Báo Xuân 2023

Đà Nẵng như một tình đầu...

06:45, 25/01/2023 (GMT+7)

Đầu năm 1963, cha tôi và những người bạn của ông vay tiền Nông Tín Cuộc (như Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam bây giờ) để lập ra xưởng gạch ngói Hiệp Thành bên đầu cầu Thanh Quýt (thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam). Để tiện việc chở sản phẩm giao đến các công trình, xưởng Hiệp Thành mua chiếc xe tải cũ hiệu Fargo. Tháng 6 năm ấy, xưởng bắt đầu có sản phẩm chở đi bán nhiều nơi. Tôi đang nghỉ hè cuối năm lớp Nhì thì được cha khuyến khích xuống xưởng phụ việc để “quen với lao động”…

Trong một chuyến chở ngói bán cho chủ ngôi nhà mới ở chân núi Ngũ Hành Sơn, tôi đi theo bốc vác. Và đó là một trong những lần đầu tôi biết đến thành phố Đà Nẵng, khi 12 tuổi…

Đêm Ngũ Hành Sơn. Ảnh: T.T
Đêm Ngũ Hành Sơn. Ảnh: T.T

1. Khoảng 4-5 người lớn làm phu khuân vác ngồi trên những lớp ngói xếp ngay ngắn trong thùng xe tải (hồi đó gọi là xe ba-lua). Tôi và cha cùng người phụ trách giao nhận hàng chen chúc trong cabin, cạnh lái xe. Xe chạy từ Điện Bàn theo quốc lộ 1, ra Miếu Bông, Cẩm Lệ rồi theo đường Đò Xu trước khi qua cầu Trịnh Minh Thế, sau này là cầu Trần Thị Lý để sang quận 3. Bên đường là những hàng tre, những ngôi nhà ẩn mình trong các khu vườn rộng, những cánh đồng, đàn trâu đang gặm cỏ… Đến khu vực Ngũ hành Sơn, xe chở ngói chạy trên con đường lát đá giữa bốn bề cát để đến ngôi nhà đang xây dựng lúc hơn 2 giờ chiều. Có vài ngôi nhà phía ngoài mặt đường đặt bán cối, bia mộ bằng đá. Trong lúc người ta bốc ngói, cha dẫn tôi leo núi. Vừa đi lên các bậc cấp của ngọn núi lớn nhất Ngũ Hành Sơn, ông vừa giảng giải về 5 ngọn núi, về các ngôi chùa, các hang động như Huyền Không hay hang “âm phủ” và lai lịch các ngôi chùa cổ trên độ cao hơn trăm mét của ngọn núi. Tôi được ngắm thạch nhũ ở động, đến đài Vọng hải để nhìn ra phía Biển Đông. Biển rộng mênh mông và xanh biếc trước mắt tôi. Xa xa có những chiếc thuyền đánh cá đang giương buồm nâu, đẹp như tranh vẽ. Dưới chân núi là những cánh rừng dương liễu và vài ngôi nhà tranh đơn sơ.

Vậy đó, lần đầu tôi đến Ngũ Hành Sơn chỉ có vậy. Sau này, khi học cuối năm trung học, tôi mới đọc thơ Phạm Hầu, Bang Nhãn… mới hiểu thêm người xưa đã khắc khoải “Đưa tay ra vẫy ngoài vô tận/Chẳng biết xa lòng có những ai?...”. Rồi lại đọc Thích Đại Sán để biết từ thế kỷ 17 ông đã đến đây “Ta bình sinh du lịch khe động rất nhiều, thấy động này sạch đẹp hơn hết… (Hải ngoại ký sự).

2. Khi chúng tôi xuống núi thì trời đã nhá nhem tối, xe hàng được giao nhận xong. Cha tôi quyết định đưa mọi người đi ăn và chạy xe ra bãi biển Thanh Bình, “vừa ngủ lại, vừa hóng gió biển cho biết” như cách ông nói.

Xe lại chạy vào các con đường phố nhà cửa san sát, tôi chẳng thể nào nhớ hết. Chỉ còn nhớ mang máng lời cha kể, nào là đường Trưng Nữ Vương hồi Pháp gọi là Route Quảng Nam, chợ Mới huyện tức chợ Mới ở phường Hòa Thuận Đông, quận Hải Châu bây giờ... Cả đoàn người xuống xe ăn tối ở một cái chợ rất lớn gọi là chợ Cồn. Con đường Ông Ích Khiêm từ khoảng năm1920 có tên là Rue Sabiella, còn từ chợ Cồn ra biển Thanh Bình mang tên vua Khải Định đến năm 1954 đổi thành Ông Ích Khiêm cho đến nay…

Cha tôi kể, bên cạnh ngã tư Thống Nhất và Khải Định gần nhà thờ Tin Lành có một cái giếng gạch cũ đã trở thành địa danh trong thời gian dài là ngã tư Giếng Bể, không biết nó là giếng Chăm hay giếng Việt và người ta đã đập bỏ từ bao giờ. Nhưng nhà thờ Tin Lành thì có lẽ gắn liền với nhiều sự kiện của Đà Nẵng… Một người bạn của tôi theo đạo Tin Lành kể rằng, năm 1902, Bonnet đến Tourane để thành lập cơ sở phân phối kinh Tân Ước và các sách Phúc âm chữ Hán trong tỉnh Quảng Nam, mười năm sau những nhà truyền giáo thuộc Hội Truyền giáo Phúc âm Liên hiệp là Jaffray cùng Paul M. Hosler đặt chân đến Tourane để thiết lập cơ sở truyền giáo tại đây.

