Báo Đà Nẵng Xuân Nhâm Dần 2022

Chợ Tết

06:49, 30/01/2022 (GMT+7)

Từ 23 tháng Chạp trở đi là thời điểm người người, nhà nhà bắt đầu sắm Tết. Các bà, các mẹ tất bật dạo chợ mua sắm vật dụng, thực phẩm còn lũ trẻ, niềm vui lớn nhất vào những ngày áp Tết là được theo chân mẹ đi chợ chỉ để ngửi mùi bánh trái thơm lựng. Có thể nói, chợ Tết chính là nơi không khí Tết cổ truyền về sớm nhất.

Ảnh: VĂN THÀNH LÊ
Ảnh: VĂN THÀNH LÊ

Chợ Tết xưa: món quà ký ức ngọt ngào

Cùng gia đình vào Đà Nẵng định cư từ những năm sau 1975, bà Nguyễn Thị Chung (86 tuổi, trú phường An Hải Đông, quận Sơn Trà) vẫn nhớ như in hồi còn đi buôn ở chợ Mới Ba Xã - nằm bên con sông Cái chạy từ Vĩnh Điện (tỉnh Quảng Nam) về ngang qua 3 xã Điện Ngọc, Điện Thắng và xã  Hòa Phước (huyện Hòa Vang). Từ sáng sớm, khi mặt trời còn chưa lên, hai vợ chồng bà và 7 đứa con đã lục đục quang gánh ra chợ.

Những chiếc rổ, rá, nia được đan từ ngày, đêm hôm trước rồi sẽ được bán hết, những mong đủ để đổi được vài tấm vải mới, sắm lại chén bát, ấm trà, mua thêm vài cân nếp cái hoa vàng, vài ký gừng, nghệ về làm mứt Tết…  “Chợ Tết hồi ấy vui lắm. Người bán ngồi chật các lối đi. Dường như người ta đem tất cả mọi thứ nhà trồng được để ra bán ở chợ Tết. Từ cặp gà, rổ trứng đến mớ lá chanh, ổi, sả… Người bán rôm rả, xởi lởi, cứ phải “bỏ thêm một ít”, người mua dễ chịu, tươi cười. Chỉ có trong không khí Tết cổ truyền, lòng người mới rộng rãi đến vậy”, bà Chung trầm ngâm nhớ lại.

Xưa, để chuẩn bị cho mấy ngày Tết, người phụ nữ trong nhà phải tích cóp, tằn tiện cả năm trời. Bắt đầu từ 23 tháng Chạp cúng ông Táo, các bà, các mẹ đã lo dọn dẹp bàn thờ, bày biện và mua sắm vật dụng, thực phẩm. Với quan niệm: “Đầu năm, đầu tháng mọi thứ trong nhà phải đầy đủ, không được thiếu cái gì, từng cái rổ, rá, vài ba chục chén, bó đũa đến cây chổi quét nhà… đều nên thay mới, dù cái cũ vẫn còn dùng được” khiến mọi người càng nao nức đi chợ Tết. Chẳng vậy mà những người lớn tuổi trong nhà thường dặn con gái, con dâu: “Cầm ít tiền đi chợ thôi, ra chợ Tết thì mang theo bao nhiêu là hết bấy nhiêu!”

Sức hút của chợ Tết đối với những phụ nữ vẫn bền bỉ qua năm tháng, vun đắp trong tâm khảm từ khi người ta là một đứa trẻ đến khi trở thành cô gái xuân thì rồi làm vợ, làm mẹ. “Hồi xưa mình ở với mẹ, cứ đến gần Tết là ngày nào cũng thấy mẹ xách giỏ đi chợ, mua từ đồ khô đến đồ tươi, mà lạ là ngày nào cũng mua cũng sắm, đến nỗi ba mình phải thốt lên “bà mua cả cái chợ hả?”. Từ hồi cưới chồng, về làm dâu, thấy mẹ chồng cũng y như vậy. Bà nào cũng đi chợ với tâm thế hăng say, đi từ gian hàng này đến gian hàng khác, ríu rít nói cười không thôi. Đi chợ Tết cùng mẹ những năm tháng tuổi thơ và cả với mẹ chồng những năm sau này giúp mình hiểu hơn về cuộc sống gia đình, hiểu hơn về ba mẹ với những lo toan, bươn chải, tiết kiệm để chuẩn bị cho những cái Tết tràn đầy tình yêu thương, sự hy sinh, chia sẻ trong năm mới”, chị Thùy Mai (27 tuổi, ở quận Sơn Trà, chủ một cửa hàng hoa trên địa bàn thành phố) chia sẻ.

Thật tình cờ, tôi gặp bà Thu Ba (70 tuổi, trú phường Thạch Thang, quận Hải Châu) tại chợ hàng heo (bên hông chợ Cồn) vào một ngày tháng Chạp mưa se lạnh, khi bà đang chọn mớ lá vối, chè vằng và một vài loại lá sả, ổi đã sao khô cho nồi nước xông chiều cuối năm. Trong câu chuyện đẩy đưa, bà cho biết, ngày xưa, cứ gần Tết là chợ nào cũng bán đủ đầy các loại lá xông (bưởi, mùi già, hương nhu…), lá uống (lá vối, lá chè vằng, atiso…), các loại trà (hoa lài, hoa cúc, hoa hòe…).

