Báo Đà Nẵng xuân 2019
Phong bao lì xì nét truyền thống trong phong cách mới
Chiếc bánh chưng xanh dâng Mẹ trước/ Bao lì xì đỏ tặng em sau (Trần Bảo Kim Thư)
Lì xì là cách gọi của tục lệ người lớn mừng tuổi người trẻ hơn, nhất là trẻ em, vào dịp Tết Nguyên đán ở các nước Á Đông và Việt Nam. Người ta đặt tiền vào chiếc phong bao nhỏ màu đỏ tặng nhau để lấy hên ngày xuân. Nếu người trẻ tuổi tặng người lớn hơn thì không gọi “lì xì” mà là “mừng tuổi”.
Niềm vui khi nhận phong bao lì xì. Ảnh: PHAN NGUYỆT |
Tết đến xuân về, trẻ con được người lớn lì xì, con cháu mừng tuổi ông bà, bạn bè chúc nhau sức khỏe hạnh phúc. Tất cả đều được gửi gắm vào chiếc phong bao đỏ thắm.
Nói phong bao lì xì là “cánh én” báo tin Xuân cũng không ngoa. Hơn tháng trước khi Tết đến, các quầy văn hóa phẩm, nhà sách, ngay cả các chợ đã bắt đầu bày bán mặt hàng “hot” nhất vào mỗi dịp cuối năm này. Trên trang mạng xã hội, việc quảng cáo bán bao lì xì “sỉ, lẻ, giá rẻ bất ngờ” từ các nhà in lớn ở hai đầu đất nước cũng như các cá nhân bán hàng qua mạng đã bước vào giai đoạn “trăm hoa đua nở”.
Nếu như suốt một thời gian dài, bao lì xì truyền thống được làm bằng giấy màu đỏ (hồng bao) và in hình con giáp của năm kèm câu chúc may mắn thì những năm gần đây, một trào lưu mới về thiết kế độc, lạ đầy cá tính, đậm chất “cư dân mạng” ra đời đã làm thay đổi hẳn diện mạo của loại hình phong bao truyền thống.
Xu hướng quay về với màu sắc, chất liệu mộc mạc cổ điển (vintage) ít nhiều ảnh hưởng đến cách chọn chất liệu và thiết kế hình ảnh trên bao lì xì hiện nay. Không chỉ dùng giấy kraft, loại giấy với tên gọi thông dụng xưa nay là “giấy xi-măng”, hay giấy thô in hoa lá, mà mẫu bao lì xì mới còn được thiết kế dễ thương, ngộ nghĩnh; thậm chí còn được in kèm câu nói dí dỏm, hài hước về Tết: Tết… gia đình trên hết! Xuân Kỷ Hợi là xuân không chờ đợi, quẹo trái gắp phú quí, rẽ phải đụng an khang… Hay những câu hí ngôn đậm chất bùng nổ của “cư dân mạng” như: Nếu lì xì là sai… thì anh không cần đúng; Dành cả thanh xuân để đợi lì xì…
Chị Lê Nguyên, chủ nhân một trang bán lẻ bao lì xì trên mạng cho biết, giới trẻ hiện nay chuộng mốt bao lì xì kiểu “đẹp, độc, lạ”. Nhất là những câu chúc càng hài hước, ngộ nghĩnh kiểu “sát thủ đầu mưng mủ” hay ăn theo các nhân vật sự kiện phim ảnh thì càng được săn lùng. Giá mỗi xấp bao lì xì (10 cái) kiểu mới dao động từ 15.000 đồng đến 25.000 đồng, vậy mà không ít người sẵn sàng chi tiền mua cả chục xấp.
Một số mẫu bao lì xì năm Kỷ Hợi của chị Lê Nguyên với những câu chúc dí dỏm. Ảnh: N.H |
Trước câu hỏi vui: Mua nhiều vậy tiền đâu lì xì cho đủ? Một sinh viên Trường Đại học Duy Tân Đà Nẵng dí dỏm trả lời: Lì xì không quan trọng ít hay nhiều, quan trọng là thần thái! Nhiều bạn trẻ còn bật mí, nhiều khi mua cái bao lì xì hết 3.000 đồng nhưng tiền mừng tuổi bên trong chỉ vẻn vẹn 2.000 đồng. Chủ yếu là đem lại cho nhau niềm vui đầu năm mới…
Theo anh Nguyễn Ngọc Anh Tuấn, người có thâm niên kinh doanh in ấn thiệp cưới, bao lì xì ở 20 Hải Phòng, hầu như mặt hàng bao lì xì mang phong cách mới này đều được bán qua mạng và giao hàng đến tận nơi. Nếu khéo quảng bá, mỗi mùa có khi bán đến hàng chục ngàn chiếc chứ chẳng chơi…
Việc chọn một bao lì xì để có thể chuyển tải tấm lòng của người trao đến người nhận là cả một sự kỳ công. Vì thế, nhiều bạn trẻ còn có sở thích tự thiết kế cho mình những bao lì xì có “1-0-2” (có một không hai). Những bao lì xì tự làm này có số lượng cực kỳ giới hạn và chỉ dành riêng cho người đặc biệt yêu thương.
Vậy đấy, dù phong bao lì xì ngày nay đã đổi màu, thay mẫu mã, không còn mang hình hài như thuở mới “khai sinh” thì vẫn vẹn nguyên là “cánh én” trao gửi yêu thương mỗi dịp xuân về…
Như Hạnh