Báo Đà Nẵng Xuân 2021
Từ "Thập mục ngưu đồ" đến con trâu trong tác phẩm mỹ thuật Việt Nam
Nhắc đến hình tượng con trâu trong nghệ thuật tạo hình, phần lớn mọi người đều nhớ ngay đến bộ tranh “Thập mục ngưu đồ”, tức mười bức tranh chăn trâu nổi tiếng trong Thiền tông, tương ứng với quá trình hành đạo của một người phát nguyện đạt giác ngộ. Bộ tranh này được sáng tạo trong thời nhà Tống (960 - 1279) và ngay từ đầu đã được xem như những bức họa tiêu biểu của thiền Trung Hoa.
Mục đồng chăn trâu thổi sáo. (Tranh sơn mài của Phạm Hậu) |
Thập mục ngưu đồ
Mặc dù có tài liệu cho rằng, có 4 đến 6 bộ tranh chăn trâu khác nhau, nhưng nổi danh nhất và cũng bao hàm ý nghĩa nhiều nhất vẫn là bộ 10 bức tranh của thiền sư Khuếch Am Sư Viễn (1150), được lưu lại trong bản sao của họa sĩ người Nhật Bản tên Châu Văn (1460). Một bộ khác với 6 bức tranh cũng thường được nhắc đến. Ban đầu, thiền sư Thanh Cư chỉ vẽ có 5 bức nhưng sau, thiền sư Tự Đắc (thế kỷ 12) vẽ thêm bức tranh thứ 6. Trong bộ này, con trâu dần dần trắng ra và cuối cùng thì trắng hoàn toàn, một biểu tượng cho chân tâm thanh tịnh, vô cấu. Riêng 10 bức tranh của thiền sư Khuếch Am Sư Viễn được chú thích rất rõ và được nhiều người biết qua tập “Thiền luận” của Daisetz Teitaro Suzuki (bản dịch của Trúc Thiên và Tuệ Sĩ). Điển hình như ở bài tụng “Cưỡi trâu về nhà” (Kỵ ngưu quy gia) của thiền sư Khuếch Am được Thích Thanh Từ dịch:
Cưỡi trâu thong thả trở về nhà
Tiếng sáo vi vu tiễn vãn hà
Một nhịp một ca vô hạn ý
Tri âm nào phải động môi à
(Kỵ ngưu mạt trấp dục hoàn gia
Hà địch thanh thanh tống vãn hà
Nhất phách nhất ca vô hạn ý
Tri âm hà tất cổ thần nha)
Con trâu trong dòng tranh Đông Hồ
Ở Việt Nam, hình tượng con trâu bằng đất nung đã được giới khảo cổ tìm thấy trong các di chỉ Tiên Hội (phát hiện năm 1960, nay thuộc xã Đông Hội, huyện Từ Sơn, Hà Nội), Đồng Đậu (phát hiện năm 1962, nay thuộc huyện An Lạc, tỉnh Vĩnh Phúc)... hơn ba nghìn năm trước. Vật trang sức hình đầu trâu bằng đá nửa quý, mài nhẵn bóng, đã tìm thấy ở di chỉ Đình Chàng (Hà Nội), cũng có tuổi trên dưới ba nghìn năm. Trong 15 bộ lạc hợp thành nước Văn Lang của các Vua Hùng có hẳn một bộ lạc mang tên Trâu. Sách “Giao châu ký” (thế kỷ 3) ghi lại hình ảnh trẻ mục đồng Việt Nam véo von thổi sáo trên lưng trâu trên đường thôn, ngõ xóm.
