Khả năng chống chịu cho thành phố phát triển bền vững

.

Biến đổi khí hậu (BĐKH) đang ngày càng trở thành thách thức lớn đối với công tác quy hoạch đô thị, xây dựng các hệ thống hạ tầng kỹ thuật, nhất là ở các đô thị ven biển. Mục tiêu đặt ra cho công tác quy hoạch đô thị, kiến trúc cảnh quan là không chỉ tạo ra những giá trị nâng cao chất lượng không gian sống, mà còn cần tạo ra khả năng chống chịu (KNCC) của đô thị trước những tình huống cực đoan của thời tiết.

Đà Nẵng - đô thị hướng ra biển.  Ảnh: TRIỀU HẢI
Đà Nẵng - đô thị hướng ra biển. Ảnh: TRIỀU HẢI

Mưa to, ngập nặng

Trận mưa lịch sử trong hai ngày 9 và 10-12-2018 khiến nhiều nơi của thành phố ngập trong biển nước với độ sâu trung bình 20-70cm. Nhiều năm qua, chúng ta ít chứng kiến cảnh mưa dầm dề vốn là đặc trưng của khí hậu miền Trung Trung Bộ; thay vào đó, lượng mưa thường chỉ tập trung trong vài ngày theo mùa, nên hệ thống thoát nước của thành phố lần này dường như “gồng mình” hứng chịu trong sự thụ động, bất lực.

Thiệt hại sau trận mưa lịch sử đã rõ: sạt lở nhiều bờ kênh, mương; hàng trăm ô-tô, xe máy chìm trong biển nước; hàng ngàn tấn rác trôi ra biển; hơn 300m bờ biển đẹp nhất hành tinh bị cuốn trôi, để lại hình ảnh khá ngổn ngang. Chưa tính khoản tiền lớn mà người dân phải bỏ ra để sửa chữa thiệt hại nhà cửa do ngập; ngân sách của thành phố cũng tiêu tốn dù chỉ là một trận mưa kéo dài trong hai ngày.

Thiệt hại là vậy, theo thời gian có thể dần khắc phục. Song, sau trận mưa lịch sử, nhiều câu hỏi đặt ra: thành phố đẹp, thành phố đáng sống nhưng tại sao không thể chống chịu nổi một trận mưa lớn? Giải pháp quy hoạch có vấn đề gì không? Với đà tăng trưởng kinh tế như hiện nay, thành phố sẽ có quy mô 2-3 triệu người, liệu hệ thống hạ tầng có thể đáp ứng?...

Một số giải pháp thoát nước bền vững

BĐKH cần được nhìn nhận nghiêm túc cùng những hành động quyết liệt, điều chỉnh quy hoạch chung đang được triển khai là cơ hội để chúng ta thay đổi, nhận thức đầy đủ về thành phố đáng sống. Theo đó, KNCC của thành phố trở thành tiêu chí quan trọng quyết định các giải pháp tổ chức không gian và đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị.

Một số giải pháp tổ chức thoát nước mưa theo nguyên tắc của thoát nước chậm, tránh lượng mưa tập trung lớn trong thời gian ngắn, góp phần nâng cao khả năng chống chịu của đô thị trước diễn biến ngày càng phức tạp của BĐKH:

Thành phố đẹp, thành phố đáng sống nhưng tại sao không thể chống chịu một trận mưa lớn? Giải pháp quy hoạch có vấn đề gì không? Với đà tăng trưởng kinh tế như hiện nay, thành phố sẽ có quy mô 2-3 triệu người, liệu hệ thống hạ tầng có thể đáp ứng?

Trước hết, quy hoạch đô thị theo hướng tạo ra các “bể chứa carbon” đô thị bằng việc cung cấp các không gian xanh, trong đó loại bỏ carbon từ khí quyển thông qua lưu trữ trong sinh khối và sản xuất oxy.

Hệ thống công viên, khuôn viên, vườn dạo rất cần sớm được bổ sung trong quy hoạch phân khu. Việc thu hồi một số khu đất vàng trung tâm để mở rộng không gian xanh là những nỗ lực rất đáng được ghi nhận của chính quyền thành phố.

Ngoài ra, cần tận dụng những khoảnh đất rẻo trong khu dân cư, các mảnh đất không sử dụng vào mục đích phát triển đô thị để trồng cây xanh. Tổ chức các mảng xanh trên mái, trên tường bằng cách phủ xanh các loại cây, giảm sử dụng các hệ thống điều hòa không khí thông thường, góp phần làm giảm nguy cơ lũ lụt.

Mực nước biển dâng là một thách thức đáng kể đối với việc quản lý các rủi ro do lũ lụt, nên cần tổ chức lại cảnh quan khu vực ven biển; tạo ra hành lang bảo vệ biển cùng với ý tưởng hình thành tuyến đi dạo ven bờ làm tăng khả năng phòng chống sạt lở bằng dãy phi lao, dừa biển… Cùng với đó, thu hồi một số dự án để mở lối xuống biển, hình thành các không gian mở chức năng công cộng, tạo ra môi trường sống đa dạng cũng như nhiều lợi ích khác cho cộng đồng.

