Nét kiến trúc chùa Việt cổ thế kỷ 17-18 và cả nghệ thuật tạo tác tượng Phật độc đáo của thời kỳ này đã được các kiến trúc sư và nghệ nhân hàng đầu tái tạo đầy tinh tế, trong cụm công trình văn hóa tâm linh Bảo Hải Linh Thông Tự trên núi Ba Đèo (Hạ Long, Quảng Ninh).
Kế thừa truyền thống, kết hợp hiện đại
Khánh thành tháng 5-2021, quần thể tâm linh Bảo Hải Linh Thông Tự nằm trong tổ hợp Sun World Halong Complex, trên đỉnh Ba Đèo thuộc phường Bãi Cháy, Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh.
Tọa lạc ở một vị trí “hiếm có” trên đỉnh núi cao, giữa đồi thông xanh, hướng tầm nhìn ra vịnh Hạ Long, Bảo Hải Linh Thông Tự hội đủ những yếu tố mà một quần thể tâm linh linh thiêng xưa nay thường sở hữu.
Theo Giáo sư Hoàng Đạo Kính, chủ trì thiết kế công trình này thì: “Bảo Hải Linh Thông Tự vừa bề thế nhưng vô cùng khiêm nhường, ngự trị trong lòng thiên nhiên, tạo ra không gian kiến trúc lắng đọng, ngôn ngữ kiến trúc tối giản, mang đến cho du khách, Phật tử sự bình yên, tĩnh lặng khi tới chiêm bái, cầu an”.
Quần thể gồm các hạng mục Tam quan, Ngũ Phương Bảo Tháp, Lầu chuông, Lầu Khánh, Tam bảo, Nhà tổ, Nhà mẫu, với hai bên Hành lang tả vu, hữu vu. Toàn bộ công trình mang đậm tinh thần Phật giáo, khắc họa những nét kiến trúc chùa Việt cổ thế kỷ 17,18. Các kiến trúc sư đã tạo ra không gian tâm linh nhuần nhị, nền nã, bố cục được sắp xếp chặt chẽ, theo hướng mở ra dần ra từ khoảng rộng tới khoảng hẹp.
Cổng Tam quan được thiết kế khoáng đạt, với mái ngói mũi hài, các chi tiết trang trí cách điệu hình vân mây tinh xảo. Khu Tam bảo có mặt hình chữ Công với hai tường mái. Bộ khung mái Tam Bảo có dạng giá chiêng, chồng rường - lối kiến trúc chùa Việt tiêu biểu thế kỷ 17.
Kiến trúc Nhà Tổ, với ba gian tiền đường và một gian hậu cung, được tham khảo từ những mẫu chùa cổ của Việt Nam, tuy nhiên được giản lược để giữ vẻ đẹp tự nhiên, hài hòa về tổng thể. Phía trước Nhà tổ là một hồ sen rộng, giữa hồ đặt Tượng Quan Âm Tự Tại (Công chúa Ba), được tạo tác theo nguyên mẫu tượng ở động Thiên Trù, chùa Hương (Hà Nội). Hành lang tả vu, hữu vu rộng lớn là nơi ngự tọa của 18 vị La Hán, được tạo tác vô cùng tinh xảo, công phu, theo nguyên mẫu bộ tượng La Hán ở chùa Tây Phương.
Đi khắp quần thể này, sẽ thấy họa tiết trang trí hoa sen và lá sen tiêu biểu của kiến trúc đền chùa thế kỷ 17, 18 được thể hiện đậm nét trên các khung cửa, chân cột, xà.
Không chỉ kế thừa những tinh hoa kiến trúc chùa Việt cổ, ngôn ngữ thiết kế công trình còn thể hiện sự sáng tạo đột phá mang đậm dấu ấn thời đại. “Bảo Hải Linh Thông Tự là công trình tâm linh có tính kế thừa nhưng không rập khuôn, sao chép y nguyên bất cứ một ngôi chùa Việt cổ nào cả. Nó có sự kết hợp cả ngôn ngữ kiến trúc của thời đại”, Giáo sư Hoàng Đạo Kính nhấn mạnh.
