Một năm chọn việc khó để làm

.

Đà Nẵng đi qua năm 2018 với nhiều thành tích nổi bật. Theo báo cáo tổng kết tình hình công tác năm 2018 tại Hội nghị lần thứ 15 Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố khóa XXI cho thấy: tình hình kinh tế-xã hội thành phố tiếp tục phát triển với 9 chỉ tiêu kinh tế chủ yếu đều tăng trưởng khá, trong đó 6/9 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch.

Tổng sản phẩm xã hội trên địa bàn (GRDP, giá so sánh 2010) ước tăng 7,86% so với năm 2017. Thu hút đầu tư trong nước đạt kết quả khá tích cực, thu hút đầu tư nước ngoài được 117 dự án mới với tổng vốn 153,6 triệu USD, tăng 2 lần so với năm 2017. Lĩnh vực du lịch phát triển sôi động với nhiều hoạt động, sản phẩm du lịch mới, khách du lịch ước đạt 7,66 triệu lượt, bằng 102,5% kế hoạch, tăng 15,5%; tổng thu từ hoạt động du lịch ước đạt 24.060 tỷ đồng, bằng 106,9% kế hoạch, tăng 23,3%.

 Lãnh đạo thành phố và các sở, ngành thị sát khu vực mở đoạn đầu tiên của tuyến đường ven biển phía đông các khu du lịch thuộc quận Ngũ Hành Sơn. Ảnh: HOÀNG HIỆP
Lãnh đạo thành phố và các sở, ngành thị sát khu vực mở đoạn đầu tiên của tuyến đường ven biển phía đông các khu du lịch thuộc quận Ngũ Hành Sơn. Ảnh: HOÀNG HIỆP

Lĩnh vực văn hóa-xã hội đạt được những kết quả ấn tượng: hoàn thành Đề án hỗ trợ sửa chữa, xây dựng nhà ở cho các gia đình chính sách năm 2018 với 2.471 căn nhà được sửa chữa, xây mới, đạt 106,5% kế hoạch. Chương trình giảm nghèo giai đoạn 2016-2020 về đích trước 2 năm với 4.889 hộ thoát nghèo, vượt 19,9% kế hoạch; ước cuối năm 2018 còn 2.319 hộ nghèo, tỷ lệ 0,91%. Trật tự an toàn xã hội được giữ vững, tội phạm tiếp tục được kiềm chế và kéo giảm, tai nạn giao thông giảm cả 3 tiêu chí. Đà Nẵng đã tích cực trùng tu tôn tạo di tích quốc gia đặc biệt Thành Điện Hải, xúc tiến các bước quy hoạch xây dựng một quảng trường trung tâm, trong đó lấy Thành Điện Hải làm lõi với tổng diện tích xây dựng gần 10ha…

Dù thành tựu đạt được lớn lao và đáng khích lệ, song điểm nhấn ghi dấu ấn đậm nét trong lòng người dân ở chỗ: trong năm 2018, lãnh đạo thành phố đã đương đầu với hàng loạt “việc khó” để làm.
Dễ nhận thấy quá trình phát triển thành phố trong hơn 20 năm qua, kể từ ngày thành phố Đà Nẵng trực thuộc Trung ương, không thể tránh khỏi va vấp, thậm chí từng xảy ra những việc làm, những quyết định sai trái. Có thời điểm, vì nhiều lý do, có thể do mong muốn phát triển “nóng” để tăng nguồn thu, có thể do cách nhìn nhận chưa thật sự thỏa đáng, hài hòa về lợi ích giữa doanh nghiệp và người dân, có lúc chúng ta chưa thực sự quan tâm đến lợi ích của cộng đồng. Việc đánh giá lại những ưu, khuyết điểm, tìm biện pháp khắc phục để người dân được thụ hưởng, dẫu khó mấy cũng phải làm cho bằng được.

Trước thực tế đó, lãnh đạo đương nhiệm của Đà Nẵng một mặt kế thừa, phát huy những thành quả đã đạt được, đồng thời phải đối mặt để giải quyết rốt ráo những tồn tại là điều đương nhiên, là việc phải làm. Vấn đề quan trọng là Đà Nẵng dũng cảm nhận diện thực trạng một cách chính xác, từ đó khẩn trương sửa chữa những bất hợp lý với mục tiêu phát triển bền vững, bảo đảm quyền lợi chính đáng cho người dân. Trong đó, đáng kể nhất là việc xử lý hàng loạt dự án, khu đất sai phạm để làm công viên vườn dạo, bãi đỗ xe công cộng phục vụ cộng đồng; đặc biệt là mở các lối xuống biển phục vụ nhân dân.

Còn nhớ ngay từ đầu năm, trong buổi làm việc với lãnh đạo quận Ngũ Hành Sơn (nơi có 12km bờ biển đã có 33 dự án du lịch, người dân muốn ra biển thì bị ngăn cách bởi các dự án và khu nghỉ mát), Bí thư Thành ủy Trương Quang Nghĩa dành sự quan tâm đặc biệt, đặt thẳng thắn vấn đề mở đường thông ra biển:“Chúng ta phải nghiên cứu mở lối ra biển, bởi Ngũ Hành Sơn mà không có biển thì không ra cái gì cả. Bờ biển phải là của chung, của cộng đồng, chứ không của một nhà đầu tư, khu nghỉ mát nào hết”; “thành phố rà soát lại tất cả các dự án và chọn điều chỉnh những vị trí phù hợp bảo đảm các lối xuống biển đàng hoàng cho người dân. Để người dân luôn có cảm nhận bờ biển đó thuộc về mình”. Và không chỉ là mở lối xuống biển, mà quan trọng là mở mặt tiền biển thúc đẩy đô thị, phát triển kinh tế và dịch vụ ven biển. Suốt năm 2018, dù bận rộn bao nhiêu công việc, Bí thư Thành ủy Trương Quang Nghĩa vẫn dành sự quan tâm đặc biệt đến tiến độ mở lối xuống biển. Cuối năm này, khi những lối xuống biển dần hiện rõ hình hài, trong niềm hân hoan khó tả, người dân cảm nhận rất rõ: “Đường ra biển rộng - đường đến lòng dân” có ý nghĩa thiêng liêng nhường nào!