Hai là, tăng cường cơ sở hạ tầng xanh. Cơ sở hạ tầng xanh có thể được hiểu là mạng lưới không gian với các yếu tố tự nhiên hiện có và giải pháp kết nối cảnh quan của đô thị. Các thành phần của cơ sở hạ tầng xanh bao gồm: cây xanh đường phố, khu công viên, vườn dạo, nghĩa trang, rừng nhỏ, hồ nước, sông, hồ và vùng ngập trũng… Không gian và các hành lang xanh giúp làm mát môi trường đô thị, cải thiện chất lượng không khí và cải thiện dòng chảy bề mặt.

Phương pháp lập kế hoạch cho cơ sở hạ tầng xanh sẽ làm giảm nguy cơ lũ lụt, bảo vệ tòa nhà, cải thiện toàn vẹn sức khỏe con người và sự thoải mái khi đối mặt với lượng mưa dữ dội hơn, nhiệt độ cao hơn.

Cơ sở hạ tầng xanh được kết nối tốt sẽ hình thành hành lang cho quá trình di cư các loài động vật hoang dã trong bối cảnh BĐKH cũng như mang lại những lợi ích lớn hơn như để giải trí, phát triển cộng đồng, đa dạng sinh học, cung cấp nguồn lương thực, thực phẩm…

Ba là, thu gom và tái sử dụng nước. Khi mưa xuống, một phần nước luôn tự thấm xuống đất nuôi dưỡng nguồn nước ngầm; một phần chảy ra ao, hồ, sông, suối; một phần bốc hơi. Đô thị phát triển đồng nghĩa với tình trạng bê-tông hóa, làm giảm đáng kể khả năng tự thẩm thấu của nước mưa. Cùng với đó, chúng ta san lấp, phát triển đô thị, làm mất đi những hồ điều tiết và kênh mương tự nhiên, khu vực có khả năng trữ nước cũng dần mất đi.

Cần sớm trả lại khả năng thẩm thấu nước mưa, các diện tích công cộng lớn như quảng trường, bãi đỗ xe, vỉa hè, thậm chí đường giao thông qua các vật liệu cho nước bề mặt thấm xuống đất. Hiện có nhiều giải pháp thích hợp có thể giảm thiểu úng ngập mà mỗi hộ dân có thể đóng góp công sức vào đó như làm các bể chứa thu nước mưa tại mỗi gia đình, mỗi tòa nhà.

Cách làm này không những vừa cho phép sử dụng nguồn nước tự nhiên trong sinh hoạt, tưới tiêu..., mà còn giảm thiểu đáng kể lưu lượng nước mưa đổ dồn vào hệ thống thoát nước đô thị. Đó cũng là giải pháp quan trọng khi tình trạng thiếu nước sạch ngày càng nghiêm trọng.

Theo tính toán, với lượng mưa hơn 2.500mm/năm ở Đà Nẵng, mỗi hộ dân chỉ cần một bể nước mưa vài mét khối thì cũng đủ dùng để sử dụng các thiết bị vệ sinh hay tưới cây, đồng thời làm chậm dòng chảy nước mưa đi rất nhiều. Có thể xây dựng các bể chứa nước mưa dưới mỗi tòa nhà hay hình thành các hồ điều hòa thu nước mưa trong các khu đô thị mới.

Bên cạnh đó, việc kết hợp với nước màu xám (nước thải sinh hoạt) và hệ thống giúp tái sử dụng nước thải có thể hỗ trợ đáng kể cho nguồn nước sinh hoạt của thành phố trong điều kiện thiếu nước ngày càng nghiêm trọng. Nước xám có thể được sử dụng thay thế cho các nguồn cung cấp thông thường vào các mục đích tưới tiêu trong điều kiện mùa hè nắng nóng, cho các thiết bị vệ sinh và ngay cả các sinh hoạt ngày khác nếu được xử lý triệt để.

Suy cho cùng, mọi sự biến đổi đều đòi hỏi chúng ta có những giải pháp, những nỗ lực để thích ứng. Bài toán BĐKH đang diễn ra cần rất nhiều lời giải. Một số giải pháp nêu trên mang tính kỹ thuật cụ thể, chỉ là một trong những giải pháp thoát nước đô thị bền vững nhằm nâng cao KNCC của thành phố. Điều quan trọng hơn hết vẫn ở ý thức của mỗi chúng ta, từ việc làm lớn cho đến hành động nhỏ, hình thành những thói quen gìn giữ môi trường để góp phần tạo nên “thương hiệu” bền vững của một thành phố đáng sống luôn xanh, sạch, đẹp và yên bình.

Điều quan trọng hơn hết vẫn ở ý thức của mỗi chúng ta, từ việc làm lớn cho đến hành động nhỏ, hình thành những thói quen gìn giữ môi trường để góp phần tạo nên “thương hiệu” bền vững của một thành phố đáng sống luôn xanh, sạch, đẹp và yên bình.

Tô Hùng

;
;
.
.
.
.
.