.

Chúng tôi sẽ được minh oan

.
Nhiều năm qua, CCB Vũ Tấn Ích (ảnh) ở phường Hòa Thuận Đông (quận Hải Châu), nguyên thuyền trưởng tàu 198 - Đoàn tàu không số vẫn trĩu nặng nỗi đau buồn vì không hủy được tàu, để tàu lọt vào tay địch trong đêm 14-7-1967 tại bến Ba Làng An (Quảng Ngãi). Nỗi dằn vặt trong lòng ông suốt bao năm qua, mới đây đã được giải tỏa...

Mô tả ảnh.
Bao năm qua, nỗi đau không hủy được tàu luôn dằn vặt trong lòng ông Vũ Tấn Ích. Ảnh: LÊ VĂN THƠM
…Hai phóng viên Báo Quân đội nhân dân là Nguyên Minh (Thiếu tá Nguyễn Văn Minh) và Ngọc Hưng (Thiếu tá Nguyễn Ngọc Hưng) đã lần theo hồ sơ con tàu bị địch bắt ở bến Ba Làng An (Quảng Ngãi) năm 1967 và đã tìm ra nguyên bản tiếng Anh bài báo của một tác giả người Mỹ có tiêu đề “The Sa Ky River Victory”, dịch ra tiếng Việt là “Chiến thắng trên sông Sa Kỳ” cùng với một tài liệu của Hải quân Mỹ cũng nói về sự kiện này. (Chính xác là biển Sa Kỳ, nhưng trong tài liệu của đối phương viết là sông-PV). Hai phóng viên Nguyên Minh và Ngọc Hưng đã tập hợp các thông tin này đăng trên Báo Quân đội nhân dân ngày 28-9-2011 và ngày 6-10-2011.

 Theo đó, hai bản tài liệu từ phía đối phương nói về chiến thắng của họ liên quan đến con tàu 198 năm xưa, đã được dịch ra tiếng Việt với nội dung tóm lược như sau:

“…Ngày 11-7-1967, trong khi bay tuần tra dọc biển Quảng Ngãi, máy bay tuần tra trong lực lượng tham gia Market Time (một trong những chiến dịch của Mỹ để ngăn chặn hoạt động của đoàn tàu không số), phát hiện một tàu cá vỏ sắt đang chạy dọc theo bờ biển mà không có cảng nào ở gần đó. Chỉ huy chiến dịch Market Time  lập tức hạ lênh cho tàu USS Wilhoite theo sát mục tiêu. Lúc này, tàu cá nhanh chóng chuyển sang hướng nam-đông nam. Phía Mỹ đặt tên tàu cá  là Skun Alpha (Chồn Alpha). Tới khoảng 13 giờ ngày 13-7 (1967), Chồn Alpha thả neo cách phía đông quần đảo Hoàng Sa 50 hải lý và cách Chu Lai khoảng 200 hải lý về phía đông-đông bắc. Đến 16 giờ cùng ngày, Chồn Alpha tiếp tục di chuyển và tới 23 giờ nó chuyển sang hướng tây nam. Khi cách mũi Sa Kỳ 225 hải lý, Chồn Alpha đột ngột chuyển hướng chạy thẳng vào bờ.

Ngay lập tức, một kế hoạch chặn bắt Chồn Alpha được lập ra tại Sở chỉ huy ở Đà Nẵng. Đến 13 giờ 9 phút ngày 14-7, chỉ huy chiến dịch Market Time quyết định cử 5 tàu chiến, gồm các tàu USS Wilhoite, USS Gallup PG 85, USS Walker DD 517, PCF-79 và USCGC Point Orient, tham gia cuộc rượt đuổi và vây bắt Chồn Alpha. 1 giờ ngày 15-7, Chồn Alpha rơi vào điểm phục kích cách bờ 5 hải lý. Ngay lập tức, phía Mỹ bắn pháo sáng rực cả một vùng biển và lính hải quân Sài Gòn dùng loa gọi hàng, nhưng Chồn Alpha phớt lờ. Tàu PCF-79 và tàu USCGC Point Orient bắn cảnh cáo, nhưng Chồn Alpha vẫn tiếp tục tiến thẳng vào bờ và bắn trả bằng súng ở phía đuôi tàu. Tới 1 giờ 20 phút, khi Chồn Alpha còn cách bờ 3 hải lý, thì bị các tàu Mỹ bắn dồn dập. Chồn Alpha cũng bắn trả lại. Trong đó, tàu PCF-79 thấy rõ mục tiêu và đã bắn nhiều đạn cối 81 trúng Chồn Alpha. Chồn Alpha bốc cháy và mắc cạn ở cửa Sa Kỳ…

