lịch Đà Nẵng: Cần sáng tạo và đổi mới không ngừng

Phát triển du lịch luôn đòi hỏi sự sáng tạo và đổi mới không ngừng trong xu hướng cạnh tranh ngày càng cao giữa các điểm đến; trong lúc yêu cầu ngày càng khắt khe về tính chuyên nghiệp, về sản phẩm dịch vụ chất lượng cao…

Tôi cho rằng, Đà Nẵng cần tiếp tục thu hút đầu tư phát triển hạ tầng, kêu gọi đầu tư xây dựng các sản phẩm mới, nhất là giải trí, mua sắm, du lịch sinh thái; đẩy mạnh công tác quảng bá, xúc tiến du lịch; thường xuyên tổ chức và nâng tầm các sự kiện lớn, tạo tiếng vang để quảng bá thu hút du khách. Bên cạnh đó, cần nâng cao nhận thức của cộng đồng cùng chung sức phát triển du lịch, gìn giữ môi trường du lịch, bảo đảm an ninh, xây dựng điểm đến an toàn, tạo hình ảnh người Đà Nẵng thân thiện, mến khách.

Thành phố đã có những cơ chế chính sách hỗ trợ, kêu gọi, thu hút các nhà đầu tư chiến lược để tạo ra những sản phẩm có chất lượng, hấp dẫn và lan tỏa, thu hút du khách; tận dụng cơ hội từ “điểm yếu” để khai thác thành “điểm mạnh” của mình trong vị trí “tâm điểm đến các di sản thế giới tại miền Trung”.

Đồng thời, thành phố đang triển khai điều chỉnh quy hoạch chung đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050; thuê tư vấn của Công ty tư vấn chiến lược Roland Berger (Đức) thực hiện rà soát, điều chỉnh quy hoạch tổng thể phát triển ngành du lịch đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030; lập đề án Quy hoạch hệ thống cơ sở lưu trú trên địa bàn thành phố đến năm 2020, định hướng đến năm 2030; tiếp tục thực hiện đề án Phát triển mạnh các ngành dịch vụ đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2035; thuê tư vấn nghiên cứu về ngưỡng phát triển du lịch thành phố để bảo đảm phát triển du lịch bền vững…

* Ông Cao Trí Dũng, Chủ tịch Hội Lữ hành thành phố Đà Nẵng: Hạn chế tính thời vụ trong du lịch

Năm 2018 tiếp tục là năm rất thành công của du lịch Đà Nẵng. Điều này chứng tỏ những nỗ lực rất lớn của cơ quan quản lý Nhà nước và cộng đồng doanh nghiệp. Tuy nhiên, có 3 hạn chế lớn nhất của du lịch Đà Nẵng được nhận diện ở thời điểm hiện tại, đó là: thời tiết không thuận lợi vào mùa mưa nên đây là mùa thấp điểm khách; quy hoạch du lịch chưa theo kịp tốc độ phát triển nguồn khách và hệ thống dịch vụ phục vụ; nguồn lực cho công tác quảng bá xúc tiến chưa nhiều và chưa được khơi thông.

Vì vậy, tôi cho rằng, để khắc phục những hạn chế này, cần có kế hoạch tổng thể nhằm hạn chế tính thời vụ trong du lịch, nhất là mùa thấp điểm. Nên huy động trí tuệ của các chuyên gia, các công ty thiết kế sau khi quy hoạch điểm đến chuyên nghiệp sẽ xác định tầm nhìn và triển khai quy hoạch chi tiết. Bên cạnh đó, cần có cơ chế kêu gọi nguồn lực hình thành Quỹ xúc tiến phát triển du lịch thành phố.

Để Đà Nẵng thực sự là điểm đến của khách quốc tế, trước tiên, ngành du lịch thành phố phải có hệ thống sản phẩm điểm đến phù hợp với tài nguyên du lịch và các nguồn khách tiềm năng. Thứ hai, cần có hệ thống cơ sở hạ tầng hiện đại, cơ sở dịch vụ phong phú, hoàn chỉnh, chất lượng cao. Thứ ba, cần hệ thống chính sách quản lý phù hợp, kích thích phát triển, tạo môi trường thuận lợi cho cả doanh nghiệp và du khách. Thứ tư, phải đầu tư nhiều nguồn lực cho công tác quảng cáo, quảng bá, xúc tiến. Thứ năm, chuẩn bị đầy đủ nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu của hệ thống dịch vụ và sự gia tăng nhanh chóng của các nguồn khách.

