Báo Đà Nẵng xuân 2019
Hương Tết
Có những mùi, những vị mà chỉ cần nghe thoảng trong gió xuân đưa đẩy là thấy như Tết đến thật gần. Đó là mùi của cỏ cây hoa lá, mùi của bánh mứt, mùi âm trầm của khói hương... Tháng Chạp cũng là tháng những mùi, vị ấy nồng nàn nhất. Nhân cơ hội ấy, tôi và cô bạn đồng nghiệp làm một cuộc hành trình đi nghe mùi hương Tết.
Mỗi bận tháng Chạp sang là người cứ muốn tìm lại những mùi hương xưa cũ đã bện vào da thịt mình. Có nơi nào mà chỉ cần đến đó thôi là sẽ tập trung tất cả mùi hương Tết? Nhớ lại cuộc trò chuyện nơi góc bếp của hai mẹ con ngày ấy: “Mỗi dịp Tết về, mẹ thích nhất là lội chợ. Hết mua thứ này lại đến thứ kia. Nhìn đâu cũng thấy thứ cần mua. Đồ dùng cho gian bếp này, rồi cần một vài lon đậu ván, đậu đen rang để hãm trà cho mùa se se lạnh này, nghía sang hàng áo quần lại nghĩ đến cái áo của ba đã bạc màu.
Đến khi chiếc giỏ nặng trĩu thì hương thơm của chiếc bánh thuẫn vừa đổ nơi góc chợ lại níu chân mẹ, nhớ đến ánh mắt háo hức của mấy đứa con ở nhà… Mẹ cũng thích được hòa vào cái không khí nườm nượp, đông vui ở chợ.
Nơi đó, mẹ gặp những cô, bác hàng xóm, cả những người bạn thân xưa cũ nhưng không dễ gì hẹn hò. Mẹ vui khi nghe bao tiếng chuyện trò không ngớt của người mua-kẻ bán. Len lỏi trong không khí rộn ràng đó là đủ thứ mùi, vị mà chỉ nghe thôi đã thấy thật hạnh phúc với hương Tết quê nhà”.
Vậy là, chúng tôi làm một cuộc hành trình qua các khu chợ của Đà Nẵng.
Đầu tiên, chúng tôi ghé hàng bánh ở chợ An Hải Đông (quận Sơn Trà). Người ra kẻ vào nườm nượp, những câu chuyện bếp núc, giỗ chạp dường như cứ kéo dài mãi và mùi thơm của bánh, mứt thì cứ thế đưa thẳng vào mũi. Vậy là thấy như Tết đã cận kề. Quầy bánh của bà Thu đã tồn tại ở chợ này ngót 20 năm. Nói là quầy cho sang chứ thực ra chỉ là một cái bàn gỗ nhỏ vẻn vẹn vài mét vuông, bày biện biết bao loại bánh, mứt truyền thống. Từ nia mứt gừng cay, mứt dừa bắt mắt đến bánh thuẫn, bánh gai, bánh tai heo, thèo lèo…
Những thứ kẹo bánh ngọt thơm này như quyện vào nhau, vun đầy cho ngày Tết thêm ý nghĩa. Để làm ra cả mâm bánh Tết này, bà Thu chỉ ngồi chợ buổi sáng, còn từ chiều đến tối mịt, bà cùng 2 đứa cháu trong nhà xoay quanh nào bột, đường, đậu, nếp. “Đổ bánh, mứt quanh năm nhưng rộ nhất là mùa tháng Chạp.
Với bánh thuẫn thì nguyên liệu đơn giản chỉ từ bột, trứng, và quy trình cũng không mấy phức tạp như những loại bánh khác, nên chỉ cần ai siêng là làm được. Các loại mứt gừng, mứt dừa, mứt nghệ cũng vậy. Dù cuộc sống có hiện đại tới đâu, bánh ngoại nhập các loại rẻ tới mức nào, thì các thứ bánh, mứt cổ truyền này vẫn có chỗ đứng riêng”, bà Thu nói. Rời khỏi hàng bà Thu, chúng tôi ghé hàng bánh chưng, tét của vợ chồng ông Vân-bà Bích.
