.

Kỷ niệm một đêm bốc hàng ở bến

.

Góp phần quan trọng làm nên thắng lợi trên con đường Hồ Chí Minh trên biển là lực lượng làm nhiệm vụ đón tàu. CCB Lê Đình Kiến - (ảnh) ở tổ 27 phường An Khê, quận Thanh Khê, nguyên Chính trị viên đơn vị K60 làm nhiệm vụ bến bãi tại Vũng Rô (Phú Yên) vừa kể lại một chuyến đón hàng đặc biệt này.

 

Mô tả ảnh.

...Vũng Rô ở gần quốc lộ 1A, phía bắc giáp núi Đá Bia, phía tây là dãy đèo Cả. Trên đèo Cả, trên núi Đá Bia đều có căn cứ địch, do vậy, chúng không thể ngờ “tàu Bắc Việt” lại dám vào nơi đây. Trong khi đó, đơn vị chúng tôi mới hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ đón chuyến tàu đầu tiên (do đồng chí Hồ Đắc Thạnh làm thuyền trưởng, vào bến ngày 28-11-1964) thì tiếp tục được giao nhiệm vụ chuẩn bị đón chuyến thứ hai.

 

Ban chỉ huy đơn vị khẩn trương tiến hành mọi công tác chuẩn bị với sự phối hợp của Trung đội du kích xã Hòa Hiệp (Tuy Hòa, Phú Yên). Chúng tôi khẩn trương chặt cây làm đòn kê, giá đỡ trong các hang đá ở khu vực hang Vàng, hang Sải, đồng thời tổ chức chặt tre, đan rọ để làm dụng cụ xúc cát dằn tàu. Tre, gỗ phải chặt ở xa, ngụy trang thật kỹ, đề phòng địch phát hiện… Đồng chí Trần Suyền, Bí thư Tỉnh ủy Phú Yên trực tiếp kiểm tra, đôn đốc công tác chuẩn bị, đồng thời chỉ đạo huy động dân công và phương tiện để làm nhiệm vụ vận chuyển vũ khí.

Chiều 25-12-1964, chúng tôi nhận lệnh chuẩn bị để đêm 25-12 đón tàu vào tại bãi Chính. Ban chỉ huy lập tức tổ chức một tổ quan sát phát tín hiệu tại Mũi Điện (cách bãi Chính gần 1km) và bố trí các tổ cảnh giới, rồi hành quân đến bãi Chính khi trời vừa tối để đợi đón tàu.

Tổ quan sát ở mũi Điện bắt được tín hiệu của tàu từ xa và lập tức phát lại tín hiệu. Anh em dùng đèn măng-xông phát tín hiệu theo quy ước “hai nhanh, một chậm”, bằng cách lấy tấm tôn kéo lên, kéo xuống. Sau khi nhận được tín hiệu của nhau, hai bên tiếp tục phát tín hiệu hỏi lại bằng cách dùng đèn pin chúc xuống.

Đến khoảng 23 giờ thì tàu vào đến bãi Chính và dừng cách mép nước độ vài chục mét, tàu do đồng chí Hồ Đắc Thạnh làm thuyền trưởng. Lập tức, bộ đội, du kích, dân công khẩn trương vận chuyển hàng. Người nhảy lên tàu đưa hàng xuống, người ở dưới nước đón, vác chạy lên, giấu tạm ở gần bờ. Các ghe mành cũng nhanh nhẹn cặp mạn tàu, đón vũ khí, hối hả chèo, chở vào bờ hết chuyến này đến chuyến khác. Trong bờ có sẵn lực lượng để bốc từ ghe mành đưa lên vị trí giấu tạm.

Khi tàu còn nặng thì hàng đưa xuống nhanh, nhưng khi vũ khí vơi dần thì tàu nổi dần lên, khoảng cách từ người ở trên tàu đến người ở dưới nước cũng xa dần, vì vậy, việc vận chuyển càng vất vả hơn. Hơn 40 tấn vũ khí và 3 tấn gạo mà chúng tôi phải chuyển hết trong vòng 3 giờ, rồi nhanh chóng đưa cát xuống dằn tàu và tất cả phải hoàn thành trước 3 giờ sáng. Suốt 4 tiếng đồng hồ “làm quên cả thở”, khi chúng tôi vừa đưa được khoảng 10 tấn cát xuống tàu, đồng hồ cũng vừa chỉ 3 giờ (ngày 26-12), thì tàu  nhổ neo, chạy trở ra vùng biển quốc tế để trở về miền Bắc.

Chúng tôi tiếp tục chuyển hàng về các kho trong khu vực hang Vàng, hang Sảy. Nhiều đêm sau đó, dân công dùng ghe mành giả như đi đánh cá để che mắt địch, bí mật chuyển vũ khí từ bãi Chính, vòng qua mũi Yến, mũi Điện, bãi Môn, bãi Nậy, bãi Bắc, về cửa Đà Nông và đưa lên giấu tạm lần thứ hai tại bãi Xép. Bãi Xép ở gần khu vực kho và rất trống trải, nên dân công phải bới cát lên để giấu vũ khí. Anh em chúng tôi lại bí mật ra bãi Xép chuyển vũ khí vào các kho. Và từ các kho này, chúng tôi đón nhiều đơn vị đến vận chuyển, tiếp nhận vũ khí, trong đó có những đơn vị ở tận Tây Nguyên.

LÊ VĂN THƠM

;
.
.
.
.
.