Báo Xuân 2024
Làm du lịch để giữ rừng
Mấy năm làm du lịch cộng đồng, được học và hướng dẫn, làm du lịch cộng đồng bền vững là phải giữ rừng, khôi phục lại rừng nguyên sinh. Nhờ được tham gia làm du lịch cộng đồng, bọn mình hiểu ra giá trị của rừng, từ dó chung tay và mong muốn giữ rừng, khôi phục lại rừng già, tìm lại những mùa ươi…
Các hội viên HTX nông nghiệp sinh thái và du lịch cộng đồng Hòa Bắc tham gia lớp tập huấn nấu ăn phục vụ du lịch cộng đồng. Ảnh: PV |
Đó là tâm sự của bà Trần Thị Phương, thôn Giàn Bí, xã Hòa Bắc (huyện Hòa Vang), hội viên Hợp tác xã nông nghiệp sinh thái và du lịch cộng đồng Hòa Bắc, nơi mà người đứng đầu HTX này cũng là một phụ nữ với tâm huyết giữ rừng.
Bén duyên với du lịch cộng đồng
Tôi gặp Đỗ Thị Huyền Trâm, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Giám đốc HTX nông nghiệp sinh thái và du lịch cộng đồng Hòa Bắc, chủ homestay Nam Yên lần thứ 3 trong 3 năm trở lại đây. Trâm từng là cán bộ xã Hòa Bắc, công việc, thu nhập ổn định từ nguồn tiền lương cán bộ và nghề tay trái buôn bán nông sản từ quê xuống phố. Một thế trụ vững chắc mà không ít người có và biết bao nhiều người mơ ước để có. Năm 2021, Trâm thôi làm việc ở xã, dốc sức làm du lịch cộng đồng. Một hành trình mới gian nan và không kém phần chông gai đối với người vừa chạm tuổi tứ tuần.
“Trước đây làm việc ở xã, được tiếp cận và đi theo các dự án về hỗ trợ phát triển bền vững cho vùng đồng bào dân tộc Cơ tu của xã Hòa Bắc. Gia đình cũng xây dựng cái homestay để đón khách. Ý niệm làm du lịch đã được định hình và ngấm dần qua từng năm tháng đó. Nhưng nghỉ việc ở xã thì thực sự chưa nghĩ đến, cho đến khi gặp thầy Trinh”, Trâm kể.
“Thầy Trinh”, tức tiến sĩ Chu Mạnh Trinh, chuyên gia bảo tồn của Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm, thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam. Thầy Trinh là danh xưng được những người nông dân làm du lịch cộng đồng ở vùng Quảng Nam, Quảng Ngãi, Đà Nẵng gọi thân mật. Ông còn được biết đến với các danh xưng khác nữa, như “Tiến sĩ cua đá”, “Tiến sĩ cộng đồng”. Các danh xưng này xuất phát từ việc làm bảo tồn của ông về Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm, những lần đi dạy cách làm du lịch cộng đồng cho người dân các vùng miền kể trên, được người dân tin tưởng, trân quý.
Trâm kể, trong lần đi cùng đoàn dự án, có thầy Trinh đi cùng. Thầy chỉ ra giá trị đích thực của rừngHòa Bắc và tác hại của việc để mất rừng. “Nếu không bảo vệ rừng, giữ và khôi phục lại rừng, Hòa Bắc sẽ chẳng còn giá trị gì. Những giá trị văn hóa, đời sống của người dân vì thế cũng sẽ mai một, pha loãng bởi sự du nhập ồ ạt các dòng chảy văn hóa từ bên ngoài vào. Giữ rừng bằng việc làm du lịch cộng đồng bền vững, du lịch xanh”, Trâm nói.
Khởi nghiệp
Sau nhiều đêm trăn trở Trâm quyết định: làm du lịch cộng đồng. Dù biết đích đến, nhưng phương pháp làm để đến đích là bài học không bao giờ dễ như gắp thức ăn vào chén. “Ban đầu, mình mở lớp hướng dẫn, thu hút chủ yếu các bạn trẻ để vận động các bạn chung chí hướng. Nhưng rồi, không bạn trẻ nào trụ vững vì “tính chiến lược dài hơi của dự án”. Mình lại chuyển hướng đến những người trung niên. Kiên nhẫn, tận tâm và chịu khó, dần mình “rủ rê”, thuyết phục được họ đi chung đường”, Trâm kể.
Hai năm đầu, hoạt động du lịch cộng đồng ở Hòa Bắc chủ yếu mang tính tự phát trên cơ sở kết nối chuỗi cung ứng của các hộ làm du lịch cộng đồng ở buổi sơ khai. Qua những lần đón đoàn, những lớp học làm du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái đã tích lũy kinh nghiệm, định hình rõ nét và phác họa được tương đối đầy đủ bức tranh làm du lịch cộng đồng cho Trâm và bà con ở Hòa Bắc. Những mảng sáng, tươi xanh dần hiện hữu.
Tháng 3-2023, HTX nông nghiệp sinh thái và du lịch cộng đồng Hòa Bắc được thành lập với 19 hội viên kết thành chuỗi cung ứng để kết nối, phát huy năng lực cộng đồng. Mục tiêu của HTX được xác định rất cụ thể, bao gồm, phát triển, gìn giữ văn hóa đồng bào; nông nghiệp hữu cơ; giữ rừng bền vững và phát triển sinh kế cho cộng đồng. Theo Trâm, tất cả các mục tiêu trên, đích đến cuối cùng vẫn là giữ rừng bền vững. Vì có rừng mới có tất cả, mới có điều kiện để thực hiện các mục tiêu còn lại.
