Báo Xuân 2023

Hạnh phúc nảy mầm trong gian khó

14:26, 25/01/2023 (GMT+7)

Giữa muôn vàn khó khăn, nguy hiểm do Covid-19 bủa vây, rất nhiều những đứa trẻ cất tiếng khóc chào đời bình an trong sự hồi hộp, lo lắng. Dang rộng vòng tay yêu thương để bảo bọc, chở che cho những thiên thần bé nhỏ, không ai khác ngoài những nhân viên y tế vẫn miệt mài ngày đêm với sứ mệnh mà họ đã chọn.

Chị Đoàn Thị Hồng Vân (trú tổ 5, phường Thọ Quang, quận Sơn Trà) và con gái, từng sinh trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp và nhận được sự hỗ trợ của nhân viên y tế. Ảnh: PHAN CHUNG
Chị Đoàn Thị Hồng Vân (trú tổ 5, phường Thọ Quang, quận Sơn Trà) và con gái, từng sinh trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp và nhận được sự hỗ trợ của nhân viên y tế. Ảnh: PHAN CHUNG

1. Đã hơn một năm trôi qua, nhưng chị Đoàn Thị Hồng Vân (trú tổ 5, phường Thọ Quang, quận Sơn Trà) vẫn không quên được lần vượt cạn đáng nhớ trong cuộc đời mình. Tháng 8-2021, thời điểm quận Sơn Trà phong tỏa 5 phường do ca mắc Covid-19 tăng cao, cũng là lúc chị Vân chuyển dạ sinh con thứ hai. “Xóm em có nhiều công nhân thuê trọ và làm việc tại Khu công nghiệp Thủy sản Thuận Phước; nhiều người mắc Covid-19. Thời điểm đó, toàn thành phố hạn chế đi lại, riêng phường Thọ Quang bị phong tỏa hoàn toàn. Nghĩ đến ngày chuyển dạ, sinh con khi dịch bệnh bủa vây mà em không khỏi lo lắng, sợ hãi”, chị Vân nhớ lại.

10 giờ ngày 8-8-2021, khi cả thành phố căng mình chống dịch, nhà nhà, người người phải đối mặt với cách ly, F1, xét nghiệm, phong tỏa cũng là lúc Vân chuyển dạ sinh con. Thời điểm ấy, các dịch vụ vận tải đã ngưng lưu thông. Chồng Vân là bộ đội tham gia trực phòng, chống dịch tại đơn vị không thể về nhà. Không còn cách nào khác, chị đành gửi con gái lớn cho gia đình đồng nghiệp chồng, gọi điện xe cấp cứu của Bệnh viện Phụ sản - Nhi Đà Nẵng để được hỗ trợ. May mắn Vân được chuyển vào Bệnh viện Phụ sản - Nhi Đà Nẵng để mổ bắt con đúng vào thời điểm vết thương mổ sinh con trước đây đã có những dấu hiệu hết sức nguy hiểm cho sự an toàn của mẹ và bé. Ca mổ thành công ngoài mong đợi. Tuy nhiên, những lo lắng, hồi hộp và giọt nước mắt hạnh phúc chỉ mới bắt đầu…

“Sinh con được một ngày cũng là lúc em xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2. Cũng là điều dễ hiểu vì thời điểm đó, khu vực em sống rất nhiều người mắc Covid-19. Hàng xóm hai bên nhà đều đã bị, mình thuộc vào diện nguy cơ rất cao”, Vân kể lại. Ngay sau khi biết sản phụ mắc Covid-19, ê-kíp bác sĩ tại Bệnh viện Phụ sản - Nhi Đà Nẵng bố trí hai mẹ con vào khu vực cách ly dành cho bệnh nhân mắc Covid-19. Mọi hoạt động ăn uống, đi lại, sinh hoạt đều trực tiếp do các nhân viên y tế đảm trách. Không có người thân bên cạnh, vết thương do sinh mổ gây đau nhức, lo con bị lây nhiễm Covid-19… khiến người mẹ trẻ rơi vào tâm trạng lo lắng, mất ngủ.

“Dường như đọc được cảm xúc của mình, các bác sĩ, y tá tại bệnh viện đều quan tâm, động viên và sát cánh bên hai mẹ con mỗi ngày. Để bảo đảm an toàn, các bác sĩ còn tư vấn dinh dưỡng cho em, sử dụng ngân hàng sữa mẹ cho bé ăn. Còn chế độ ăn uống, nhu yếu phẩm của sản phụ rất bảo đảm nên yên tâm. Bệnh viện nỗ lực đáp ứng đầy đủ mọi nhu yếu phẩm, các bác sĩ tận tình tư vấn, chăm sóc sức khỏe hết sức kỹ càng. Có lúc như muốn bật khóc vì quá xúc động”, Vân chia sẻ.

