Sau trọn một tháng (Tháng Thanh niên 2008) lăn xả với rất nhiều hoạt động, phong trào Đoàn trên địa bàn thành phố có rơi vào tình trạng nghỉ xả hơi như vài năm trước đây?
Một cán bộ Đoàn có thâm niên trên 10 năm công tác cho biết: “Nhiều năm trước, chuyện nghỉ xả hơi sau một tháng vắt kiệt sức là đúng 100%. Năm nay, có hay không những ngày “giải lao” dài dài còn tùy thuộc vào thái độ làm việc của mỗi cán bộ Đoàn và mỗi chi đoàn cơ sở”.
Tháng 4, đoàn viên thanh niên tình nguyện vẫn tiếp tục đứng tại các chốt đèn làm nhiệm vụ bảo đảm an toàn giao thông đường phố. |
Một ý kiến khác cho rằng: “Nếu không tập trung cật lực vào Tháng Thanh niên mà dàn trải hoạt động theo kiểu làm đều đều quanh năm thì sức không chịu nổi. Đối tượng thanh niên trên địa bàn đi học và làm ăn xa nên chỉ có thể tích cực hoạt động trong tháng cao điểm. Hơn nữa, chỉ riêng Tháng Thanh niên, Đoàn Thanh niên mới được cấp kinh phí hoạt động. Những tháng còn lại, phong trào Đoàn vẫn duy trì nhưng ít hơn. Kinh phí luôn là vấn đề lớn”.
Cán bộ Đoàn không phải là “anh công chức”!
Kinh phí quyết định quy mô của phong trào. Nhưng kinh phí chưa phải là vấn đề sống - còn của hoạt động Đoàn. Anh Ngô Xuân Thắng, Bí thư Thành Đoàn nói: “Nếu cán bộ Đoàn chỉ nhìn vào kinh phí được cấp thì chẳng khác nào một anh công chức. Với nguồn ngân sách hằng năm dành cho Đoàn Thanh niên, có thể nói chúng ta không tổ chức được bao nhiêu phong trào. Ở đây cần sự “hoạt động” đúng nghĩa của cán bộ Đoàn trong việc tích cực tìm kiếm nguồn tài trợ bằng các hoạt động bổ ích cho thanh niên”. Anh Phạm Hồng Quang, Bí thư Quận Đoàn Liên Chiểu chia sẻ kinh nghiệm: “Kinh phí rất cần nhưng chỉ đúng một vế. Không đủ kinh phí phải biết vận dụng sự hỗ trợ. Cán bộ Đoàn phải chịu khó bỏ thời gian, công sức kiếm nơi để sinh hoạt, liên hệ đối tác hợp tác tổ chức. Nếu thanh niên không có “của”, có thể dùng “công” để cùng với các đơn vị khác làm nên những chương trình có ý nghĩa. Trường hợp cán bộ Đoàn làm biếng thì... chịu”.
“Không có gì khó để duy trì phong độ hoạt động liên tục của thanh niên” - anh Hồng Quang chia sẻ thêm - “Bằng cách chia đều thời gian cho các đối tượng khác nhau, như vậy hoạt động chung không bị “cạn dầu”, mà từng nhóm thanh niên có thể có khoảnh khắc “ngưng” cần thiết để sẵn sàng tiếp sức”.
Thanh niên vẫn đang tiếp “lửa”
“30 ngày xanh” tình nguyện vì cuộc sống cộng đồng của thanh niên quận Liên Chiểu là điển hình cho thấy sau Tháng Thanh niên 2008, không khí xả hơi không hề tồn tại tại quận Đoàn này. Đoàn viên thanh niên quận Liên Chiểu nhận cảm hóa, giúp đỡ 62 học sinh bỏ học và thanh-thiếu niên vi phạm pháp luật; vận động các chủ hộ kinh doanh treo bảng quảng cáo đúng quy định, không lấn chiếm lòng lề đường làm nơi buôn bán; tiếp tục duy trì chương trình “Vì cổng trường bình yên”... Để tiếp sau 30 ngày đó là các hoạt động hè, tiếp sức mùa thi đang rầm rịch đến. Đối với Thành Đoàn Đà Nẵng, sau Tháng Thanh niên 2008 là tháng cao điểm hoàn thành các chương trình đề ra trong một năm. Riêng trong tháng 4, Thành Đoàn sẽ tham gia tổ chức Hội thi tin học trẻ không chuyên thành phố; tập trung thực hiện nhiệm vụ bảo đảm an toàn giao thông đường phố...; phối hợp với Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tổ chức dạ hội thanh niên đường phố định kỳ hằng tháng vào tối ngày 26. Điểm nhấn của chương trình dạ vũ là thu hút các bạn trẻ đang dạo trên đường thay vì đơn thuần đây chỉ là sân chơi dành riêng cho cán bộ Đoàn.
|
Bài và ảnh: THU HOA