Chính trị - Xã hội

Dấu ấn dân chủ

14:53, 20/01/2011 (GMT+7)

Tại buổi họp báo sau phiên bế mạc Đại hội XI của Đảng dưới sự chủ trì của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, vấn đề dân chủ được thể hiện cởi mở, thẳng thắn, chân tình...         

Mô tả ảnh.
Phóng viên trong nước và quốc tế tại cuộc họp báo. Ảnh: TTXVN

Dân chủ thật

Theo Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Đại hội lần thứ XI của Đảng diễn ra trong bối cảnh có nhiều sự kiện, trong sự quan tâm của bạn bè quốc tế cũng như trong Đảng và nhân dân ta. Đại hội đã hoàn thành những nội dung, chương trình, quy chế Đại hội, theo đúng tiến độ đề ra. Trong thành công chung đó, đồng chí Tổng Bí thư nhấn mạnh đến tinh thần dân chủ trong Đại hội XI và khẳng định đó là “dân chủ thật”: Tinh thần dân chủ thể hiện trong việc tranh luận, thảo luận về các nội dung văn kiện Đại hội Đảng, có những vấn đề khi đưa ra biểu quyết vẫn có ý kiến tranh luận. Tính dân chủ còn thể hiện rõ trong công việc quan trọng của Đại hội là bầu nhân sự. “Hiếm có Đại hội nào mà số dư bầu Ban Chấp hành Trung ương Đảng lại nhiều như Đại hội này, bầu Bộ Chính trị cũng vậy!” - Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nêu ví dụ cụ thể. Và theo Tổng Bí thư, việc thực hiện dân chủ đó đã toát lên niềm tin mới, khí thế mới, tạo sự đoàn kết sau khi đã thảo luận dân chủ.

Khi đề cập đến một trong những biểu hiện của dân chủ là hoạt động chất vấn trong Đảng, phóng viên Vietnamnet có ý kiến: “Với kinh nghiệm điều hành chất vấn của Chủ tịch Quốc hội, thì Tổng Bí thư triển khai chủ trương chất vấn trong Đảng trong nhiệm kỳ tới như thế nào?”. Đồng chí Nguyễn Phú Trọng cho rằng: Chất vấn trong Đảng là một trong những hình thức bảo đảm dân chủ. Đại hội X của Đảng đã có chủ trương chất vấn trong các kỳ họp Trung ương, nếu ai có vấn đề cần chất vấn thì cứ nêu. “Tuy nhiên, chất vấn trong Đảng còn hơi ít”-Tổng Bí thư thừa nhận. Phân tích về việc này, đồng chí Nguyễn Phú Trọng cho rằng, chất vấn trong Quốc hội liên quan đến những sôi động hằng ngày, nóng bỏng, liên quan đến đời sống nhân dân, an sinh xã hội, những vấn đề bức xúc của đời sống; còn trong Đảng thì thường bàn đến những vấn đề mang tầm chiến lược, chủ trương, quyết sách lớn, nên thật ra chất vấn cũng khó. Tuy nhiên, trên tinh thần nhìn nhận chất vấn có vai trò quan trọng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng bày tỏ tin tưởng rằng, theo sự phát triển chung, thì cần có chất vấn trong Đảng; vấn đề quan trọng là xây dựng cho được quy chế, tạo điều kiện cho mọi người cùng sinh hoạt dân chủ.

Không nghĩ đến việc tạo dấu ấn, đánh bóng mình

Tính dân chủ còn được thể hiện cụ thể, sinh động hơn tại buổi họp báo khi Tổng Bí thư trả lời câu hỏi của phóng viên Báo Tuổi trẻ thành phố Hồ Chí Minh về việc sẽ chọn quốc gia nào để viếng thăm chính thức trên cương vị Tổng Bí thư, rồi việc tạo dấu ấn mới trong nhiệm kỳ của mình; trả lời câu hỏi của phóng viên báo Pháp luật thành phố Hồ Chí Minh về tâm trạng khi đại biểu bỏ phiếu thông qua phương án về “đặc trưng của xã hội XHCN trong thời kỳ quá độ lên CNXH ở nước ta”, trong đó có vấn đề về công hữu tư liệu sản xuất chủ yếu…

“Vừa mới nhận chức Tổng Bí thư, nghe các bạn gọi Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cứ thấy ngượng ngượng quá nên chưa nghĩ ra điều này. Đi thăm chính thức nước nào cũng phải có chương trình, nhưng bây giờ thì chưa có. Vả lại, người ta có mời thì mình mới đi chứ!”-Tổng Bí thư thân mật trả lời. Còn với việc tạo dấu ấn trong nhiệm kỳ của mình, đồng chí Nguyễn Phú Trọng cũng tuyên bố dứt khoát: “Tôi làm cái gì không nghĩ đến việc tạo dấu ấn, không phải để đánh bóng mình. Trách nhiệm của người đảng viên là phải thực hiện nghiêm túc Nghị quyết của Đảng, cứ làm cho tốt Nghị quyết của Đảng là tốt rồi!”.

Về tâm trạng của mình khi Đại hội bỏ phiếu chọn 1 trong 2 phương án về đặc trưng sở hữu trong thời kỳ quá độ lên CNXH, Tổng Bí thư cho rằng, việc Đại hội biểu quyết như thế nào thì phải chấp hành, nhưng cơ bản, nội dung đó không ảnh hưởng đến đường lối nhất quán của Đảng là xây dựng nước Việt Nam XHCN dân chủ, công bằng, văn minh.

Quán triệt tinh thần dân chủ đó của Tổng Bí thư, khi trả lời câu hỏi của phóng viên Hãng AP về vấn đề dân chủ, nhân quyền tại Việt Nam, Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh cho rằng: Vấn đề quyền con người là mục tiêu, động lực, chính sách của Đảng và Nhà nước Việt Nam; vì thế Việt Nam luôn đưa ra các chính sách bảo đảm để người dân được hưởng thụ quyền tốt nhất và mọi chính sách đó đã được bảo đảm để thực hiện đầy đủ trên thực tế.  “Liên quan đến quyền con người, cách tiếp cận của mỗi quốc gia có sự khác nhau. Để giải quyết sự khác biệt đó, Việt Nam sẵn sàng đối thoại” - Thứ trưởng Phạm Bình Minh nhấn mạnh. 

Bài và ảnh: Nguyễn Thành

.