* Ông Trần Xuân Mới, Giám đốc Công ty Quản lý du lịch cao cấp châu Á: Đột phá để tạo ra các sản phẩm du lịch độc đáo

Đà Nẵng đã có nhiều thay đổi tốt về vấn đề quy hoạch phát triển du lịch, tạo thêm các sản phẩm du lịch cho lữ hành và hệ thống khách sạn theo hướng đầu tư chất lượng hơn, tạo thêm sức hút đối với du khách, quảng bá điểm đến hiệu quả hơn ở trong và ngoài nước.

Theo tôi, cần có chính sách đột phá để tạo ra các sản phẩm du lịch độc đáo. Chẳng hạn, đột phá chính sách ưu tiên cho các dự án đầu tư lớn; chính sách cho các hoạt động văn hóa lễ hội đường phố mang nét văn hóa địa phương vùng, miền, kết hợp các hoạt động giao lưu văn hóa; chính sách cho hoạt động du lịch thể thao biển, đưa biển thành nơi tổ chức các sự kiện thể thao biển thế giới; chính sách đột phá về bảo tồn sinh thái tự nhiên của thể nuôi nhân giống hoặc nhập khẩu thêm động vật cho hệ sinh thái rừng nhằm tăng tính đa dạng của hệ sinh thái du lịch; chính sách khởi nghiệp đổi mới sáng tạo bằng cách đăng cai tổ chức các cuộc thi khởi nghiệp du lịch quốc tế nhằm tìm ra những ý tưởng, mô hình phát triển loại hình sản phẩm du lịch cho Đà Nẵng...

* TS. Lê Đức Trung, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Du lịch Đà Nẵng: Nguồn nhân lực chất lượng là yêu cầu cấp bách

Du lịch Đà Nẵng đang phát triển nhanh chóng nên nguồn nhân lực là yêu cầu cấp bách; trong khi nhu cầu thực tế khoảng hơn 20.000 lao động/năm, khả năng đáp ứng từ các cơ sở đào tạo chỉ từ 3.000 - 3.500 lao động/năm. Điều này cho thấy, tỷ lệ lao động có chuyên môn, nghiệp vụ bài bản tại Đà Nẵng còn thấp, nhất là các vị trí quản lý cấp cao.

Vì vậy, nhà trường từ cấp THPT đến các bậc cao hơn, ngoài việc cung cấp kiến thức và rèn luyện kỹ năng, cần có trọng tâm tuyên truyền, định hướng nghề nghiệp, xây dựng thái độ nghề nghiệp đúng đắn cho học sinh, sinh viên. Cần để sinh viên thấy rằng, trong du lịch, mọi nhà quản trị đều phải kinh qua các bậc từ bậc thấp nhất trong doanh nghiệp và có thể từ những chức danh nhân viên khác nhau.

Bảo đảm nguồn nhân lực du lịch đủ về số lượng, tốt về chất lượng là vấn đề khó khăn, nhưng đây lại là yếu tố hàng đầu để du lịch phát triển bền vững. Hơn ai hết, các cơ sở đào tạo du lịch cần nhận thức sâu sắc về yêu cầu này.

* Ông Nguyễn Đức Quỳnh, Phó Tổng Giám đốc điều hành Furama Resort: Tận dụng tốt “thương hiệu ” sau APEC 2017

Sự kiện Tuần lễ Cấp cao APEC 2017 không chỉ mang lại tiếng tăm cho Đà Nẵng mà còn cho thấy, thành phố có đầy đủ cơ sở vật chất để chào đón những sự kiện lớn, mang tầm cỡ quốc tế với những thương hiệu du lịch lớn như: Furama Resort, Sheraton, InterContinental, Trung tâm hội nghị quốc tế Ariyana...

Sau Tuần lễ Cấp cao APEC 2017, Đà Nẵng đăng cai tổ chức nhiều sự kiện lớn của quốc gia cũng như quốc tế như: Ngày hội khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia - Techfest Vietnam 2018; Kỳ họp lần thứ 6 Đại hội đồng Quỹ Môi trường toàn cầu (GEF)…

Tuy nhiên, nếu Đà Nẵng không tận dụng điều này để tiếp tục các chiến dịch xúc tiến thương hiệu thì tên tuổi của thành phố sẽ không còn gắn liền với APEC. Thành phố cần định hình rõ nét các loại hình du lịch, đặc biệt là các loại hình thế mạnh, phù hợp với nhu cầu khám phá của thị trường, chẳng hạn như du lịch y tế, du lịch sinh thái, du lịch khám phá và du lịch MICE.

