Báo Đà Nẵng Xuân Nhâm Dần 2022
Sống trong những ngày tĩnh lặng
Dường như với người Việt Nam, mỗi khi Tết đến, Xuân về, sáng “Mồng Một Tết” âm lịch vốn được xem là một buổi sáng yên lành, tĩnh lặng nhất trong một năm đầy vất vả ngược xuôi của cuộc sống thường ngày với vô vàn những công việc khác nhau, ở khắp nơi cùng chốn với cơm áo, gạo tiền...
Đó là một buổi sáng mà ở vùng quê hay thành thị… đều có rất ít người đi lại mà hầu như dành cho những phút giây thư thái bên người thân trong ngôi nhà ấm cúng để đoàn tụ gia đình, để hương khói cho ông bà, tổ tiên cầu mong một năm mới an lành, hạnh phúc. Những lúc đó, ai ai cũng cảm thấy như đường làng, phố xá vốn đông đúc chen nhau mới ngày nào nay bỗng trở nên rộng thênh thang trong một không gian yên tĩnh.
Ấy vậy, mà suốt hai năm qua, trên nhiều địa phương của cả nước, trong đó có Đà Nẵng cũng có không biết bao nhiêu những ngày “Mồng Một Tết” với những trạng thái vô cùng khác lạ đến nao lòng khi Covid-19 tràn vào Việt Nam.
Có thể nói đó là những ngày “không thể nào quên” của một thế hệ người Việt Nam chúng ta đã và đang chứng kiến một cơn đại dịch vô cùng tàn khốc, khủng khiếp của thế kỷ XXI này. Cũng vì thế mà Đà Nẵng đã có những ngày, những tháng kéo dài giãn cách xã hội để phòng, chống Covid-19, nhanh chóng làm cho thành phố nơi “đầu biển, cuối sông” vốn sôi động, náo nhiệt lại rơi vào sự yên ắng đến lạ thường.
Trong những lúc đó, hầu như chỉ có những lực lượng tuyến đầu phòng, chống dịch bệnh như y tế, công an, quân đội, dân quân tự vệ… xuất hiện ở những nơi xung yếu tại các bệnh viện, tại các ổ dịch để cứu người nhiễm bệnh, chăm lo sức khỏe và bảo vệ cuộc sống an lành cho nhân dân, còn hầu như mọi người đều phải tạm thời ở trong ngôi nhà của mình hoặc những nơi tạm trú tại cơ quan, xí nghiệp… để ngăn chặn đà lây lan của dịch bệnh.
Có thể nói đó là những ngày vô cùng mới lạ, đầy khó khăn, vất vả và những trăn trở, căng thẳng đến nhói lòng đối với nhiều người, nhiều gia đình chúng ta, khi mà cuộc sống bất ngờ đảo lộn kéo dài trong nhiều ngày, nhiều tháng liền, và được người gọi với cái tên ví von là “những sáng Mồng Một Tết” dài vô tận?!
Bởi, khi không gian bên ngoài của thành phố như đường Bạch Đằng, Trần Phú, Ngô Quyền, Phan Châu Trinh, Điện Biên Phủ, Nguyễn Văn Linh, cảng cá Thọ Quang, sân bay Đà Nẵng, bến xe trung tâm… nhanh chóng thoáng đãng, rộng thênh thang, trong khi đó thì nhiều nhà, nhiều con hẻm, nhiều xóm trọ... ở đường Hoàng Diệu, Đống Đa, Trần Cao Vân… lại trở nên chật hẹp, tù túng, với biết bao những lo toan về cơm áo, gạo tiền, về những bữa ăn hằng ngày, hay sự lo sợ dịch bệnh ập đến bất cứ lúc nào.
Cuộc sống thường ngày bỗng dưng chậm lại đến không ngờ. Nhiều người nay không phải thức khuya, dậy sớm để lo buôn bán, đưa con đến trường hay đến nhà máy, cơ quan để làm việc, mà thay vào đó quanh quẩn trong ngôi nhà của mình.
Nhưng trong tình trạng “bất đắc dĩ” đó, có một điều không kém phần thú vị mà trước đây hiếm khi được trải nghiệm, đó là khi những người thân trong gia đình lại có nhiều thời gian giành cho nhau. Con cháu gần gũi với ông bà, vợ gần chồng, cha gần con, những bữa cơm gia đình ấm cúng quây quần bên nhau, dù không sung túc như ngày Tết nhưng có nhiều bàn tay cùng chăm chút nên mang lại hương vị “bữa cơm” mà nhiều năm trước đây không mấy khi có được. Họ trò chuyện nhiều hơn, cùng chia sẻ và lo cho nhau nhiều hơn.
