Báo Đà Nẵng xuân 2019
Ngày xuân nhớ bánh quê nhà
Tôi thật cực đoan khi cứ quả quyết rằng, không khí ngày giáp Tết cổ truyền, chỉ có ở quê mới ấm áp và đủ đầy ý nghĩa. Nàng xuân chầm chậm nhẹ bước trong cái lạnh se sắt, trong cơn mưa rả rích, ở quê thì lại tất bật với bao nhiêu là việc, như thể cả năm dồn về. Nào nhổ cỏ bón phân cho ruộng lúa đương thì con gái. Nào dọn dẹp cửa nhà, đường đi lối lại. Nào hái lá, chăm chút cho mai nở đúng độ. Nào chăm bón vườn rau, luống kiệu, luống gừng…
Và dù có nghèo khó bao nhiêu, nhà nào cũng phải “no ba ngày Tết”. Tết là phải tươm tất, phải no đủ tươi vui mới mong năm mới thêm nhiều may mắn và tài lộc. Mười ngày giáp Tết là khoảng thời gian bận rộn mà cũng thú vị nhất. Những nhọc nhằn ngày thường như tạm lắng xuống, thay vào đó là tấm lòng thành kính hướng về cội nguồn qua việc làm bánh. Rất nhiều loại bánh được thành hình qua bàn tay của các bà các mẹ. Bánh ú, bánh tét, bánh chưng, bánh ít, bánh lăn, bánh khô bàn, khô khảo… Trong vô số các loại bánh trái ấy, bánh tổ thuộc loại đặc sản của xứ Quảng.
Trên mâm cỗ cúng gia tiên chiều ba mươi, bánh tổ là một trong những món “mặc định”, không thể thiếu. Bánh tổ gắn liền với huyền thoại về mẹ Âu Cơ, và sau này là vị anh hùng áo vải cờ đào Nguyễn Huệ. Tương truyền rằng, loại bánh này được chọn làm lương thực trong suốt những ngày dài của hành trình lên rừng xuống biển của trăm người con trong cuộc hành quân thần tốc của nghĩa quân Tây Sơn. Người Quảng làm bánh tổ ngày Tết là thể hiện tấm lòng thành kính dâng lên tổ tiên. Bánh tổ, vừa ngon, vừa mộc mạc chân chất, mang đậm bản sắc xứ Quảng.
Cùng với bánh tét, bánh tổ thuộc loại bánh dễ làm và để dành được lâu nhất mà không cần đến chất liệu hay phương tiện bảo quản nào. Nguyên liệu chủ yếu là nếp và đường tán, theo tỷ lệ 500gr nếp: 300gr đường: ½ lít nước. Chọn loại nếp dẻo và thơm như nếp Cái hoặc nếp Hương bầu, đãi và vo sạch, để ráo. Sau đó cho vào cối xay hoặc giã, dùng rây rây bột cho mịn đều.
Gừng tươi giã dập, chắt lấy vài muỗng cà-phê và nước đổ vào nồi bắc lên bếp cho sôi, đường tán chặt ra thành nhiều miếng, thắng cho tan ra, đến khi nghe dậy mùi thơm lừng là lúc đường đến nước. Nước đường thắng xong phải lọc sạch để nguội. Cho dần dần vào bột nếp, trộn nhuyễn. Khuôn bánh tổ ngày xưa gồm hai lớp. Lớp mềm là lá chuối sứ tươi, hơ qua lửa và lau sạch. Xấp đôi, cắt và chằm lá theo hình cái mo đài thu nhỏ, đường kính khoảng chừng 20cm. Đặt vào khuôn bên ngoài rộng hơn một tí, bằng tre đan thành rọ như kiểu đan giỏ chè. Cho hỗn hợp bột nhuyễn vào hai phần ba khuôn lá. Xếp bánh theo từng lớp vĩ tre, để vào nồi hấp, đậy vung kín.
Thường người ta hay đậy thêm lớp là chuối dưới vung. Thời gian sôi là năm hương (đốt tàn năm cây hương liên tiếp, là khoảng 3-4 giờ tùy theo ổ bánh to hay nhỏ). Bánh vừa chín, đem ra rắc mè rang chín, bóc sạch vỏ lên trên và để nguội. Hai ba ngày sau, bánh mới thật thơm và thấm. Bánh tổ để nơi khô ráo, cả tháng cũng còn ăn được. Nếu bánh bị mốc, cần cắt bỏ lớp mốc phía trên, cắt thành từng lát, hấp hay chiên, nướng đều rất ngon. Có thể nhâm nhi lát bánh dẻo thơm với bát nước chè xanh cùng anh chị em hay bà con chòm xóm. Bánh tổ không đẹp sang như bánh gừng, mà mang vẻ chân chất, mộc mạc như người dân xứ Quảng.
Những ngày giáp Tết, mẹ thường hấp bánh vào ban đêm để tiết kiệm thời gian. Nhớ nhất cái không khí rộn ràng của cả nhà chụm lửa chờ bánh chín. Tiếng củi nổ lép bép. Tiếng nước sôi sùng sục. Vừa canh lửa, cả nhà vừa đúc bánh khô bàn, rim mứt hoặc búi củ kiệu dầm nước mắm. Nói cười râm ran. Khuôn mặt trẻ thơ cứ ửng hồng dù ngoài kia giá rét. Những cây củi to nhất giàn được lấy ra hấp bánh cho đượm lửa. Ba ông táo ngày thường quạnh quẽ nơi góc bếp, cuối năm được sưởi ấm bởi các nồi bánh to suốt mấy đêm liền.
Bây giờ, dù ngày Tết không còn là nỗi mong chờ thiết tha như thời thơ ấu, nhưng hương vị ngọt ngào của bánh tổ, cái ý vị của những ngày giáp Tết nơi quê nhà vẫn vẹn nguyên trong tôi, trong hơi xuân lành lạnh. Tôi vẫn cứ tin rằng tấm lòng thành kính của con người xứ Quảng hướng về tổ tiên mãi hiện hữu trên từng ổ bánh thơm ngon đậm đà.
NGUYỄN THỊ DIỆU HIỀN