Nâng cao chất lượng điểm đến là vấn đề đặt ra, với mục tiêu không chỉ thu hút du khách mà còn giữ khách quay trở lại thành phố.  Trong ảnh: Du khách tham quan động Huyền Không tại danh thắng Ngũ Hành Sơn. Ảnh: K.THỊNH
Nâng cao chất lượng điểm đến là vấn đề đặt ra, với mục tiêu không chỉ thu hút du khách mà còn giữ khách quay trở lại thành phố. Trong ảnh: Du khách tham quan động Huyền Không tại danh thắng Ngũ Hành Sơn. Ảnh: K.THỊNH

Tiềm năng du lịch của Đà Nẵng vẫn còn rất nhiều, chưa được khai thác như: các khu vực miền núi, bán đảo Sơn Trà… Vì vậy, thành phố cần tiếp tục xúc tiến, lôi kéo các sự kiện toàn cầu về Đà Nẵng để khẳng định uy tín, thương hiệu của thành phố bên sông Hàn.

Để đạt được mục tiêu này, ngoài sự quan tâm, hỗ trợ của chính quyền thành phố, bản thân các nhà đầu tư, doanh nghiệp cần nỗ lực nâng cao chất lượng dịch vụ, mạnh dạn chào mời và thu hút đa dạng các dòng khách - trong đó có khách du lịch MICE, bởi lẽ họ cũng chính là cầu nối quan trọng để chúng ta có thể tiếp cận và đưa các hội nghị, sự kiện lớn trong và ngoài nước đến với Đà Nẵng.

* Ông Lê Tấn Thanh Tùng, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Du lịch Việt Nam (Vitours): Doanh nghiệp được hưởng lợi

Năm 2018 đánh dấu sự phát triển mạnh mẽ của du lịch Đà Nẵng với lượng khách đến tham quan và nghỉ dưỡng, nhất là khách quốc tế, đạt mức tăng trưởng cao nhất cả nước cũng như giữ kỷ lục về thời gian liên tục tăng trưởng số lượng khách suốt 20 năm qua.

Các đơn vị cung ứng dịch vụ du lịch xuất hiện nhiều hơn hẳn so với những năm trước. Chất lượng dịch vụ du lịch ngày càng nâng cao, rõ nhất là sự ra đời của nhiều khu nghỉ dưỡng 5 sao, các nhà hàng sang trọng, đẳng cấp cùng đội xe vận chuyển khách cao cấp... Đường bay quốc tế liên tục được xúc tiến mở rộng, đặc biệt là đến các thị trường trọng điểm và thị trường nguồn như: Nhật Bản, Thái Lan, Singapore, Qatar. Sự phát triển nhanh chóng của ngành du lịch giúp những doanh nghiệp như chúng tôi được hưởng lợi.

Năm 2019, tôi mong muốn thành phố đẩy nhanh tiến độ xây dựng cảng Liên Chiểu nhằm giải bài toán về ùn tắc và nguy cơ tai nạn giao thông ở các tuyến đường huyết mạch, tập trung đông du khách lưu thông như đường Ngô Quyền, Hoàng Sa, Võ Nguyên Giáp, Trường Sa, Nguyễn Văn Thoại…

Tôi cho rằng, hiện nay nhiều doanh nghiệp kinh doanh du lịch của Đà Nẵng ở tất cả các khâu: tour tuyến, lưu trú, dịch vụ… có đủ năng lực để tham gia cùng thành phố tổ chức các chương trình, sự kiện lớn. Vì vậy, mong thành phố đẩy mạnh hơn nữa việc thu hút và đăng cai tổ chức đa dạng các sự kiện hoành tráng nhằm tạo cơ hội cho doanh nghiệp được cọ xát, trải nghiệm và có động lực để đầu tư, nâng cao chất lượng dịch vụ; làm quen hơn nữa với các dịch vụ du lịch cao cấp.

THU HÀ - KHÁNH HÒA

;
;
.
.
.
.
.