Cần biết

PC Đà Nẵng: Đạt giải thưởng "Thành phố thông minh Việt Nam 2021"

19:29, 20/12/2021 (GMT+7)

Mới đây, “Giải pháp cung cấp điện thông minh cho TP. Đà Nẵng” của PC Đà Nẵng đã đạt giải thưởng Viet Nam Smart City Award 2021 (Thành phố thông minh Việt Nam 2021).

Đại diện PC Đà Nẵng nhận giải thưởng “Thành phố thông minh Việt Nam 2021”.
Đại diện PC Đà Nẵng nhận giải thưởng “Thành phố thông minh Việt Nam 2021”.

Ngày 18-12-2021, Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ CNTT Việt Nam (VINASA) đã tổ chức Lễ vinh danh và trao Giải thưởng Thành phố thông minh Việt Nam 2021. Đến dự buổi lễ có ông Lê Quang Huy - Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường; ông Nguyễn Quân - nguyên Bộ trưởng Bộ Khoa học Công nghệ và ông Trương Gia Bình - Chủ tịch Hội đồng sáng lập VINASA.

Tại buổi lễ, “Giải pháp cung cấp điện thông minh cho TP. Đà Nẵng” của PC Đà Nẵng đã vinh dự được Ban tổ chức trao giải thưởng “Thành phố thông minh Việt Nam 2021” tại lĩnh vực “Giải pháp năng lượng thông minh”.

Đây là giải pháp toàn diện được PC Đà Nẵng xây dựng, triển khai thời gian qua với 3 thành phần chính gồm “Cảnh báo sản lượng điện bất thường thời gian thực từ đo xa”, “Trung tâm điều khiển hệ thống điện phân phối các trạm biến áp 110kV không người trực”, “Hệ thống tự động hóa lưới điện phân phối DAS”, góp phần nâng cao chất lượng và độ tin cậy cung cấp điện; đồng thời cũng là giải pháp số mang lại nhiều dịch vụ tiện ích cho khách hàng sử dụng điện.

Cụ thể, một trong ba thành phần chính của giải pháp - “Cảnh báo sản lượng điện bất thường thời gian thực từ đo xa”, xuất phát từ thực tế đã và đang xảy ra nhiều vụ chạm chập điện gây sản lượng điện tăng cao đột biến, năm 2020, Công ty Điện lực Đà Nẵng đã xây dựng chương trình phần mềm phân tích cảnh báo sản lượng điện bất thường thời gian thực từ dữ liệu công-tơ đo xa, kết hợp cơ sở lý thuyết thống kê tương quan và hồi quy tuyến tính, giúp phát hiện nhanh chạm chập từ 30 ngày xuống còn từ 2 đến 3 ngày, đồng thời rút ngắn phạm vi tìm kiếm từ 18% xuống chỉ còn 0,44% tổng số khách hàng sử dụng điện. Chương trình đã góp phần hạn chế tình trạng kiến nghị hóa đơn tiền điện năng cao cũng như tránh xảy ra các tai nạn điện giật do chạm chập điện; chủ động cung cấp thông tin đến khách hàng tăng đột biến qua Email, Zalo, SMS..., mang lại sự hài lòng của khách hàng dùng điện; đồng thời từng bước chuyển đổi số trong công tác kinh doanh và dịch vụ khách hàng.

Từ khi ứng dụng công trình năm 2020 đến nay, số vụ chạm chập điện được phát hiện tại PC Đà Nẵng đã hơn 117 vụ. Ngoài ra, tháng 4-2021, công trình đã được triển khai nhân rộng trong 13 Công ty Điện lực thuộc Tổng Công ty Điện lực miền Trung (EVNCPC). Chỉ trong nửa đầu tháng 5-2021, qua công cụ này, Tổng Công ty Điện lực miền Trung đã phát hiện, hỗ trợ khách hàng xử lý 56 trường hợp đường dây sau công-tơ bị chạm chập điện. Cho đến nay, toàn EVNCPC đã phát hiện được hơn 600 vụ chạm chập điện. Tháng 5-2021, công trình đã được triển khai trong Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), đến nay đã được tích hợp thống nhất vào chương trình Hệ thống thông tin quản lý khách hàng.

Đối với thành phần “Trung tâm điều khiển hệ thống điện phân phối các trạm biến áp 110kV không người trực”, giải pháp thiết kế triển khai thi công lắp đặt hệ thống trung tâm điều khiển với mức độ tự động hóa cao nhất Việt Nam hiện nay, bảo đảm yêu cầu về mặt kỹ thuật. Trung tâm điều khiển ra đời là tiền đề và cũng là điều kiện cần để chuyển các trạm biến áp 110kV sang vận hành không người trực. Đây được xem là giải pháp đóng vai trò quan trọng, thiết thực trong công tác nâng cao năng suất lao động của Tập đoàn Điện lực Việt Nam.

