Báo Xuân 2023
Bàn tròn xuân: Khơi thông nguồn lực, đẩy mạnh thu hút đầu tư
Năm 2023, thành phố Đà Nẵng thực hiện chủ đề “Năm tập trung khơi thông các nguồn lực, thu hút đầu tư, giữ vững tăng trưởng kinh tế và đảm bảo an sinh xã hội”. Bàn tròn Tết Báo Đà Nẵng Xuân Quý Mão 2023 ghi nhận ý kiến các nhà quản lý, chuyên gia, doanh nghiệp chia sẻ giải pháp để thúc đẩy thu hút đầu tư, tạo các nguồn lực thúc đẩy tăng trưởng và phát triển kinh tế thành phố.
Công nhân sản xuất tại Nhà máy điện tử Trung Nam EMS (Khu Công nghệ cao, huyện Hòa Vang). Ảnh: M.Q |
* Ông Phùng Phú Phong, Giám đốc Sở Xây dựng thành phố Đà Nẵng:
Nâng cao chất lượng quy hoạch đô thị, thực hiện các dự án động lực
Quy hoạch và phát triển đô thị là cơ hội cho mỗi quốc gia, khu vực, địa phương để có thể phát triển và tăng trưởng đột phá về mọi mặt. Để khai thác nguồn lực từ quy hoạch đô thị nhằm góp phần giúp thành phố đạt được mục tiêu tăng trưởng GRDP trong năm 2023 6,5-7%, cần giải quyết các vướng mắc và thách thức như hiện hữu của đô thị. Đó là tình trạng quá tải hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng giao thông; thiếu nhà ở xã hội; tác động, rủi ro từ biến đổi khí hậu, nhất là ngập lụt, phát thải khí nhà kính; hạ tầng xã hội về y tế, giáo dục, văn hóa chưa phát triển ngang tầm kinh tế; tình trạng chậm triển khai quy hoạch ở một số địa phương, chậm đưa đất vào sử dụng ở các dự án…
Cùng với đó, trên cơ sở điều chỉnh Quy hoạch chung thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, thành phố cần tập trung vào công tác triển khai các đồ án quy hoạch phân khu, tập trung hoàn thành các dự án đã được phê duyệt và chưa hoàn thành trong 5 năm đầu (2020-2025). Đồng thời, khuyến khích phát triển các khu dân cư mới, hiện đại nhằm hỗ trợ phân khu Công nghệ cao và phân khu Sườn đồi để phù hợp với các khu dân cư được di dời trong những năm tiếp theo và phục vụ như một dự án kiểu mẫu để phát triển nhà ở trong tương lai. Giai đoạn đầu sẽ phát triển của nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, đặc biệt là triển khai các dự án đang hoàn thiện và các dự án phát triển trong khu vực đô thị và trung tâm thành phố hiện có, các dự án tái thiết đô thị, phố tài chính và trung tâm kinh doanh thương mại thành phố (CBD)...
Thành phố triển khai các chương trình thực hiện quy hoạch như: điều chỉnh chương trình phát triển đô thị và chương trình phát triển nhà ở; lập kế hoạch phát triển đô thị; lập, thẩm định và phê duyệt các quy hoạch phân khu; mô hình hóa, số hóa quy hoạch... Đồng thời xúc tiến, thu hút một số tập đoàn lớn có kinh nghiệm đầu tư cũng như tiềm lực tài chính thực hiện đầu tư dự án trọng điểm để tạo động lực thúc đẩy quá trình đô thị hóa và phát triển kinh tế trên tất cả các lĩnh vực, thúc đẩy quá trình trở thành thành phố bền vững và đậm bản sắc Đà Nẵng.
Thành phố ưu tiên thực hiện các dự án đầu tư trong giai đoạn 2020-2030 như: xây dựng Bến cảng Liên Chiểu (bao gồm đầu tư xây dựng tuyến đường kết nối từ cảng Liên Chiểu đến đường cao tốc La Sơn - Túy Loan, đường vành đai phía bắc), di dời ga đường sắt và tái phát triển đô thị, xây dựng các bãi đỗ xe trên địa bàn thành phố... Các dự án du lịch, thương mại cũng sẽ được quan tâm triển khai như: chợ đầu mối Hòa Phước, khu du lịch Làng Vân, công viên chuyên đề phía nam bán đảo Sơn Trà, chuyển đổi cảng Tiên Sa thành cảng du lịch, khu phức hợp trung tâm tài chính - thương mại dọc tuyến đường Võ Văn Kiệt, khu phi thuế quan và các dịch vụ kèm theo,...
