Báo Xuân 2024
Lối về cho con
Tinh sương cái lạnh len qua khe cửa như một người bạn năng động, yêu đời xinh đẹp với nụ cười trong trẻo: “Dậy đi! Tết rồi!”.
Thời tiết mà nói, ảnh hưởng rất nhiều đến tâm trạng con người. Năm nào cũng vậy, những ngày này, khi bần thần cầm trên tay tờ lịch vừa xé ra, là tôi cứ ngỡ như mình nghe được hơi thở khẽ khàng của tháng năm đứng kề sát bên. Nghe tiếng mẹ rơi ra nhẹ chỉ vừa đủ cho bà nghe: “Lại hết năm!”. Nghe tiếng húng hắng ho của ba hòa lẫn vào tiếng xê dịch bàn ghế từ chỗ này qua chỗ kia, từ góc này qua góc nọ, tiếng miếng bùi nhùi miết mải vào chiếc lư hương sột soạt.
Tuổi già không chịu được những cuộc di chuyển xa nhanh, dồn dập, không chịu được những cuộc giao tiếp dài, đông người. Tuổi già thích ở trong không gian quen thuộc, ít xáo trộn, im ắng rồi cuộn lại ngắm nhìn mình, ngắm nhìn những vật in dấu thời gian, nghĩ về những gì trải qua trong quá khứ để nhớ thương, chiêm nghiệm. Mỗi ngày, có cảm tưởng như họ mang từ trong tủ đầu giường ra một cái túi, lau chùi, đếm đếm, ngắm ngắm, vuốt vuốt nâng niu rồi cất vào. Ngày mai, ngày kia và ngày kia nữa, cứ bỏ ra, cất vào. Ba mẹ tôi cũng vậy!
Những lúc gió lập đông chạm vào thịt da nghe gai gai người, xung quanh loáng thoáng chỗ này chỗ kia nhắc Tết và cái Tết mỗi ngày mỗi hiển hiện rõ hình hài là trong trí chị em chúng tôi, thành nếp, hiện lên hình ảnh ba lúi húi dọn lau bàn thờ. Mẹ cặm cụi phơi củ kiệu, sên gừng, phơi chuối, mua củ hành củ tỏi, tính toán nấu món này làm món kia.
Không gian bàn thờ là lãnh địa của ba tôi. Tháng đôi ba lần, cả ngày, không có ván cờ tay cờ hợp ý nào, không có bạn trà hay cây kiểng lá hoa nào, có thể kéo ba ra khỏi nơi ấy. Nhúng cái khăn nhỏ vào thau nước rượu mẹ nấu từ sớm mai, ba chậm rãi lau từng cái chén, cái ly, bình, lọ hoa, lư hương, đến chi chít hoa văn uốn lượn trên bàn ghế, trên cái tủ thờ có từ ngày nảo ngày nao còn nhiều tuổi hơn cả ông. Có đôi lần pha bình trà nóng để trên bàn, mời năm lần bảy lượt vẫn không nghe tiếng trả lời, tôi tự hỏi ba có thật sự là đang lau chùi đồ vật? Cũng có lần tôi buộc miệng, hỏi ba đâu cần dọn hoài vậy, ngày giỗ Tết thì dọn kỹ, ngày thường có người dọn cho ba rồi! Vẫn mải miết di di chiếc khăn trên từng món đồ, khung hình, ba cất tiếng nói không nhìn tôi: “Phải dọn cho con cháu luôn có một nơi về chứ con!”
