Báo Xuân 2023

Nhiếp ảnh Đà Nẵng buổi khai sinh và hai bức ảnh của Jules Itier

14:51, 25/01/2023 (GMT+7)

Trong lịch sử nghệ thuật nhiếp ảnh ở Việt Nam, người ta thường nói đến buổi khai sinh gắn với các bức ảnh của Alphonse Eugène Jules Itier chụp tại vịnh Đà Nẵng năm 1845. Đó là những tác phẩm nhiếp ảnh đầu tiên về Đà Nẵng, đồng thời cũng là đầu tiên ở Việt Nam, được ghi bằng máy ảnh theo kỹ thuật “Daguerréotype” xuất hiện trước đó ở Pháp năm 1839.

Hiện nay, thông tin và hình ảnh về những tác phẩm ở buổi khai sinh này tại Đà Nẵng vẫn đang khiến người đọc hết sức băn khoăn. Bởi lẽ, người ta không biết thực sự có tất cả là 2 hay 3 bức ảnh? Bức “Fort Cochinchinois de Non-Nay” thực ra là ảnh “Đồn Hai”, “Đồn Non Nại”, hay “Pháo đài Phòng Hải; và vòng tường thành của nó có hình tứ giác hay hình tròn? Mặt mũi bức ảnh về vịnh Đà Nẵng lúc đó thực hư như thế nào? Liệu có riêng một bức ảnh về Ngũ Hành Sơn hay không?

Tác giả của những bức ảnh đầu tiên về Đà Nẵng là Alphonse Eugène Jules Itier [1802-1877], lúc đó là thanh tra thuế quan, phái viên của Bộ Thương mại và Tài chính trong phái bộ Pháp tại Trung Hoa, thành viên phái bộ Pháp đến cửa biển Đà Nẵng trên tàu l’Alcmène cuối tháng 5-1845 để thương thảo vụ năm giáo sĩ Công giáo đi truyền đạo đang bị bắt giam tại Huế, trong đó có giáo sĩ Lefèbvre.

Trong ấn phẩm Nhật ký du hành Trung Hoa những năm 1843, 1844, 1845, 1846 của bản thân, gồm 3 tập được xuất bản tại Paris không lâu sau đó từ năm 1848 đến năm 1853, Jules Itier cho biết: “Ngày 31-5 [1845]. Suốt buổi sáng, chúng tôi thâm nhập tại lối vào vịnh Touranne/Đà Nẵng tráng lệ, một vùng lòng chảo rộng lớn như thể bị cô lập với biển bởi một vành đai núi cao che chắn cho nó khỏi những cơn gió ngoài khơi, trước con mắt kinh ngạc của người hoa tiêu, một vòng cung phô bày tất cả các kho tàng của thảm thực vật nhiệt đới.

Cuối cùng, khoảng ba giờ [chiều], chúng tôi thả neo tại điểm neo đậu phía nam, không xa l’île Mo-Koï [hòn Mồ Côi/đảo Cô], còn được gọi là l’île de l’Observatoire [đảo Quan sát], và ở dưới chân fort de Non-Nay [pháo đài Phòng Hải], nơi chúng tôi bắn chào bằng ba phát đại bác” (Alphonse Eugène Jules Itier, Journal d’un Voyage en Chine en 1843, 1844, 1845, 1846, Troisième Volume, Chez Dauvin et Fontaine, Libraires-Éditeurs, Paris, 1853, p. 46).

Trong những ngày sau đó, Jules Itier tham gia vào các cuộc thương thảo giữa phái đoàn Pháp với đại diện triều đình Huế ở Đà Nẵng, vãn cảnh núi Sơn Trà, vào tham quan và giao dịch ở chợ Đà Nẵng, đi thăm Ngũ Hành Sơn, và cuối cùng là đem máy ảnh lên chân núi Mỏ Diều chụp cảnh pháo đài Phòng Hải và vịnh Đà Nẵng vào đúng thời điểm tàu l’ Alcmène kéo cờ báo hiệu nhổ neo hôm 12-6-1845. Jules Itier viết lại cảm xúc trong giờ phút chụp hai bức ảnh lịch sử này như sau:

“Ngày 12-6 [1845]. Sự chuẩn bị để khởi hành của chúng tôi đã được triển khai; chỉ còn đợi sự xuất hiện của nhà truyền giáo của chúng tôi [giáo sĩ Lefèbvre] là nhổ neo. Thông dịch viên người Đàng Trong/Việt Nam vừa thông báo rằng vị quan lớn áp tải đã ngủ qua đêm ở Đà Nẵng và sáng nay sẽ bàn giao cho chúng tôi.

Trong khi mọi người trên tàu sắp xếp mọi thứ để đón ông ấy, tôi đã vội vàng chuẩn bị một vài tấm biển “daguerriennes” [tấm đồng dùng để chụp ảnh], và tự mình đi đến chân pháo đài Phòng Hải. Tôi vừa đặt chân lên bộ không bao lâu thì cờ khởi hành đã được treo trên chiếc hải phòng hạm l’ Alcmène, ngay sau đó là một phát đại bác báo hiệu việc nhổ neo.

