Báo Đà Nẵng Xuân 2021
Suối thiêng, tình người
Ngay sau ngày im tiếng súng, tập trung sức khai hoang, vỡ hóa, phá dỡ bom mìn, thâm canh, tăng vụ, chống đói, là thời kỳ các nhà thủy lợi truy lục các tài liệu hồ chứa nước trên đất Quảng Nam - Đà Nẵng, để khai thác nguồn nước tưới đang thiếu nghiêm trọng.
Khe Thẻ - Mỹ Sơn. Ảnh: ANH DUY |
Khi nghe cán bộ thủy lợi báo cáo có nhắc đến suối Khe Thẻ, ông Phạm Đức Nam(*) chợt nhớ: Một buổi sáng, khi chuẩn bị làm thịt heo ăn Tết thì nghe tiếng hàng loạt bom B52 ầm ầm rền vang ở các làng Thạch Bích, Đá Ngang, Tý, Sé, Dùi Chiêng… Hàng trăm chiếc trực thăng vòng lượn, hạ độ cao, sà sát ngọn cây trên các đỉnh núi thấp, đổ quân, chặn chốt các hành lang biết quân Giải phóng thường xuyên lên xuống, qua lại…
Tổ bảo vệ tiền tiêu chạy vào báo cáo với ông Phạm Đức Nam: Bí đường rồi thủ trưởng!
- Xoi đường, tạt qua vùng B. Đại Lộc!
- Làm sao, con heo?
- Sống đã, rồi sẽ ăn Tết sau!
Địch đổ quân trên đỉnh Hòn Quắp. Vách núi đứng, cao trên 30 mét. Trên đỉnh là địch, dưới chân là cơ quan Văn phòng Đặc khu ủy Quảng Đà, Nhà in Báo, Ban Tuyên huấn Đặc khu ủy... Qua trinh sát nắm được, không phải Trung đoàn 7, Trung đoàn 5 lính thủy đánh bộ và Lữ đoàn 196 Americon, mà là lính Trung đoàn 51 của Sài Gòn. Lúc này, Bí thư Tỉnh ủy Hồ Nghinh lại lên cơn sốt, nhìn lên đỉnh núi hỏi Phạm Đức Nam: Ông ngó răng?
Bọn Mỹ đã từng ở trên đó thả lon xuống, ta lượm ăn. Bọn 51, lo gì! Phạm Đức Nam đang nói thì thấy mấy sợi dây từ trên đỉnh tòn teng xuống, cát rơi trên lá khô nghe rào rào. Phạm Đức Nam nói như lệnh: Ngồi yên, ai rục rịch chết chừ! Chúng chỉ thả dây thăm dò chứ không có quân bu theo dây xuống.
Liền sau đó, hàng loạt bom B52 trút xuống quanh khu vực Mặt Rạng... Ngay buổi khuya, toàn bộ cơ quan thuộc Đặc khu ủy lặng lẽ xuống ranh Xuyên Hiệp, chân núi Hòn Tàu. Chờ đêm đến, vượt qua đèo Duy Lộc, leo lên đồi Dương Thông, theo sườn núi, mờ sáng thì đến khu đền tháp Mỹ Sơn. Theo lệnh của Phạm Đức Nam, tất cả vào dừng chân tạm nghỉ trong suối Khe Thẻ.
Suối Khe Thẻ là con khe không nhiều nước, chảy dưới vòm cây của Thánh địa Mỹ Sơn. Suối khởi đầu từ đỉnh núi Chúa, chảy uốn lượn quanh các dãy núi thuộc thung lũng Mỹ Sơn, cắt ngang qua các khu tháp và điểm cuối hòa vào đập Thạch Bàn.
Sáng dậy sớm, ăn lương khô, uống nước suối cắt cơn đói, tất cả lội suối, băng rừng lên Thạch Bàn, Núi Chúa. Dừng chân tạm trú dưới chân núi Chúa. Người lo đào hầm, kiếm hang đá phòng bom pháo; người lo cơm nước, được thở phào qua mấy ngày bị địch, bị pháo, bị bom, vây đuổi bám theo sau lưng. Tuy nhiên, ai nấy cũng trong tư thế sẵn sàng vì biết địch đang trinh sát tìm kiếm…
Vất vả nhất trong chuyến rút quân này là ông Phạm Đức Nam và tổ bảo vệ Đặc khu ủy - vì mang trọng trách bảo đảm an toàn và mạng sống cho hơn 200 cán bộ nhân viên. Họ đang thiếu cái ăn, nhiễm nhiều con bệnh dai dẳng kinh niên do đói, rừng thiêng, nước độc...