Từ rằm trung thu tôi đã nghe mẹ thắt thỏm qua điện thoại rằng sao càng ngày càng nghe năm nhanh tháng mỏng, quay qua quay lại đã Tết. Có khi nào đi qua cái chặng bóng xế, ai rồi cũng cảm thấy thời gian bươn bả khỏi tay mình chónh vánh không? Có khi nào đi qua bao nhọc nhằn đắng cay của kiếp người, hẳn nhiên, ai rồi cũng chỉ gạn lọc, giữ lại niềm vui niềm yêu để nuôi nấng cây đời luôn xanh luôn tươi? Mẹ thủ thỉ rằng cái cây, cái hoa, cái trái, ở quê không biết có trúng mùa cho Tết dân mình đủ đầy không con? Rằng có đứa nào muốn ăn gì nói mẹ. Rằng mẹ vẫn sẽ nấu bánh tét, mỗi đứa mỗi nhân khác nhau. Điện thoại đã vang lên chuỗi âm thanh “ tút tút tút” hồi lâu, tôi nghe tiếng mẹ vẫn còn bao bọc quanh mình: “Làm sẵn, cho con cháu về nó ăn chớ con!”
Tôi giật mình nghĩ không nguôi về ý niệm luôn dọn sẵn một lối cho các con các cháu có chốn về của ba mẹ, của hết thảy mọi người cha người mẹ xứ mình. Có lẽ, hai tiếng về nhà cất lên với bất kỳ ai, dẫu ở đâu, màu da nào, cũng tức khắc chạm ngay vào thềm ngực trái nhất, là người Việt mình.
Về nhà, ngồi vào chiếc ghế mòn vẹt chi chít vết tích. Về nhà, sà vào gian bếp chỗ nào cũng thấy bóng mẹ. Về nhà, tần ngần cầm trên tay cái bình trà mất nắp, chạm vào cái ti-vi cũ, kệ sách suốt thời ấu thơ. Về nhà, nghe thoang thoảng mùi khói nhang quẩn quanh ấm sực mỗi chạng vạng…
Tôi nhận ra cái nơi ba dọn sạch sẽ tinh tươm, nhận ra những món ăn gắn với một đời mẹ, thành nếp, thành thói quen, cũng như họ luôn dọn sẵn lòng đón mọi đứa con đứa cháu, quan trọng biết chừng nào! Tôi nhớ mình đã rơi nước mắt biết bao lần trong những cái Tết xa nhà - những cái Tết, ở nơi không có ai dọn lòng để chờ đón tôi.
Khi nhỏ, gần như ai trong chúng ta cũng háo hức thích thú với những đổi thay. Bất kể là sự đổi thay gì, miễn cứ nhấp nháy như ánh đèn đủ màu là khiến cả thân thể, tâm hồn ta đều muốn rời đi. Ta chán, ta nghe ngột ngạt trước những việc, những vật cứ lặp đi lặp lại, cứ nhìn ngắm mỗi ngày cũ kỹ thành nếp sống đặc trưng của nhà mình. Khi bàn chân đi đủ nhiều là lúc ta hiểu cái giá của của sự yên ổn, của thói quen, của nếp nhà.
Hãy thử một lần rời hẳn nhà mình, đường về xa lắc. Hãy thử một lần trong những ngày Tết, ở giữa xung quanh không ai biết Tết là gì. Bạn sẽ hiểu bàn thờ ông ba tinh tươm nghi ngút hương hoa, nhang khói ba cọ rửa lau chùi sạch sẽ ấm áp quý giá đến nhường nào. Bạn sẽ hiểu sao mẹ có thể không nhớ đôi tay mình đã run, chân đã mỏi, làm đủ món này món kia, mong ngóng từ sáng đến xế trưa, chờ từng đứa con đứa cháu về ăn bữa cơm cúng ông bà. Những món bạn có thể đã từng ăn nhiều bằng số năm tháng sống trên đời. Nhưng tin tôi đi, sẽ có lúc nào đó bạn ước trả mọi giá để được nhìn, được ăn một miếng, được về ngồi ở nhà cùng ba mẹ anh chị em dẫu trong giây lát.
Bạn rồi sẽ có con, bạn rồi sẽ già đi, sẽ hiểu nếp nhà có ý nghĩa thế nào. Không cần nhiều lời để dạy bảo, không cần giành nhiều tài sản vật chất, con bạn sẽ đi đúng đường bạn đã đi, con bạn sẽ giàu có đủ đầy. Chỉ cần có một lối về ông bà rồi cha mẹ luôn dọn sẵn cho con. Chỉ cần như thế…
TRIỆU VẼ