Báo Đà Nẵng xuân 2019

Văn chương tuổi Hợi trên bầu trời Việt

08:22, 08/02/2019 (GMT+7)

Văn chương mỗi người mỗi khác, nhưng người sáng tạo văn chương sinh ra cùng thời, cùng sáng tạo trong một hoàn cảnh, sinh quyển, hơi thở của thời đại, hẳn sẽ có những nét chung, giống nhau do điều kiện hóa của một hoàn cảnh lịch sử. Nhìn lại văn chương nước ta thế kỷ XX, các tác giả tuổi Hợi thành danh không nhiều, chủ yếu là những người trưởng thành trong kháng chiến.

Đầu thế kỷ, tuổi Tân Hợi (1911) có 9 tác giả, trong đó có 2 nhà thơ là Lê Đức Thọ và Dương Tử Giang (Lê Đức Thọ quê ở Hà Nam hoạt động ở chiến trường Bình Trị Thiên, tác giả của những trường ca Chiến sĩ Minh Lệ (1949), Chiến sĩ Xuân Bồ (1950), Chiến thắng Sen Bàng (1952)); Dương Tử Giang  quê ở Bến Tre, tác giả của các tiểu thuyết Bịnh học (1937), Con gà và con chó (1939), Tranh đấu (1949)…; 4 nhà văn là Bùi Huy Phồn, Lê Văn Hòe, Ngọc Giao, Thiên Giang và 3 nhà nghiên cứu là Lê Văn Siêu, Trần Thanh Mại, Trần Văn Giàu.

Có lẽ, nổi bật đáng ghi nhận ở tuổi này là Trần Thanh Mại, người mở đầu cho phê bình khách quan ở nước ta, là phương pháp phê bình tiểu sử với các tác phẩm Trông dòng sông Vị (1935), Hàn Mặc Tử (1938); và học giả Trần Văn Giàu, không chỉ là nhà hoạt động cách mạng mà còn là nhà nghiên cứu uyên bác về nhiều lĩnh vực như văn học, sử học, triết học, tư tưởng, giáo dục… Giáo sư Vũ Khiêu từng cho rằng: “Trần Văn Giàu là một trí thức có hiểu biết uyên thâm trên nhiều lĩnh vực khoa học và đời sống (…), đã kết hợp nhuần nhuyễn giữa khoa học và cách mạng (…), các tác phẩm về sử học của giáo sư đều có sự hấp dẫn của văn và chiều sâu của triết. Ở giáo sư trong văn có triết và trong triết có văn. Cả hai đều được lý giải vững vàng, gắn liền với minh chứng của sử học” (Dẫn theo Trần Mạnh Thường (2008), Các tác gia văn chương Việt Nam, Nxb Văn hóa thông tin, tr.2611).

Tuổi Quý Hợi (1923), cũng có 9 tác giả, trong đó có một nhà văn là Thẩm Thệ Hà; 6 nhà thơ là Cẩm Lai, Hải Như, Trần Hữu Thung, Trần Lê Văn, nhà thơ dân tộc Tày Nông Quốc Chấn và nhà thơ trào phúng Thợ Rèn. Nhưng đáng chú ý nhất ở tuổi này là nhà nghiên cứu, GS, NGND Lê Đình Kỵ - một trong những người góp phần mở đầu cho hệ thống giáo trình lý luận văn học bậc đại học ở nước ta, tác giả của những công trình Phương pháp sáng tác (1962),  Đường vào thơ (1968), Truyện Kiều và chủ nghĩa hiện thực (1970)…

Trung tướng Trần Độ, người từng giữ các trọng trách như Phó Chính ủy Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam, Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Văn hóa-Thông tin, Phó Chủ tịch Quốc hội, Trưởng ban Văn hóa-Văn nghệ Trung ương, ngoài các tập truyện ngắn và ký Bên sông đón súng (1964, 1982), Anh bộ đội (1986), Đồng đội (1988) và nhiều bài văn chương chính luận nổi bật, ông còn là một trong những người tiên phong trong công cuộc đổi mới về văn hóa văn nghệ ở nước ta từ những năm tám mươi của thế kỷ trước.

Tuổi Ất Hợi (1935) là thế hệ trưởng thành trong kháng chiến chống Pháp và đạt nhiều thành tựu trong kháng chiến chống Mỹ, có đến 18 tác giả, trong đó có 6 nhà văn là Đức Ánh, Hà Bình Nhưỡng, Nam Hà, Nguyễn Kiên, Triệu Huấn và đáng chú ý là Anh Đức tác giả của tiểu thuyết Hòn đất (1966), tập truyện ngắn Giấc mơ ông lão vườn chim (1968)…; có 5 nhà thơ là Hào Vũ, Tạ Vũ, Trúc Chi, đáng chú ý là 2 nhà thơ ở chiến trường khu Năm là Nguyễn Mỹ, tác giả của bài thơ nổi tiếng Cuộc chia ly màu đỏ và Thu Bồn, tác giả của hàng chục các trường ca, tiêu biểu có Bài ca chim Chơ rao (1965), Quê hương mặt trời vàng (1976), Người vắt sữa bầu trời (1985)…; một dịch giả là Phạm Mạnh Hùng.