Rồi, trong những khó khăn tưởng chừng không thể vượt qua đó, “tình làng, nghĩa xóm” lại được nhân lên gấp bội lần, khi tổ Covid-19 cộng đồng, hội phụ nữ, đoàn thanh niên, cựu chiến binh…đã cùng nhà nhà chung tay góp sức nhắc nhau bằng tin nhắn, cuộc gọi bằng các nhóm zalo, facebook, hay vẫy gọi từ xa để động viên phòng, chống dịch bệnh, hỗ trợ nhau khi gặp khó khăn hoạn nạn, chia nhau những bó rau, cân gạo, củ khoai, mắm muối… nhằm vượt qua những tháng ngày đại dịch hoành hành.
Vậy là cái tĩnh lặng nhìn từ bên ngoài là thế nhưng bên trong lại có biết bao nhiêu sự chuyển mình sôi động của cuộc sống mang dấu ấn “tình người sâu nặng”. Cái không gian tưởng như sáng “Mồng Một Tết” âm lịch hằng năm của dân tộc, song lại hàm chứa một hoàn cảnh “khác thường” rất đặc biệt trong mùa đại dịch và được nhân lên gấp bội bởi “tình người” trong khó khăn, hoạn nạn.
Đó là sự tĩnh lặng để kết nối tình yêu thương giữa người với người trong mỗi gia đình, trong mỗi con hẻm, trong mỗi đường phố của Đà Nẵng mình. Vì có nhiều mỗi sáng, thành viên của Tổ Covid-19 cộng đồng đi thông báo cho từng gia đình nhận thực phẩm tự nguyện được phân chia xếp hàng dài trên dọc đường của mỗi tổ. Những món quà yêu thương được trao và được nhận không ồn ào mà đầy tính nhân văn.
Đó là sự tĩnh lặng trong mỗi bệnh viện, trong mỗi Trung tâm y tế trên khắp thành phố Đà Nẵng với hàng trăm bệnh nhân nhiễm Covid-19 mà đội ngũ các y, bác sĩ, nhân viên y tế phải ngày đêm căng mình trong các bộ áo quần bảo hiểm đặc biệt để chăm sóc, cứu chữa từng người bệnh. Họ âm thầm làm việc không biết đến ngày giờ miễn sao người bệnh của mình, đồng bào thân yêu của mình sớm vượt qua lưỡi hái của tử thần.
Đó là sự tĩnh lặng tại các điểm chốt chặn trên nhiều tuyến đường, cụm dân cư, cửa ngõ ra vào thành phố với hàng trăm cán bộ chiến sĩ công an, quân đội, dân quân tự vệ, thanh niên xung kích… miệt mài ngày đêm dù mưa rơi hay nắng gắt để tuần tra, canh gác nhằm bảo đảm an toàn cho từng khu dân cư, từng ngôi nhà, góc phố hay hỗ trợ với nhân viên y tế để chuyển bệnh nhân nhiễm bệnh đến các cơ sở điều trị.
Đó là sự tĩnh lặng của hàng trăm nhà hảo tâm của Đà Nẵng và các địa phương lân cận, miệt mài lo vận động bằng nhiều hình thức nhằm quyên góp vật tư y tế, lương thực, thực phẩm cần thiết để nhanh chóng đưa đến các cơ sở y tế, đến những gia đình, những người đang gặp khó khăn trong cuộc sống. Họ làm với một tấm lòng thiện nguyện, bao dung, nhân hậu với ước mong cho bà con của mình đỡ một phần nào trong cuộc sống.
Bao trùm lên tất cả đó là sự chuyển mình mạnh mẽ, quyết liệt của cả hệ thống chính trị từ thành phố đến cơ sở bằng cả tinh thần và vật chất cao nhất để vào cuộc một cách nhanh nhất, hiệu quả nhất trong công tác phòng, chống dịch bệnh. Vì thế mà công tác phòng, chống dịch bệnh của Đà Nẵng được đánh giá là kịp thời, hiệu quả. Đặc biệt, sự hỗ trợ vật chất cho nhiều gia đình, nhiều đối tượng chính sách, nhất là những người nghèo, người không nơi nương tựa có được lương thực, thực phẩm thiết yếu để không rơi vào cảnh thiếu đói.
Nhìn lại những sáng “Mồng Một Tết” âm lịch bất đắc dĩ trong mùa Covid-19 với cả hơn trăm ngày trên thành phố Đà Nẵng trong hai năm qua, làm cho mỗi chúng ta có biết bao ấn tượng vì lo toan do dịch bệnh bủa quanh, vì sự dồn nén kéo dài do giãn cách... nhưng lại thấm đậm tình người trong khó khăn, hoạn nạn. Nó cũng giúp chúng ta có thêm niềm tin và sức mạnh của tinh thần đoàn kết, đồng lòng của người dân với chính quyền thành phố để tiếp tục chống chọi với bệnh tật, để vượt qua mọi thử thách, từng bước đưa cuộc sống của người dân Đà Nẵng sớm trở lại bình thường trong hoàn cảnh mới!
TUYẾT MINH