Báo Đà Nẵng xuân 2019
Rẽ trái gặp mùa xuân
Ông Năm Thẹo không hiểu mình chuộc con heo làm chi. Nó ốm lòi xương, nuôi mấy năm chắc cũng lớn không nổi. Giống heo mọi, nhìn nhỏ như con chuột. Lúc thấy nó bị đám con nít quây lại, chuẩn bị trở thành món cải thiện cho đám bao tử đói meo quen mùi rau luộc chấm kho quẹt, ông thấy nhói một cái. Coi con mắt nó kìa, ướt nhẹp như đang khóc. Chắc biết mình sắp chết nên nó chảy nước mắt chớ có muốn cầu xin gì ai. Vậy mà ông mủi lòng.
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG |
Con heo khôn. Nó biết cách làm người ta mến. Được cứu, nó không thèm giẫy giụa mà nằm gọn hơ trong đôi bàn tay chai sần của ông Năm, ngoan như đứa con nít đã no sữa mẹ. Tội, chắc nó còn sợ lắm, cả người lâu lâu hức lên một cái như người nấc cụt. Vỗ vỗ đầu nó, ông kêu một tiếng con gọn hơ “Thôi mình về, con!”.
Con heo khôn trời thần. Kêu “Thằng heo vô ăn cơm!” một tiếng, đang ở ngoài sân kiếm rau dại hay rượt chim sẻ chỗ chùm mả cũng lót tót chạy về liền. Nó mến ông lắm, ông đi đâu cũng lẽo đẽo theo sau. Có con heo cũng vui. Ông thôi lủi thủi một mình trong cái mái lá nhỏ xíu cất tạm kế gò mả Tiều. Bước ra bước vô, nghe mấy tiếng éc éc của nó thấy lòng cũng dịu đi chút đỉnh. Đỡ hơn lúc trước, mình ông sống như cái bóng, lẫn vào trong những bóng cây, bóng mồ mả, bóng cột dựng… của đất này. Ít nhất con heo cũng là một sinh vật sống.
Thằng quỷ heo này làm mình làm mẩy thấy sợ. Ông đi bán, nó cũng đòi theo. Không cho là la éc éc um sùm, chạy cời cời theo đuôi xe không chịu bỏ. Có nhốt lại cũng ủi rào, có buộc lại cũng cắn dây. Bữa đó buộc chân nó vô cây cột nhà, quỷ thần ơi nó tự cắn chân tới bật máu để cọng dây bẹ đứt ra. Xót, ông đành đem nó theo. Cho nó ngồi trước xe, vểnh mặt lên, gió thốc bay bay hai cái tai dão bự. Nhìn nó khoái chí như thằng nhỏ được ba chở đi dạo mát.
Xóm dần quen với hình ảnh một ông già mặt thẹo chở con heo nhỏ xíu đi bán đồ xà bần. Xà bần là… có gì bán đó, chủ yếu rau cải thịt cá tùy ngày, lâu lâu ai dặn dò gì thêm thì ông Năm ghé chợ mua giùm ăn chút đỉnh tiền lời. Chợ xa, ông là cứu tinh cho cái bao tử của họ, trong những chiều đã quá ngán mớ rau vườn và đám cá hủng hỉnh tát hoài mương, thèm dễ sợ đùi gà chiên nước mắm hay tô cá ba sa nấu bắp chuối cơm mẻ. Có thêm thằng heo mặt mày ngơ ngáo, ông thành cứu tinh cho cả tinh thần họ.
Ông Năm Thẹo không biết mình sẽ ở đây tới bao giờ. Ông đã lần theo biết bao nắm đậu mà vợ ông rắc cho, tới đây thì mất dấu. Ông đã qua từng xóm, từng chợ, rảo nát mấy cái thị trấn theo trí nhớ lúc được lúc mất của bà để kiếm cho được con heo vàng của đời ông. Ừ, thằng Hợi, thằng con trai ông trầy trật cầu xin trời ban cho với hy vọng đổi đời. Ông làm sao biết ông chỉ cho nó một cái nôi đói khổ, và một chuỗi bi kịch kéo dài.
Sau mấy lần phá thai vì bầu con gái, vợ ông xuống sức hẳn. Bà như cây nhãn trái mùa, cố đem hết sức cằn chờ một đợt trái èo ọt. Chờ con trai. Tuổi heo cả đời sung sướng... Bà héo quắt cùng với vô số chén nước tiểu con nít, mật cá lìm kìm, thằn lằn nướng,… bất cứ cái gì mà người ta đồn là có thể đổi được con trai.