Tới trưa ngày 15-7, phía Mỹ cử chuyên gia thuốc nổ Eddie Knaup lên Chồn Alpha để vô hiệu hóa thuốc nổ. Một thủy thủ đoàn bị chết trên tàu. Số phận của những người còn lại không được xác định. Có khoảng 2.000 bảng thuốc nổ TNT được cài đặt trên tàu để đối phương có thể tự hủy tàu khi cần thiết, nhưng do đạn cối bắn trúng bộ phận gây nổ, làm bung nút kích nổ, nếu không, chắc chắn phía Mỹ sẽ thiệt hại lớn một khi Chồn Alpha phát nổ.”

Chồn Alpha chính là tàu 198 của Đoàn tàu không số và cửa Sa Kỳ chính là khu vực bến Ba Làng An ở Quảng Ngãi. Trong cuốn “Lịch sử Lữ đoàn 125 Hải quân”, do NXB Quân đội Nhân dân ấn hành năm 2011, ở trang 147 có đoạn: “Tàu 198 do thuyền trưởng Vũ Tấn Ích và chính trị viên Huỳnh Ngọc Trạch chỉ huy. Tàu xuất phát ngày 6-7-1967. Đêm 14-7, tàu 198 gặp máy bay và tàu chiến địch bao vây. Tàu 198 đánh trả và cơ động vào bến Ba Làng An (Quảng Ngãi). Song do không tổ chức hủy tàu được nên bị địch lấy nguyên tàu. Anh em lên bờ đi bộ ra miền Bắc. Trong trận đánh này, chính trị viên Huỳnh Ngọc Trạch và phó thuyền trưởng Phạm Chuyên Nghiệp hy sinh. Đây là nỗi đau nhức nhối của Đoàn 125 trên con đường vận chuyển vũ khí vào Nam. Sau này, Đảng ủy Đoàn và cán bộ tàu 198 đã kiểm điểm sâu sắc sự việc này”.

Người Thuyền trưởng tàu 198 năm xưa, nay đã ngoài 80 tuổi và đang là Trưởng ban Liên lạc Hội truyền thống Đường Hồ Chí Minh trên biển khu vực Quảng Nam-Đà Nẵng. Sau khi đọc xong tài liệu của đối phương, ông nói: Họ miêu tả tương đối sát với diễn biến trận đánh. Xác một thủy thủ đoàn mà họ viết chính là thi thể anh Phạm Chuyên Nghiệp. Khi tàu đã trúng đạn nhiều chỗ và bị mắc cạn trong vòng vây giặc, tôi quyết định hủy tàu và rút lên bờ. Nhiều đồng chí xung phong ở lại hủy tàu, nhưng tôi và chi ủy quyết định cử Chính trị viên Huỳnh Ngọc Trạch và Phó thuyền trưởng Phạm Chuyên Nghiệp làm nhiệm vụ quan trọng này. Tuy nhiên, không hiểu vì sao hai anh đã không thể gây nổ được. Anh Trạch sau khi rời tàu, bơi được vào bờ nhưng do bị thương nặng, đến sáng hôm sau thì hy sinh. Như vậy, chắc chắn anh Nghiệp bị trúng đạn hy sinh khi còn ở trên tàu!

Sau trận ấy, cấp trên đã kiểm điểm, rút kinh nghiệm sâu sắc. Tôi là thuyền trưởng, tôi đã nhận hết trách nhiệm về mình và đã bị điều chuyển công tác. Vì sao không thể hủy tàu là câu hỏi được cấp trên nhắc nhiều lần trong suốt quá trình kiểm điểm anh em tàu 198 . Những người còn sống chúng tôi không sao trả lời được, còn anh Trạch và anh Nghiệp là hai người làm nhiệm vụ này thì đã hy sinh!

Nay qua các tài liệu từ phía đối phương mới biết là do địch bắn cối 81 vào tàu đã làm văng mất bộ phận gây nổ. Nguyên nhân là thế, chứ không phải do chúng tôi không tổ chức hủy tàu và cũng hoàn toàn không phải do chúng tôi hèn nhát không dám hủy tàu. Chúng tôi hy vọng sẽ được minh oan. Anh Trạch, anh Nghiệp sẽ được minh oan.

MINH NGỌC
;
.
.
.
.
.