Hai ông bà người Hội An, buôn bán ở chợ này đã 30 năm có lẻ. Nhìn những đòn bánh tét, bánh chưng xanh vuông vắn được ông Vân xếp đặt ngay ngắn trên cái nia mây, tôi có cảm giác mùi khói hăng hắc từ bếp củi còn ám lên vỏ bánh. Nhớ lại ngày nhỏ, năm nào mà gia đình nội hay ngoại tổ chức nấu bánh chưng là Tết như đến sớm hơn.
Trong cái se lạnh của ngày cuối năm, mẹ và các dì vừa gói bánh vừa chuyện trò sôi nổi, lũ trẻ thì lăng xăng chạy tới chạy lui thêm củi cho nồi bánh đang sôi sùng sục. Ông Vân bảo, bánh trái giờ có quanh năm nhưng phải đến Tết thì cái bánh chưng ăn với chén dưa kiệu mới khiến người ta gật gù tán thưởng. Chỉ cần mua cái bánh chưng về là đã thấy thèm lắm cái Tết sum vầy bên gia đình.
Ngày xưa, cứ giáp Tết là mẹ sẽ ra chợ dặn cá thu ở hàng quen. Dẫu cá thu năm nào cũng đắt nhưng mẹ vẫn phải mua bằng được. Mẹ bảo: “Trên mâm cơm ngày Tết phải có đủ đầy thịt, cá. Cá thu không chỉ ngon mà còn có ý nghĩa “thu vào””.
Đến hàng cá của chị Ánh ở chợ Đống Đa, trước chúng tôi đã có 3, 4 chị đang xúm xít xoay quanh những con cá mắt xanh căng tròn, họ nói với nhau: “Cá tươi quá, phải tranh thủ mua để đầu năm có cá mà cúng chứ thường tàu bè phải qua Rằm mới đi lại”. Sau khi hỏi ý từng người muốn lấy đầu hay đuôi, chị Ánh nhanh nhẹn cắt cá thành từng khoanh đều tăm tắp. Dường như, hương xuân khiến cho những người xa lạ xích lại gần nhau hơn.
Trong lúc chờ đợi, họ bày vẽ cho nhau cách chiên cá làm sao vàng đều hai mặt mà không văng dầu, cách làm chả cá thu sao cho dẻo dai để ăn chống ngán những ngày Tết nhiều thịt… Không khí bán-mua rộn ràng giữa hàng cá tanh tao vẫn khiến lòng người bồi hồi. Đâu đó, có hàng cá dọn trễ nên chủ hàng thắp vài ba cây nhang cầu xin mua may bán đắt. Mùi nhang thơm làm người ta vừa ngửi đã thấy nôn nao muốn về nhà.
Cô bạn đồng hành kể: “Ngày xưa cứ độ Rằm tháng Chạp trở đi là mẹ mình bắt đầu thắp hương trầm. Nghĩ thật lạ, những ngày Rằm, mồng Một hằng tháng đều thấy mẹ thắp hương nhưng hương ngày Tết luôn có điểm rất đặc biệt, làm người ta vừa ngửi đã thấy xốn xang. Phải chăng vì Tết, nhà nào cũng chọn loại hương trầm thơm nhất để cúng ông bà?”.
Sau Rằm tháng Chạp là đến lễ tiễn ông Táo, rồi nhà nhà cúng Tất niên. Mùi nhang hương vì thế luôn gợi đến không khí ấm áp sum họp, mùi “rất Tết” mà chỉ có đi giữa đất trời Xuân, nắng nhẹ, có thể mưa bay bay, nghe mùi nhang thấy lòng ấm lại, thanh tịnh, dù giữa bao nhiêu con người đang lướt qua nhau trong vội vã của những ngày cuối năm... Nghĩ vậy, hai đứa tôi lại nắm tay nhau ghé hàng bán nhang trầm.
Mẹ nói đúng thật. Chợ Tết là một thứ đẹp đẽ mà nếu chỉ ngồi trên xe, lướt qua chợ mua những thứ đã lên danh sách tại nhà sẽ không bao giờ cảm nhận được.
Quỳnh Trang