Trong năm, không ít lần lãnh đạo thành phố chấp nhận “đụng chạm”, thậm chí xung đột trực diện lợi ích với các nhà đầu tư. Có những thời điểm lãnh đạo thành phố phải chống chọi với cơn bão dư luận và mạng xã hội, điển hình như việc cương quyết thu hồi lại đất, hủy kết quả đấu thầu đối với Công ty CP Vipico. Căng đến mức chính quyền thành phố phải chấp nhận sẵn sàng mời doanh nghiệp ra tòa nếu không đồng thuận.

Rồi vào đầu tháng 12-2018, đã qua hăm ba tháng mười âm lịch, ngỡ một năm mưa bão đã qua thì những trận mưa lớn chưa từng có, xối xả đổ ập về Đà Nẵng. Nhiều khu vực dân cư chìm trong biển nước, trời đất như muốn thử thách sức chịu đựng của người Đà Nẵng. Sát cánh cùng người dân chống chọi thiên tai, lãnh đạo thành phố có mặt ở hầu hết các điểm xung yếu chỉ đạo công tác chống ngập và gánh chịu không ít lời chỉ trích về quy hoạch đô thị... Ngay sau khi ngớt mưa, giữa ngổn ngang gãy đổ, lãnh đạo thành phố lại một lần nữa cùng nhân dân khắc phục hậu quả, đưa đời sống người dân trở lại bình thường…

Đã có những thời điểm, lãnh đạo thành phố phải hứng chịu những lùm xùm, tai tiếng về các quyết định của mình. Có người áp đặt rằng những quyết định đó đi ngược với chủ trương “Năm đẩy mạnh thu hút đầu tư”(?), thậm chí có cả lời chế giễu gièm pha thiếu chuẩn mực, không mang tính xây dựng. Những người làm công tác truyền thông trên địa bàn thành phố Đà Nẵng nhiều  lần băn khoăn, liệu thành phố có nản lòng khi đương đầu việc khó hay không? Và câu trả lời là KHÔNG! Thậm chí, ở những thời điểm nước sôi lửa bỏng như vậy, lãnh đạo thành phố vẫn duy trì, không né tránh “câu hỏi khó”, thậm chí còn thắt chặt, tương tác nhiều hơn với báo giới để kiên trì giải thích về những quyết định đúng đắn của mình. Sự kiên định, tự tin trong các quyết sách của Đà Nẵng có điểm xuất phát và cũng là điểm đến: đó là mục tiêu vì sự phát triển bền vững. Bởi vậy, dù  khó khăn gian khổ đến mấy cũng phải bằng mọi cách hướng về lợi ích cộng đồng!  

Chúng ta có niềm tin rằng khi các quyết sách của lãnh đạo luôn hướng về mục tiêu đáp ứng quyền lợi chính đáng của người dân, được thực hiện bằng các biện pháp phù hợp để an dân bền vững, người dân sẽ ghi nhận, thấu hiểu, từ đó đồng lòng ủng hộ. Với nhiệt huyết, tình yêu Đà Nẵng, người dân tiếp tục đồng lòng xây dựng thành phố giàu đẹp hơn và mỗi người dân sẽ được thụ hưởng thành quả đó!     
Những ngày cuối tháng 12-2018, có một niềm vui rất lớn lao đến với người dân Đà Nẵng. Đó là sự kiện Bộ Chính trị (khóa XII) làm việc với Ban Thường vụ Thành ủy Đà Nẵng nhằm tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa IX) về xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và thống nhất ban hành nghị quyết mới về phát triển thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn 2045.

Với tinh thần đoàn kết, đồng thuận, biết khai thác tiềm năng, lợi thế, đổi mới, sáng tạo, tranh thủ các nguồn lực, quyết tâm trong xây dựng thành phố và đặc biệt là dám đương đầu với khó khăn, thử thách, hy vọng trong năm 2019 và những năm tiếp theo, Đà Nẵng sẽ có bước tiến mới vượt bậc, từng bước khẳng định vai trò quan trọng của Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, góp phần tạo sức lan tỏa, thúc đẩy liên kết vùng và hội nhập quốc tế; là điểm đến thân thiện, an toàn, hấp dẫn của bạn bè trong nước và khách thập phương!

Chúng ta phải nghiên cứu mở lối ra biển, bởi Ngũ Hành Sơn mà không có biển thì không ra cái gì cả. Bờ biển phải là của chung, của cộng đồng, chứ không của một nhà đầu tư, khu nghỉ mát nào hết”; “thành phố rà soát lại tất cả các dự án và chọn điều chỉnh những vị trí phù hợp bảo đảm các lối xuống biển đàng hoàng cho người dân, để người dân luôn có cảm nhận bờ biển đó thuộc về mình”

Bí thư Thành ủy Trương Quang Nghĩa

NGUYỄN ĐỨC NAM
 

;
;
.
.
.
.
.