Trong 12 con giáp, hổ là con vật có rất nhiều tên gọi khác nhau tùy theo vùng miền: cọp, hùm, kễnh, khái, thầy, hạm... Đặc biệt, hổ còn có các “biệt danh” như: Chúa Sơn Lâm, Ông Ba Mươi.
Trong khi hình tượng hổ trên bình phong đình Phú Hòa, xã Hòa Nhơn (huyện Hòa Vang) là một phù điêu, thì trên bình phong đình Đại La, cũng ở xã Hòa Nhơn, là tượng tròn. Ảnh: V.T.L |
Sao lại gọi “Ông Ba Mươi”?
“Chúa Sơn Lâm” có lẽ không ai còn lạ gì, thế nhưng cọp mà được gọi là “Ông Ba Mươi” thì rất nhiều người thắc mắc. Có mấy giả thuyết giải thích về điều này.
Sách Lĩnh Nam chích quái (Chọn lựa những chuyện quái dị ở đất Lĩnh Nam) được biên soạn vào khoảng cuối đời nhà Trần, có Truyện Mộc tinh (nguyên văn: Mộc tinh truyện) kể chuyện một loại yêu quái có hình dạng và đặc tính cây từ thời cổ bị tiêu diệt thời Đinh Tiên Hoàng.
Theo đó, thời Văn Lang ở nước ta có một loài cây “trải qua hằng mấy ngàn năm khô héo mà biến thành yêu tinh, thường thay đổi dạng, rất dũng mãnh, có thể giết người hại vật, (…) biến hóa khôn lường, thường ăn thịt người”, người dân gọi là Mộc tinh (thần Cây cối) hoặc thần Xương Cuồng. Xương Cuồng có nghĩa là hành động một cách bạo ngược, tàn ác, không thể trấn áp được. Để được yên ổn, dân phải lập đền thờ, hằng năm đến ngày 30 tháng Chạp, theo lệ phải mang người sống tới nộp. Mộc tinh, thần Cây cối, hay Xương Cuồng là thần Hổ. Mộc tinh trong hình ảnh cọp là tai họa của rừng núi, cũng như Ngư tinh là tai họa của sông biển. Do tục lệ tế thần Xương Cuồng vào ngày 30 tháng Chạp hằng năm nên về sau người ta gọi hổ là Ông Ba Mươi.
Một thuyết khác xuất phát từ một truyền thuyết về Nguyễn Ánh. Lần nọ, khi Nguyễn Ánh bị quân Tây Sơn truy bức, hết cả lương thực, tưởng đâu cầm chắc cái chết trong tay, may đâu có con hổ mang thịt thú rừng tới “giải cứu”. Về sau, khi lên ngôi, để tạ ơn, vua Gia Long ban lệnh lập miếu thờ tại vùng Mô Xoài, nay thuộc tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, dân gian thường gọi là miếu Ông Hổ. Tương truyền, vua ban lệnh cấm giết hổ, nếu kẻ nào lỡ tay giết chết thì bị phạt 30 trượng, còn nếu bắt sống thì được thưởng 30 quan tiền. Cũng vì lệ này mà hổ còn được gọi là Ông Ba Mươi.
Võ Quảng, nhà văn xứ Quảng nổi tiếng của Việt Nam, đã giải thích cách gọi Ông Ba Mươi theo cách riêng của mình. Trong truyện đồng thoại Chuyến đi thứ hai của ông, có hai anh em Cóc Tía và Cóc Bịch rủ nhau lên Trời hỏi sao không mưa. Trên đường đi, họ rủ thêm một số bạn đồng hành nhưng tất cả đều viện cớ từ chối khéo. Gặp Hổ Vằn, họ kể những việc đã xảy ra và mời Hổ Vằn cùng lên trời một chuyến. Hổ Vằn nghe xong quắc mắt, gầm lên: “Ta quyết nhai xương tất cả bọn chúng! Nhưng Cóc Tía hãy đợi ta một tý. Ta đang khát nước, phải đi uống một ngụm nước cái đã”. Nói xong, Hổ Vằn đến bên suối, uống một ngụm nước. Uống xong, Hổ Vằn quên phứt những gì đã hứa.
Nhà văn chuyên viết về đề tài thiếu nhi kết luận ít nhiều khôi hài: “Tính Hổ Vằn vừa dễ hứa, vừa dễ quên. Người ta thường gọi Hổ Vằn là Ông Ba Mươi, cũng vì khi Hổ Vằn đã bước xa ba mươi bước là đã quên hết mọi việc vừa làm trước đó”.
Cứ... hổ mà gọi
Là một biểu tượng trong nền văn hóa cổ phương Đông, hổ tượng trưng cho tài năng, trí tuệ, sức mạnh của những con người xuất chúng.
Trong giới âm nhạc miền Nam trước năm 1975, công chúng vinh danh nhóm “Ngũ hổ” gồm 5 nhạc sĩ đã để lại dấu ấn nghệ thuật còn vang vọng mãi đến bây giờ. Theo tác giả Hoàng Nguyên trong bài viết Một chiều với Từ Công Phụng, ở thời cực thịnh trong thập niên 1960, 1970, miền Nam có 5 nhạc sĩ được xếp vào hàng “Ngũ hổ” gồm: Từ Công Phụng, Vũ Thành An, Ngô Thụy Miên, Trịnh Công Sơn và Lê Uyên Phương (Báo Tuổi Trẻ, 5-5-2008).
Đối với những người học vấn uyên bác, trí tuệ tài hoa, có sức mạnh phi thường trong trường văn trận bút, người xưa tôn vinh họ thành một “bộ tứ” với mỹ hiệu “Tứ hổ”.