Cùng với đó, thành phố tiếp tục triển khai các hạng mục phát triển bền vững giáo dục như: đầu tư xây dựng Đại học Đà Nẵng, Trường Cao đẳng nghề Đà Nẵng, Trường Cao đẳng Văn hóa nghệ thuật, trường đào tạo liên cấp quốc tế, khu giáo dục ngoại khóa và du lịch sinh thái ở khe Răm... Thành phố cũng sẽ triển khai các dự án thuộc lĩnh vực y tế như: Nâng cấp, cải tạo Bệnh viện Đà Nẵng, Bệnh viện Đà Nẵng cơ sở 2, Nâng cấp, cải tạo Bệnh viện Phụ sản - Nhi Đà Nẵng (từ 600 giường lên 1.000 giường), trung tâm chăm sóc người cao tuổi... Thành phố triển khai các dự án khoa học - công nghệ, môi trường, công nghệ thông tin cùng các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu đô thị... và các dự án văn hóa, thể thao như: Công viên văn hóa lịch sử Ngũ Hành Sơn; tu bổ, phục hồi và tôn tạo di tích Thành Điện Hải; đầu tư quảng trường khu vực Thành Điện Hải; Khu liên hợp thể dục thể thao Hòa Xuân...
Với các chương trình và giải pháp nói trên, nguồn lực từ quy hoạch đô thị sẽ tiếp tục được khai thác, khơi thông, nhằm giải quyết các vướng mắc và thách thức hiện hữu của đô thị và trước mắt, sẽ giúp hoàn thành mục tiêu tăng trưởng GRDP năm 2023.
* Ông Nguyễn Quang Vinh, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường:
Khơi thông nguồn lực đất đai
Với nhiều giải pháp đẩy mạnh quản lý, khai thác, tháo gỡ các vướng mắc... về đất đai của thành phố, trong năm 2022, các khoản thu về nhà, đất trên địa bàn đạt hơn 3.083 tỷ đổng (tính đến ngày 20-11-2022, kỳ cập nhật tiếp theo vào ngày 29-12-2022), tăng 25% so với năm 2021, góp phần giúp thành phố có kinh phí đầu tư các công trình, dự án cũng như góp phần thu hút đầu tư, sớm triển khai, khởi công các dự án, khơi thông các nguồn lực đất đai...
Trong năm, Trung tâm Phát triển quỹ đất (Sở Tài nguyên và Môi trường) đã tổ chức đấu giá thành công 7 khu đất lớn và 5 lô đất ở với tổng số tiền thu được thông qua đấu giá là 261 tỷ đồng. Sở Tài nguyên và Môi trường đã chuẩn hóa, xuất bản danh mục quỹ đất đấu giá hằng năm và danh mục quỹ đất phục vụ kêu gọi đầu tư với 413 khu đất lớn; trong đó, đã biên tập, xuất bản ấn phẩm giới thiệu (catalog) hơn 180 khu đất lớn, dự án đủ điều kiện kêu gọi đầu tư và đăng tải danh mục 34 khu đất kêu gọi đầu tư tại Diễn đàn Đầu tư Đà Nẵng 2022. Sở xây dựng đoạn phim ngắn giới thiệu danh mục 10 dự án, công trình động lực, trọng điểm phục vụ kêu gọi đầu tư trên địa bàn thành phố; thường xuyên giới thiệu các khu đất đang kêu gọi đầu tư bằng hình ảnh trực quan và giới thiệu quy trình đấu giá đất tại các buổi tiếp đoàn doanh nghiệp, nhà đầu tư trong và ngoài nước để giúp các nhà đầu tư tiềm năng có thông tin về các khu đất tại thành phố...
Những nhiệm vụ trên sẽ được Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp thực hiện trong năm 2023 cũng như tiếp tục triển khai hiệu quả nhiệm vụ cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh để góp phần thu hút đầu tư vào thành phố. Đồng thời, tổ chức thực hiện hiệu quả và bảo đảm các yêu cầu đề ra đối với công tác đấu giá quyền sử dụng đất trong năm 2023 theo danh mục được UBND thành phố phê duyệt.
