.

Bước ra từ bóng tối

.
Tôi gặp Phan Phước Nhung (40 tuổi), thành viên đội Dân phòng khu vực Đa Mặn, phường Khuê Mỹ, quận Ngũ Hành Sơn sau buổi giao lưu các điển hình trong phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc” do UBND thành phố Đà Nẵng tổ chức vào cuối tháng 9.
 
Mô tả ảnh.
Hạnh phúc của gia đình Phan Phước Nhung sau ngày hoàn lương.
 
Anh là một gương điển hình trong quá trình vươn lên trở thành người có ích cho xã hội sau thời gian dài lầm lỗi. Sinh ra trong một gia đình có 9 anh chị em, gia cảnh nghèo nên anh phải nghỉ học từ lớp 7 để học nghề khoan, cắt bê-tông. Năm 1993, một mình khăn gói ra Hà Nội mưu sinh cho đến năm 1996 thì trở về Đà Nẵng rồi thất nghiệp. “Nhàn cư vi bất thiện”, anh bắt đầu giao du với đám bạn bè xấu ở địa phương. Sáng cà-phê, chiều tối ăn nhậu. “Nhóm bạn của chúng tôi hồi đó khoảng 6 đứa. Đứa nào cũng thuộc dạng siêng chơi, nhác làm. Chiều nào cũng tụ tập ăn nhậu tại bãi biển Mỹ Khê cho đến khuya mới về”, anh Nhung nhớ lại.

Nhậu mãi hết tiền, cả nhóm làm liều, đi cướp của người khác để ăn tiêu. Một buổi chiều giữa tháng 9-1996, cả nhóm thực hiện phi vụ đầu tiên. Bãi biển Mỹ Khê chiều tối hôm đó vắng người. Trên bãi biển chỉ còn một số cặp tình nhân đang hóng mát. Nhung cùng nhóm bạn tiến sát một cặp tình nhân dùng dao dí vào cổ để cướp ví da. Tuy nhiên, đồng bọn của Nhung bị Công an bắt giữ. Nhung phải trốn lên Tây Nguyên cho đến tháng 11-1996 thì quay về xin đầu thú; sau đó ngồi tù 3 năm do hành động nông nổi của mình.

“3 năm ngồi “bóc lịch”, tôi đã thấm thía. Thế nhưng, khi ra tù, không biết ma quỷ đưa lối dẫn đường thế nào, tôi tiếp tục trở về chơi lại với đám bạn tù và lại đánh nhau, đập phá tài sản của người khác. Hệ quả là gánh thêm gần 2 năm tù nữa”, anh Nhung cho biết.

2 lần ngồi tù với “5 cuốn lịch”, lúc đó Phan Phước Nhung ngót nghét tuổi 30. Không sự nghiệp, không vợ con, thân hình tiều tụy; riêng bố mẹ anh thì đã hết nước mắt vì đứa con hư hỏng; xóm giềng khinh miệt. Anh tâm sự: “Ngẫm lại thời gian đó, tôi hối hận lắm. Nhất là khi trở về địa phương, mọi người xem tôi như một thằng không thể trở thành người tốt và đi đâu họ cũng cảnh giác. Vì vậy tôi tự hứa phải làm lại cuộc đời của mình, không để mọi người khinh bỉ, cười chê, bố mẹ nhọc lòng...”.

Năm 2004, anh gặp chị Nguyễn Thị Mười (SN 1979), quê Quảng Nam ra làm ăn, buôn bán tại Đà Nẵng, rồi hai người thành vợ, thành chồng. Lúc này, anh thật sự cảm nhận được thế nào là hạnh phúc gia đình và có trách nhiệm với gia đình của mình. Anh lao vào làm việc để bù lại những gì đã gây ra trong quá khứ. Năm 2007, được Hội LHPN phường Khuê Mỹ hỗ trợ vốn, vợ chồng anh mở cửa hàng mua bán phế liệu. Ban đầu làm ăn nhỏ, lấy công làm lời, dần dần phát triển hơn, mỗi ngày cũng kiếm được vài trăm nghìn đồng trang trải đủ cuộc sống. Năm 2008, đứa con gái đầu lòng ra đời như tiếp thêm nghị lực cho anh.

Đầu năm 2009, anh tham gia vào đội Dân phòng cơ sở. “Tôi phải làm để bù lại những gì mình gây ra cho xã hội. Được sự giúp đỡ của các anh Công an phường, tôi thường xuyên tham gia tuần tra, bảo vệ trật tự trị an ở địa phương. Từ khi vào lực lượng đến nay, tôi thấy mình như hoàn thiện hơn...”, anh nói. Hai năm qua, anh và đồng đội đã bắt giữ hàng chục vụ phạm pháp hình sự. Trong đó, có những vụ chỉ một mình anh trực tiếp thực hiện, đã để lại nhiều hình ảnh đẹp trong lòng nhân dân.

Ghi nhận những cống hiến của anh, lãnh đạo các cấp đã tặng nhiều giấy khen để động viên. Tuy nhiên, phần thưởng xứng đáng nhất của anh chính là niềm tin của nhân dân vào con người biết vươn lên sau những ngày lầm lỗi.

Bài và ảnh: NGỌC PHÚ
;
.
.
.
.
.