Chăn trâu thổi sáo. (Tranh dân gian Đông Hồ) |
Vào thế kỷ 17 - 18, hình tượng con trâu hiện diện khá nhiều trong tranh dân gian và điêu khắc gỗ đình làng. Đặc biệt, ở dòng tranh Đông Hồ, con trâu tượng trưng cho sự cần cù, chất phác nhưng cao thượng với những nét ngộ nghĩnh chân quê lột tả được cái tinh nghịch tiềm ẩn của con người nông dã. Điển hình như tranh “Chăn trâu thổi sáo”, miêu tả một chú bé thổi sáo ngồi trên lưng trâu, trên đầu là một lá sen tỏa rộng, dưới mặt đất là cỏ. Bố cục hài hòa, thuận mắt, vừa chặt chẽ lại vừa phóng khoáng. Màu sắc đơn giản với đen, xanh, hồng, đỏ, nâu, trắng có tính cách điệu cao. Đường nét to, chắc khỏe nhưng không bị khô cứng. Chữ trong bức tranh “Hà diệp cái thanh thanh” (Lọng lá sen xanh xanh) vừa minh họa cho chủ đề vừa khiến cho bố cục tranh thêm hợp lý, sinh động... Con trâu nghển cổ thưởng thức tiếng sáo, tư thế, dáng vẻ của nó khiến ta như cũng nghe thấy tiếng sáo réo rắt, thấy bầu trời trong xanh lồng lộng và cuộc sống thanh bình... Bức “Chọi trâu” thể hiện một tục lệ độc đáo trong lễ hội ở một số địa phương của Việt Nam. Giữa tranh là một lá cờ ngũ sắc thường gặp trong các lễ hội dân gian. Trên lá cờ có ghi dòng chữ “Hội chí lầu”. Phía sau hai con trâu là hai tấm bảng có chữ “Đông xã” và “Tống xã”. Tranh “Chọi trâu” còn có một dị bản, về hình thức tương đối giống nhau, nhưng ý nghĩa có ít nhiều thay đổi. Điều này cho thấy sự tam sao thất bản trải qua hàng thiên niên kỷ của những di sản văn hóa Việt Nam, song, với phong cách thể hiện gần giống nhau và khác với tranh dân gian hiện đại, cho thấy cả hai đã tồn tại từ thời rất xa xưa.
Con trâu trong nghệ thuật đương đại Việt Nam
Bước sang nền mỹ thuật đương đại, hình tượng con trâu cũng là một đề tài khá được ưa chuộng trong tranh của nhiều họa sĩ bậc thầy như: Nguyễn Sáng (Chọi trâu), Nguyễn Tư Nghiêm (Con nghé, 12 con giống), Tô Ngọc Vân (Con trâu quả thực), Nguyễn Tiến Chung (Chăn trâu)…
Gần đây, vào ngày 25-5-2019, tại phiên đấu giá Christie’s Hongkong mang tên “Thế kỷ 20 và nghệ thuật đương đại”, bức tranh mang đậm tâm hồn Việt “Mục đồng chăn trâu thổi sáo” của cố họa sĩ Phạm Hậu, một trong những người có công đặt nền móng và xây nên những “tòa tháp” đầu tiên của nghệ thuật sơn mài Việt đã cán mốc 3.725.000 HKD (khoảng 11 tỷ đồng). Bức tranh mang khung cảnh quen thuộc về phong cảnh sinh hoạt xứ Bắc với các đặc điểm đặc trưng. Tính lãng mạn, dân gian ở chủ đề này đã đi sâu vào tiềm thức người Việt như những gì truyền thống nhất. Và phải nói chất vàng son lộng lẫy sâu thẳm của sơn mài cùng những nét bút tinh tế ở từng chi tiết nhỏ khiến cho tranh trở nên hoàn hảo. Qua bao nhiêu năm tháng, màu thời gian đã phủ lên tranh một sự quyến rũ đặc trưng khó cưỡng khiến cho bức tranh càng trở nên thu hút. Nhưng điểm khác biệt ở bức tranh sơn mài này so với các tác phẩm hội họa có cùng chủ đề, là chất vàng son lộng lẫy sâu thẳm của sơn mài cùng những nét bút tinh tế ở từng chi tiết, khiến cho bức tranh trở nên hoàn hảo.
Chăn trâu. (Tranh sơn dầu của Nguyễn Tiến Chung) |
Và không thể không nhắc đến họa sĩ Thành Chương, những thập niên gần đây, hình tượng con trâu thường xuyên có mặt trong tác phẩm của ông. Xin lấy chia sẻ của họa sĩ Thành Chương để kết lại bài viết này: “Tôi sinh ra ở nông thôn, từng có tuổi thơ chăn trâu cắt cỏ nên trong tiềm thức lúc nào cũng hiện lên hình ảnh trong sáng, đẹp đẽ của con trâu và cánh đồng. Người Việt ta có câu nói thật chính xác “Con trâu là đầu cơ nghiệp”. Hình ảnh con trâu gắn bó với nền nông nghiệp của nhiều nước châu Á, nhưng ở Việt Nam, tinh thần và tình cảm của con người với con trâu rất khác biệt. Những ngày đông giá rét, trẻ con nông thôn phải chăn trâu rất lâu. Chúng tôi không có gì để chơi nên thường chơi đùa, chuyện trò, nhảy múa với trâu. Rồi lạnh quá thì trâu với người cũng nép vào nhau để tránh gió, sưởi ấm cho nhau. Tình cảm giữa con người và trâu đã thành tình bạn, tình ruột thịt. Con trâu có thể nói là một thành viên trong gia đình nông dân Việt Nam. Khi tôi vẽ con trâu tôi luôn cố gắng thể hiện tinh thần gần gũi, gắn bó mật thiết ấy”.
TRẦN TRUNG SÁNG