Khóc trong vui mừng cũng chính là cảm giác của sản phụ Lê Thị Hoài Mơ (tổ 25, phường Thạc Gián, quận Thanh Khê) khi vượt cạn thành công giữa thời điểm Covid-19 đang diễn biến phức tạp. Tháng 11-2021, dù cố gắng giữ gìn nhưng Mơ đã mắc Covid-19 khi đang mang thai tuần thứ 39. Sau khi được chuyển lên Bệnh viện dã chiến phía Tây thành phố để điều trị Covid-19 được 3 ngày, Mơ có dấu hiệu chuyển dạ.

Thai yếu, có dấu hiệu suy hô hấp, lại có tiền sử mắc bệnh tim nên Mơ được các bác sĩ chuyển sang Bệnh viện Phụ sản - Nhi Đà Nẵng để sinh. “Cơ thể yếu sẵn, lại mang thai vào đúng thời điểm Covid-19 diễn biến rất phức tạp nên tâm trạng em trong suốt thời kỳ mang thai là lo lắng. Phải khỏe mạnh, phải an toàn, không mắc Covid-19 là những câu cửa miệng mà em tự nhắc mình mỗi ngày. Nhưng rồi cái gì đến cũng đến. Em mắc Covid-19 vào đúng thời điểm tuần cuối cùng chuẩn bị sinh”, Mơ nhớ lại.

Ngày Mơ sinh con, chồng đang điều trị tại Bệnh viện dã chiến, hai bên nội ngoại, người thì mắc Covid-19, người cũng đang cách ly theo diện F1. Mơ vượt cạn khi đang phải chống lại virus Covid-19 đang mang trong người. Sau khi mẹ tròn con vuông, sức khỏe Mơ yếu đi rất nhiều do mắc Covid-19 nặng, buộc các bác sĩ phải bổ sung phác đồ điều trị. Một mặt âm thầm đặc cách để đưa chồng cũng đang mắc Covid-19 vào bên cạnh vợ, cùng chăm sóc con.

Khi cơ thể đang mệt mỏi vì dấu hiệu suy hô hấp, qua lớp cửa kính, Mơ nhìn thấy hình dáng người chồng đang ôm con mình mà nước mắt cứ lăn dài. Niềm hạnh phúc và bản năng làm mẹ trỗi dậy đã giúp em khỏe mạnh và vượt qua những ngày khó khăn tiếp theo. “Tâm lý của bà mẹ sau sinh vốn rất phức tạp mà lo lắng là cảm xúc chính. Sự xuất hiện của người thân đúng lúc, sự nhiệt tình, tận tâm hỗ trợ của các bác sĩ đã trấn an em rất nhiều. Bởi không ai khác, chính các bác sĩ là người tạo cho em cảm giác mình và con được an toàn trong thời điểm ấy”, Mơ chia sẻ.

2. Là người trực tiếp theo dõi, chăm sóc sản phụ mắc Covid-19, bác sĩ Nguyễn Thị Thu Phương, Giám đốc Trung tâm Sàng lọc sơ sinh, Bệnh viện Phụ sản - Nhi Đà Nẵng, không quên được những ánh mắt chất chứa âu lo, đầy tâm trạng của những người mẹ trẻ. Thời kỳ cao điểm, bệnh viện mỗi ngày tiếp nhận 20-30 sản phụ mắc Covid-19 nhập viện sinh con. “Công việc thời điểm ấy rất nhiều, bởi vừa chăm sóc bé, vừa chăm sóc mẹ, lại bảo đảm an toàn chống lây nhiễm Covid-19. Trong bối cảnh nguồn nhân lực hạn chế, chúng tôi phải thực hiện quy trình chăm sóc khép kín, là điều không hề dễ dàng chút nào”, bác sĩ Phương cho biết.

Có những sản phụ mắc Covid-19 rồi chuyển dạ, sinh con ở tuần thai thứ 30, các triệu chứng trở nặng của Covid-19 như: khó thở, đau tức ngực, tím tái, lơ mơ không tỉnh táo…buộc các bác sĩ phải tập trung cao độ cho việc chăm sóc, theo dõi sức khỏe. Khu điều trị, chăm sóc sản phụ mắc Covid-19 được thiết lập tách biệt hoàn toàn với các khu vực khác để bảo đảm an toàn, chống lây nhiễm.