Sở Tài nguyên và Môi trường tiếp tục rà soát và đề xuất tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn cho các dự án, nhà đầu tư, nhất là trong quá trình thực hiện các kết luận thanh tra, bản án để khơi thông nguồn lực đất đai từ các dự án. Bên cạnh đó, ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin trong lĩnh vực đất đai, tăng cường các giải pháp tích hợp, chia sẻ dữ liệu giữa phần mềm chuyên ngành của cơ quan, đơn vị với các hệ thống trên địa bàn thành phố; đẩy mạnh nhiệm vụ liên quan phân cấp, phân quyền giải quyết các thủ tục, chính sách; thực hiện hiệu quả đơn giản hóa thủ tục hành chính, tăng cường liên thông, liên kết trong giải quyết thủ tục hành chính.
Đặc biệt, Sở Tài nguyên và Môi trường sẽ xây dựng và triển khai thực hiện thí điểm tiếp nhận và giải quyết không phụ thuộc địa giới hành chính trên địa bàn thành phố Đà Nẵng đối với thủ tục biến động quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất trong trường hợp chuyển nhượng, tặng cho... Tiếp tục triển khai cập nhật, bổ sung, duy trì và quản lý, khai thác, vận hành cơ sở dữ liệu đất đai thành phố Đà Nẵng; chú trọng xây dựng, quản lý cơ sở dữ liệu thu hồi đất, giao đất, cho thuê đất, gia hạn quyền sử dụng đất trên địa bàn thành phố.
* Ông Nguyễn Tiến Quang, Giám đốc Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) - Chi nhánh Đà Nẵng:
Thu hút nhà đầu tư lớn để tạo tính lan tỏa
Muốn khơi thông nguồn lực, thu hút đầu tư, thành phố cần tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh một cách hiệu quả hơn. Bên cạnh đó, ngoài phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa, cần có giải pháp, chính sách đủ hấp dẫn để tập trung thu hút ít nhất 1-5 nhà đầu tư và dự án lớn có khả năng dẫn dắt, lan tỏa, ảnh hưởng đến việc gia tăng GRDP, thúc đẩy dịch chuyển cơ cấu kinh tế của thành phố bền vững hơn. Để thu hút các nhà đầu tư này, thành phố cần chuẩn bị quỹ đất sạch đủ lớn, đào tạo, cung ứng nhân lực đáp ứng nhu cầu của nhà đầu tư, dự án lớn...
Về công tác xúc tiến đầu tư, thành phố tiếp tục đổi mới, phân loại quy mô dự án, quy mô đầu tư để xúc tiến hiệu quả và có kết quả, dành phần ngân sách Nhà nước đủ lớn để đầu tư hoàn thiện hạ tầng hỗ trợ , đáp ứng nhu cầu của các dự án lớn, nhà đầu tư lớn.
ổ chức rà soát, kiểm soát nguồn lực đất đai, gắn với hoàn thiện quy hoạch để công khai cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư tiếp cận, trong đó, đẩy nhanh xây dựng các khu, cụm công nghiệp mới, nâng cấp các khu công nghiệp hiện hữu nhằm đáp ứng tốt hơn nhu cầu của nhà đầu tư, phân loại khu, cụm công nghiệp gắn lĩnh vực đầu tư, quy mô đầu tư để đáp ứng tốt hơn nhu cầu của nhà đầu tư, nâng cao hiệu quả thu hút đầu tư vào các khu, cụm công nghiệp. Ngoài ra, tiếp tục nâng cao năng lực, chất lượng những lĩnh vực như logistics, y tế, giáo dục... nhằm hỗ trợ thu hút đầu tư, phát triển kinh tế - xã hội.
Không chỉ thu hút nhà đầu tư mới, lực lượng doanh nghiệp hiện có của Đà Nẵng là nguồn lực quan trọng. Đối với những doanh nghiệp này, thành phố cần rà soát số lượng, chất lượng doanh nghiệp để có giải pháp hỗ trợ phù hợp để nâng cao năng lực, từ doanh nghiệp nhỏ có thể trở thành doanh nghiệp vừa, tạo ra cộng đồng doanh nghiệp ngày càng liên kết, dẫn dắt, hỗ trợ lẫn nhau phát triển.