Thằng Hợi ra đời, bà tưởng đâu là thoát nợ. Nhưng không, nợ càng dày. Nợ bồi thêm từ tiệc ăn mừng cháu đích tôn quá trớn, lai rai đâu mấy mùa giáp hạt. Nợ quện chặt theo những con số chiều nào ông Năm Thẹo cũng ôm ly cà-phê ngồi nghe, bởi bà bán đề kêu mày có thằng heo vàng dư sức làm giàu. Nợ chồng nợ từ cái tính không chịu làm mà ở không mơ, chờ tiền tự động rớt xuống cái ào. Chờ, chờ mòn mỏi.
Chính cái thẹo vắt ngang mặt ông Năm đánh dấu cái ngày thằng nhỏ bỏ đi. Tưởng vợ nói chơi mà bà làm thiệt. Bà đã chắt hết cả cuộc đời để tạo ra đứa nhỏ, thì bà nghĩ là bà có quyền quyết định số phận nó, hơn ông. Mót hết mớ nhẫn nại cuối cùng, bà hăm ông còn đem tiền bạc trong nhà đổ hết vô đề đóm một lần nữa thì khỏi thấy mặt con. Ai đời đàn ông sợ đàn bà hù, nhất là đàn ông có rượu. Ông Năm mặc kệ, nghe như nghe tiếng ruồi bay qua chén cơm, với tay phủi cái rồi gục mặt ăn. Chiều, cạy rương lấy xấp tiền gói kỹ bằng mớ lá chuối, quơ luôn nắm bạc lẻ giấu dưới đít thùng gạo, te te chạy đi mua số. Hôm qua mơ thằng Hợi cưỡi con heo vàng sáng chói, kỳ này vô mánh.
Vợ ông Năm cho ông một trận nhớ đời. Bà đón ông không bằng khóc lóc cầu xin hay nắm tóc kêu trời nữa. Bà lo cho ông cơm nước đủ đầy, khi ông tiu nghỉu xách xác giấc mơ làm giàu xẹp lép về nhà. Không những đủ mà còn ngon, cá tôm ứ hự. Sẵn chai rượu cho ông đưa cay. Mà hai ly, một cho bà, một cho ông. Lần đầu tiên trong đời, ông Năm thấy vợ mình uống rượu.
Nhận ra có sự kỳ lạ, ông Năm ngó dáo dác kiếm thằng con. Bà Năm khà mấy ly liên tiếp, lửa cồn hình như đốt cả chân tóc bà phừng cháy. Nhìn bà như một ngọn lửa. Bà kêu ông khỏi tìm con. Con ông đây. Là thịt, là cá nè. Là áo mới bà dắt sẵn bên giường, lát ông cứ vô thử coi vừa không. Là lúa gạo đã đầy lu, không lo cuối tháng chạy vạy đi mượn từng lon. Là tuần sau lợp lại mái mà, khỏi sợ nằm ngủ nửa đêm mưa rớt thẳng vô miệng.
Ông Năm đập bàn, hét: “Mày dám bán con tao?”. Ông đập, thì bà Năm cũng đập. Ông chưa thấy bà say. Ông cũng không nhớ lúc say mình dữ tợn cỡ nào. Thì đây, bà cho ông thấy. Bà rút con dao cắm sẵn trên cột nhà xuống. Bà thách thức, mắt như hai hòn than mới rút ra từ cà ràng, bằng khí thế mà ông biết ông không thể nào có được. Sự dữ dằn chồng chất từ bao nhiêu tủi nhục, đổi bằng cả cuộc đời đàn bà. Ông làm sao hiểu được…
Một nhát chém trả lại mọi đòn roi. Bà Năm có muốn chém chồng đâu, nhưng bà biết bà không thể đánh thức chồng mình bằng cách nào khác nữa. Và bà quăng cho ông những manh mối, những xóm đông bờ tây cho ông rã rời tìm.
Ông Năm đi theo những chỉ dẫn của vợ, để tìm chuộc lại đứa con quý như vàng ngọc. Càng tìm, càng lăn trải, ông càng hiểu rõ chính bàn tay mình đã phá nát những hạnh phúc mà mình lẽ ra đã có. Ông không biết trân trọng thì trách cứ ai?
