Mùa xuân và con người

.

Trong tác phẩm âm nhạc “Mùa Xuân đầu tiên” của nhạc sĩ Văn Cao, cho đến bây giờ tôi vẫn băn khoăn vì sao câu mở đầu bài hát ông lại gọi mùa Xuân là “mùa bình thường”: Rồi dặt dìu mùa xuân theo én về/Mùa bình thường… Phải chăng mùa Xuân đến như một quy luật của đất trời, Đông qua Xuân tới, một sự chuyển vận bình thường của vũ trụ. Câu nhạc đầu tiên, Văn Cao nói đến một quy luật của tự nhiên. Nhưng với người Việt Nam ở mùa Xuân 1975 đất nước thống nhất ấy, không thể chỉ là một thời khắc bình thường. Ngay sau đó, ca từ của Văn Cao đã chuyển qua một hình ảnh mùa Xuân thật đặc biệt. Đó là mùa vui, là mùa mơ ước. Từ đây, mùa vui nay đã về/ mùa xuân mơ ước ấy đang đến đầu tiên. Một mùa Xuân vui của tất cả mọi người, của cả dân tộc. Một mùa Xuân mơ ước, niềm mơ ước đoàn tụ trong an lành từng cháy bỏng ngay trong lòng cuộc chiến đấu gian khổ khốc liệt. Trong một đoạn ca từ ngắn ngủi mà chứa đựng cả một triết lý. Mùa Xuân của đất trời cứ đến cứ đi, nhưng điều quan trọng là cảm xúc của con người trước mùa Xuân. Chỉ điều ấy mới làm nên giá trị, làm nên ý nghĩa của một mùa bình thường của tự nhiên. “Từ đây người biết quê người, từ đây người biết thương người, từ đây người biết yêu người”, “… Ôi ngày ấy yêu quê hương làm sao trong xuân vui đầu tiên”, “Ôi ngày ấy, một cuộc đời êm ấm”. Có người nói, giai điệu của “Mùa xuân đầu tiên” cứ thế thấm vào tâm can, tâm hồn mỗi người. Cũng có thể nói thêm, cảm xúc của con người đã lan tỏa vào không gian Xuân, làm cho mùa Xuân càng thêm ấm áp, thấm đẫm nhân tình. Mùa Xuân đem đến cảm xúc tươi mới, đẹp đẽ cho Con Người, hay là chính Con Người đã làm nên mùa Xuân?

Ảnh: THANH HUYỀN
Ảnh: THANH HUYỀN

Trong số những kiệt tác của nghệ thuật điêu khắc thế giới, người ta không thể không nhắc đến bức tượng “Mùa Xuân vĩnh cửu” của họa sĩ nổi tiếng người Pháp Auguste Rodin (1840 -1917). Bức tượng được Rodin sáng tác trên chất liệu đá cẩm thạch nguyên khối, trên đó khắc họa hình tượng đôi trai gái đang rừng rực tuổi thanh xuân với những khát khao cháy bỏng. Chàng trai cúi ôm cô gái, trong khi nàng đang ngả thân hình mỹ miều, uyển chuyển hướng đôi mắt về phía người tình. Hai cơ thể hòa quyện nhau trong vẻ đẹp tuyệt vời của hình thể. Đôi môi họ gắn chặt vào nhau tưởng như không gì có thể chia lìa. Không có chi tiết nào cho thấy đấy là bức tượng về mùa Xuân, dù chỉ là một chiếc lá, một nhành hoa. Vậy mà nhà điêu khắc gọi tác phẩm của mình là Mùa Xuân vĩnh cửu. Ở đây, rõ ràng là sự trong trẻo, thuần khiết và đầy cuồng nhiệt của tình yêu con người được thể hiện trên hai thân thể hoàn hảo tuyệt đẹp đã làm nên sức sống của mùa Xuân vĩnh cửu của nhân loại. Thông điệp mà tác giả bức tượng muốn gửi gắm cho mọi người, đó là tình yêu của con người đã làm nên mùa Xuân - một mùa Xuân bất tận. Mùa Xuân thiên nhiên tô điểm cho hành tinh chúng ta. Nhưng con người đã làm đẹp thêm cho mùa Xuân bằng tình yêu và sự sáng tạo của mình. Bởi vậy, con người là bất diệt, và mùa Xuân là vĩnh cửu.

