Theo thống kê của Phòng Cảnh sát Giao thông (CSGT), Công an thành phố, tính đến tháng 11-2010, trên địa bàn thành phố đã xảy ra 189 vụ tai nạn giao thông (TNGT) đường bộ, làm chết 131 người, bị thương 144 người. So với cùng kỳ năm 2009, tăng 67 vụ (tăng 54,9%), số người chết tăng 21 người (tăng 19,1%), bị thương tăng 61 người (tăng 73,49%).
Bất chấp đèn tín hiệu giao thông,không ít người vẫn "vô tư" vượt đèn đỏ! |
Điều đáng lưu ý là, trong 189 vụ TNGT đường bộ kể trên, có đến 169 vụ (gần 90%) do ý thức chủ quan của người tham gia giao thông; trong đó, 44 vụ (22,28%) do người điều khiển xe không đi đúng làn đường quy định, 28 vụ (14,81%) chạy quá tốc độ, 22 vụ (11,64%) tránh vượt sai quy định, 15 vụ (7,9%) không nhường đường, 15 vụ (7,9%) do người đi bộ qua đường không chú ý và say rượu bia 12 vụ (6,34%)…
Đó chỉ là những con số rất nhỏ để nói về một vấn đề nhức nhối hiện nay của xã hội là TNGT. Nguyên nhân đưa ra có rất nhiều, nhưng quan trọng nhất là ý thức của con người. Trên đường, ai cũng có thể nhận thấy những hành vi thiếu ý thức khi tham gia giao thông vẫn diễn ra hằng ngày như vượt đèn đỏ; giành đường vượt ẩu; đậu, đỗ xe không đúng nơi quy định; đám đông tụ tập sau mỗi vụ tai nạn chỉ để thỏa mãn sự tò mò, cản trở giao thông… Hiện tượng phụ huynh đỗ xe tràn ra lòng đường, gây ách tắc giao thông; tình trạng bán hàng rong ngay trước cổng trường; việc không chấp hành luật giao thông của các em học sinh… khá phổ biến.
Với mục tiêu nâng cao nhận thức cho người tham gia giao thông, từ đầu năm đến nay, Phòng CSGT đã tham mưu cho Giám đốc Công an thành phố ban hành các văn bản chỉ đạo và hướng dẫn, đôn đốc Công an các đơn vị, địa phương triển khai thực hiện các kế hoạch tăng cường công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông (TTATGT) như: 4 kế hoạch cao điểm (cao điểm trước, trong và sau Tết Nguyên đán Canh Dần; cao điểm từ 20-4 đến 30-6; cao điểm từ 1-7 đến 31-7; Tháng ATGT với chủ đề “Văn hóa giao thông vì sự an toàn của thanh-thiếu nhi và cộng đồng”; kế hoạch tổ chức hội nghị tập huấn, triển khai Nghị định 34/CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, Nghị định số 27/CP, Thông tư số 26; kế hoạch phối hợp với các trường phổ thông trong việc giáo dục các em học sinh chấp hành luật giao thông…
Ông Huỳnh Văn Hai - Phó trưởng Phòng CSGT, Công an thành phố - nhấn mạnh: Trong thời gian tới, để nâng cao ý thức của người tham gia giao thông, trước hết, lực lượng CSGT tiếp tục phối hợp với các cơ quan thông tin đại chúng tuyên truyền phổ biến pháp luật về TTATGT tới mọi tầng lớp nhân dân. Đây là việc làm không của riêng một cơ quan, đoàn thể nào mà là của toàn dân. Chỉ khi mọi người tạo được tiếng nói chung thì việc tuyên truyền phổ biến mới thực sự đem lại hiệu quả.
Phòng CSGT cũng xác định, việc tuần tra kiểm soát, xử lý vi phạm về TTATGT là công tác trọng tâm của lực lượng khi thực hiện các giải pháp bảo đảm TTATGT, góp phần kiềm chế, giảm TNGT và ùn tắc giao thông, phòng chống các loại tội phạm hoạt động trên tuyến giao thông. Việc lựa chọn hình thức xử phạt thích đáng đặc biệt quan trọng, vì vẫn còn một bộ phận người dân tham gia giao thông chưa thực sự chấp hành các quy định về ATGT. Bên cạnh đó, việc cấp giấy phép lái xe cũng cần được tiến hành chặt chẽ hơn, không chỉ quan tâm đến chuyên môn mà phải chú trọng cả đạo đức nghề nghiệp.
Bài và ảnh: Trần Thanh Tân