* Ông Trần Văn Tỵ, Phó trưởng Ban quản lý Khu Công nghệ cao và các khu công nghiệp:
Xúc tiến đầu tư các lĩnh vực trọng điểm
Ban quản lý Khu Công nghệ cao và các khu công nghiệp Đà Nẵng xây dựng, ban hành chương trình xúc tiến đầu tư theo hướng đổi mới, chủ động, có trọng tâm, ưu tiên các thị trường chiến lược đối với các lĩnh vực trọng điểm trên lĩnh vực công nghệ cao, công nghệ thông tin, dịch vụ chất lượng cao…với các nội dung như nghiên cứu đánh giá tiềm năng thị trường, xu hướng và đối tác đầu tư; xây dựng hình ảnh, tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu về môi trường đầu tư và chính sách ưu đãi đầu tư tại Khu Công nghệ cao, Khu Công nghệ thông tin tập trung và các khu công nghiệp; hỗ trợ, hướng dẫn, tạo thuận lợi cho hoạt động đầu tư tại chỗ; hoàn thiện các ấn phẩm, tài liệu phục vụ cho hoạt động xúc tiến đầu tư; đào tạo, tập huấn, tăng cường năng lực về xúc tiến đầu tư; thực hiện các hoạt động hợp tác trong nước và quốc tế về xúc tiến đầu tư.
Năm 2023, chúng tôi tập trung hoàn thiện cơ sở hạ tầng phục vụ hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh, mở rộng Khu Công nghệ cao, khu công nghiệp hỗ trợ Khu Công nghệ cao, Khu Công nghệ thông tin tập trung và các khu công nghiệp mới: Hòa Cầm (giai đoạn 2), Hòa Ninh, Hòa Nhơn; tăng cường chủ động tiếp xúc cấp cao với các tập đoàn lớn, doanh nghiệp tại các nước phát triển (G7, G8, OECD…), các hiệp hội doanh nghiệp, ngân hàng lớn của các quốc gia đang có chính sách chuyển dịch dòng vốn đầu tư để tập trung kêu gọi đầu tư. Bên cạnh đó, tăng cười phối hợp các cơ quan liên quan để quảng bá hình ảnh và môi trường đầu tư tại Khu Công nghệ cao, Khu Công nghệ thông tin tập trung và các khu công nghiệp trên các phương tiện truyền thông.
* Ông Nguyễn Văn Phu, Giám đốc Công ty TNHH Daiwa Việt Nam:
Thực hiện các giải pháp để khơi thông nguồn lực và chuẩn bị nhân lực
Du lịch phát triển cũng sẽ kéo theo nhiều ngành kinh tế khác phát triển, tuy nhiên có thể thấy du lịch quốc tế hiện nay chưa khôi phục như Việt Nam mong muốn nói chung hay Đà Nẵng nói riêng. Vì vậy, cần có thêm nhiều hoạt động, sản phẩm văn hóa, du lịch tạo bản sắc để thu hút du khách tới Đà Nẵng, tăng cường kết nối với các hãng hàng không quốc tế để mở thêm nhiều đường bay mới. Năm vừa qua, thành phố đã tổ chức lễ hội golf tương đối thành công, đây là hoạt động cần duy trì và phát huy hơn nữa trong năm tới để thu hút du khách.
Về công nghiệp, có thể thấy, từ quý 4-2022, tình hình khó khăn diễn ra trên khắp cả nước, các doanh nghiệp rơi vào tình trạng thiếu đơn hàng, thu hẹp thị trường. Vì vậy, việc cần thiết lúc này là thành phố cần tăng cường hơn nữa các chương trình xúc tiến đầu tư, tham khảo, mở rộng thị trường tại các thành phố, quốc gia chưa có nhiều kết nối để tìm thêm cơ hội về hợp tác đầu tư.
Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) – chi nhánh Đà Nẵng có thể thông qua hội sở VCCI để kết nối với các tổ chức, Phòng Thương mại và Công nghiệp trên thế giới. Hiện nay, một số công ty sản xuất tại các tỉnh, thành phố như Bình Dương, Thành phố Hồ Chí Minh đóng cửa, điều này dẫn đến một lượng lao động thất nghiệp, trong đó có không ít lao động là người Đà Nẵng hoặc tỉnh, thành phố miền Trung. Các lao động này khi về quê sẽ có nhu cầu tìm việc, do đó, các trung tâm dịch vụ việc làm cần nắm bắt thông tin, kịp thời ghi nhận nhu cầu để giới thiệu, khớp nối tới các doanh nghiệp cần tuyển lao động, qua đó giải quyết một phần khó khăn cho lao động và doanh nghiệp.
HOÀNG HIỆP - MAI QUẾ thực hiện