Huyện Nam Đàn (tỉnh Nghệ An) xưa có “Tứ hổ” gồm San, Đôn, Lương, Quý - cách gọi thân mật chỉ 4 vị Phan Văn San (tên gọi thời trẻ của Phan Bội Châu), Lê Bá Đôn, Trần Văn Lương, Vương Thúc Quý. Trong đó, riêng San đậu Giải nguyên, các vị còn lại đều đậu cử nhân. Cổng thông tin điện tử Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Nghệ An kể câu chuyện xưa, rằng 4 vị này một lần rủ nhau đi hát phường vải ở xã Nam Kim, bị bên gái vặn hỏi: Bốn chàng quê quán ở đâu?/ Xin tường danh tính để sau khuyên mời. Chàng Giải nguyên Phan Văn San nhanh nhẹn thay mặt các bạn ứng tác ngay: Nam Đàn tứ hổ là đây/ San, Đôn, Lương, Quý một bầy bốn anh. Các nàng ấy hẳn là đã... bó tay, một hổ thì thiên hạ đã rụng rời chân tay, huống gì...
Trong Kho tàng Giai thoại Việt Nam (NXB Văn hóa - Thông tin, Hà Nội, 2001), nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Vũ Ngọc Khánh cho biết ngoài “Quảng Nam tứ hổ” (Phạm Liệu, Huỳnh Thúc Kháng, Phan Châu Trinh và Trần Quý Cáp), còn có “Tràng An tứ hổ”. Đây là mỹ hiệu người đương thời gọi 4 nhà trí thức nổi bật trong giới làm báo ở Hà Nội đầu thế kỷ XX, gồm các vị “Vĩnh, Quỳnh, Tốn, Tố” - Nguyễn Văn Vĩnh sáng lập Đông Dương tạp chí, Phạm Quỳnh chủ trương tờ Nam Phong tạp chí, Nguyễn Văn Tố chủ trì Viễn Đông Bác Cổ và nhà Tây học lỗi lạc Phạm Duy Tốn.
Oai danh lừng lẫy của chúa sơn lâm khiến con người thấy cái gì có vẻ hùng mạnh hoặc có hình dạng giống như hổ là cứ… Ông Ba Mươi mà gọi: tôm hùm, rắn hổ, lá lưỡi cọp, cây ba mươi... Với con người cũng vậy, thấy cái gì xuất chúng, nổi bật thì cứ... hổ mà gọi!
Tên gọi đầy uy linh
Hổ đi vào văn hóa, văn nghệ dân gian Việt Nam không chỉ bằng cách gọi tên mà còn thể hiện ở ca dao, tục ngữ, thành ngữ, cổ tích, ngụ ngôn. Có một vế xuất đối dân gian với cách chơi chữ rất “mắc” bằng các từ đồng nghĩa chỉ tên gọi của chúa sơn lâm đến nay vẫn chưa ai đối lại được: Làm đại khái qua loa, nói như hùm như cọp, ông ba mươi đã lên giọng lão, chẳng sửa dần càng thêm hổ miệng (khái, hùm, cọp, ông ba mươi, dần, hổ).
Một Ông Ba Mươi bị dân làng hạ nốc ao. (Ảnh tư liệu) |
Nghệ thuật hô hát bài chòi xứ Quảng, khi nói về quân bài Tứ Cẳng, anh hiệu hát: Ông bà ta hay nói lửng lờ/ Diễn ngôn diễn nghĩa lập lờ mà vui/ Con Cọp thì gọi Ông Ba Mươi/ Gà kêu con Dậu, Lợn thời chú Trư/ Con Chó là Cẩu phải rồi/ Còn gọi con Tứ Cẳng anh thời đúng chưa?.
Dân gian có lẽ ít ai biết vì sao cọp lại được gọi là Ông Ba Mươi, nhưng cái sự kiêng sợ, nể vì ông Cọp, ông Hổ đến mức thần thánh hóa thì ai cũng từng nghe. Thời còn nhiều núi rừng hoang sơ, người dân - đặc biệt là người vùng sơn cước - thường sợ hổ một phép, khi đi rừng không dám nhắc đến các từ “kỵ húy” như hổ, cọp; nếu cần thiết thì nói trại tên đi, ví như ông “Kễnh”.
Nhiều nơi người dân lập miếu thờ ông Hổ, ông Cọp để cầu mong chúa sơn lâm không về phá phách xóm làng, như dinh Ông thờ Ông Cọp ở làng Phong Bắc xưa, nay thuộc phường Hòa Thọ Tây, quận Cẩm Lệ, thành phố Đà Nẵng. Hình tượng hổ được đưa vào bình phong nhiều đình, miếu của làng ở Đà Nẵng, như: đình Đại La (xã Hòa Sơn), đình Trước Bàu, đình Phú Hòa, đình Phước Hưng, đình Phước Thuận (xã Hòa Nhơn), miếu Bà (làng La Bông, xã Hòa Tiến, đều thuộc huyện Hòa Vang)... Đồng bào Cơ tu cũng trang trí phù điêu chạm khắc hình tượng hổ trong nhà Gươl, phản ánh một thời cọp về tận làng bắt trâu, bắt bò.
Thờ ông Hổ, ông Cọp là một hình thức tín ngưỡng dân gian của nhiều dân tộc, nhiều vùng miền. Trong tiềm thức dân gian Việt Nam, hổ hay Ông Ba Mươi là tên gọi đầy uy linh, thần lực trong những gian thờ ở đình, chùa, lăng, miếu.
VĂN THÀNH LÊ