Nghị quyết mới tạo cơ hội bứt phá mạnh mẽ cho Đà Nẵng

.

PGS.TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ, nhấn mạnh như vậy trong cuộc trò chuyện đầu năm mới 2019 với Báo Đà Nẵng khi Bộ Chính trị thống nhất ban hành một nghị quyết mới phát triển Đà Nẵng sau khi làm việc với Ban Thường vụ Thành ủy Đà Nẵng tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW của Bộ Chính trị “Về xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”.

PGS.TS Trần Đình Thiên cho biết:

- Đà Nẵng là một trong 5 thành phố trực thuộc Trung ương được Bộ Chính trị ban hành một nghị quyết riêng về phát triển. Việc ban hành nghị quyết phát triển riêng chỉ cho một số địa phương tự nó đã hàm nghĩa sự thừa nhận vai trò đặc biệt to lớn của các địa phương này trong sự phát triển đất nước. Sự thừa nhận đó có cơ sở từ việc xác định chức năng của mỗi địa phương trong cơ cấu phát triển của mỗi vùng và cả nước.

 

Kỳ vọng cao hơn, trọng trách lớn hơn

* Theo ông, việc Bộ Chính trị thống nhất ban hành một nghị quyết mới phát triển Đà Nẵng có ý nghĩa như thế nào đối với thành phố Đà Nẵng?

- Đối với Đà Nẵng, việc Bộ Chính trị thống nhất chủ trương ban hành một nghị quyết mới – sau khi tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết 33-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa IX) “Về xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước” thực sự có ý nghĩa đặc biệt quan trọng.

Trước hết, nghị quyết này định vị lại thế và lực phát triển của Đà Nẵng sau một quá trình phát triển đặc biệt sôi động, tạo thành mặt bằng xuất phát cho giai đoạn phát triển mới.

Thứ hai, nghị quyết này xác định chức năng của Đà Nẵng trong tổng thể phát triển vùng và quốc gia, với những yếu tố nội hàm mới, trên cơ sở làm rõ sự thay đổi sâu sắc của bối cảnh, điều kiện phát triển cũng như thực lực mới của Đà Nẵng.

Thứ ba, nghị quyết mới tạo cho Đà Nẵng một nguồn động lực phát triển mới mạnh mẽ, thông qua việc bảo đảm cho Đà Nẵng sự chủ động, sáng tạo cao hơn, gắn với trách nhiệm rõ ràng hơn.

Những định hướng nêu trên của Bộ Chính trị, nếu được thể chế hóa, luật pháp hóa cụ thể, sẽ mang lại cho Đà Nẵng động lực để huy động tiềm năng, lợi thế và sức mạnh năng động, sáng tạo của thành phố để tạo sự bứt phá mạnh mẽ trong giai đoạn tới.

* Phải chăng với việc sẽ ban hành một nghị quyết mới, Bộ Chính trị, Trung ương rất quan tâm đến Đà Nẵng và vai trò của Đà Nẵng đối với khu vực và của các nước, thưa ông?

- Đúng là như vậy. Bộ Chính trị ban hành nghị quyết riêng cho Đà Nẵng là định rõ chức năng để giao trọng trách, là thể hiện niềm tin vào năng lực của Đà Nẵng trong việc góp phần giải quyết các vấn đề phát triển của vùng và của cả nước. Tôi xin nhấn mạnh: ban hành nghị quyết riêng cho Đà Nẵng không có nghĩa là tạo cơ hội riêng, là ưu ái và dành sự thiên vị phát triển cho Đà Nẵng, để Đà Nẵng tiến vượt một mình. Nghị quyết riêng là để giúp Đà Nẵng trở thành một trung tâm, động lực phát triển vùng, lan tỏa phát triển và thúc đẩy các tỉnh khác trong vùng.

Mấy năm qua, Đà Nẵng đã làm khá tốt chức năng này, đặc biệt trong vai trò là một trung tâm hội nhập phát triển của vùng.

Nhưng nghị quyết mới sẽ đặt kỳ vọng cao hơn vào Đà Nẵng, sẽ giao trọng trách lớn hơn, những nhiệm vụ khó hơn để thành phố phát triển và trở thành trung tâm- động lực phát triển Vùng Duyên hải miền Trung đúng nghĩa chứ không chỉ là để phát triển thành phố - địa phương Đà Nẵng.

Đổi mới cơ chế, tăng thêm quyền chủ động

* Như vậy, để Đà Nẵng bứt phá đi lên, xứng đáng là thành phố động lực vùng như ông vừa nói, thành phố cần những chính sách, cơ chế nào?

- Để bất cứ địa phương nào bứt phá đi lên cũng cần phải cởi trói, giải thoát nó khỏi những cản trở, những rào cản thể chế.

Đối với Đà Nẵng, cũng như các thành phố “đầu tàu” khác, càng cần phải như vậy, càng cần phải đi trước trong công cuộc đổi mới thể chế theo hướng này.

Gần đây, Đảng và Nhà nước đã chỉ ra nhiều ràng buộc, trói buộc cần được tháo bỏ. Tuy nhiên, như thực tế cho thấy, nỗ lực cải cách mạnh mẽ thông qua tái cơ cấu nền kinh tế và đổi mới mô hình tăng trưởng những năm qua diễn ra rất khó khăn, chậm chạp và kém hiệu quả. Trước hết, cần làm rõ nguyên nhân của tình trạng này.

Từng địa phương chỉ có thể bứt lên khi những “trói buộc” chung được tháo gỡ.

