.
Bạn cần biết:

Đổi mới căn bản của tội phạm mạng năm 2011

Công ty An ninh mạng công nghệ điện toán đám mây Panda Security, với giải pháp bảo mật ứng dụng công nghệ điện toán mây Panda Cloud Antivirus giành được giải thưởng phần mềm bảo mật tốt nhất năm 2010, do tạp chí PC World Mỹ-Latinh bình chọn, vừa công bố dự báo một số đổi mới căn bản của tội phạm mạng trong năm 2011 qua theo dõi, nghiên cứu về các cuộc tấn công mạng trong những năm gần đây, đặc biệt là năm 2010.

Theo PandaLabs – phòng thí nghiệm chống phần mềm độc hại (malware) của Panda Security, tấn công mạng, các cuộc chiến về an ninh mạng, phần mềm độc hại phát tán nhằm hướng đến việc thu lợi hoạt động mạnh mẽ hơn; phương tiện truyền thông và các kỹ thuật mang tính cộng đồng xã hội, và phát tán các mã độc hại với khả năng thích ứng cao để tránh bị phát hiện sẽ là mối đe dọa chính của năm 2011…

Trong năm 2010, PandaLabs chứng kiến sự tăng trưởng đáng kể trong số lượng phần mềm độc hại và phát hiện ra ít nhất 20 triệu giống mới. Hiện tại, cơ sở dữ liệu của Panda chứa tổng cộng hơn 60 triệu mối đe dọa đã được phân loại, tỷ lệ tăng trưởng của phần mềm độc hại của năm này so với năm trước gần đây dường như đã đạt đỉnh.

Năm 2010, vụ Stuxnet và WikiLeaks đã đánh dấu một bước ngoặt trong lịch sử của những cuộc xung đột. Vụ Stuxnet là những cố gắng can thiệp vào các quá trình vận hành các nhà máy hạt nhân, cụ thể là với các máy ly tâm uranium. Các cuộc tấn công như thế này vẫn còn tiếp diễn và chắc chắn sẽ tăng trong năm 2011.

Các cuộc biểu tình trên mạng hoặc các cuộc tấn công mạng sẽ tiếp tục phát triển mạnh. Phong trào này mới được khởi xướng bởi các nhóm dạng vô danh và các nhóm có tổ chức hoạt động chính thức nhằm công khai mọi thứ trên Internet và sau đó hỗ trợ cho Julian Assange của WikiLeaks. Ngay cả người dùng có hiểu biết hạn hẹp về kỹ thuật cũng có thể tham gia trong các cuộc tấn công từ chối dịch vụ (DdoS) hoặc các chiến dịch thư rác… PandaLabs cho rằng, trong năm 2011 có nhiều cuộc biểu tình trên mạng, tổ chức bởi nhóm này hoặc những người khác sẽ bắt đầu xuất hiện.

Tội phạm mạng đã tìm thấy những trang xã hội vốn sẽ là môi trường hoạt động hoàn hảo của họ, khi mà người dùng tin tưởng vào những trang mạng này hơn so với những loại công cụ khác như email. Trong năm 2010, PandaLabs chứng kiến nhiều cuộc tấn công khác nhau vốn được sử dụng hai mạng xã hội phổ biến là Facebook và Twitter làm bệ phóng tấn công. Năm 2011, mạng xã hội sẽ được sử dụng nhiều hơn cho các cuộc tấn công. Các cuộc tấn công dạng SEO của Blackhat (lập chỉ mục và định vị các trang web giả mạo trong công vụ tìm kiếm) cũng sẽ được sử dụng rộng rãi trong cả năm 2011, và cũng như mọi khi, họ lợi dụng các chủ đề nóng để tiếp cận nhiều người càng tốt. Ngoài ra, một số lượng đáng kể các phần mềm độc hại sẽ được ngụy trang như một plug-in, các máy nghe nhạc và các ứng dụng tương tự khác.

PandaLabs dự đoán rằng, năm 2011, các phần mềm độc hại cũng nhắm mục tiêu vào hệ điều hành mới – Windows 7, điện thoại di động, máy tính bảng iPad, Mac, html 5 và các mối đe dọa được mã hóa, hoạt động linh hoạt.

Theo các chuyên gia, mặc dù đã có một số vụ bắt giữ chính đánh mạnh vào thế giới tội phạm mạng trong năm 2010, tuy vậy vẫn chưa đủ mạnh so với bối cảnh hiện nay về phần mềm độc hại, bởi lợi nhuận thu được tới hàng triệu đô-la mà không sợ bị trừng phạt nhờ vào thuật giấu tên trên Internet và nhiều sơ hở pháp lý. Bối cảnh kinh tế đã góp phần vào mức độ nghiêm trọng của tình hình do tỷ lệ thất nghiệp đang tăng lên ở rất nhiều nước, và rất nhiều người xem đây là một cơ hội để kiếm tiền có nguy cơ rủi ro thấp.

NAM TRÂN (Tổng hợp)
;
.
.
.
.
.