Bước chân không mỏi

.

Năm 2020 hết sức đáng nhớ với thành phố biển Đà Nẵng, với người dân, du khách và đặc biệt với những bác sĩ và nhân viên y tế ở tuyến đầu chống dịch. Với bác sĩ Lê Thành Phúc, Giám đốc Bệnh viện Phổi Đà Nẵng, điều đáng nhớ nhất, có lẽ chính là nụ cười của hàng trăm bệnh nhân, người nhà khi họ thở phào, nhẹ nhõm bước ra khỏi cánh cổng bệnh viện với tờ giấy chứng nhận điều trị khỏi Covid-19 trên tay. Bác sĩ Phúc chính là người túc trực liên tục trên tuyến đầu chống dịch...

Bác sĩ Lê Thành Phúc, Giám đốc Bệnh viện Phổi Đà Nẵng trao giấy ra viện cho bệnh nhân nhiễm Covid-19 được điều trị khỏi. Ảnh: PHAN CHUNG
Bác sĩ Lê Thành Phúc, Giám đốc Bệnh viện Phổi Đà Nẵng trao giấy ra viện cho bệnh nhân nhiễm Covid-19 được điều trị khỏi. Ảnh: PHAN CHUNG

Dáng đi nặng nề, giọng nói sang sảng, thoạt đầu tiếp xúc với bác sĩ Phúc, có lẽ không mấy người ấn tượng. Nhưng đằng sau vỏ bọc ấy lại là đôi mắt đau đáu với diễn biến bệnh lý, tâm lý, cảm xúc của từng người bệnh. Nếu giai đoạn 1 của quá trình phòng, chống Covid-19 tại bệnh viện này (từ tháng 1 đến tháng 4-2020) chỉ là quá trình “tập dượt” khi tiếp nhận, cách ly 600 trường hợp F1 thì “cuộc chiến” thực sự bắt đầu từ ngày 28-7-2020, khi tiếp nhận những bệnh nhân Covid-19 đầu tiên lên điều trị. Khối lượng công việc hết sức nặng nề bất ngờ dồn đến.

Ngoài nâng cấp, đầu tư thiết bị, cải tạo, xây dựng không gian theo đúng tiêu chuẩn của Bộ Y tế, các nhân viên y tế cũng được gấp rút tham gia các khóa đào tạo cấp tốc để đáp ứng tình hình. “Áp lực lớn nhất chính là sứ mệnh mà chúng tôi được giao phó. Đây sẽ là nơi điều trị cho những bệnh nhân Covid-19 nặng trên nhiều bệnh nền có sẵn. Vẫn biết sau lưng luôn có sự hậu thuẫn của nhiều chuyên gia đầu ngành, các đơn vị tiếp sức và lãnh đạo thành phố nhưng khi mới nhận nhiệm vụ, chúng tôi không thể không lo lắng”, bác sĩ Phúc tâm sự.

Sau những ngày đầu choáng ngợp, hối hả, người ta lại thấy một Bệnh viện Phổi bình tâm đến lạ thường. Bên trong cánh cổng cách ly, các nhân viên vẫn bước vội, luân phiên nhau để thực hiện nhiệm vụ được giao. Trên hành lang các khu điều trị, chiều chiều người ta lại thấy các y tá, điều dưỡng đẩy xe lăn đưa bệnh nhân Covid-19 ra hít gió trời.

Số lượng bệnh nhân nhiễm Covid-19 liên tục được chuyển đến, Bệnh viện Phổi Đà Nẵng được ưu tiên tăng cường lực lượng, trong đó có nhiều y, bác sĩ đến từ Hà Nội, Hải Phòng, Thành phố Hồ Chí Minh... Tất cả đều đồng tâm hợp lực, không phân biệt vùng miền, trình độ, nhiệm vụ, chỉ với một mục tiêu duy nhất đó chính là tập trung cứu chữa những bệnh nhân Covid-19 đang trong tình trạng nguy kịch.