Tại đây, các bác sĩ, nhân viên y tế đảm trách luôn phần việc của người nhà bệnh nhân, đó là chăm sóc, động viên, bên cạnh họ những lúc cần nhất. “Mình phải cố gắng để sản phụ yên tâm, có cảm giác như người thân đang bên cạnh. Có những bệnh nhân dấu hiệu sức khỏe rất tốt nhưng tâm trạng, cảm xúc lại rất dễ bị kích động. Vai trò của nhân viên y tế, đôi khi là chỉ cần ngồi hàng giờ đồng hồ bên cạnh để họ tìm được cảm giác an toàn nhất”, bác sĩ Phương tâm tình.

3. Như một lẽ thường tình, nhiều trẻ em sinh ra trong hoàn cảnh này cũng mắc các bệnh lý và vấn đề về sức khỏe khác. Nhưng bản năng người mẹ do trong bất cứ hoàn cảnh nào cũng không hề muốn chia cắt tình mẫu tử, dù chỉ trong khoảng cách ngắn nhất, thời gian nhỏ nhất. Để không tác động xấu đến cảm xúc, tâm lý sản phụ, Khoa Nhi Sơ sinh - cấp cứu - hồi sức tích cực và bệnh lý phải bố trí các ê-kíp đầy đủ thiết bị, nhân lực hỗ trợ cho khu điều trị Covid-19 cho sản phụ, trẻ sơ sinh.

Bác sĩ Lưu Thị Mỹ Hạnh, Phó trưởng khoa Nhi Sơ sinh - cấp cứu - hồi sức tích cực và bệnh lý luôn tâm niệm: “Dù trong bất cứ hoàn cảnh nào cũng không thể chia tách tình mẫu tử. Nhưng để làm được điều đó, bệnh viện phải lắp đặt, bố trí, di chuyển thêm nhiều trang thiết bị hỗ trợ. Nhân viên y tế phải tuân thủ nghiêm ngặt các biện pháp phòng, chống dịch. Bởi chỉ cần một sơ suất dù là nhỏ nhất, Covid-19 sẽ lây nhiễm từ mẹ sang con”. Trong thời điểm dịch bệnh căng thẳng, phương pháp “da kề da” sau sinh vẫn được các bác sĩ áp dụng cho những sản phụ mắc Covid-19 sinh con. Bé và mẹ cùng nằm chung, sinh hoạt với nhau trong khoảng cách gần nhất. Có những trẻ sơ sinh mới chào đời đã mắc các bệnh lý khác nên sức khỏe và sự an toàn của bé luôn được các bác sĩ quan tâm đặc biệt.

Việc khám sàng lọc, hội chẩn, sử dụng các thiết bị máy móc hỗ trợ được thực hiện thường xuyên. Bên trong khu điều trị, chăm sóc sản phụ mắc Covid-19 luôn có một tiểu khu chăm sóc đặc biệt dành cho những em bé chào đời mắc các bệnh lý ngoài Covid-19. Những bước chân của bác sĩ vội vã hơn, ánh mắt cũng trầm ngâm, lo lắng hơn khi các chỉ số sinh tồn luôn biến động theo từng phút, từng giây.

“Dù là trong hoàn cảnh nào bác sĩ, nhân viên y tế vẫn luôn đồng hành cùng bệnh nhân. Những em bé chào đời trong bối cảnh mẹ mắc Covid-19 càng cần được đồng hành, chăm sóc. Và những người mẹ ấy, cũng rất đáng được ngưỡng mộ khi phải đấu tranh cùng lúc nhiều mối bận tâm mà trong đó Covid-19 là nỗi ám ảnh, lo lắng nhất thời điểm ấy. Về phía nhân viên y tế, chúng tôi cũng chỉ xem đó là trách nhiệm của mình. Bởi ở đâu có sự sống thì hạnh phúc sẽ nảy nở, mà niềm hạnh phúc của người bác sĩ, y tá, điều dưỡng không có gì quan trọng ngoài sự sống, nụ cười hiện nở trên môi của mỗi người bệnh” bác sĩ Hạnh tâm sự...

***

Cũng giống như nhiều đứa trẻ khác, những đứa con của chị Vân, chị Mơ bụ bẩm, phát triển bình thường. Đông qua, mùa Xuân sắp gõ cửa. Sau giờ làm chị Vân lại cùng con rong ruổi khắp các tuyến phố, cửa hàng tất bật sắm những bộ trang phục đón năm mới. Bé gái giờ đã 16 tháng tuổi, nhanh nhảu, hoạt bát, líu lo bên mẹ không rời. Covid-19 như một lát cắt ngang đáng nhớ trong cuộc đời mà hai mẹ con trải qua. Ở đó, bên những muộn phiền, lo lắng không tên thì hạnh phúc vẫn luôn tròn đầy, hiện hữu, được viết nên bởi khát khao của người mẹ và tình yêu, trách nhiệm của gia đình và xã hội...

PHAN CHUNG

.