Tuy nhiên, ngay cả khi tôi phải ở lại Đàng Trong/Việt Nam, tôi phải sử dụng những tấm đồng mình đã chuẩn bị. Sự ra đi bất ngờ của chiếc hải phòng hạm là một nguồn lo lắng cho tôi; nhưng chúng ta phải thừa nhận rằng nó đã làm cảnh trong bức ảnh của tôi tăng độ sáng bất ngờ. Chậm một vài phút có thể thay đổi hành trình vận mệnh của tôi; nhưng tôi thực sự cần vài phút này để làm bằng chứng không thể chối cãi cho những cuộc phiêu lưu này. Vậy thì hãy nhanh lên: hải phòng hạm đã dịch chuyển vị trí và đi vào lối ra; tiếp cận nó không còn dễ dàng; tuy nhiên, bằng những mái chèo và sự bình tĩnh giúp đỡ [của những người chèo thuyền], cuối cùng chúng tôi đã bắt kịp tàu. Lạy Chúa! Hai bản chụp của chúng tôi đã thành công như mong đợi: đó thực sự là bến cảng của Đà Nẵng, Rochers-de-Marbre/Ngũ Hành Sơn của ngôi chùa lớn ở phía chân trời; về phía trung tâm ảnh là cửa sông Faï-Fo [ý nói cửa Sông Hàn, lối đi thuyền vào Hội An lúc ấy], và xa hơn về phía bắc là thị trấn Đà Nẵng; đảo Quan sát ở phía trước; còn đây là con tàu l’Alcmène giương buồm ra đi không trở lại từ bờ biển Đàng Trong/Việt Nam… Mọi thứ đều được tái hiện một cách chân thực trong bức ảnh này, ngoại trừ cảm xúc của tác giả; nhưng bạn đoán được nó, bạn đọc thân mến” (Jules Itier, sách đã dẫn, trang 46).

Những mô tả cụ thể trên khẳng định Jules Itier chỉ thực hiện hai ảnh chụp vào ngày 12-6-1845, gồm một ảnh là pháo đài Phòng Hải, ảnh thứ hai là toàn cảnh vịnh Đà Nẵng với hình ảnh chiếc tàu l’’ Alcmène vừa treo cờ nhổ neo, hòn Mồ Côi, cửa Sông Hàn, thị trấn Đà Nẵng, và xa xa là Ngũ Hành Sơn; không hề có bức ảnh thứ 3 riêng về Ngũ Hành Sơn như một số bài viết tiếng Việt và tiếng Anh đề cập và đang lưu hành.

Dựa vào các chứng liệu của triều Nguyễn cho biết trước năm 1847 ở bán đảo Sơn Trà chỉ có một công trình phòng thủ kiên cố là pháo đài Phòng Hải ở núi Mỏ Diều; còn các đồn nhất, đồn hai, đồn ba… cho đến đồn bảy phải từ năm 1847 mới xuất hiện; có thể khẳng định “Non-Nay” chính là phiên âm của Jules Itier từ âm “Phòng Hải” trong tiếng Quảng mà ra, chứ không thể là “Đồn Hai” hay “Non Nại” (Xem bài “Pháo đài Phòng Hải ở Đà Nẵng - những dấu ấn lịch sử”, Đà Nẵng cuối tuần, 10-3-2018).

Pháo đài Phòng Hải được xây dựng năm 1840 với kiến trúc gạch hình tròn, đường kính 9 trượng, tương đương chừng 38 mét, chu vi khoảng 120 mét, nằm ở núi Mỏ Diều, phía ngoài hòn Mồ Côi/đảo Cô/đảo Quan sát. Nhưng bức ảnh “Fort Cochinchinois de Non-Nay” do Henri Cosserat giới thiệu trên tập san BAVH số 3-4, tháng 7-12 năm 1927, cùng nhiều ảnh tương tự khác, bị lỗi kỹ thuật in ấn, nên khiến góc thành bên phải, nhìn từ ngoài vào, như một góc vuông khiến nhiều người ngộ nhận pháo đài này có hình tứ giác (xem ảnh 1).

Ảnh 1
Ảnh 1

Vì sự bất hợp lý khi pháo đài Phòng Hải có hình tròn nhưng ảnh “pháo đài Non-Nay” do Henri Cosserat giới thiệu lại trông có vẻ như hình tứ giác, chúng tôi đi tìm bản sách gốc của tác giả Jules Itier xuất bản năm 1853 để lấy hình ảnh so sánh, và nhận ra một số khác biệt.

Nhìn kỹ bức ảnh từ sách gốc của Jules Itier xuất bản năm 1853 theo phép viễn cận, ta sẽ thấy pháo đài Non-Nay/Phòng Hải do Nguyễn Tri Phương thiết kế năm 1840 có vòng thành là một hình tròn chứ không phải tứ giác; hai dãy lùm bụi bên ngoài hình vòng cung ôm lấy pháo đài, hai đầu hàng cây ở cửa pháo đài ở cự ly gần nên lớn và cao, sau đó nhỏ dần theo chiều sâu chạy hình vòng cung ôm kín vòng tường thành của pháo đài (xem ảnh 2).

