.

Dạy nghề, tạo việc làm: Khó đủ thứ!

.

Dạy nghề, tạo việc làm cho người khuyết tật chính là chiếc cầu nối giúp họ hòa nhập cộng đồng. Tuy nhiên, hiện nay, các cơ sở dạy nghề cho người khuyết tật đang đối mặt với nhiều khó khăn...

Trăm thứ khó

 

Mô tả ảnh.
Thầy Trần Hữu Ý (đứng) phải soạn giáo án để dạy cho các em khuyết tật.

Lớp học tin học của Trung tâm hướng nghiệp, dạy nghề Đà Nẵng (Trung tâm) tại số nhà 548, Trần Cao Vân vừa chật chội, vừa không đủ ánh sáng. Nơi đây là một phòng của Hội Bảo trợ Người tàn tật và trẻ mồ côi được “nhường” lại để Trung tâm làm lớp học, vì kinh phí không đủ để thuê chỗ. Dù vậy, các học sinh “đặc biệt” học tập rất sôi nổi và chăm chỉ.

 

Trần Quý Bình Vương (27 tuổi, ở quận Thanh Khê) được đánh giá là học trò xuất sắc nhất lớp bởi luôn hoàn thành sớm tất cả bài tập thầy giao và... không nghỉ học buổi nào. Vương bị bại liệt, teo chân, học hết lớp 12 thì nghỉ học và tham gia lớp nghề này với mong muốn tìm được việc làm cho ba mẹ đỡ vất vả. Anh Trần Hữu Ý (31 tuổi), giáo viên của lớp học này cho biết: “Các em học rất chăm chỉ, nhiều em có khả năng tiếp thu rất tốt. Tuy nhiên, giáo trình không có nên chúng tôi phải lấy giáo trình dành cho lớp bình thường biên soạn lại cho phù hợp với các em, theo cách nâng cao dần”. Được biết, hầu hết các lớp học nghề của Trung tâm đều kéo dài trong 8 tháng thay vì 3 tháng như bình thường.

Trao đổi với chúng tôi, anh Vũ Hoàng Thương, Phó Giám đốc trung tâm bày tỏ: “Thực tế hiện nay, các trung tâm dạy nghề cho trẻ tàn tật, khuyết tật  vẫn phải tự lo gần như toàn bộ kinh phí hoạt động. Kinh phí vận động được ít, lại không chủ động và không thường xuyên, vì vậy, các trung tâm chỉ dạy người khuyết tật những nghề sản xuất đồ thủ công mỹ nghệ, may, thêu, móc... rất khó trong vấn đề đầu ra”. Hiện nay, hầu hết các đơn vị thực hiện chức năng đào tạo nghề cho người khuyết tật vẫn chưa có đội ngũ giáo viên giảng dạy chuyên biệt, chưa qua nghiệp vụ đào tạo cho nhóm đối tượng này, nên nhiều lúc thầy giảng nhưng trò không hiểu, dẫn đến hiệu quả đào tạo chưa cao. Dạy nghề cho người khuyết tật rất khó khăn bởi các dạng tật khác nhau, trình độ tiếp thu khác nhau, phương pháp chủ yếu là hướng dẫn, cầm tay chỉ việc, ít lý thuyết, thực hành là chính.

Tìm việc: Không dễ!

Kết quả điều tra khuyết tật tại thành phố Đà Nẵng cho thấy, phần lớn người khuyết tật có việc làm thu nhập thấp: 24% người khuyết tật là công nhân, 10% làm nghề thủ công, 10% không làm việc do sức khỏe kém, 4% thất nghiệp. Người tàn tật phần lớn có tâm lý tự ti, mặc cảm nên cũng khó trong việc tìm việc làm phù hợp. Gia đình có người khuyết tật thường là gia đình nghèo, khó khăn nên không tạo điều kiện hoặc không có khả năng tạo điều kiện cho con đi học nghề. Trình độ thấp, không có nghề nghiệp cũng chính là rào cản cho người khuyết tật khi tìm việc.

Thành phố Đà Nẵng hiện có khoảng 10.000 người khuyết tật, số người nằm trong độ tuổi lao động chiếm số lượng cao nhưng có việc làm, có thu nhập ổn định, tự nuôi sống được bản thân lại không đáng kể. Từ tháng 4-2009, Trung tâm Dịch vụ việc làm thành phố Đà Nẵng (Sở LĐTB&XH) đã tổ chức định kỳ nhiều phiên giao dịch việc làm, trong đó có đối tượng này, tuy nhiên số người khuyết tật tìm được việc ở đây còn ít.

Theo ông Nguyễn Hoàng Long, Chủ tịch Hội Bảo trợ Người tàn tật và trẻ mồ côi Đà Nẵng thì cách tốt nhất hiện nay (đang được Hội áp dụng) là đào tạo nghề kết hợp với tạo việc làm tại chỗ. Trung tâm hướng nghiệp, dạy nghề trực thuộc Hội đã liên hệ với Công ty May mặc Dacotex, Vinatex và các xí nghiệp nhận hàng chục học viên vào làm việc với mức lương khoảng 1,5 triệu đồng/người/tháng. Chỉ tính riêng trong ba năm qua, Hội đã cấp chứng chỉ cho 345 người, giải quyết việc làm cho 220 người và hướng dẫn tự tạo việc làm cho các học viên còn lại.

Bài và ảnh: N.K

;
.
.
.
.
.