Những ký ức theo thời gian cũng từ từ rứt khỏi con người. Từng ấy năm, dễ gì biết được người với người mỏi mòn trôi giạt về đâu. Manh mối cuối cùng vợ ông Năm cho, là trong một cuốc điện thoại bà à lên “ờ hình như bà đó có nói quê nội ở chỗ nào kêu là xóm Mạc Cưa”. Bà đó, là cái bà mua con heo vàng tài lộc của ông.
Ông đã tìm được tới cái xóm nghe sao bần hàn. Nghèo từ cái tên cho tới đất đai, nhìn đâu cũng thấy một màu ngắc ngứ. Ông đã ở đây, ròng mấy tháng trời, để chờ lượm cho được chút tin gì về thằng nhỏ con mình. Chờ, chờ hoài, chờ miết tới lúc chuộc con heo mọi về nuôi cũng chưa biết được chút tăm hơi nào của con heo vàng tên Hợi.
Gió bấc về rồi. Gặp căn chòi trống hoác của ông Năm Thẹo, gió mừng rỡ thốc vô siết tím vai người. Ông ôm con heo trong lòng, quấn cái mền hai mép tả tơi như cá chốt rỉa, thấy lạnh đang thấm rất đầm vào tim. Ông nhớ nhà quá. Hay là về…
Niềm tin trong lòng ông Năm Thẹo bị đùa bỡn theo từng mùa gió bấc. Càng về dày, nó càng bắt ông nhớ quay quắt không khí sum họp của một mùa xuân. Những vòng xe càng đi, ông càng thêm đau khi thấy nhà nhà đã quây quần đông đủ. Mai đã chớm nụ, củ kiệu đã phơi trắng mặt sân. Chợ cũng họp đông hơn, người ta bắt đầu dặn ông mua giùm nhiều thứ để chuẩn bị cho dăm ngày Tết.
Khi đó, ông Năm Thẹo nhận biết bao cú quật vào lòng. Khi ai đó cho đòn bánh tét, hỏi ông Tết có về nhà không. Khi anh chồng dẫn đứa con đi mua áo mới, cô vợ ở sau í ới dặn đừng mua đồ cho em tốn tiền. Khi thằng nhỏ mới móc ống heo được hai ngàn ra hỏi mua bịch bánh lỗ tai heo, trong lúc chờ buồn miệng hỏi chơi ông Năm có cháu con gì không. Biết bao cú thúc nghiệt ngã, ông chỉ biết nằm ôm bụng chịu trận. Nó đau từ trong lòng đau ra. Đau như có gai trong xương có dằm trong ruột.
Hên còn con heo nhỏ, biết éc éc kêu vỗ về, biết rúc vào lòng ông Năm Thẹo sẻ cho ông chút hơi ấm của nó. Chà, nhờ ông chăm kỹ giờ nó coi bộ mập mạp hơn, lông mướt rượt. Nhìn nó, ông hy vọng ở đâu đó xa xôi con ông cũng được người ta coi sóc như vầy. Sẽ trắng trơn, sống toàn ăn với ngủ vô tư. Rồi ông cười, ai đời so sánh con mình với một con heo. Rồi ông nhớ vợ. Hay thôi ông về, không tìm nữa. Tìm được có tốt không? Thằng con ông bán cho người ta, biết đâu lại hay. Ở với ông, chắc nó còn chịu khổ dài dài. Hay ông đem con heo nhỏ này về hủ hỉ với vợ ông, sống một cuộc đời cam chịu. Ông sẽ sống những ngày tập quen với người đàn bà đã xơ xác dấu thời gian mà ông chưa từng nâng niu, để nén cái cay đầm đìa khóe mắt học lại cách làm một người chồng cho ra đúng là chồng.
Ông Năm rớt nước mắt hồi nào không hay. Nước mắt chảy qua cái thẹo vắt ngang mặt, như cố nối hai miền cách trở của chính da người. Con heo éc éc ngó ông, như đang cũng hiểu ông đau lòng lắm. Vuốt vuốt cái mỏ lún phún lông tơ của nó, ông hỏi như tự hỏi mình “Về hay ở bây giờ?”.
q
Ở ngã ba này, ông Năm Thẹo đã rẽ phải để tìm tới xóm Mạc Cưa. Giờ, chỉ cần rẽ trái, cứ bon bon thẳng một hơi là đúng đường về quê. Gần Tết rồi, xe ông thêm mớ bánh trái mà tụi con nít dặn. Thêm mớ đường để đàn bà làm mứt, mớ trà để người già đãi khách, chút sơn cho cánh đàn ông chỉnh trang nhà cửa. Chắc chở nhiều trông mong về một cái Tết yên ấm gần kề quá, nên xe ông nặng. Nặng nhất là lúc đi ngang qua ngã ba này, để về cái chòi kê tạm bên chòm mả. Ông ngang qua hờ hững, dù lúc nào tới đây lòng cũng vấp cục đá kỷ niệm hụt một nhịp đau điếng. Nhưng chưa bao giờ ông dám nhìn về con đường bên trái đó. Đường về nhà.
