Báo Xuân 2023
Nghìn năm áo xống
Những năm gần đây, trong chuyến du xuân của nam thanh nữ tú, chiếc áo dài tân thời không còn là trang phục truyền thống duy nhất được lựa chọn. Phong trào mặc cổ phục đang ngày càng lan rộng trong giới trẻ, cho thấy trang phục của người Việt xưa đang hiện diện nhiều hơn trong nhịp sống đương đại.
Trang phục áo dài của thiếu nữ Hội An trong ảnh tư liệu của nhà nhiếp ảnh Vĩnh Tân người Hội An |
1. Cuối tháng Chạp, nắng hanh hao vàng trên vạt cải vừa trổ bông. Cụ Trần Thị Bảy (tổ 3, làng Quang Châu, xã Hòa Châu, huyện Hòa Vang) lôi từ chiếc rương gỗ mấy chiếc áo dài nhung đem phơi trước sân nhà. Những chiếc áo tuy đã sờn cổ và bâu tay nhưng vẫn ánh lên một màu quý phái. Tuổi đã ngoài 90 nhưng cụ vẫn giữ nguyên cái nếp nền nã một thời, đó là mặc áo dài nhung, choàng khăn lụa, mang hài cườm đi chúc Tết năm mới. Vừa vuốt lại các nếp gấp trên chiếc áo nhung màu huyết dụ, cụ vừa nói như phân bua: “Mấy cái ni là áo dài tân thời, cắt kiểu tay raglan. Chớ cái thời ông bà mình ngày xưa toàn mặc áo dài ngũ thân”.
Chiếc áo ngũ thân mà cụ Bảy nhắc tới là chiếc áo 5 vạt được chúa Nguyễn Phúc Khoát tạo ra trong cuộc cải cách trang phục Đàng Trong năm 1744. Như vậy, từ cuối thế kỷ XVIII, áo phụ nữ ở Thuận - Quảng chính thức thôi xiêm váy. Áo dài năm thân và quần dài trở thành trang phục phổ biến của nhân dân lao động. Người ta mặc áo dài gần như mọi lúc, mọi nơi, kể cả làm đồng, đi chợ, dệt vải...
Hàng hiên đầy nắng, mấy chiếc áo dài rực rỡ sắc màu phơi trên dây gió xuân thỉnh thoảng đùa cợt bay phất phơ giữa không trung. Vốn là bà giáo bậc Tiểu học trước 1975, kiến văn sâu rộng, cụ Bảy ân cần giải thích: “Tương truyền rằng áo ngũ thân xưa tượng trưng cho lý tưởng cao đẹp của con người: bốn thân áo của vạt trước, vạt sau được tượng trưng cho “tứ thân phụ mẫu”, thân trong tượng trưng cho người mặc. Áo ngũ thân có năm nút, tượng trưng cho ngũ thường (nhân - nghĩa - lễ - trí - tín) và ngũ luân (quân thần: vua - tôi, phụ tử: cha - con, phu phụ: chồng - vợ, huynh đệ: anh - em, bằng hữu: bạn bè)”.
Nếu chỉ dựa vào trí nhớ và lời kể của người già thì khó có thể hình dung được người Quảng ngày trước ăn mặc cụ thể như thế nào. May mắn là nhiếp ảnh đã làm được điều kỳ diệu đó. Trang phục của người xứ Quảng thời xưa cũng được tìm thấy trong di sản ảnh Hội An. Nhà nhiếp ảnh Vĩnh Tân sở hữu bộ ảnh quý giá về phố cổ xưa mà bất cứ nhà nghiên cứu, sưu tầm về Hội An nói riêng và xứ Quảng nói chung cũng cần phải tra cứu, tham khảo. Chủ đề nổi bật trong bộ sưu tập hình ảnh xưa Hội An của Vĩnh Tân là lễ hội, kiến trúc, trang phục áo dài của cư dân phố cổ.
Thật thú vị khi chúng ta được xem những bức ảnh độc lạ, quý hiếm của nhà nhiếp ảnh Albert Pélisser về Đà Nẵng xưa khi có tên là Tourane. Ông cũng là nhà xuất bản bưu thiếp ở Đà Nẵng trong thập niên đầu tiên của thế kỷ XX. Nhà nhiếp ảnh này cũng đã đưa vào ống kính vẻ đẹp trang phục, lối ăn mặc của người phụ nữ, trẻ em xứ Quảng.