Trong rừng cây xanh lá, bên suối nước róc rách mát rượi quanh Núi Chúa, người nằm, người ngồi, người chập chờn thức ngủ, người loay hoay với hành lý mang theo. Chưa được hai ngày, sức lực rụng rời, thì sáng ngày thứ Ba, khi mặt trời chưa quá rặng núi Dương Thông, ở phía đông, bỗng một chiến sĩ trinh sát từ trên cây cao, tuột xuống, chạy về báo cáo với ông Phạm Đức Nam: Địch đổ quân trên đỉnh Hòn Châu - tức đỉnh Núi Chúa. Chúng đang xoi rừng đi xuống!
Tin dữ truyền rất nhanh. Ông Hồ Nghinh vẫn sốt cao chưa hạ cơn. Ông Phạm Đức Nam vẫn còn ê ẩm toàn thân. Một loạt đạn vang lên khá gần. Có một viên bất ngờ trúng ót một báo vụ gục ngay trên bờ suối. Nhiều người tái mặt. Ngay sau tiếng súng, bỗng thấy một toán biệt kích đi qua cách mọi người núp trong cây lá chừng vài trăm mét. Chúng đi thẳng!
Ông Hồ Nghinh lom khom bước thấp bước cao đến bên ông Phạm Đức Nam, giọng khàn: Răng ông?
- Phải di chuyển ngay!
- Đi đâu?
-Vùng B.
- Ông nghĩ kỹ chưa?
- Rồi! Chỉ có cách luồn vào sát nách địch thì mới thoát ra được.
Sát nách địch mà ông Phạm Đức Nam nói là đi sát khu kỹ nghệ An Hòa. Đi xa đồn địch sẽ bị phục, bị mìn. Mìn của nghĩa quân, của dân vệ, cả của du kích. Ông Phạm Đức Nam trao đổi với Võ Tự, Phó trưởng ban Giao bưu, là dân Xuyên Phú, rất thạo vùng đất này và là một cán bộ gan dạ, giàu kinh nghiệm. Võ Tự nói với ông Phạm Đức Nam: Anh cứ yên tâm! Tôi sẽ dẫn đường. Không ăn Tết trên núi, ta về làng ăn Tết với dân.
Ảnh: ANH DUY |
Đoàn người rời Thạch Bàn trở lại Mỹ Sơn, lần tuyến đường rừng ra đến Khe Thẻ đã 2 giờ sáng. Đoàn dừng chân nghỉ nơi đây chừng nửa giờ, vừa để ổn định đội hình, vừa dặn dò rồi xuất phát; sau đó, đi chậm men sát khu kỹ nghệ An Hòa, cố giữ không gây ra tiếng động. Võ Tự đi đầu, kế tiếp là Đặng Văn Phụ, đến Nguyễn Ngọc Quang - người bảo vệ ông Hồ Nghinh, tiếp theo là Trí - người bảo vệ cho ông Phạm Đức Nam. Ông Nam đi sau Trí chừng bốn bước chân. Ông Hồ Nghinh đi sau ông Phạm Đức Nam. Đoàn người nối nhau theo sau ông Hồ Nghinh.
Khi sắp bước chân đến làng Phú Đức, ông Phạm Đức Nam khẽ nhắc: Tự, coi chừng!
- Không chi đâu anh. Võ Tự nói đầy tự tin cho ông Nam yên tâm.
- Ngồi xuống hết. Nhắm thế nào đã!
Nghe lệnh ông Nam, Võ Tự dừng lại nhìn quanh một lúc rồi bảo đi tiếp. Đi được một đoạn ngắn, bỗng ‘‘bưng’’. Một tiếng nổ đanh, khô khốc, ánh chớp xanh lè rợn người. Cả đoàn người nằm liệt xuống.
- Trời ơi! Tôi bị rồi anh Sáu ơi!
