Báo Đà Nẵng Xuân 2021

Có một hạm đội Anh ghé Đà Nẵng 228 năm trước

14:46, 16/02/2021 (GMT+7)

Cách đây 228 năm, vào năm Quý Sửu 1793, một hạm đội Anh lần đầu tiên ghé  Đà Nẵng và lưu lại hơn một tháng. Nhà thám hiểm John Barrow đã có mặt trên hạm đội này và sau đó đã viết một tác phẩm giá trị nói về bối cảnh lịch sử, văn hóa, xã hội… của vùng Quảng Nam - Đà Nẵng.

  “A group of Cochin Chinese” (ảnh trái) và “Shipping on the River Faifoo” - hai bức tranh trong tác phẩm A Voyage to Cochinchina có liên quan đến Đà Nẵng. (Ảnh tư liệu)
“A group of Cochin Chinese” (ảnh trái) và “Shipping on the River Faifoo” - hai bức tranh trong tác phẩm A Voyage to Cochinchina có liên quan đến Đà Nẵng. (Ảnh tư liệu)

Từ lạnh nhạt đến tin cậy

Năm 1793, dưới triều vua Cảnh Thịnh (1792-1802) nhà Tây Sơn, một hạm đội người Anh đã ghé Đà Nẵng và lưu lại đây một tháng 2 ngày (từ 14-5 đến 16-6). Theo John Barrow trong tác phẩm A Voyage to Cochinchina (Một chuyến du hành đến Nam Hà), đây là hạm đội chở sứ thần nước Anh đến Trung Hoa. Sở dĩ họ phải ghé lại Đà Nẵng vì phải chờ cho có gió mùa (gió nồm) mới đi Trung Hoa được.

John Barrow viết: “Bởi vì lúc bấy giờ phải nhờ thuận gió mới đi được và tình trạng sức khỏe của người bệnh (thủy thủ) bắt chúng tôi phải ghé đất liền” (trang 191). Lúc đầu họ định ghé lại đảo Côn Lôn nhưng dân ở đây thấy các tàu lớn của Anh thì sợ quá, bỏ chạy cả lên núi. “Họ bỏ chạy cả lên núi, chỉ để lại cho chút lương thực của họ trước cửa lều, rồi viết mấy chữ Hán, bảo chúng tôi lấy hết những gì họ có nhưng tha cho những mái nhà khốn khổ của họ” (trang 183). Vì thế họ đành cố gắng tìm một nơi thuận tiện hơn. Đó chính là Đà Nẵng.

Đối với hạm đội Anh, đây là vùng đất hoàn toàn xa lạ. Barrow cho biết do không có bản đồ để tra cứu nên không biết đường để vào vịnh vì “giữa chúng tôi và bờ biển là hằng hà sa số ghe chài lưới” (trang 188). Sau nhờ sự chỉ đường của một ông già “khốn khổ” trên một chiếc ghe không có buồm, họ mới biết đường để vào vịnh.

Do sự “gièm pha” vì lo sợ bị cạnh tranh của một thương nhân người Bồ Đào Nha tên là Manuel Doumé nên lúc đầu chính quyền và người dân có vẻ “lạnh nhạt” nhưng rồi nhờ “trả đúng giá bằng tiền tốt” và không thấy ý đồ gây chiến của tàu lạ nên “mối quan hệ giữa chúng tôi với dân tộc này trở nên thẳng thắn và bền vững, có sự tin cậy lẫn nhau… Những chức sắc địa phương bắt đầu hiện diện, có chút ân cần đối với những thỉnh cầu của chúng tôi và tỏ ra lịch sự, lễ độ. Sau cùng họ lên thăm chúng tôi trên tàu và mời tất cả sĩ quan trên tàu lên bờ dự tiệc” (trang 191).

Sau có vài hoạt động của hạm đội bị nghi ngờ như việc vẽ bản đồ vịnh Đà Nẵng và một sĩ quan theo sông Cổ Cò tiến về Hội An nhằm “thám thính” vùng đất đặc biệt  này. Tình hình có trở nên căng thẳng nhưng tất cả được giải quyết êm thấm. Hạm đội được nhà vua viết thư mời ra Huế để được tiếp kiến nhưng lấy lý do không có thời gian họ đã từ chối.

Hạm đội cũng được nhà vua tặng quà hai lần: lần đầu quà là 10 con trâu, 50 con lợn, khoảng 300 gà vịt và một số rau, hoa quả. Lần hai có một số ngà voi, 300 giỏ gạo nặng khoảng 100 tạ, 10 giỏ hạt tiêu; và mời lên bờ dự một bữa tiệc.

Hạm đội cũng tặng lại nhà vua một khẩu súng trường đẹp bắn được hai phát liền, một cặp súng lục bằng gang có lưỡi lê, một thanh gươm cán đồng, nhiều tấm vải nỉ lớn màu đỏ.

Triều đình Cảnh Thịnh thông qua viên trấn thủ Quảng Nam cũng tổ chức một bữa tiệc thịnh soạn để chiêu đãi toàn thể phái đoàn vào ngày 4 tháng 6, được cho là  nhân dịp sinh nhật vua Cảnh Thịnh.

Theo mô tả của Barrow, bữa tiệc được tổ chức trong một căn lều làm bằng tranh tre: “Trong lều bày một dãy bàn nhỏ đặt ghế ngồi hai phía, khoảng 20-24 người ngồi thoải mái… Thức ăn đựng trong các tô gồm cơm (thay cho bánh mì, đựng trong các chén đưa tận tay khách), thịt bò, thịt heo, thịt gà, cá, cắt miếng nhỏ hầm với rau, làm súp và nước cốt” (trang 242). Ông cũng cho biết không có thịt quay, rượu vang, hay rượu mạnh, cũng không có khăn ăn, muỗng nĩa mà chỉ có đũa và một cái thìa bằng đất nung. Sau khi ăn được uống trà rồi xem hát bội.

Cuốn sách được nhiều người trích dẫn mỗi khi nói về xứ Đàng Trong

A Voyage to Cochinchina là cách gọi tắt của một tên sách dài gồm 76 từ. Sách được viết trong thời gian từ 1797 đến 1798, tức 4 năm sau khi hạm đội Anh rời Đà Nẵng, được xuất bản lần đầu năm 1806 tại London.

Tác giả John Barrow là một nhà thám hiểm, một nhà ngoại giao người Anh. Ông sinh ngày 19-6-1764 tại vùng Universion thuộc bang Lancashire. Ông là người say mê thám hiểm, đã từng thám hiểm vùng Bắc Mỹ gần Bắc Cực. Ông cũng tham gia thành lập Hội Địa lý Hoàng gia Anh, từng làm Thư ký Thường trực Bộ Hải quân và Thuộc địa Anh. Ông mất ngày 23-11-1848. Khi viết cuốn sách, ông là quản gia của George Macartney, sứ thần đầu tiên của Anh tại Trung Quốc.

Cuốn sách có ba chương nói trực tiếp đến Việt Nam:

- Chương  IX dài 29 trang gồm hai phần, phần một nói về vị trí nước ta và việc hạm đội của Anh ghé cảng Đà Nẵng; phần hai nói về một số vấn đề lịch sử của nước ta thời đó.

- Chương X dài 65 trang lược khảo về phong tục, hoàn cảnh sống của người Đà Nẵng và tường thuật việc triều đình Cảnh Thịnh tiếp đãi hạm đội Anh.

- Chương XI dài 38 trang phân tích những lợi ích của việc buôn bán với Việt Nam.

Sau này, một số tác giả đã tách 3 chương này, dịch ra tiếng Việt hình thành tác phẩm Một chuyến du hành đến Nam Hà.

Trong sách có hai bức tranh được đáng chú ý: bức “A Group of Cochin Chinese” (Một nhóm người Đàng Trong) nói về một nhóm cư dân của Đà Nẵng và bức “Shipping on the River Faifoo” (Bến tàu trên sông Hội An).

A Voyage to Cochinchina là tác phẩm quan trọng cung cấp nhiều tư liệu quý để tìm hiểu về bức tranh lịch sử, văn hóa, xã hội và tín ngưỡng của xứ Đàng Trong nói chung, Quảng Nam - Đà Nẵng  nói riêng trong những năm cuối thế kỷ XVIII. Tuy còn một số nhược điểm nhưng cuốn sách được nhiều người trích dẫn mỗi khi nói về xứ Đàng Trong. 

LÊ THÍ

.