Người bán mớ lá quê kiểng này thường là những người từ quê nhà Quảng Nam ra, đem theo mớ lá tươi còn ngậm sương đêm. Chợ Tết bây giờ không thiếu món gì, kể cả đặc sản 3 miền, tuy nhiên, mớ lá quê nhà thì vắng bóng. Dễ chừng chỉ còn nơi chợ Hàng Heo - cái chợ mà khi nào cũng đầy vẻ của chợ Tết xưa này là còn. “Nói thiệt bây chừ Tết nhứt người ta cũng giản lược nhiều rồi nhưng phong tục tắm tất niên bằng các loại lá vẫn được giữ gìn. Buổi chiều cuối năm mà bưng lên nồi nước xông là thấy nhà cửa ấm áp hẳn. Tự nhiên thấy lòng mình cũng thanh thản, nhẹ nhàng. Lúc nớ là thấy hạnh phúc nhất với Tết”, bà Thu Ba chia sẻ.

Chợ Tết nay: đi chợ Tết, “mua” niềm vui

Những ai sinh ra và lớn lên ở Đà Nẵng, hẳn từng ghé chợ Hàn những ngày giáp Tết. Đây là khu chợ ngày thường vốn đã khang trang, nhộn nhịp, đến Tết lại càng đông đúc, tấp nập hơn. Bỗng có cảm giác các tiểu thương lo chuẩn bị nguồn hàng đầy đủ trước vài tháng để bung ra vào dịp này, nào là nải chuối, quả bưởi đẹp nhất, gạo nếp, đậu xanh, kiệu hương loại ngon nhất. Thậm chí, cả đặc sản vùng miền như giò bê Nghệ An, bắp bung Điện Biên, thịt trâu gác bếp và đủ loại bánh mứt sắc màu, hoa thơm, trái ngọt sẵn sàng cho những ngày cả gia đình đoàn tụ... Chưa kể, chợ Hàn còn nổi tiếng bởi tập trung những đại lý hoa tươi lớn, phong phú chủng loại, từ những sắc hoa báo mùa Tết như thược dược, đồng tiền, mai... đến các loại hoa dâng ban thờ như cúc, vạn thọ, lay ơn. Hàng hoa sực nức “mùi” Tết lúc đêm về sáng, khi các xe hoa từ nhà vườn Phú Yên, Đà Lạt, Hà Nội nối đuôi nhau về chợ.

Ảnh: VĂN THÀNH LÊ
Ảnh: VĂN THÀNH LÊ

Ngày xưa, các bà, các mẹ thường có thời gian để mà bận bịu, hạnh phúc với Tết, có nhà sớm là từ sau Rằm tháng Chạp, chị em phụ nữ ngày nay khá bận rộn với công việc nên chỉ đi chợ vào những ngày cận Tết. Dù mua sắm muộn hơn nhưng không vì thế mà tâm trạng đi chợ Tết bớt háo hức, nôn nao. Mà kể cũng lạ, ngày nay, việc chợ búa ngày Tết đã tiện lợi hơn nhiều khi hàng loạt siêu thị, cửa hàng tiện lợi mọc lên với đủ đầy đặc sản bốn phương; được giao hàng tận nơi, đúng giờ, sơ chế sẵn, chị em chỉ việc ngồi một chỗ nhấp chuột máy tính hay gọi một cú điện thoại là xong.

Thế nhưng, người ta vẫn cứ phải ra chợ, chen chân giữa những mặc cả bán - mua để tìm một  cảm giác rất mới mẻ mà chỉ riêng ngày Tết mới có. Không ít phụ nữ trẻ chia sẻ, nhiều khi họ không có nhu cầu sắm sửa gì cả nhưng vẫn rất thích “lội” chợ Tết, bởi ngắm người đi chợ thôi cũng đủ vui lắm rồi. Trong tâm lý, người ta vẫn ngại chợ búa ồn ào nhưng thực sự, những câu mặc cả, hỏi han nhau xem mua cái này ở đâu ngon, cái kia ở đâu tốt, nhà đã sắm Tết đến đâu rồi... có thể xem là nhịp chậm giữa dòng đời ồn ã để chúng ta quan tâm đến những người xung quanh mình.

Trong những năm gần đây, để phù hợp với xu thế mới, giản tiện hơn cho mọi người, bên cạnh những đặc sản Tết truyền thống từ xưa, các khu chợ còn có thêm những quầy chuyên bán thực phẩm chế biến sẵn. Từ xôi vò, chả, nem, gà luộc cánh tiên ngậm hoa hồng cho đến thịt đông, sườn xào, canh măng… nấu theo suất bày biện đóng hộp gọn gàng.

Chị Quỳnh Kim (nhân viên kế toán, trú quận Thanh Khê) chia sẻ: “Má chồng mình giở lịch âm dương ra coi và nói, năm nay, nhà mình nên làm mâm cơm cúng Tất niên vào ngày 20 tháng Chạp. Mà khổ, hai vợ chồng đều làm Nhà nước, đâu thể xin nghỉ việc vì nhà có Tất niên, đợi đến Chủ nhật được nghỉ thì không phải ngày đẹp. Tính đi tính lại, hai vợ chồng quyết định sẽ vẫn cúng Tất niên vào ngày 20 và đặt trước mâm cúng tại siêu thị. Như vậy, hai vợ chồng vẫn đi làm bình thường và 11 giờ tan làm thì ghé siêu thị nhận mâm cơm đã đặt từ hôm trước, rất đơn giản và tiện lợi mà Tết như vậy cũng đủ đầy”.

Ngày nay, cùng với nhịp sống hối hả của xã hội, gần như mọi thứ đã được làm sẵn nên người ta không phải vất vả như xưa. Nhưng chợ Tết vẫn không hề mất đi ý nghĩa. Phải chăng, chợ Tết là văn hóa, là hồn dân tộc đã thấm đẫm vào huyết quản mỗi người Việt, để dẫu năm tháng có trôi qua thì thế hệ này cứ nối tiếp thế hệ kia, hạnh phúc và yêu thương thật lòng với chợ Tết?

QUỲNH TRANG

.