“Trong các lớp học trải nghiệm trồng rừng, từ tham gia chọn giống cây bản địa đến ươm mầm, trồng cây gây rừng. Chính người dân tham gia thực hành cùng du khách để đôi bên cùng học tập lẫn nhau, chia sẻ cùng nhau những kiến thức tích cực. Người dân vừa được làm việc trồng rừng của mình , lại có thu nhập từ bởi chính công việc của họ là sản phẩm du lịch trải nghiệm cho du khách. Tương tự, các hoạt động trải nghiệm văn hóa khác từ đan lát, dệt thổ cẩm, làm gốm, âm nhạc truyền thống của người Cơ tu… đều như thế. Mỗi đoàn khách, mỗi lớp học đều được thiết kế riêng biệt, phù hợp điều kiện, đối tượng và nhu cầu của du khách trên nền sẵn có từ chuỗi cung ứng của nguồn lực cộng đồng”, Trâm chia sẻ.
Sống lại với không gian văn hóa của dân tộc
Bà Trần Thị Phương nhận cuộc gọi của Trâm báo sẽ có đoàn khách từ Malaysia đến, với việc sử dụng các dịch vụ trong gói du lịch cộng đồng bao gồm các trải nghiệm… Bà Phương nói vui lắm. Được làm du lịch, có thêm thu nhập, nhất là được trở về với thiên nhiên theo đúng nghĩa. Được sống lại với những không gian văn hóa của dân tộc mình tưởng như đã ngủ yên sau bao nhiêu năm bị lãng quên. “Nói là làm du lịch, phục vụ du khách, nhưng thật ra là “thực hành” lối sống của dân tộc mình, làm việc, sinh hoạt văn hóa và thăm thú thiên nhiên theo đúng nếp sinh hoạt của mình từ xưa nay. Chỉ khác là có trách nhiệm, theo hướng tích cực trong bảo vệ thiên nhiên, gìn giữ và phát huy các giá trị văn hóa, không gian văn hóa, phát huy nghề truyền thống. Tất cả đều theo hướng cuộc sống xanh, du lịch xanh, bền vững”, bà Phương kể.
Các hội viên HTX nông nghiệp sinh thái và du lịch cộng đồng Hòa Bắc tham gia lớp tập huấn nấu ăn phục vụ du lịch cộng đồng. Ảnh: PV |
Du lịch công đồng, theo suy nghĩ của bà Phương, ấy là xây dựng ngôi nhà mình thật sạch sẽ, thân thiện môi trường, từ vườn mẫu trồng cây ăn quả bản địa, thuốc trừ sâu được tinh chế từ thảo mộc. Nhà cửa sạch sẽ, tinh tươm, từ phòng ngủ, bếp núc, các vật dụng trong sinh hoạt gia đình, đều theo hướng thân thiện môi trường. Rác thải được phân loại nghiêm túc. Túi nilon rất hạn chế dùng. Có dùng thì gom lại để đưa cho công nhân thu gom rác mà không đốt. Hoa, lá cây rụng xuống thì đem ủ làm phân hữu cơ bón cây.
“Nếu không thực hiện một cách nghiêm ngặt các “quy định” bảo vệ môi trường, hướng đến môi trường xanh, bền vững thì các đoàn khách, nhất là khách nước ngoài đến họ sẽ từ chối dịch vụ ngay. Các hoạt động trải nghiệm khác trong gói du lịch cộng đồng cũng vậy. Họ sẵn sàng trả chi phí các để được sống đúng cuộc sống của người dân. Bởi vậy, tưởng rằng người dân chỉ cần sống đúng với cuộc sống của mình là thành sản phẩm du lịch thì chưa đủ. Để sống đúng với cuộc sống đó một cách chân thực, thì buộc phải học. Học kỹ mới có thể làm được, dù nó diễn ra trong sinh hoạt, bữa ăn, nước uống hằng ngày của họ”, Trâm nói.
Đỗ Thị Huyền Trâm cho hay, sau bao ngày nỗ lực, các thành viên HTX nói riêng, nhiều người làm du lịch cộng đồng ở Hòa Bắc đã thay đổi tư duy, nhận thức và ngày càng nâng cao kỹ năng làm du lịch cộng đồng. Một niềm vui nữa, đó là các tổ chức, cá nhân cả trong và ngoài nước, với nhiều chuyên gia là giáo sư, nhà khoa học chuyên về phát triển du lịch cộng đồng đã quan tâm, đồng hành và sẵn sàng hỗ trợ cho HTX phát triển theo những mục tiêu của mình đặt ra. Nhiều địa phương đã cử đoàn đến học tập mô hình của Hòa Bắc với những tín hiệu tích cực.
Màu xanh hy vọng đã nảy mầm trên mảnh đất Hòa Bắc nói riêng và người dân làm du lịch cộng đồng dọc lưu vực sông Cu Đê nói chung. Với mục tiêu rõ ràng, cách làm khoa học, hiệu quả, nhận thức, tư duy của người dân làm du lich cộng đồng đã thay đổi tích cực theo hướng xanh, bền vững. Hy vọng, rồi mai này, những cánh rừng nguyên sinh thượng nguồn sông Cu Đê sẽ xanh trở lại. Dòng nước sông Cu Đê sẽ trở nên ngọt lành, tưới mát cho nền văn hóa đậm đà bản sắc của cư dân bản địa nơi đây.
TRỌNG HUY