Bãi biển lúc đó vắng lặng, nghe vị gió biển trong tiếng gió vi vu thổi qua những hàng dương liễu tạo ra một âm thanh mới lạ, hấp dẫn mà sống ở thôn quê đâu bao giờ có được. Sau này, khi đã trưởng thành tôi thường ra biển Thanh Bình rồi nhìn ra xa kia vốn là đầm Long Loan, Vũng Thùng, là Đệ nhất hùng quan Hải Vân, là cửa Hàn. Nhưng hồi nhỏ, cảnh ấy vẫn huyền bí đối với trí óc non nớt của một đứa trẻ quê như tôi. Lúc đó tôi có biết những câu ca dao “Tai nghe súng nổ cái đùng/ Mới hay Tây lại Vũng Thùng hôm qua”… mà những người phụ nữ nông thôn vẫn từng hát ru em.

Biển Đà Nẵng. Ảnh: TRUNG THU
Biển Đà Nẵng. Ảnh: TRUNG THU

Đứng trên bãi biển Thanh Bình hồi đó, chú bé là tôi vẫn không hết ngạc nhiên bởi ánh sáng từ những bóng đèn neon tròn chao nghiêng trong gió giữa công viên, rồi bị cuốn hút vào những người phụ nữ, tay xách đèn dầu, tay bưng mủng hàng, cất tiếng rao lanh lảnh: Hột…vịt…lộn…đây…! Ngửi, nghe, nhìn những cảnh vật phố phường đầu đời của tôi, sau một vòng xe chạy quanh phố, chính là trên bãi biển này. Rồi sau đó, chìm vào giấc ngủ trên thùng xe lúc nào không hay… Để rồi, nhiều thập niên sau, tôi lại nhiều lần ra bãi biển Thanh Bình, cùng với các nhà văn xứ Quảng ngồi nói chuyện bể dâu. Nhà văn Cung Tích Biền đọc thơ Đường và nói chuyện thư pháp, nhà nghiên cứu Trương Duy Hy nói về những dự án văn học mà ông đang ấp ủ ở tuổi ngoài… cổ lai hy. Lại nhớ những lần cùng Vũ Hữu Định, Hoàng Trọng Dũng, Phạm Phú Hải, Đoàn Huy Giao… cùng những anh em văn nghệ Đà Nẵng cụng ly trước thềm biển. Lại nhớ những nữ sĩ Phan Thị  Thanh  Nhàn, Ngô Thị Kim Cúc cùng tôi chân trần trên bãi tắm Thanh Bình một sớm mai yên ả và đọc thơ tình sau chiến tranh…

Bây giờ con đường Nguyễn Tất Thành thênh thang, vẽ ra một cung biển dài mấy chục cây số từ phía cầu Thuận Phước lên Phú Lộc rồi Xuân Thiều, Nam Ô, lên tận đèo Hải Vân và Khu Công nghệ cao… với những nhà hàng, khách sạn sang trọng rực sáng ánh đèn nhiều màu sắc từng đêm. Cung đường hiện đại vô tình lấy mất của tôi hình ảnh một Thanh Bình của ký ức, lấy mất của chúng ta những hàng dừa và những cánh rừng dương liễu tỏa bóng xuống tuổi thơ, vô tình xóa mất dấu vết một bãi biển mang tên Redbeach mà năm 1965, những chiếc tàu há mồm lần đầu tiên chở các đơn vị Thủy quân lục chiến Hoa kỳ đặt chân vào một cuộc chiến thảm khốc nhất Đông Dương.

3. “Vậy đó, bỗng nhiên mà họ lớn/ Tuổi hai mươi đến có ai ngờ…”, thi sĩ Huy Cận từng viết như vậy. Chế Lan Viên thì: “Thời gian trôi lặng thinh/ Mà tháng ngày chảy hết…”.

Chảy hết qua chúng ta những ký ức, những rung động một thời mới lớn từ quê ra phố. Bây giờ nhiều người trong chúng ta đã qua khỏi cái “tuổi hai mươi” từ khá lâu, nhưng hình ảnh Đà Nẵng đã ghim vào trí nhớ tôi từ sáu mươi năm trước thì vẫn còn mới rợi, như những ký ức của một tình yêu đầu.

TRƯƠNG ĐIỆN THẮNG

.