Công trình áp dụng thành công ở PC Đà Nẵng, đưa công ty trở thành một trong những đơn vị dẫn đầu cả nước về việc xây dựng, đưa vào vận hành Trung tâm điều khiển, thực hiện điều khiển từ xa hoàn toàn cho các trạm biến áp 110kV không người trực. Các trạm biến áp 110kV không người trực được vận hành thông qua Trung tâm điều khiển, cũng đồng nghĩa là toàn bộ việc giám sát trạng thái vận hành và các tín hiệu cảnh báo, thu thập dữ liệu đo lường, điều khiển các thiết bị, giám sát hệ thống báo cháy và cảnh báo an ninh… đều được thực hiện từ Trung tâm điều khiển. Đây là một mô hình vận hành mới, lần đầu tiên được triển khai trong thực tế ở Việt Nam, tiết kiệm được chi phí đầu tư nhờ lựa chọn giải pháp cải tạo các thiết bị hiện có trong lưới điện.

Thành phần “Hệ thống tự động hóa lưới điện phân phối DAS” lại xây dựng giải kỹ thuật công nghệ, giải pháp tổ chức để xây dựng hệ thống tự động hóa lưới điện phân phối thông minh thành phố Đà Nẵng. Thông qua những giải pháp đó, nâng cao hiệu quả vận lưới điện phân phối theo lộ trình xây dựng lưới điện thông minh đã được phê duyệt, cụ thể là nghiên cứu về lưới điện thông minh và định hướng triển khai xây dựng lưới điện thông minh của Việt Nam.

Công trình nghiên cứu giải pháp kỹ thuật công nghệ, giải pháp tổ chức để xây dựng hệ thống tự động hóa lưới điện, với chức năng chính là tự động xác định vùng sự cố hư hỏng trên lưới điện, tự động cô lập vùng lưới điện bị sự cố và tự động khôi phục cung cấp điện cho khách hàng, ứng dụng kết quả nghiên cứu để triển khai xây dựng hệ thống tự động hóa lưới điện phân phối thông minh thành phố Đà Nẵng. Công trình được triển khai áp dụng thành công ở PC Đà Nẵng, đưa công ty trở thành đơn vị đầu tiên cả nước đưa hệ thống này vào hoạt động ở chế độ hoàn toàn tự động. Khi có sự cố xảy ra trên lưới điện phân phối thành phố Đà Nẵng, hệ thống tự động hóa sẽ được kích hoạt và hoạt động một cách hoàn toàn tự động mà không cần phải có sự can thiệp của nhân viên vận hành lưới điện. Hệ thống tự động hóa sẽ tự động tính toán, phân tích và xác định vùng lưới điện bị sự cố, tự động gửi tín hiệu đi điều khiển các thiết bị đóng cắt trên lưới điện để cô lập vùng lưới điện này. Từ khi có hệ thống tự động hóa lưới điện phân phối, khi có sự cố trên lưới điện, các khách hàng chỉ bị mất điện trong thời gian hệ thống tự động hóa hoạt động (11 giây – 22 giây), giảm rất nhiều so với khi chưa triển khai hệ thống này (30 phút – 45 phút).

Giải thưởng Thành phố Thông minh Việt Nam (Smart City Award Vietnam) là giải thưởng thường niên được VINASA tổ chức từ năm 2020 nhằm ghi nhận, tôn vinh, cổ vũ các đô thị, tổ chức, doanh nghiệp đã và đang có những đóng góp giúp các thành phố trở nên thông minh hơn, đáng sống hơn, có thương hiệu, có sức cạnh tranh và phát triển bền vững. Giải thưởng cũng khuyến khích các doanh nghiệp sáng tạo các sản phẩm giải pháp công nghệ tiên tiến, là kênh kết nối cung cầu, hợp tác trong xây dựng những mô hình kiểu mẫu phù hợp để đẩy nhanh xây dựng và phát triển thành phố thông minh tại Việt Nam

Smart City Award Vietnam 2021 được phát động từ ngày 30-6-2021. Giải thưởng đã nhận được 98 đề cử từ 62 cơ quan, doanh nghiệp. Qua 3 vòng đánh giá, Ban tổ chức đã trao 45 giải thưởng Thành phố thông minh Việt Nam 2021.

Thảo Nguyên - Phương Sơn

.