Vậy mà ông Năm Thẹo đã phải nhìn. Không những nhìn, ông còn bẻ tay lái quẹo trái. Ông còn chạy tới tới tới. Chạy đuổi theo con heo mọi. Đang yên đang lành, vừa tới ngã ba nó phóng cái ọt xuống đất, nhằm con đường đầy cay đắng với ông mà chạy. Quỷ thần ơi nó ăn gì mà chạy nhanh kinh khủng. Ờ, nó ăn đồ ông cho, ông ăn gì nó ăn đó. Ông phóng xe liền theo nó, gấp gấp sợ người ta bắt nó làm thịt.
Ông Năm như đang chạy vào một vùng đất khác. Đường đã đổi thay, nhưng lòng ông vẫn nhặt nhạnh được từng chút, từng chút quen thuộc. Gốc cây này. Mái nhà này. Chỗ này ông nấn ná, điện về hỏi kỹ vợ coi cái xóm đó phải tên Mạc Cưa không hay Cây Cưa, Cây Kéo gì.
Và ông Năm nhận ra mình đang chạy giữa lòng mùa xuân. Màu tươi mới hiện rõ trên những căn nhà hai bên đường, cửa sổ cửa cái sạch sẽ mặc áo da trời hồn nhiên như trẻ nhỏ. Mai đầy nụ xanh mướt, vài cành vươn ra đường đã lấm tấm sắc vàng. Ông Năm đuổi theo con heo, mà cảm giác như đang bị cuốn về điểm nút thân thuộc. Vừa ấm áp, vừa đau.
Con heo cứ chạy, cứ chạy. Cho tới lúc nó bị chiếc xe máy chặn lại, người thanh niên dừng xe nhảy phốc xuống chụp lấy nó. Ông Năm Thẹo hốt hoảng kêu trời, kỳ này tiêu. Người ta sẽ ra giá bắt ông chuộc nó. Giờ nó mập mạp rồi, dễ gì người ta bỏ qua. Ông chỉ hy vọng mình đủ tiền chuộc. Hoặc ông hy vọng người thanh niên với gương mặt tươi sáng trước mặt không phải kẻ tham lam.
Ông Năm Thẹo ngẩng mặt lên. Trời ơi ông đã gặp mùa xuân. Trong ánh mắt đó, gương mặt đó, nụ cười đó. Những đường nét cắt ra từ mặt ông, dĩ nhiên non trẻ và không có thẹo. Hồ hởi trước con heo ngồ ngộ, người thanh niên vẫn kịp nhận ra ông Năm đang ngó anh lom lom. Người đàn bà ngồi sau xe bước tới khều khều anh (giờ ông mới để ý tới bà) thì thầm điều gì đó.
Hít một hơi thật sâu, cười rạng rỡ (mà ông Năm Thẹo sau này mới biết anh đang lấy hết sức mạnh cho một cuộc gặp gỡ để đời), anh cất giọng giòn như pháo: Má kêu con đi đón ba về ăn Tết!
Người đàn bà phía sau nửa cười nửa không, ngó mông lung một áng mây trời. Đó đâu phải ai khác ngoài vợ của ông, người đàn bà cao tay làm hẳn một vở kịch dài hơi để chồng mình nhớ ra làm một người đàn ông, một người chồng, một người cha là làm thế nào. Dĩ nhiên là phải vậy, chứ làm một người đàn bà như thế sao lại có thể đem con mình bán đi, khi bà đã hy sinh và yêu thương từng chút từng chút một gia đình của mình. Nhưng đó sẽ là sự thật mà sau này ông Năm mới biết. Còn bây giờ, trong ông đầy ắp sự ngỡ ngàng và run rẩy. Làm sao ông có thể ngờ, rẽ trái sẽ gặp mùa xuân.
PHÁT DƯƠNG