.

Vì sao khó ngăn chặn cháy rừng?

.

Theo số liệu của ngành Kiểm lâm, hiện Đà Nẵng có khoảng 64 nghìn ha rừng các loại, trong đó rừng trồng khoảng 20 nghìn ha, rừng tự nhiên 44 nghìn ha. Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm thành phố Trần Văn Lương cho biết, nét đặc trưng của các khu rừng ở Đà Nẵng chủ yếu là rừng trồng gồm bạch đàn, keo lá tràm nên lớp lá khô trong những khu rừng này rất dễ cháy.

Ngoài ra, các khu rừng tự nhiên phía Nam đèo Hải Vân lại nằm khá cao, đường vào rừng không có nên các vụ cháy rừng khó có thể dập tắt. Đó là những nguyên nhân chính dẫn đến công tác phòng chống cháy rừng (PCCR) trên địa bàn khó khăn. Những địa bàn xung yếu dễ xảy ra cháy rừng trong mùa khô hanh là phường Thọ Quang (quận Sơn Trà), các xã cánh Tây của huyện Hòa Vang (Hòa Khương, Hòa Nhơn, Hòa Phong, Hòa Sơn, Hòa Bắc, Hòa Ninh, Hòa Phú) và Hòa Hiệp Bắc (quận Liên Chiểu). Mặc dù ngành Kiểm lâm và các cơ quan, đoàn thể có sự phối hợp trong công tác PCCR, tuy nhiên công tác này chỉ “phòng” là chính, còn “chống” cháy rừng khó có thể thực hiện được. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do phương tiện, công cụ PCCR thô sơ, ít được trang bị, dẫn đến khi xảy ra vụ cháy rừng nhỏ có thể chữa cháy, còn những vụ cháy lớn xem như bó tay!

Nhân viên Ban Quản lý rừng đặc dụng Nam Hải Vân phát dọn bì PCCR.

Chủ trương giao đất, giao rừng theo dự án 661 của Chính phủ trong thời gian qua phần nào hạn chế được nạn phá rừng. Nhiều nơi người dân gắn bó và sống được với rừng. Với Đà Nẵng, hằng năm, ngân sách Nhà nước chi 60 triệu đồng cho các hộ dân vùng ven rừng quản lý và bảo vệ tại chỗ các khu rừng trồng, rừng tự nhiên, phần nào đó giảm nguy cơ cháy rừng. Tuy nhiên, để người dân vùng ven rừng gắn bó với rừng lâu dài không hề đơn giản! Hiện nay, nếu cộng diện tích rừng giao khoán và tiền công 500 nghìn đồng/tháng cho mỗi người nhận đất rừng theo dự án 661 thì họ không sống nổi với rừng. Do vậy, người dân không mặn mà cho lắm với rừng. Ông Trần Văn Lương nhận định: “Mùa khô năm nay đến sớm, ý thức người dân vùng ven rừng chưa cao, mức tiền giao khoán rừng cho các chủ rừng, người dân còn thấp. Chúng tôi đang rất lo về nguy cơ cháy rừng trên diện rộng tại những điểm xung yếu”.

Mới đây, UBND thành phố Đà Nẵng đã có phương án về PCCR. Tuy nhiên, để phòng chống triệt để, giảm thiểu tình hình cháy rừng trên diện rộng hiện nay không dễ. Ngành Kiểm lâm đã thành lập 12 tổ, đội PCCR, thế nhưng phương tiện PCCR còn rất thô sơ, vật dụng chủ yếu vẫn chỉ là rựa, máy thổi gió, bồn chứa nước… Với vật dụng này, làm sao có thể chống cháy rừng trên diện rộng ở độ cao từ 300 đến 500 mét? Ý thức người dân vùng ven rừng chưa cao, nên chỉ cần một mẩu tàn thuốc, phát dọn thực bì trong mùa khô không cẩn trọng, rất dễ dẫn đến nguy cơ cháy rừng.Vấn đề tuyên truyền về công tác PCCR trong suốt mùa khô trên các phương tiện thông tin đại chúng, từ các đoàn thể đến với người dân vùng ven rừng là hết sức quan trọng. Huấn luyện phát dọn thực bì đúng kỹ thuật, an toàn cho người dân. Bên cạnh tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát các khu rừng dễ cháy, ngành Kiểm lâm phải có biện pháp xử lý nghiêm minh theo Luật Bảo vệ và Phát triển rừng những đối tượng gây cháy rừng. UBND thành phố cần có thêm kinh phí hỗ trợ, trang bị thêm phương tiện PCCR hiện đại cho lực lượng chuyên trách, và điều cơ bản là làm sao để người dân ở đây thật sự gắn bó với rừng và sống được với rừng.

Bài và ảnh: VŨ TRUNG HÙNG

;
.
.
.
.
.