Sau chiến dịch Tết Mậu Thân ở Huế, một bộ phận của đại đội quân y phải trụ lại ở núi rừng tây Hương Trà để tiếp nhận thương binh còn rơi rớt rải rác trên các nẻo đường lên đường Hồ Chí Minh. Mãi đến tháng 10-1968, tôi mới gặp lại trung đoàn và một tháng sau lại hành quân vào chiến trường khu Năm.
Xuân về trên vùng cao. Ảnh: H.ĐẰNG |
Trước Tết Kỷ Dậu (1969) chúng tôi đặt chân đến miền tây huyện Hiên, Quảng Nam. Mảnh đất và con người lạ lẫm này đã làm chúng tôi háo hức khi nghĩ đến nó trên đường hành quân. Trung đoàn chúng tôi vốn là trung đoàn 90 của sư đoàn 324, khi hoạt động ở đường 9 gọi là đoàn Cửu Long; còn khi đánh Huế Tết Mậu Thân đổi là đoàn 3. Đến Quân khu 5 lại đổi là trung đoàn 38 của mặt trận 4 do một Phó Tư lệnh Quân khu làm Tư lệnh, Bí thư Đặc khu ủy Quảng Đà Hồ Nghinh làm Chính ủy. Chiến trường chính của Mặt trận 4 là Đà Nẵng và các vùng phụ cận.
Không khí Tết đối với chúng tôi, những người lính chủ lực cơ động trên nhiều chiến trường, là tận mắt nhìn thấy những đoàn dân công đang chuyển đạn xuống núi, những đoàn thiếu nhi tòng teng cái gùi nhỏ đi ngược lên đường ra Bắc học tập. Chỉ từng ấy thôi đã thấy trong lòng ấm lại, bâng khuâng nhớ về những cái Tết quê nhà xa xôi.
Tác chiến trung đoàn chỉ cho đại đội quân y chúng tôi trên bản đồ một cánh rừng hoang cạnh con suối nhỏ. Chúng tôi cắt đường rừng đến đó, đặt ba-lô xuống, cầm lấy cuốc, xẻng, dao, rựa để đào hầm, dựng nhà cho một bệnh xá dã chiến. Rừng ở đây đúng như trong sách địa lý nói là rừng nhiệt đới thường xanh, cây mọc nhiều tầng, ánh nắng khó xuyên qua được, đã vào mùa khô mà cây rừng vẫn còn rêu bám. Nơi trung đội tôi đóng có nhiều lá mây nên chúng tôi chưa cắt lá mà đi tìm những cây có đường kính cỡ 10cm để làm nhà. Trung đội khác nơi có nhiều cây cũng nghĩ như vậy nên họ sang chỗ tôi cắt lá mây. Làm xong nhà ở thì vừa 30 Tết. Chúng tôi đón Tết không có gì đặc biệt ngoài chiếc radio đang nói những điều về Tết. Chưa 30 Tết, đại đội trưởng lệnh cho quản lý xuất những hộp thịt cuối cùng còn lại trong kho.
Tôi có một thằng bạn cùng làng ở đại đội trinh sát, gần giao thừa nó đến thăm tôi và rủ tôi lên đài quan sát của nó. Phải mất 30 phút leo núi dưới ánh đèn pin chúng tôi lên một đỉnh đồi. Ở đây hoàn toàn vắng lặng, chỉ có tiếng xào xạc của cây rừng. Gọi là đài quan sát nhưng chỉ có mấy khúc cây cột vào nhau bên một gốc chò cổ thụ, vạt rừng được phát cây con để có nơi cho một tiểu đội mắc võng. Nó là tiểu đội trưởng nên lệnh cho lính che một cái bếp kín để đun nước sôi. Nó kéo tôi đến chỗ cái chòi và đưa cho tôi cái ống nhòm.
- Mày có nhìn thấy cái vùng sáng phía đông kia không? Chỗ ấy là Đà Nẵng đấy.
Tôi nâng ống nhòm lên, cái vầng sáng đó hiện rõ ra, có thể thấy một vết mờ mềm mại đổ ra biển nhờ ánh đèn trên bờ hắt xuống. Nó nói với tôi đó là sông Hàn. Trong đêm đầu xuân, thực ra tôi không nhìn thật rõ lắm mọi cảnh vật qua ống nhòm, nhưng nó cứ nói với tôi chỗ nào là Sơn Trà, chỗ nào là Ngũ Hành Sơn, còn cái chấm mờ cạnh ánh đèn của mấy con tàu neo đỗ xa típ tắp kia là Cù Lao Chàm. Tôi nghe nó và tự hình dung ra.