Tuổi này có đến 6 nhà nghiên cứu lý luận phê bình, phần lớn là các giáo sư giảng dạy ở các trường đại học, công tác ở các viện nghiên cứu, thầy cô giáo của nhiều thế hệ cầm bút như Hà Minh Đức, Phùng Văn Tửu, Lương Duy Thứ, Khái Vinh, Phạm Tú Châu và nhà phê bình văn học Thiếu Mai. Ở tuổi này tư duy sáng tạo của văn chương lý trí có ưu thế lấn át văn chương tưởng tượng, cả về số lượng lẫn chất lượng.
Tuổi Đinh Hợi (1947), có đến 19 tác giả, là thế hệ đông đảo những người xếp hàng ra trận và trở thành những tác giả tiêu biểu của văn học kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.

Hầu hết họ đều là những người đi qua cuộc chiến, trong đó chỉ có một nhà nghiên cứu là Nguyễn Ngọc Thiện, còn lại 18 tác giả chia đều cho thơ và văn xuôi. Về thơ, có các tác giả như Anh Chi, Kim Chuông, Lê Quang Trang, Lê Văn Vọng, Nguyễn Hoa, Hồng Hà, Triệu Nguyễn, Vũ Xuân Hoát.

Đáng chú ý là con người tài hoa về cả thơ, nhạc và văn xuôi Nguyễn Trọng Tạo, tác giả các nhạc phẩm nổi tiếng Làng quan họ quê tôi, Khúc hát sông quê. Về văn xuôi có Dương Trọng Dật, Đức Hậu, Minh Chuyên, Mường Mán, Tùng Điển, Từ Nguyên Tĩnh, Xuân Đức, Nguyễn Trí Huân và nhà văn, nhà viết kịch Nguyễn Khắc Phục. Và, dễ nhận ra, ngược với tuổi Ất Hợi, tuổi này thuộc thế hệ sinh ra trong bão lửa của chiến tranh, tư duy sáng tạo của họ mạnh về văn chương tưởng tượng hơn là văn chương lý trí.

Tuổi Kỷ Hợi (1959), đã bắt đầu hiếm hoi hơn, chỉ có 6 tác giả thành danh, trong đó có một dịch giả là Phạm Văn Ba, hai nhà thơ là Nguyễn Linh Khiếu và nhà thơ dân tộc Tày Dương Thuấn, ba nhà văn là Nguyễn Thị Anh Thư, Võ Thị Xuân Hà và Tạ Duy Anh. Là thế hệ trưởng thành thời hậu chiến, tuổi này đã ít về số lượng và cũng không nổi bật về chất lượng, không có những hiện tượng gây xôn xao dư luận trong đời sống văn học kiểu như Phạm Thị Hoài, Nguyễn Ngọc Tư…

Nhìn lại văn chương tuổi Hợi trên bầu trời Việt thế kỷ XX, theo thống kê chưa đầy đủ của chúng tôi, quả là quá thưa vắng về mặt số lượng và có lẽ cả về mặt chất lượng. Nếu chỉ nhìn về mặt số lượng, với 61 tác giả, tuổi Hợi năm nay thua so với các năm trước đó như tuổi Thân 77, tuổi Ngọ 64, tuổi Tỵ 68 và những năm kế tiếp sau đó như tuổi Tý 76, tuổi Sửu 62, chỉ hơn tuổi Tuất năm vừa qua chỉ có 54, nhưng về mặt chất lượng, không thể vượt qua các tượng đài sừng sững như Nguyễn Tuân, Thạch Lam tuổi Canh Tuất (1910) hoặc Hoàng Cầm tuổi Nhâm Tuất (1922)…

Ở thế hệ sau, dựa vào danh sách những người được mời dự Hội nghị những người viết văn trẻ lần thứ VIII, thứ XIX của Hội Nhà văn Việt Nam, tuổi Tân Hợi (1971) hầu như vắng bóng, chỉ có mấy cây bút tuổi Quý Hợi (1983) đáng lưu ý là Mai Anh Tuấn (Hà Nội), Võ Thu Hương (TP. Hồ Chí Minh), Lê Minh Tú (Long An), Trương Trọng Nghĩa (Tiền Giang), Trần Vương Thuấn (Ninh Thuận). Đặc biệt, tuổi này còn có cây bút sớm thành danh là Đỗ Hoàng Diệu, với tập truyện ngắn Bóng đè (2005) đã từng một thời gây xôn xao dư luận, sau một thời gian im hơi lặng tiếng, nay lại có thêm Lưng rồng (2018) đang thu hút dư luận độc giả. Họ cần nhận được sự quan tâm của những người có trách nhiệm đào tạo thế hệ văn nghệ trẻ cho tương lai.

PHẠM PHÚ PHONG
 

 

.