Ảnh 2
Ảnh 2

Chưa hoàn toàn thỏa mãn với hình ảnh tìm được dù nó nằm trong sách của chính tác giả Jules Itier, chúng tôi tiếp tục cất công tìm kiếm trong các lưu trữ ở Pháp và cuối cùng cũng có được bức ảnh được in bằng kỹ thuật tốt hơn, rõ nét hơn về pháo đài Non-Nay/Phòng Hải trong bộ L’Illustration, journal universel xuất bản năm 1854, với tường thành hình tròn đúng như mô tả của thư tịch thời Nguyễn (xem ảnh 3).

Ảnh 3
Ảnh 3

Đặc biệt hơn, khi tiếp cận với bộ sưu tập của Terry Bennett [Terry Bennett Collection], chúng tôi nhìn thấy ảnh gốc của pháo đài Non-Nay/Phòng Hải có hình tròn với toàn cảnh từ chân núi Mỏ Diều nhìn lên từ hướng đông, mà ảnh trong những sách và tạp chí nêu trên thường chỉ đăng trích đoạn về pháo đài. Tiếc là do thời gian, nên ảnh gốc được trưng bày đã mờ đi khá nhiều, không còn nhìn rõ đường nét (xem ảnh 4).

Ảnh 4
Ảnh 4

Đến đây, chúng ta đã hoàn toàn yên tâm gọi ảnh pháo đài Non-Nay là pháo đài Phòng Hải, di tích phòng thủ thời Nguyễn đầu tiên và duy nhất trên bán đảo Sơn Trà trước năm 1847 với dạng kiến trúc gạch hình tròn độc đáo, mà ngày nay chỉ còn lưu lại qua hình ảnh, cả trích đoạn lẫn toàn cảnh.

Còn về bức ảnh chụp vịnh Đà Nẵng năm 1845 được Jules Itier mô tả đầy cảm xúc trong nhật ký, hiện nằm trong bộ sưu tập của Serge Kakou [Collection Serge Kakou] ở Pháp.

Trong ảnh, mặc dù cũng đã nhạt nhòa đường nét do thời gian, chúng ta vẫn dễ dàng nhận ra góc đứng để chụp hình của Jules Itier là dưới chân pháo đài Non-Nay/Phòng Hải ở núi Mỏ Diều theo hướng tây nam nhìn về đất liền. Cận cảnh là phần đất ở chân núi Mỏ Diều, tiếp đến là hòn Mồ Côi/đảo Cô/đảo Quan sát, gần đó là chiếc hải phòng hạm l’Alcmène 3 cột buồm, phía đất liền là cửa Sông Hàn và thị trấn Đà Nẵng, và xa xa là dãy Ngũ Hành Sơn nhô cao, đúng với những gì được tác giả ghi trong nhật ký (xem ảnh 5).

Ảnh 5
Ảnh 5

Qua những tư liệu gốc và hình ảnh được trích dẫn, có thể khẳng định buổi khai sinh nghệ thuật nhiếp ảnh ở Đà Nẵng/Việt Nam gắn liền 2 bức ảnh theo kỹ thuật “Daguerréotype” của Jules Itier chụp pháo đài Non-Nay/Phòng Hải và cảnh vịnh Tourane/Đà Nẵng năm 1845. Không có bức ảnh thứ 3 về Ngũ Hành Sơn.

Bức ảnh pháo đài Non-Nay/Phòng Hải đang được phổ biến rộng rãi nhất hiện nay chỉ là trích đoạn, với vòng tường thành giống hình tứ giác do lỗi kỹ thuật in ấn, dễ gây ngộ nhận khi giải thích nguồn gốc và tên gọi của bức ảnh; cần được đính chính và loại trừ dần để hiểu đúng với ảnh gốc là vòng thành hình tròn, khớp với tư liệu thời Nguyễn.

Với bức ảnh về cảnh vịnh Tourane/Đà Nẵng năm 1845 của Jules Itier, nó bao gồm các thực thể theo trục không gian đông bắc - tây nam là hòn Mồ Côi/đảo Quan sát, hải phòng hạm l’Alcmène 3 cột buồm, cửa Sông Hàn, thị trấn Đà Nẵng và dãy Ngũ Hành Sơn phía xa; không phải là khung cảnh nhộn nhịp ở cảng Đà Nẵng giống như các bức ảnh chụp cuối thế kỷ XIX - đầu thế kỷ XX.

Hiểu đúng và đủ về nhiếp ảnh ở Đà Nẵng buổi khai sinh, sẽ thiết thực góp phần vào việc gạt bớt những ngộ nhận; bổ sung, điều chỉnh và làm đẹp thêm cho bức tranh lịch sử nghệ thuật nhiếp ảnh ở Đà Nẵng nói riêng, Việt Nam nói chung.

NGUYỄN QUANG TRUNG TIẾN

.