Báo Xuân 2023

Về quê ăn mì Quảng ngày Tết

06:26, 19/01/2023 (GMT+7)

Có lẽ đã gần bốn mươi cái Tết trôi qua trong đời mình, tôi vẫn nhớ như in lần vượt đèo Le bằng chiếc xe Honda 50 cũ mèm, chạy lên vùng tây huyện Quế Sơn đem quà Tết của Ngọc, bạn tôi từ hồi tiểu học đi làm ăn xa ở Sài Gòn, gửi cho ba mẹ nó vì không về ăn Tết được.

Gói quà của đứa con làm ăn xa gửi về nhà chỉ có một gói mứt thập cẩm, một gói trà với mấy bao thuốc lá Đà Lạt cho ba và một cái khăn len quàng cổ cho mẹ, mãi đến chiều ba mươi Tết mới đến tay tôi vì bưu điện giao chậm. Gói kèm theo quà một lá thư gửi cho tôi với lời lẽ sụt sùi nước mắt nhớ nhà, nhớ cha mẹ, nhớ Tết quê, nhớ tô mì Quảng mẹ nấu và dặn tôi, kiểu gì cũng ráng lên thăm ba mẹ nó dùm, cho ông bà vui.

Ảnh: KIM EM
Ảnh: KIM EM

Sáng mồng hai Tết, trời mưa lâm thâm, lạnh cóng, nghĩ tới cảnh đạp xe lên tới Quế Lâm tìm nhà nó tôi đã nản lòng. May có chiếc xe máy cũ của ông anh rể về thăm nhà, tôi ngỏ lời mượn, ông ừ, tôi mừng như bắt được vàng, vội gói ghém đồ đạc đi ngay. Từ nhà tôi ở Hội An, chạy lên tới xã Quế Lâm chừng bốn mươi cây số nhưng phải mất hơn ba giờ. Chiếc xe cũ nên máy yếu, qua đèo Le có mấy đoạn phải xuống xe dắt lên dốc. Vừa mệt vừa đói, lại không rành địa hình, nên phải hỏi thăm đến gần trưa mới tìm ra nhà của bạn.

Nhà Ngọc là một ngôi nhà nhỏ vách đất mái lợp tranh như bao ngôi nhà khác ở xứ bán sơn địa này. Ngôi nhà nằm lọt thỏm ở giữa một cánh đồng rộng chỉ có hai ông bà già ở với bầy gà và một đàn chó đâu gần chục con. Thấy khách lạ, chúng sủa làm tôi xám mặt vì sợ. Tôi đem quà và thư bạn gửi về đưa cho ba mẹ bạn. Cả hai người mừng rỡ như tôi là con gái họ về thăm nhà chứ không phải khách. Ông nói nhỏ với bà nhưng tôi vẫn nghe thấy, mẹ con Ngọc đem gạo xay tráng mì, để tôi ra ao bắt mấy con cá làm mì ăn trưa. Nhà chỉ có bánh tét ăn miết cũng ớn, làm liền đi để cháu nó đói, đi từ Hội An lên đây trưa trờ trưa trật rồi, Tết nhất có ai bán chi đâu mà ăn.

Ba Ngọc nói rồi cầm cái xúc bằng tre đi ra phía bờ ao, tôi rón rén đi theo vì sợ chó. Ông cầm cái xúc, lội xuống ao, mới khua đâu chừng ba bốn lượt, đã có hai con cá leo vàng óng và mớ cá tràu đen trũi nằm gọn trong giỏ tre. Ông cười vui, làm mì cá leo ni ngon phải biết, cháu hên đó, chớ bọn cá leo ni hắn nhủi dưới bùn dễ chi bắt được. Nói đoạn, ông bắt hai con cá leo bỏ riêng và đem vào bếp để sửa soạn bữa mì cá leo cho bữa trưa ngày mồng hai Tết.

Trong lúc ba Ngọc đi xúc cá dưới ao, thì ở trong nhà, mẹ Ngọc đã kịp xay bột tráng mì ở cái cối đá đặt phía sau hè. Tôi ngạc nhiên, thím ngâm gạo hồi mô mà xay bột nhanh quá. Mẹ bạn cười tươi, ở đây Tết không có chợ, không ai bán buôn chi, nên nhà mô hễ Tết đến là ngâm sẵn gạo, có khách ghé thăm là xay bột tráng mì ăn thôi con. Nhà quê mà, cái chi cũng sẵn, cá đó, gà đó, ưng ăn mì chi thì làm có ăn liền.