2020 là năm thật đáng nhớ, nhưng cũng là năm muốn quên đi. Chỉ trong một năm thôi mà tai họa dồn dập giáng xuống nhân loại như của cả một thập kỷ, có thể nói là nhiều thập kỷ. Đúng vào ngày 1-1-2020, Trung Quốc lần đầu tiên thông báo cho Tổ chức Y tế thế giới về 27 ca bệnh được cho là “viêm phổi” ở Vũ Hán. Tháng 3-2020, căn bệnh đã lan nhanh và được tuyên bố là đại dịch toàn cầu, mang tên Covid-19. Đến những ngày cuối năm, thế giới vượt ngưỡng 80 triệu ca mắc Covid-19 trong khi dịch vẫn tăng mạnh ở các châu lục, nhiều nước phát hiện ca nhiễm biến thể virus mới. Các nhà khoa học đang nhẫn nại lặng lẽ trong các phòng thí nghiệm, chạy đua với thời gian để tìm ra loại vaccine phòng ngừa, nhưng vẫn còn ở giai đoạn thử nghiệm, phải có thời gian để kiểm chứng.

"Mùa Xuân thiên nhiên tô điểm cho hành tinh chúng ta. Nhưng con người đã làm đẹp thêm cho mùa Xuân bằng tình yêu và sự sáng tạo của mình. Bởi vậy, con người là bất diệt, và mùa Xuân là vĩnh cửu”

Quả thật là một năm đầy thách thức đối với bản lĩnh của con người. Nhưng rồi, mùa Xuân mới vẫn cứ đến, như một quy luật không thể cưỡng lại. Mùa Xuân như một khách quen, thân thiện, rạng rỡ. Đối nghịch hẳn với thứ virus corona tàn hại không mời mà đến, lại dai dẳng đeo bám ngôi nhà trái đất. 

Những từ khóa “nền kinh tế buồn”, “năm buồn” xuất hiện dày đặc trên các trang mạng. Nhưng điều buồn nhất là thiên nhiên vắng bóng con người. Một “thiên nhiên buồn”. Mùa Xuân chỉ khoe sắc khi có con người thưởng thức, tương tác, sẻ chia, giao đãi. Vậy mà, giữa lúc dịch bệnh lan tràn trên cả trái đất, trước tình trạng các quốc gia ban hành lệnh giãn cách xã hội, yêu cầu mọi người dân không ra đường, có người nhân đó đã lên tiếng như một sự “phát hiện” rằng cảnh vật thiên nhiên và môi trường trở nên trong lành, đẹp đẽ hẳn lên khi không có con người ra đường, hoặc không có những đoàn người du lịch đến tham quan, chiêm ngưỡng. Người ta minh họa bằng những hình ảnh nước sông ở Rome nước Ý trong sạch hẳn đi khi không có người đến đi du thuyền ở trên đó. Người ta còn trưng ra những bức ảnh để chứng minh cho sự trong sạch của môi trường là cảnh vắng lặng đến mức buồn tẻ khi trên sông không có chiếc du thuyền nào và tịnh không có bóng người nào. Không hiểu thiên nhiên buồn tẻ như thế sẽ đem đến cảm xúc gì. Và con người chỉ ru rú trong góc nhà thì thiên nhiên như thế có ích lợi gì.

Thiên nhiên bớt trong lành và bị xâm hại trầm trọng hơn, một phần không nhỏ do mật độ dân số ngày càng tăng, nhu cầu của con người ngày càng lớn, và lối sống vị kỷ của con người làm cho môi trường ngày càng thêm ô nhiễm. Đó là một sự thật. Nhưng làm sao có thể hình dung một ngày nào đó, trái đất lại vắng hẳn bóng dáng của con người ? Làm sao hình dung tất cả mọi hoạt động giao thương, buôn bán, du lịch bị ngưng hoạt động, giao thông hàng không, đường sắt, đường bộ bị đình trệ vì con người phải nhường chỗ cho thiên nhiên không bị ô nhiễm? Người Việt ta vẫn nói: Người ta là hoa của đất. Nói thể quả không sai. Hơn thế nữa, con người với trí thông minh sáng tạo tuyệt vời đã làm nên biết bao công trình làm đẹp cho trái đất! Một mặt, con người khai thác những gì có sẵn trong tự nhiên phục vụ cho nhu cầu tối thiểu của mình. Mặt khác, con người còn làm biến đổi tự nhiên, sáng tạo thêm những cái mà nó không có, tạo ra một “thiên nhiên thứ hai” như là tác phẩm nghệ thuật của chính mình. Sao có thể vội vã kết luận về thảm họa của trái đất khi có mặt con người!

Vấn đề là con người phải thay đổi một cách quyết liệt, mạnh mẽ nhận thức và hành vi. Phải ứng xử lễ độ với mẹ thiên nhiên, biết cách sống thân thiện với môi trường ngay trong những ngày Covid -19 hoành hành, và nhất là sau khi dịch đã bị khống chế. Và Việt Nam chúng ta, trong đó có thành phố Đà Nẵng, đang đi theo hướng đó, cho một mùa Xuân vui của thành phố biển an bình, văn minh, hiện đại, đáng sống.

NẠI HIÊN

;
;
.
.
.
.
.