Thao thức đêm Giao thừa

.

Cuộc đời của mỗi con người chắc có không ít lần nửa đêm về sáng giật mình thức giấc. Có khi không ngủ được vì một hay nhiều nỗi niềm chưa thể nói ra. Song, có khi không ngủ lại được chỉ đơn giản là vì nỗi nhớ, nhất là những đêm dần về cuối năm, trong lòng cứ lập lòe một ánh lửa trước sân nhà…

Ảnh: VĂN THÀNH LÊ
Ảnh: VĂN THÀNH LÊ

Như rất nhiều đứa trẻ con khác, mình nghĩ ngủ là thứ mình mê nhất lúc còn thơ bé. Trong tiết trời se se lạnh, lúc những tờ lịch cuối cùng của năm cũ bắt đầu rơi xuống, thứ cảm giác chỉ muốn cuộn tròn trong chăn ấm trong những ngày nghỉ có lẽ là cảm giác hạnh phúc nhất.

Thế nhưng, chỉ duy nhất cái đêm trước đêm Giao thừa bị má hối đi ngủ nhưng lòng lại chẳng muốn ngủ chút nào. Vì biết rõ ràng rằng, chỉ một lát xíu nữa thôi, cả nhà sẽ quây quần bên một tấm chiếu lớn để bắt đầu các công đoạn gói những đòn bánh tét cho ngày Tết.

Trong ánh đèn vàng của đêm cuối năm nhiều sương lạnh, dưới mái nhà lợp đầy những tấm tôn cũ rỉ sét, ba má và các anh trai cùng nhau gói bánh. Cứ thế lần lượt mỗi người một công đoạn: từ việc lau tàu lá chuối rồi trải ra, đổ nếp đã ngâm sẵn lên, thêm một lớp đậu xanh bóc vỏ, cho lên đấy miếng thịt ba rọi dài ướp sẵn gia vị và cuối cùng là gói đòn bánh tét thuôn dài bằng những sợi lạt chẻ mỏng đã ngâm nước trước đó một ngày.

Những câu chuyện, những tiếng cười và cả sự ấm áp của khoảng thời gian nửa đêm về sáng ấy… thật sự khiến đứa trẻ con - là mình - của năm tháng đó, cố gắng bằng mọi cách chống lại sức quyến rũ của giấc ngủ để lén nhìn cả nhà gói bánh. Cứ he hé ánh mắt từ bên trong chăn ấm vì sợ mọi người phát giác, rồi lặng lẽ mỉm cười như kiểu chỉ có một mình mình tận hưởng cuốn phim đang quay chậm từng khoảnh khắc hạnh phúc của những người thương yêu.

Dĩ nhiên, cũng có năm đủ lớn thì được ba má cho dậy ngồi chơi cùng. Có lần còn tự tay mình gói những đòn bánh nhỏ với ít nếp, đậu và thịt còn sót lại. Những đòn bánh xộc xệch nhưng chứa đầy niềm vui và nỗi háo hức của một đứa trẻ…

Và khi những đòn bánh tét được gói xong thì buổi sáng cuối cùng của năm cũ cũng bắt đầu ửng chút ánh sáng mờ nhòe từ phía nền trời xa. Một bếp củi to được làm từ ba tảng đá lớn xếp thành 3 góc ngay chính giữa sân nhà dưới tán cây trứng cá. Đặt lên bếp là một cái nồi thật to xếp chật kín các đòn bánh tét vừa được đổ đầy nước. Để khi mồi lửa đầu tiên bén vào các khúc củi khô chất sẵn, cả nhà mới được xem là thở phào nhẹ nhõm vì đã qua những công đoạn vất vả nhất của việc gói gần 30 đòn bánh tét cho cả nhà 9 miệng ăn.

Những nửa đêm về sáng ấy cứ mỗi năm trước đêm Giao thừa lại lặp lại một lần. Ba má từ vị trí của những người quan trọng nhất trong việc gói bánh, dần dần tay cũng yếu, lưng cũng còng đi… nên phải chuyển giao vị trí cho các anh trai lớn trong nhà. Rồi đến lúc ba má chỉ bày biện ra, quan sát sắp xếp mà không trực tiếp tham gia gói bánh như những ngày xưa…

Có thể ai đó, khi lớn lên, luôn muốn quên đi những năm tháng khó khăn của gia đình mình. Vậy nhưng với mình, ký ức nghèo khó của những cái Tết xưa không hiểu sao vẫn luôn đẹp và bình yên. Khoảng thời gian ấy như được vẽ bởi một thứ gam màu tinh khiết nhất bất chấp bàn tay của người họa sĩ có lấm lem bùn đất đến đâu.

Cái ánh lửa lập lòe của nồi bánh tét giữa sân nhà trong buổi sáng sớm cuối cùng của năm cũ, luôn khiến đứa trẻ thơ - là mình - tin rằng chúng ta thật sự đang rất bình an vào khoảnh khắc này. Sau một năm với bao biến cố và thử thách, lại chuẩn bị tâm thế đón một năm mới ở phía trước mặt… thì những con người dưới mái nhà này, vẫn có thể ngồi cạnh nhau trong một đêm dài, gói những chiếc bánh và chuyện trò những câu chuyện đời không dứt.

Ảnh: PHAN NGUYỆT
Ảnh: PHAN NGUYỆT

Những nửa đêm về sáng ấy, theo thời gian, đã biến mất vào một cái Tết nào đó mà mình không còn nhớ rõ như một quy luật tất yếu của cuộc đời. Vì một lẽ càng lớn con người càng ăn ít đi, càng cố gắng đơn giản hóa mọi chuyện... Có những món ăn ngày xưa Tết là không thể thiếu, bây giờ chỉ cần mua ở siêu thị một ít mang tính tượng trưng để đặt lên bàn thờ ông bà là đủ. Rồi mỗi người là một số phận cuộc đời riêng với bao xáo trộn. Kẻ tha hương cũng có, mà người ở lại cũng có. Thậm chí là những ly biệt không còn gặp lại nhau được nữa…

Mình tin là, câu chuyện những nửa đêm về sáng ấy đã ở trong ký ức của rất nhiều người Việt Nam, trải dài dưới khắp các mái nhà trên mảnh đất hình chữ S. Mà không chỉ dành riêng cho trí nhớ của mình…
Ngày cuối năm của một người đã đi qua hơn 2/3 quãng đời, thấy Tết bớt đi một vài niềm vui chộn rộn nhưng bù lại chợt nhiều hơn những thương nhớ xa xưa. Như đêm nay, khi đi qua một xóm nhỏ xôn xao từng bếp lửa nấu bánh chưng bánh tét của những người con xa xứ nơi một góc thành phố, bỗng nhận ra ánh mắt mình long lanh hơn…

Những nửa đêm về sáng, dưới một mái nhà nhỏ nơi xóm nghèo, có ba má và tất cả anh trai quây quần nhau cùng gói bánh tét, lại trở về trong trí nhớ tràn ngập yêu thương! 

NGUYỄN PHONG VIỆT

;
;
.
.
.
.
.