Trong lần tiếp xúc với Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Quảng tại buổi kiểm tra công tác phòng, chống Covid-19 tại Bệnh viện Phổi Đà Nẵng vào tháng 8-2020, bác sĩ Phúc không ngần ngại bày tỏ: “Kính đề nghị lãnh đạo thành phố chỉ đạo các đơn vị môi trường xử lý dứt điểm rác tồn đọng tại bệnh viện vì hết sức nguy hiểm. Hơn nữa, chỗ ăn, ở của anh em nhân viên y tế các đơn vị được tăng cường cho bệnh viện thời gian này hết sức sơ sài, thiếu thốn. Rất mong được quan tâm hơn nữa để các bạn có sức khỏe, tinh thần, toàn tâm toàn ý cho cuộc chiến lâu dài này”. Chỉ sau 30 phút với đôi lời trăn trở ấy, lãnh đạo thành phố đã yêu cầu các đơn vị liên quan xử lý dứt điểm hai nguyện vọng của ông.

Sau này có dịp gặp lại, bác sĩ Phúc chia sẻ thêm: “Anh em cùng một chung một cuộc chiến mà không hề biết đến bao giờ sẽ kết thúc. Biết các bạn yêu nghề, trăn trở và lo lắng cho tình hình chung của thành phố nhưng nếu chúng ta không lo cho bản thân mình, không sẵn sàng tinh thần, sức khỏe thì vô tình lại là gánh nặng cho xã hội, bởi Covid-19 hết sức nguy hiểm và sẵn sàng lây nhiễm cho chính người trong cuộc”.

Niềm hạnh phúc của các nhân viên y tế chính là khi trao giấy ra viện cho các bệnh nhân Covid-19 được điều trị khỏi. Ảnh: PHAN CHUNG
Niềm hạnh phúc của các nhân viên y tế chính là khi trao giấy ra viện cho các bệnh nhân Covid-19 được điều trị khỏi. Ảnh: PHAN CHUNG

Trên cương vị là người thuyền trưởng, bác sĩ Phúc luôn quan tâm đến tâm tư, tình cảm của từng nhân viên y tế. Khi cả nước cùng hướng về Đà Nẵng, Bệnh viện Phổi tiếp nhận, điều trị hơn 100 bệnh nhân Covid-19, sáng sáng người ta lại thấy người thuyền trưởng đến gõ cửa từng phòng bệnh, nhẹ nhàng biếu mỗi bệnh nhân một chai nước uống. Đó là chai nước thảo dược ông cùng nhân viên bệnh viện tự tay nấu cho bệnh nhân để tăng cường hệ miễn dịch cơ thể, thêm sức khỏe chống lại SARS-CoV-2.

Để an toàn cho người thân, xã hội và là chỗ dựa cho anh em trong bệnh viện, bác sĩ Phúc cũng tiên phong “tự cách ly” ngay tại bệnh viện trong suốt 45 ngày (từ 25-7-2020 đến ngày 10-9-2020). Cùng ăn, cùng ngủ, cùng thức với nhân viên y tế và lo chung nỗi lo của người bệnh.

“Mình quán triệt anh em tuyệt đối không chủ quan, phải làm thật tốt các biện pháp phòng, chống dịch để không xảy ra tình trạng lây nhiễm chéo. Công tác xử lý nhiễm khuẩn, điều trị và hồi sức phải hài hòa, phối hợp. Và để làm được điều đó, không cách nào khác là phải làm gương, tiên phong đối mặt với những hiểm nguy, khó khăn phía trước”, bác sĩ Phúc tâm tình.

Những ngày cuối năm, Đà Nẵng vẫn đang nỗ lực giữ vững sự yên bình, kiểm soát tốt nhất tình hình dịch bệnh. Các y, bác sĩ dường như cũng được thảnh thơi hơn sau những chuỗi ngày mệt nhọc. Riêng với hơn 100 con người là bác sĩ, y tá, điều dưỡng… tại Bệnh viện Phổi Đà Nẵng vẫn đang tất bật ngược xuôi khi tiếp nhận, điều trị những công dân nhập cảnh nhiễm Covid-19 trở về.

Nhiệm vụ của họ vẫn tiếp tục. Những bước đi bên trong khuôn viên bệnh viện vẫn chưa chùn chân, mỏi gối khi sự an toàn của cả cộng đồng đang đặt hết vào họ. “Mừng nhất là khi trao tờ giấy ra viện cho từng bệnh nhân khi được điều trị khỏi Covid-19. Đó không chỉ là hạnh phúc của chính họ mà trong suy nghĩ của chúng tôi còn là sự sống, bình yên của xã hội”, bác sĩ Phúc kết lời..

PHAN CHUNG

;
;
.
.
.
.
.