Sự sáng tạo đó nằm ở công trình Ngũ Phương Bảo Tháp. Nếu như các ngôi chùa cổ của Việt Nam ở thế kỷ 17, 18 chỉ có một tòa bảo tháp thì Bảo Hải Linh Thông Tự sở hữu Ngũ Phương Bảo Tháp, được thiết kế theo mô hình ngũ phương Phật, gồm 5 tháp, tượng trưng cho 5 phương: Đông, Tây, Nam, Bắc, Trung tâm; 5 bộ: Bảo Bộ, Liên Hoa Bộ, Kim Cang Bộ, Nghiệp Bộ, Phật Bộ; 5 sắc: Xanh, Đỏ, Vàng, Trắng, Đen. Trong đó, tháp trung tâm gồm 9 tầng, cao 25,2m, bên trong đặt tượng Phật và cột kinh cao 4m, được lấy theo mẫu cột kinh Phật có niên đại từ 1000 năm trước tại chùa Nhất Trụ (Hoa Lư, Ninh Bình), với mong muốn nguyện cầu bình an cho muôn dân, cho đất nước… Bốn tháp xung quanh mỗi tháp gồm 5 tầng, cao 12,1m.
Tôn vinh giá trị miền di sản
Vốn là những kiến trúc sư đầu ngành nhưng Giáo sư Hoàng Đạo Kính và cộng sự vẫn gặp không ít khó khăn khi bắt tay kiến tạo Bảo Hải Linh Thông Tự. Kinh nghiệm thì nhiều nhưng ông và cả ekip mong muốn tạo nên một công trình độc đáo, ấn tượng, góp phần tôn vinh giá trị miền di sản. Do đó, đội ngũ kiến trúc phải nỗ lực vượt ra khỏi giới hạn của bản thân, dày công nghiên cứu, tìm tòi ngôn ngữ kiến trúc mới mẻ, để tạo nên công trình khác biệt: vừa chắt lọc tinh hoa của các bậc tiền nhân nhưng vẫn có dấu ấn kiến trúc đương đại.
Bên cạnh đó, công trình nằm ở địa thế không bằng phẳng trên núi, giữa rừng thông, có tầm nhìn hướng ra vịnh di sản Hạ Long nên nguyên tắc tôn trọng, hạn chế tối đa can thiệp vào thiên nhiên được đặt lên hàng đầu.
“Nhiệm vụ của chúng tôi là tạo nên quần thể tâm linh phải đi ra từ khung cảnh thiên nhiên đặc sắc sẵn có. Do đó, giải pháp kiến trúc đặt ra là một công trình phải hạn chế về quy mô, không quá lớn, không chiếm đoạt quá nhiều không gian và phải lồng ghép trong giới hạn của đồi thông và ngự trị bên bờ vịnh di sản”, GS Hoàng Đạo Kính chia sẻ thêm.
Trong lễ khánh thành Bảo Hải Linh Thông Tự, Thượng tọa Thích Đạo Hiển – Ủy viên Hội đồng Trị sự T.Ư, Phó trưởng ban trị sự GHPGVN tỉnh Quảng Ninh đã nói: “Sự xuất hiện của Bảo Hải Linh Thông Tự sẽ tô bồi cho cảnh quan đẹp, hùng vĩ bên vịnh Hạ Long. Kiến trúc của khu tâm linh dù xây hoàn toàn mới những vẫn giữ được những nét văn hóa truyền thống của Phật giáo Việt Nam. Đây là điều rất đáng quý trong giai đoạn hiện nay”.
Một công trình tâm linh đạt được nhiều giá trị, vừa kế thừa văn hóa truyền thống, vừa có sự đột phá khác biệt, nằm trong thiên nhiên và “tô bồi cho cảnh quan thiên nhiên”, lại sở hữu một hệ thống tượng Phật được tạo tác đặc biệt tinh xảo, hành trình khám phá Bảo Hải Linh Thông Tự đang và sẽ tạo cho du khách một trải nghiệm mới khá thú vị và đặc biệt khi đến với Hạ Long.