Ăng-gô nước đã sôi. Lính trinh sát pha trà đón năm mới với gói kẹo Hải Châu mang từ miền Bắc vào. Chúng tôi lặng lẽ chờ đến giao thừa bên chiếc radio mở đủ nghe. Tôi vẫn nhìn xuống vầng sáng phía đông ấy và nghĩ không biết bao giờ mình mới tới đó được. Đà Nẵng trong tâm tưởng những người lính chúng tôi là một cái gì đó vừa gần gũi cũng vừa xa xôi.
Tiểu đội trưởng trinh sát đồng hương ấy tên là Văn.
Sau Tết, trung đoàn tôi cử một tiểu đoàn tăng cường xuống vùng đông Duy Xuyên, Thăng Bình hoạt động. Đại đội quân y cũng thành lập một đội phẫu thuật đi cùng tiểu đoàn, tôi làm đội trưởng. Tiểu đội trinh sát của nó cũng đi cùng chúng tôi.
Hát giao duyên mừng xuân của người Giẻ - Strieng. Ảnh: H.Đ |
Chúng tôi là lính chủ lực, nhưng khi xuống vùng đông lại đánh nhau như du kích. Anh Thủy, tiểu đoàn trưởng - sau này là Thiếu tướng, Cục trưởng Cục Tác chiến hy sinh trong chuyến bay công tác ở Lào, phải nổi cáu lên vì cái sự đánh đấm lùng bùng này. Chẳng biết thắng thua thế nào rồi tháng 6-1969, chúng tôi được lệnh rút về căn cứ. Khi lên đến Hòn Tàu, đội phẫu thuật tách khỏi tiểu đoàn để về đại đội quân y. Tiểu đội trinh sát của Văn đi cùng chúng tôi, gần đến Cây Gò Vuông (một địa danh trong rừng do lính ta đặt) một loạt B52 đánh trúng chúng tôi. Tháng 6 vừa rồi, tôi nhận được một tin nhắn: “Em là Tùng đây. Anh nhớ tháng 6-1969 khi mình bị B52 ở Hòn Tàu không? Thương vong hết, chỉ có hai anh em mình sống, giữ liên lạc anh nhé”. Năm đó tôi 24 tuổi, các chiến sĩ trinh sát thì chỉ 18, 19.
Tôi nhớ tôi và Tùng sau khi phủi bụi đất bám đầy người, chui lên từ những đống cây gãy đổ ngổn ngang, ra ngã ba đón những đơn vị đang hành quân qua, nhờ họ cáng thương binh về bệnh xá và chôn cất liệt sĩ. Văn hy sinh trong trận bom này. Trong số thương binh có một cậu quê Quỳnh Long, cạnh xã tôi, bị một mảnh bom làm mất một đoạn ruột non, thủng luôn dạ dày. Cậu ta còn bị cụt một tay và mất một mắt.
Bác sĩ Tuệ, đại đội trưởng quân y, đã mất gần mười tiếng đồng hồ để mổ cho cậu ấy. Khi chuyển về tuyến sau, tôi nghĩ cậu khó sống nổi, vậy mà sau giải phóng, mẹ tôi nói cậu ấy vẫn thường lên thăm gia đình tôi khi tôi còn ở chiến trường. Vào thời kỳ này, một tiểu đoàn đặc công được trang bị hiện đại tăng cường cho hướng Đà Nẵng chưa đánh trận nào đã bị loại khỏi vùng chiến đấu chỉ vì đói và sốt rét. Tất cả những hy sinh to lớn này của những người lính ở Mặt trận 4 chỉ có một mục đích hướng về Đà Nẵng.
Mãi đến 6 năm sau, vào đêm 27-3-1975, tôi đứng ở ngã ba Hương An cùng với Sư đoàn trưởng Nguyễn Chơn khi ông ra lệnh cho các đơn vị của Sư đoàn 2 từ cánh nam tiến vào Đà Nẵng không cần dùng mật mã khi ra lệnh tác chiến vì theo ông quân địch biết được chính xác các hướng tấn công của ta sẽ tan rã nhanh hơn. Rồi 12 giờ trưa 29-3, chúng tôi có mặt ở Bộ Chỉ huy Quân đoàn 1 Sài Gòn.
Nhớ về cái Tết năm 1969, đối với tôi đó là một kỷ niệm không dễ quên được.
Thái Bá Lợi