Vừa nói, tay bà thoăn thoắt tráng mì trên bếp củi nước đang sôi hừng hực, làm ấm cả gian bếp nhỏ. Tráng xong mớ mì đặt trên cái trẹt trải lá chuối sứ, mẹ Ngọc quày quả làm cá và bắc lên bếp luộc, dặn tôi ngồi canh chừng, hễ thấy nước trong nồi cá sôi đều, cá chín tróc da thì hạ lửa để đó. Mẹ Ngọc lúi húi ngoài vườn chừng dăm phút sau đã đem vào nhà một rổ rau các loại gồm cải con, rau húng, rau đắng, ngò, hành và một cái bắp chuối sứ vừa cắt, nhựa chuối nhỏ ròng ròng theo bước chân bà đi.

Tôi phụ xắt bắp chuối, lặt rau sống trong khi mẹ Ngọc làm nhưn mì. Hai con cá leo, sau khi dẽ thịt được hơn một bát to, mẹ Ngọc giã nát nghệ tươi với củ hành, thêm chút nước mắm, hạt tiêu rồi cho vào ướp cá. Mớ xương cá bà cho vào nồi bắc lên bếp luộc lại để lấy nước nấu nhưn cho ngọt. Bà dặn tôi, khi luộc con cho ít muối sống vô để nước ngọt đậm mà không tanh. 

Mớ củ nén lấy từ trên chiếc giỏ tre trên giàn bếp xuống được mẹ Ngọc rửa sạch đập giập, rồi khử dầu phụng thơm lừng. Bà chắt một nửa dầu khử nén ra bát để thoa mì lá và chan thêm vào bát mì khi ăn. Dầu còn lại trong chảo, bà cho cá đã ướp vào xào. Một mùi thơm ngào ngạt xộc vào mũi, bụng tôi đã đói lại thêm cồn cào. Chảo cá sau khi xào thấm được nấu với nước luộc cá và thêm chút muối cho đậm vị. Nồi nhưn mì cá leo vàng óng, mỡ màng toả mùi thơm lừng làm ấm sực cả gian nhà nhỏ trong khi ngoài trời vẫn đang mưa lâm thâm.

Mẹ Ngọc lấy dầu phụng đã khử trong chén thoa lên lá mì đã trải trên cái thớt gỗ rộng rồi gấp làm bốn lá mì lại và chấn bằng dao phay. Chỉ một loáng đã có một rổ sợi mì mềm mại, trắng muốt và đều tăm tắp đặt trên chiếc bàn gỗ giữa nhà. Mớ đậu phụng tôi đã rang chín và giã dập đặt kế bên. Rổ rau sống nhiều bắp chuối đã sẵn sàng, thêm chén nước mắm ớt tỏi và mấy cái bánh tráng nướng giòn đặt ở giữa bàn nữa là cả ba mẹ Ngọc và tôi ngồi vào bàn.

Tôi đói mềm ruột nên không khách khí. Tô mì mẹ Ngọc chan cho tôi vừa nhìn thấy đã muốn ăn ngay. Sợi mì mềm mụp quyện với vị ngọt đậm của nước nhưn và rau sống ăn kèm thêm miếng cá leo rim vừa chín vừa mềm vừa thơm, kèm miếng bánh tráng giòn rụm và trái ớt xanh cay xé lưỡi vừa ăn vừa hít hà. Thiệt tình tôi vốn mê mì Quảng, nhưng chưa có bữa mì nào ngon như món mì cá leo ở nhà Ngọc trưa mồng hai Tết năm đó.

Trước khi chào ba mẹ của bạn ra về, mẹ Ngọc tha thiết nói, có điều kiện nhớ ghé thăm chú thím nghe con. Không có con Ngọc thì bạn con Ngọc cũng là con cái trong nhà. Cứ lên đây, ưng ăn mì cá có mì cá, ưng mì gà có mì gà. Ở trên đây nhà mô cũng sẵn đồ làm mì, hễ bây muốn ăn chi cũng có. Chú thím chờ tụi bây đó nghe.

Vị ngon của tô mì cá leo mà ba mẹ Ngọc mời tôi bữa trưa mồng hai Tết năm tôi mới là một cô gái hơn hai mươi tuổi ấy, tôi nhớ mãi đến bây giờ. Lâu quá rồi tôi chưa về lại vùng đất bán sơn địa đó để ăn lại tô mì Quảng cá leo ngày Tết. Không biết bây giờ, ba mẹ Ngọc và người dân ở vùng đất khó nghèo nhưng giàu nghĩa tình ấy có còn làm mì Quảng mời khách ăn Tết như tôi đã một lần được ăn?

KIM EM

.