(ĐNĐT) - Phát triển thủy điện ở Quảng Nam là cần thiết, góp phần phát triển kinh tế- xã hội trên địa bàn tỉnh, nhưng khi triển khai cần phải nghiên cứu kỹ để giảm thiểu tác động xấu đến đời sống dân sinh ở vùng hạ du
Hội thảo do Tỉnh ủy Quảng Nam tổ chức có sự tham gia của các chuyên gia thủy điện, lãnh đạo các cơ quan chức năng liên quan (Ảnh: T. Tuyền)
Ngày 4-12, Tỉnh ủy Quảng Nam tổ chức Hội nghị chuyên đề về phát triển thủy điện trên địa bàn tỉnh. Hội nghị đã thu hút sự tham gia của đại diện các Bộ, ngành Trung ương, các chuyên gia về thủy điện và các địa phương có thủy điện ở Quảng Nam.
Thủy điện chưa quan tâm tham gia cắt lũ, giảm lũ
Tại hội nghị, hầu hết các địa phương ủng hộ chủ trương xây dựng thủy điện trên địa bàn tỉnh, góp phần phát triển kinh tế - xã hội cho địa phương. Tuy nhiên, các địa phương cũng chỉ ra cụ thể những bất cập, tồn tại của việc triển khai xây dựng hàng loạt thủy điện đã tác động tiêu cực đến địa phương. Đó là vấn đề phá rừng lấy đất xây thủy điện; vấn đề di dân gây mất bản sắc văn hóa bảng làng; vấn đề “lũ nhân tạo” chồng lên lũ tự nhiên mà đợt lũ lịch sử hồi cuối tháng 9 vừa qua là một minh chứng.
Theo nhận định của Ban chỉ huy PCLB tỉnh Quảng Nam, việc xây dựng các hồ thủy điện đã làm mất hàng ngàn ha rừng tự nhiên, làm giảm khả năng giữ nước ở đầu nguồn. Hiện nay, các hồ thủy điện đang thực hiện quy trình vận hành chỉ đảm bảo việc phát điện và an toàn đập chứ chưa thật quan tâm đến việc tham gia cắt lũ, giảm lũ. Chính vì vậy, khi lũ tới mức báo động thì hồ thủy điện xả lũ gây ảnh hưởng cho vùng hạ du.
Câu chuyện Thủy điện A Vương xả lũ gây ảnh hưởng cho vùng hạ du cuối tháng 9 vừa qua đã được đưa ra mổ xẻ tại hội nghị. Theo Ban Chỉ huy PCLB tỉnh Quảng Nam, thực tế kết quả vận hành của công trình thủy điện A Vương trong một năm qua cho thấy việc tính toán về lưu lượng, về mực nước của công trình này chưa được quan tâm đúng mức.
Huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam bị chia cắt bởi đợt lũ lịch sử cuối tháng 9 vừa qua (Ảnh: VOVNews) |
“Trong thực tế vận hành, các chủ đầu tư dự án chỉ đặt mục tiêu phát điện là chính và chưa quan tâm đến việc điều tiết giảm lũ nhằm hạn chế ngập lụt cho vùng hạ du. Từ đó đã dẫn đến thiết kế hồ thủy điện có dung tích phòng lũ rất nhỏ hoặc không bố trí dung tích phòng lũ nên công trình không đáp ứng được nhiệm vụ cắt lũ, chậm lũ, giảm lũ cho vùng hạ du”, ông Nguyễn Thanh Quang, Giám đốc Sở NN&PTNT kiêm Phó Ban Chỉ huy PCLB tỉnh Quảng Nam, cho biết.
Theo ông Quang, hồ thủy điện A Vương có dung tích phòng lũ khoảng 17 triệu m3 nước/ 343 triệu m3 tổng hồ; còn hồ thủy điện sông Bung 4 có dung tích phòng lũ 47 triệu m3/510 triệu m3 tổng hồ.
Đề nghị rà soát lại toàn bộ các dự án thủy điện
Không chỉ “có vấn đề” trong việc xả lũ, việc điều tiết nước trong mùa khô của các hồ thủy điện cũng được nhiều đại biểu quan ngại. Theo Ban chỉ huy PCLB tỉnh Quảng Nam, các thủy điện tích nước đã gây khô hạn cho vùng hạ du.
Dẫn chứng cụ thể đã được đưa ra: Vào tháng 7-2008, khi công trình thủy điện A Vương tích nước để chuẩn bị phát điện đã gây ra một đợt hạn hán tại một số địa phương của Quảng Nam. Một năm sau, tháng 7-2009, khi công trình thủy điện A Vương đóng nước để sửa chữa, bảo dưỡng thiết bị phục vụ nghiệm thu công trình đã làm cho lưu lượng và mực nước tại đập dâng An Trạch (Hòa Vang, Đà Nẵng) thiếu hụt nước đột ngột, gây ảnh hưởng cho sản xuất nông nghiệp và sinh hoạt của huyện Đại Lộc, Điện Bàn, thành phố Hội An (tỉnh Quảng Nam) và huyện Hòa Vang (thành phố Đà Nẵng).
Tại hội nghị, các địa phương, các sở, ngành của tỉnh Quảng Nam đã kiến nghị rà soát lại toàn bộ các quy hoạch phát triển thủy điện trên địa bàn tỉnh, với sự tham gia đánh giá, phản biện của các nhà khoa học chuyên ngành ở tỉnh và Trung ương, từ đó loại khỏi quy hoạch đối với các công trình có hiệu quả kém, có nhiều tác động xấu đến môi trường.
Đối với việc vận hành hồ thủy điện, đề nghị cần có quy trình vận hành liên hồ chứa trên hệ thống sông Vu Gia – Thu Bồn và có cơ chế quản lý vận hành cụ thể để đảm bảo an toàn cho vùng hạ du. Các nhà máy thủy điện cần sớm sửa đổi, điều chỉnh quy trình vận hành của hồ thủy điện theo hướng đảm bảo hài hòa lợi ích cho cả nhà máy và vùng hạ du.
Theo thống kê chưa đầy đủ, hiện trên đầu nguồn của hệ thống sông Vu Gia - Thu Bồn có 110 dự án thuỷ điện lớn và nhỏ đã và đang được triển khai; trong đó, có 8 nhà máy thuỷ điện bậc thang; hiện có 6 nhà máy đang hoạt động. Giữa tháng 11 vừa qua, UBND tỉnh đã có văn bản thu hồi, chấm dứt nghiên cứu đầu tư đối với 4 dự án thủy điện trên địa bàn tỉnh, gồm: Thủy điện Trà Leng 1, Trà Leng 2 (thuộc huyện Nam Trà My), Thủy điện A Vương 2, Thủy điện A Re (thuộc huyện Tây Giang). Nguyên nhân thu hồi dự án Thủy điện Trà Leng 1 và Trà Leng 2 là do Công ty cổ phần thủy điện Sông Tranh vi phạm cam kết thời gian nghiên cứu lập báo cáo đầu tư. Dự án Thủy điện A Vương 2 và Thủy điện A Re, qua báo cáo nghiên cứu thấy hai dự án này kém hiệu quả và không khả thi. |
THANH TUYỀN