.

Dạy nghề cho nông dân

.
Hằng năm, Hội Nông dân thành phố chú trọng tổ chức dạy nghề cho hội viên nông dân nghèo và hội viên trong diện di dời, giải tỏa. Chỉ từ đầu năm 2010 đến nay, Hội đã tổ chức 24 lớp dạy nghề trồng nấm và trồng hoa-cây cảnh, giúp hơn 700 hộ nông dân có việc làm và thu nhập ổn định.

Mô tả ảnh.
Nông dân phường Hòa Cường Bắc tận dụng đất chưa xây dựng để trồng hoa...
 
Các lớp dạy nghề tổ chức tại cộng đồng dân cư và dạy theo kiểu cầm tay chỉ việc. Giáo viên vừa giảng lý thuyết, vừa làm thực hành và tận tình hướng dẫn cho bà con nông dân làm theo. Mỗi lớp tiến hành trong 3 tháng và có từ 30-32 học viên.

Trước khi mở lớp dạy nghề làm nấm, các chuyên viên của Thành Hội phối hợp với cán bộ Hội cơ sở tiến hành khảo sát thực tế và chọn địa điểm mở lớp ngay tại nhà một học viên. Mỗi lớp học được Thành Hội đầu tư nguyên liệu sản xuất, giống, phụ liệu và các vật liệu để làm trại sản xuất nấm và sau khi kết thúc lớp học thì gia đình hội viên được chọn mở lớp sẽ “thừa hưởng cơ ngơi” đó. Ban Kinh tế-Xã hội (Hội Nông dân thành phố) đảm nhiệm tổ chức quản lý Chương trình dạy nghề với các nội dung trọng tâm là phương pháp sản xuất nấm sò và nấm linh chi. Đứng lớp giảng dạy là bà Vũ Thị Mùi-Chủ nhiệm HTX Sản xuất nấm An Hải Đông (quận Sơn Trà). Người giáo viên này vừa có kinh nghiệm thực tế, vừa giỏi nghiệp vụ sư phạm, cách truyền đạt, hướng dẫn phù hợp với bà con nông dân, làm cho học viên dễ hiểu, dễ nhớ.

Mô tả ảnh.
... và đã trồng thành công cây hoa li-li.
 
Ngay trong ngày khai mạc, sau khi giảng lý thuyết về đặc điểm sinh học, quy trình sản xuất nấm, cách nấu bột và trộn nguyên liệu, giáo viên đã thực hành và hướng dẫn cho học viên làm theo. Cứ vậy, giáo viên kết hợp vừa giảng, vừa làm, vừa hướng dẫn, còn nông dân học đến đâu làm theo đến đó. Thời gian sinh trưởng của nấm sò cũng bằng thời gian của lớp học, nên rất thuận tiện để nông dân vừa học vừa theo dõi kết quả thực tế. Thời gian sinh trưởng của nấm linh chi dài hơn (4 tháng), nhưng cũng đã đến giai đoạn thu hoạch sản phẩm. Trung bình qua mỗi lớp học, sản phẩm thực hành thu được tổng cộng khoảng 300kg nấm sò và 8kg nấm linh chi. Hiện tại, nấm sò có giá bán 20.000đồng/kg và nấm linh chi giá 500.000 đồng/kg. (Sản phẩm nấm sò và nấm linh chi được nhiều người ưa thích, làm ra bao nhiêu cũng bán hết và luôn có thương lái đến mua tận nơi).

Thấy được kết quả ngay tại lớp học, nên  sau khi học nghề, bà con nông dân hăng hái đầu tư sản xuất nấm và nhiều người đã sản xuất đạt kết quả cao. Mỗi học viên được cấp một bộ tài liệu hướng dẫn thực hành và trong quá trình sản xuất vẫn dễ dàng liên hệ với giáo viên để được giải đáp, tư vấn. Ông Võ Hồng Cư ở phường Hòa Phát, bà Lê Thị Thanh ở phường Khuê Mỹ, mỗi hộ đã làm một trại nấm rộng 30m2 và mỗi ngày thu từ 10-15kg nấm thương phẩm. Các hộ ông Khoa, ông Ly, bà Hà ở phường An Khê vừa học xong là áp dụng sản xuất nấm linh chi và đều đạt kết quả tốt, mỗi hộ có thu nhập gần 10 triệu đồng/tháng.

Qua khảo sát thực tế cho thấy, một trại nấm sò quy mô trung bình (khoảng 30m2) có 3 thùng phuy, 3 lò than cùng với dàn, kệ, dây treo, bịch nhựa, nhiệt kế và các nguyên, vật liệu kèm theo (giống, cám, mùn cưa, than đá…) với tổng chi phí từ 5-8 triệu đồng và có thể sử dụng trong nhiều năm.

Lớp dạy nghề trồng hoa-cây cảnh tổ chức tại phường Hòa Cường Bắc (quận Hải Châu) cũng với cách dạy sát thực tế đã giúp 26 hội viên nông dân trồng thành công một số loại hoa cao cấp. Hai hộ ông Nguyễn Quang Quý ở tổ 52 và Phan Văn Hy ở tổ 62 sau khi học nghề đã trồng được cây hoa li-li (một giống hoa cao cấp ưa lạnh ở Đà Lạt), bán mỗi chậu từ 100-130 ngàn đồng. Ông Nguyễn Văn Hoàng (tổ 60) được hỗ trợ kỹ thuật trồng hoa tulip, bà Bùi Thị Siêm (tổ 50) được hướng dẫn sản xuất hoa hồng môn thiên nga đều đạt kết quả tốt. Các hộ ông Nguyễn Văn Quý, Nguyễn Văn Thịnh, bà Nguyễn Thị Túc trồng được giống lan đen rô, hoa có hai màu tím và trắng óng ánh rất đẹp, được người chơi hoa rất ưa thích…

Bài và ảnh: LÊ VĂN THƠM
;
.
.
.
.
.