Làng ven sông

.

“Ai về Mỹ Thị thì về/Trước sông, sau biển, rừng kề một bên”...

Câu ca từ thuở xa xưa chỉ về địa lý của làng Mỹ Thị đến nay nhiều người vẫn còn thuộc lòng. Một ngôi làng nhỏ bé mà hội tụ đủ các yếu tố tự nhiên như vậy quả hiếm thấy. Không chỉ có “độc thế” về địa hình mà từng tấc đất của làng còn gói gém biết bao chuyện vui, buồn thời cuộc. 

Chiều đông trên sông Cổ Cò. Ảnh: THÁI MỸ
Chiều đông trên sông Cổ Cò. Ảnh: THÁI MỸ

Làng xưa

Chiều đông. Tôi lững thững thả những bước chân ở cuối con đường Chương Dương ven sông Cổ Cò. Những cơn gió từ phía cửa Hàn lùa từng đợt quất vào da thịt lạnh buốt làm cho con đường càng thênh thang hơn bởi vắng người, xe qua lại. Dừng chân bên địa điểm ngày xưa có cái miếu dân làng Mỹ Thị thường gọi Miếu Một thờ cúng ông nhưng đã bị sóng xô, nước cuốn nay không còn dấu vết gì, lòng không khỏi ngậm ngùi, xót xa. Đó là một trong nhiều sự kiện lịch sử với bao biến cố, thăng trầm của làng Mỹ Thị.

Sách Đại Nam thực lục đã ghi chép rất rõ về địa danh Mỹ Thị. Đó là một làng chài thuộc huyện Diên Phước, phủ Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam. Đây là ngôi làng lúc ban đầu rất nhỏ bé dọc theo bờ sông Lộ Cảnh Giang với những đám ruộng quanh năm lầy lội, nhiễm mặn, cỏ năng mọc um tùm nhưng người lại đông đúc, không có đất trồng trọt, chăn nuôi nên dân làng chủ yếu sống bằng nghề quăng chài, thả lưới.

Quanh năm họ sống trong những chiếc ghe bồng bềnh trên mặt nước, bởi không một tấc đất cắm dùi. Việc kiếm ăn bằng nghề đánh bắt cũng thường xuyên bấp bênh như chính cuộc đời của họ. Bởi những tháng ngày trời yên, biển lặng dân chài Mỹ Thị còn bắt được con cá, con tôm mang ra chợ đổi gạo, mua mắm, muối nhưng đến mùa mưa bão thì đành  bó gối trên các chiếc ghe neo đậu sát bờ sông để tránh trú gió giông và đói khổ.

Thấy cảnh dân của làng mình quá cơ cực lầm than do không có đất sản xuất lương thực, ông Lê Hữu Khánh, vị quan Thị giảng học sĩ của triều Tự Đức ra tay cứu giúp dân làng mình thoát bớt cảnh bần cùng. Ông Lê Hữu Khánh đã viết tờ tấu kể lể bao nỗi khốn cùng của dân làng Mỹ Thị, trong đó có câu “Phù cư thủy diện sanh, tử vô địa táng” nghĩa là ở bồng bềnh trên mặt nước, sống không có nhà cửa, chết không có đất chôn.

Sớ được dâng lên vua Tự Đức và triều đình chỉ dụ ngay cho hai làng giáp ranh là Khuê Bắc ở phía đông nam cắt bớt 30 mẫu đất, làng An Hải ở phía bắc cắt 20 mẫu đất giao cho làng Mỹ Thị. Được triều đình nhà Nguyễn giao thêm đất, ông Lê Hữu Khánh bèn huy động dân làng Mỹ Thị đắp bờ đê ngăn mặn từ đầu làng Khuê Bắc đến giáp làng An Hải, cải tạo đất đai chua phèn trở thành 32 mẫu đất ruộng tốt tươi để cày cấy trồng lúa nếp.