Nghe tiếng Võ Tự thốt lên, ông Phạm Đức Nam bò lên gặp Trí. Cái mảnh mìn trúng trán, Trí vai mang cây AK, lưng mang cái gùi nặng, quay mòng mòng trên mé ruộng, rồi gục xuống tắt thở. Quang, bị thương ở miệng, gãy hai cái răng, một mảnh mìn vào đầu gối, chân trái tê cứng, quỵ xuống. Ông Nam sờ người Võ Tự. Hai chân Võ Tự bay mất đoạn từ đầu gối trở xuống. Tiếng tiểu liên nổ tới tấp, đạn bay chíu chíu trên đầu.
Võ Tư lại kêu: Tôi chết!
Nước mắt ông Sáu Nam trào ra. Dường như ông không còn nghe tiếng súng, không biết nổ gần hay xa. Ông lại nghe Võ Tự thì thào, nhỏ dần: Anh ở lại chiến đấu. Em hoàn thành nhiệm vụ!
Đó là câu nói cuối cùng của Võ Tự - một chiến sĩ giao bưu mà ông tin tưởng và yêu quý vô cùng vào đêm 30 Tết Nhâm Tý, nhằm ngày 14 tháng 2 năm 1972.
Ông Hồ Nghinh từ phía sau vừa bò đến, giọng khàn đặc: Hề chi không!
Trí và Tự hy sinh. Quang bị thương.
Ông Phạm Đức Nam mang cây AK của Trí vào người, thì ông Hồ Nghinh hỏi: Chừ làm răng?
- Bình tĩnh… Ráo mồ hôi cái đã! Vừa nói, ông Phạm Đức Nam kéo Võ Tự và Trí gần lại nhau, lấy tấm nilon đắp lên người hai chiến sĩ. Nhìn họ một giây, ông liền quay lại nói với ông Hồ Nghinh: Tôi dẫn đường đi…
Nhằm ánh đèn sáng hừng lên hướng Đà Nẵng, đoàn người lặng thinh, người sau bám người trước bước đi. Cứ theo giữa đồng trống mà đi. Ra đến Mỹ Lược, vào làng, gặp dân và du kích Xuyên Hòa. Sau khi bà con mời ăn cúng ông bà, ông Phạm Đức Nam đề nghị bà con vào đưa xác hai chiến sĩ về chôn. Ông dặn: Nhớ báo tin cho chị Ba Chủng biết, anh Võ Tự chồng chị Ba vừa hy sinh.
Trời sắp sáng, đoàn người chờ tìm ghe đưa đoàn qua sông Thu Bồn. Đoàn qua hết bên kia sông, vừa lội trên đất làng Giảng Hòa, chưa kịp mừng vì thoát loạt bom B52 rền vang từ Hòn Tàu ra Khe Thẻ, thì lại bị một loạt bom tọa độ. Hoảng hồn. May không ai hề chi…
Suối Khe Thẻ có một vai trò hết sức quan trọng trong hệ sinh thái Mỹ Sơn. Chính nguồn nước luôn được duy trì quanh năm là điều kiện sống của hệ động thực vật đa dạng tại rừng tự nhiên Mỹ Sơn; đồng thời, cung cấp một phần nước đập Thạch Bàn tưới cho cánh đồng 3 xã khu Tây huyện Duy Xuyên. Mùa nắng hạn, các loại thú như heo rừng, chồn, sóc… sống nhờ nguồn nước Khe Thẻ.
Ông Phạm Đức Nam biết, khi Thánh địa Mỹ Sơn bị bom Mỹ, thế giới đã lên án. Ông xem các tài liệu, hình ảnh về Mỹ Sơn, và nói với anh em: Lo đói mà biến suối Khe Thẻ thành hồ chứa nước thì vĩnh viễn mất đền tháp Mỹ Sơn. Ông lệnh, không được đụng đến Khe Thẻ. Và trực tiếp chỉ đạo phục hồi đập Thạch Bàn, hồ chứa nước Vĩnh Trinh, lấy nước cứu các cánh đồng lúa đang khát cháy.
Tháng 12-1999, Khu đền tháp Chăm Mỹ Sơn được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới. Từ ấy, ngày ngày du khách vào thăm đền tháp, đi qua một cây cầu nhỏ có cái cổng với kiến trúc kiểu của người Chăm, bắc qua suối Khe Thẻ - Suối thiêng!
HỒ DUY LỆ
(*) Trước giải phóng 1975 là Chủ tịch Ủy ban Cách mạng Quảng Đà. Sau 1975 là Phó Chủ tịch rồi Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng.