Công đoàn hoạt động theo Hiếp pháp và pháp luật. Dân chủ của tổ chức, hoạt động Công đoàn là dân chủ từ trong sinh hoạt Ban Chấp hành, sinh hoạt đoàn viên, trong công tác cán bộ; trong việc tổ chức các hoạt động xây dựng chương trình, nghị quyết, phát huy quyền dân chủ của mỗi thành viên; thực hiện tốt quyền giám sát, kiểm tra của tổ chức, đoàn viên và CNLĐ…
Tổ chức Công đoàn cần thực hiện tốt công tác dân chủ trong tổ chức, hoạt động để NLĐ tự nguyện gia nhập Công đoàn. |
Đó là những vấn đề cơ bản nhưng đang còn hạn chế trong tổ chức, hoạt động của nhiều cấp Công đoàn. Sự chấp hành chỉ đạo của cấp trên hiện chủ yếu được thực hiện như một mệnh lệnh hành chính, thụ động, máy móc. Cấp trên nói, cấp dưới phục tùng, sai đúng không có điều kiện để trao đổi, thảo luận... Về hình thức thì hoạt động có vẻ thông suốt nhưng thực chất thiếu chất gắn kết; văn bản ban hành tràn lan nhưng chất lượng không cao; hội nghị tổng kết 5 năm, 10 năm nhiều, song rút được gì qua tổng kết… thì hạn chế, thậm chí “tổng” mà không “kết”. Nội dung chất lượng văn bản không có chiều sâu; văn bản báo cáo phần lớn là những số cộng, thiếu tư duy và sự quan tâm sâu sát đến đời sống, việc làm của CNVC-LĐ.
Thực hiện dân chủ phải xuất phát từ cơ sở, từ yêu cầu nguyện vọng của đoàn viên, CNLĐ... để từ đó có chủ trương đúng đắn, phù hợp. Nếu chỉ xuất phát từ cấp trên, mọi thứ sẽ không phù hợp với thực tế cuộc sống và tâm tư, nguyện vọng của NLĐ. Những chủ trương, nghị quyết của Công đoàn, cán bộ là người trực tiếp thực hiện.
Người cán bộ yếu nghiệp vụ, thiếu học hỏi, nghiên cứu; xem nhẹ trách nhiệm trong bảo vệ các quyền, lợi ích NLĐ; không coi trọng thực hiện chức năng, nhiệm vụ của tổ chức Công đoàn,... thuần túy làm người “cán bộ” nhưng công chức Nhà nước, “ông quan” của đoàn thể để “quản lý” đoàn viên, CNLĐ thì không thể là người cán bộ Công đoàn tâm huyết. Hiện nay, vấn đề nâng cao chất lượng hoạt động Công đoàn và năng lực hoạt động của cán bộ trong các thành phần kinh tế đang được các cấp Công đoàn quan tâm.
Để nâng cao năng lực, trước hết mỗi cán bộ Công đoàn phải tự trang bị kiến thức, trình độ và rèn luyện; bên cạnh đó, sự bồi dưỡng của tổ chức là điều kiện không thể thiếu. Kiến thức trang bị là như nhau nhưng biến nó thành hành động trong thực tế còn tùy thuộc vào vốn sống, nhận thức, quan điểm, bản lĩnh, trình độ và điều kiện môi trường khác nhau của mỗi người. Trong doanh nghiệp, việc xây dựng quan hệ lao động (QHLĐ) hài hòa là nội dung cơ bản, xuyên suốt trong thực hiện chức năng của tổ chức Công đoàn, trong đó hạt nhân nền tảng của quan hệ ấy là thỏa ước lao động tập thể. Cán bộ Công đoàn cần nắm vững, thực hiện và giám sát thực hiện nội dung thỏa ước; đồng thời phải sâu sát, nhạy bén phát hiện những vấn đề phát sinh.
Các nội dung trong QHLĐ tại doanh nghiệp đều là quan hệ lợi ích, người cán bộ cần kịp thời phát hiện và giải quyết tốt những mâu thuẫn, quan hệ phát sinh có ảnh hưởng đến lợi ích NLĐ, gìn giữ để quan hệ ấy luôn có sự hài hòa. Mọi lợi ích phát sinh từ QHLĐ tại DN, Công đoàn cần nhanh chóng nắm bắt, nghiên cứu để có hướng đề xuất, thương lượng, kiến nghị với người sử dụng lao động.
Để thực hiện được những yêu cầu đó đòi hỏi hệ thống tổ chức Công đoàn phải mạnh, thông tin chỉ đạo thông suốt, thu hút được lực lượng CNLĐ vào tổ chức Công đoàn, tin tưởng vào khả năng của Công đoàn trong quan hệ với người sử dụng lao động, bảo vệ có hiệu quả lợi ích NLĐ tại DN. Và để người cán bộ CĐCS thực hiện tốt được chức năng, nhiệm vụ thì cần thực hiện, phát huy tốt dân chủ trong tổ chức, hoạt động Công đoàn.
Bài và ảnh: HOÀNG PHƯƠNG