Đối với các địa phương có chức năng “đầu tàu phát triển” của quốc gia hoặc vùng, trong thời gian qua, khó thực hiện chức năng đó, vì thế chưa phát huy, khó phát huy vai trò động lực và dẫn dắt phát triển của mình. Tại sao vậy?

Cách tiếp cận này, áp dụng vào trường hợp Đà Nẵng, địa phương được Bộ Chính trị ban hành nghị quyết riêng để bứt lên trước, hàm nghĩa Trung ương sẽ ưu tiên, tạo điều kiện cho Đà Nẵng cùng với một số địa phương khác, “đi trước” trong việc tháo gỡ các trói buộc thể chế, tăng cường tính chủ động, sáng tạo và tạo cơ hội phát triển. Đi liền với việc “trao quyền” như vậy là phải tăng tính chịu trách nhiệm của chính quyền địa phương.

Đó là thực chất của cái gọi là trao “cơ chế, chính sách đặc thù”.

* Vậy, cái gọi là trao “cơ chế, chính sách đặc thù” này cụ thể là gì, thưa ông?

- Đó là những cơ chế, chính sách mới: trước tiên, giúp Đà Nẵng thoát nhanh khỏi các trói buộc cũ; và tiếp theo đó, định hình hệ thống thể chế tương thích với một đô thị thông minh - trung tâm hội nhập quốc tế và phát triển vùng hiện đại.  

Ảnh: X.TƯ
Ảnh: X.TƯ

Theo tinh thần đó, để Đà Nẵng vươn lên nhanh, thực hiện tốt sứ mệnh của mình, cần đổi mới cơ chế, chính sách theo hướng tăng thêm quyền chủ động cho chính quyền thành phố trên ba lĩnh vực: thứ nhất, quy hoạch và chiến lược phát triển; thứ hai, phân cấp ngân sách; thứ ba, tổ chức bộ máy và nhân sự chuyên môn của chính quyền địa phương.

* Còn với bản thân Đà Nẵng, thành phố này cần những nguồn lực nào, phải làm những gì, phát triển như thế nào, ưu tiên những lĩnh vực gì trong giai đoạn tiếp theo?

- Đà Nẵng không có lợi thế để phát triển theo cơ cấu “cổ điển” - nông nghiệp và công nghiệp truyền thống. Đà Nẵng đã chọn đúng cách vươn lên hiện đại - tập trung phát triển du lịch - dịch vụ theo nguyên tắc “khác biệt và đẳng cấp”. Những thành công ban đầu khẳng định hướng đi là đúng.
Gần đây, Thủ tướng Chính phủ định hướng Đà Nẵng phát triển thành một đô thị “đổi mới-sáng tạo, công nghệ cao”.

Như vậy, Đà Nẵng đã có định hướng rất rõ. Và tôi cho là đúng về chiến lược. Nhưng cần thêm một vế, tôi cho là rất quan trọng: Đà Nẵng phải là đô thị-trung tâm cạnh tranh quốc tế của vùng về du lịch và công nghệ cao.

* Để trở thành đô thị - trung tâm cạnh tranh quốc tế về du lịch và công nghệ cao, theo ông, Đà Nẵng cần đi theo hướng nào?

- Theo tôi, thành phố Đà Nẵng cần quan tâm đến mấy vấn đề sau.

Thứ nhất, phải nỗ lực hơn nữa để phát triển nhanh du lịch đẳng cấp cao. Đà Nẵng thiếu một số nguồn lực cơ bản để duy trì lâu cách phát triển du lịch đại trà. Nguồn nước ngọt, tác động biến đổi khí hậu, nước biển dâng... là những trở ngại như vậy.

Thứ hai, để có du lịch “đẳng cấp”-không chỉ cho Đà Nẵng mà cho cả khu vực miền Trung, cần nỗ lực phát triển các tọa độ kết nối quốc tế - sân bay và cảng biển - vừa nâng cấp cơ sở hạ tầng, vừa nâng cấp điểm kết nối (các trung tâm lớn của thế giới).

Thứ ba, xây dựng Đà Nẵng thành trung tâm liên kết quốc tế của vùng đúng nghĩa- với hai nhóm ngành: Du lịch và logistics.  

Ảnh: TRUNG THU
Ảnh: TRUNG THU

Thứ tư, Đà Nẵng cần có được hỗ trợ về chính sách phát triển nhân lực chất lượng cao. Trong giai đoạn tới, trọng tâm chính sách là ưu tiên thu hút nhân lực chất lượng cao - cả về du lịch dịch vụ lẫn khoa học-công nghệ.  

Thứ năm, phát huy bản sắc “dân miền Trung” - trung thực, đàng hoàng, mến khách, coi đây là một thế mạnh văn hóa nổi bật để “kéo thế giới đến với miền Trung, đến với Đà Nẵng”.

Đà Nẵng đang trải qua lần “thử lửa” cơ chế. Đi qua lửa, con phượng hoàng sẽ bay lên. Tôi tin và mong Đà Nẵng cũng sẽ bay lên như vậy.

* Xin cảm ơn PSG.TS Trần Đình Thiên!

Nghị quyết mới sẽ đặt kỳ vọng cao hơn vào Đà Nẵng, sẽ giao trọng trách lớn hơn, những nhiệm vụ khó hơn để thành phố phát triển và trở thành trung tâm- động lực phát triển Vùng Duyên hải miền Trung đúng nghĩa chứ không chỉ là để phát triển thành phố - địa phương Đà Nẵng”

 

Hứa Hải thực hiện


 

;
;
.
.
.
.
.