Phố mới hôm nay

Như vậy, có thể thấy làng Mỹ Thị ngày xưa rất rộng lớn, cả phường Bắc Mỹ An sau này, kéo dài từ ranh giới của phường An Hải Tây đến phường Hòa Hải, quận Ngũ Hành Sơn ngày nay. Năm 2005, phường Bắc Mỹ An với dân số hơn 12.000 người được chia tách thành hai phường mới là Mỹ An với diện tích 3,4 km2 và phần diện tích còn lại 5,49 km2 thuộc phường Khuê Mỹ. Trong các cuộc trường chinh vệ quốc, nhất là giai đoạn từ 1954 đến 1975, vùng đất Mỹ Thị đầy lau lách này đã chịu nhiều hy sinh, mất mát để thắp lên ngọn lửa yêu nước mãnh liệt, hun đúc ý chí giải phóng dân tộc và khát vọng độc lập tự do.

Nhiều nếp nhà tranh nghèo nàn của vùng đất này là những nơi chở che, đùm bọc, nuôi dưỡng cho bao cán bộ, chiến sĩ cách mạng nằm vùng để chỉ đạo phong trào đấu tranh ngay trong lòng Đà Nẵng. Dưới những rặng tre, ruộng lúa, nền nhà của họ là những căn hầm bí mật để cán bộ trú tránh khi giặc lùng vây và bất cứ đâu trong lòng đất cũng là nơi cất giấu vũ khí để quân giải phóng sẵn sàng nã vào đầu thù. Đây chính là Căn cứ Vùng lõm K20, một di tích lịch sử quốc gia đầy tự hào.

Việc giải tỏa, chỉnh trang đô thị trên diện rộng đã nhanh chóng làm cho vùng đất Mỹ Thị thay da, đổi thịt. Những con đường mới được mở rộng cùng với nhiều tòa nhà kiên cố, cao tầng  khang trang mọc lên. Dọc các bãi tắm được cho đẹp nhất Việt Nam như T18, Mỹ Đa Đông 2, Mỹ Đa Đông 3 dài 5 km là điểm hội tụ những hotel đẳng cấp quốc tế như Furama resort, L.Festyle resort, Crowne Plaza Đà Nẵng… không chỉ là nơi nghỉ dưỡng có đầy đủ dịch vụ hoàn hảo mà còn là nơi vui chơi, giải trí, hội thảo, hội nghị đạt tiêu chuẩn 5 sao cùng hàng chục dự án kết cấu hạ tầng đồ sộ khác.

Những nông dân vùng đất Mỹ Thị bao đời đều cấy lúa, trồng hoa, rau màu nhưng nay đất nông nghiệp đã dành cho phố xá trở mình đứng dậy. Họ đã chuyển đổi ngành nghề phù hợp để có kế mưu sinh song cũng tiếc nuối về quá khứ với bộn bề vui, buồn, sướng, khổ dẫu vẫn biết đó là quy luật phát triển tất yếu của đô thị hiện đại. Không ít người lấy phần đất ít ỏi của mình còn lại để tỉa trồng hoặc tranh thủ cuốc xới các lô đất của những dự án chưa sử dụng để canh tác kiếm thêm thu nhập. Chính vì vậy, phía dọc bờ sông chen lấn trong các khu phố là những đám rau mơn mởn một màu xanh yên bình.

Những ngày đầu năm mới, tuyến đường Chương Dương, đoạn từ Nhà đón khách tham quan di tích K20 về phía ngọn Hỏa Sơn và hàng loạt hạng mục khớp nối dọc sông Cổ Cò đang hối hả thi công để về đích đúng hẹn. Mỹ Thị xưa, Mỹ An, Khuê Mỹ nay vẫn vẹn nguyên nét đẹp văn hóa như cái tên của nó được kế thừa từ một làng cổ ven sông… 

THÁI MỸ

;
;
.
.
.
.
.