2. Cùng với ăn, ở và mặc là hai trong những nhu cầu thiết yếu của con người. Mặc không chỉ giúp con người thích ứng với thời tiết, khí hậu mà còn là nhu cầu làm đẹp, nên thường dễ đổi thay so với ăn và ở. Ngày trước, đàn ông chuộng áo the đen hay gấm có hoa văn chữ thọ, chữ phúc. Phụ nữ thì áo dài nhung, gấm, lụa là… Còn ngày thường thì cứ bộ bà ba nâu hoặc đen mà trị chứ không thay đổi xoành xoạch như bây giờ. Nhiều bậc cao niên vẫn còn nhắc: “Thời trước ông bà mình bước ra khỏi nhà là mặc áo dài bên trong bộ áo bà ba trắng. Rứa mới có cảnh các cụ ông khi đi ăn giỗ hay dự việc làng có uống chút rượu vào nóng người là cởi áo dài vắt vai, đến khi khật khưỡng về đến nhà áo xống rơi mất. May còn bộ bà ba chứ không thì... khó coi lắm!”.
Phụ nữ lúc nào cũng duyên dáng, đáng yêu trong trang phục áo dài dù truyền thống hay tân thời. Ảnh: NHƯ HẠNH |
Trong một thời gian khá dài, người Quảng vẫn trung thành trang phục áo dài, áo bà ba thì sự thay đổi duy nhất có chăng là ở chỗ từ cái quần “trật bù lương” lưng thắt bằng giải rút - như cách nói của nhà nghiên cứu Hồ Trung Tú trong cuốn “Có 500 năm như thế” - được thay thế bằng dây thun và hàng nút thắt bằng vải nhường chỗ cho hàng khuy bấm làm bằng nhựa hoặc sừng. Đó cũng là lý do mà nhà thơ Nguyễn Bính đã than thở “Áo cài khuy bấm em làm khổ tôi…”. Làn gió Âu hóa đã thổi qua những xóm làng bình dị ở đất Quảng, khiến cách ăn mặc của người xưa bắt đầu đổi khác.
Thấy chúng tôi ôn chuyện xưa rôm rả, cụ ông Lê Danh, tuổi đã ngoài 90, ông chủ tài hoa một thời của nhà may Đồng Tân đóng ở 101 Đường Độc Lập (nay là đường Trần Phú) vui vẻ góp chuyện: “Nghề may bắt đầu thịnh hành từ những năm Pháp qua Đà Nẵng, chủ yếu là may Âu phục cho công chức, dân thành thị. Còn ở quê thì có thợ làng chuyên may quốc phục như áo dài, áo bà ba. Hồi đó, nhiều gia đình còn tự mua vải về đo cắt may cho cả nhà, nhất là dịp Tết. Mà mấy cụ toàn may tay mới tài chứ. Đường kim mũi chỉ đẹp, đều và chắc chắn không thua chi may máy”.
3. Chuyện về lối ăn, lối mặc của người Quảng xưa và nay cứ thế đan xen nhau giữa già và trẻ trong ngày cuối năm tất bật. Có lẽ cái sự thay đổi theo thời về kiểu dáng áo quần mà các bậc trưởng thượng nói đến chính là thời trang, là mốt (mode), là những bộ sưu tập 4 mùa Xuân, Hạ, Thu, Đông từ các sàn diễn thời trang trong và ngoài nước được cập nhật và ứng dụng vào đời sống hằng ngày…
Ngày nay, nam thanh nữ tú vẫn thích mặc trang phục truyền thống trong các hoạt động lễ hội. Ảnh: NHƯ HẠNH |
Nếu như ở thập niên 70, 80 người Quảng chuộng trang phục may đo tại các tiệm may lớn nhỏ thì bây giờ lại thích mặc đồ may sẵn. Ông chủ tiệm may Ty Anh khá nổi tiếng trên đường Hải Phòng (quận Hải Châu) nhận xét: “Chỉ có những người kỹ tính hoặc thích sự độc đáo hay bản sắc riêng thì mới mua vải mang đến đặt may”. Thị trường đồ may sẵn ngày càng trở nên rộng lớn với nhiều nhãn hàng uy tín trong và ngoài nước có nhiều phân luồng cho người bình dân và khá giả.
Dù không thể sánh bằng Sài Gòn và Hà Nội trong việc ăn mặc, nhưng người Quảng nói chung, Đà Nẵng nói riêng, cũng khá nhanh nhạy trong việc nắm bắt các xu hướng thời trang đang diễn ra. Tuy nhiên, bản tính của người Quảng vốn mộc mạc theo kiểu “vừa vừa, phải phải” nên họ không chọn cách độc lạ hay hở hang quá đà mà chọn trang phục đơn giản, mặc vào có thể đi chơi, đi làm, đi dự tiệc đều được.
Hội An và Huế, hai thành phố không chỉ còn lưu giữ những nét cổ xưa qua kiến trúc nhà cửa, đình chùa, miếu mạo mà còn là sân khấu lớn để các nhà tạo mẫu, nhà thiết kế thời trang kể lại câu chuyện nghìn năm áo xống bằng các bộ sưu tập mang tính giao hòa xưa và nay... Đó chính sự tiếp nối truyền thống đầy sôi động trong thời buổi toàn cầu hóa hôm nay.
NHƯ HẠNH