.

Tặng “cần câu”: Những cách làm hay

.

Trao phương tiện sinh kế là một cách tặng “cần câu”để người nghèo tự vươn lên và thoát nghèo bền vững. Các địa phương trên toàn thành phố đều đang áp dụng giải pháp này, tuy nhiên, mỗi nơi có một cách làm…

Mô tả ảnh.
Trao phương tiện sinh kế cho phụ nữ nghèo Thanh Khê.

 

Đến khi nào thực sự thoát nghèo mới thôi

“Cũng như những năm trước, đó là vẫn trên tinh thần làm thế nào để người nghèo bớt khó khăn, vươn lên trong cuộc sống. Tuy nhiên, lần này, chúng tôi “thi đua” làm quyết liệt hơn, theo đến cùng, tới khi họ thực sự thoát nghèo mới thôi”, chị Ý Nhi, Chủ tịch Hội LHPN quận Thanh Khê cho biết sự khác biệt của chương trình hỗ trợ 1.000 hộ nghèo so với những năm trước đây thực hiện các hoạt động an sinh xã hội của phụ nữ.

Những ngày qua, tại các quận, huyện, hàng loạt phương tiện sinh kế, học bổng đã được trao đến tay chị em nghèo. Mỗi địa phương có một cách làm mang tính cách tân. Nếu nhiều nơi áp dụng kiểu “cho không” phương tiện sinh kế, thì Hội LHPN quận Hải Châu yêu cầu các hộ nhận dụng cụ, phương tiện làm ăn phải hoàn trả 40% trên tổng số vốn trong vòng 2 năm, với mức lãi suất 0,65%. Theo chị Thắng Lợi, Chủ tịch Hội LHPN quận Hải Châu, mục đích của yêu cầu này là tạo động lực để các chị chú tâm làm ăn, không ỷ lại vào những thứ đã được tặng; đồng thời, có ý thức trách nhiệm trong việc sử dụng phương tiện. Bên cạnh đòi hỏi này, Hội Phụ nữ Hải Châu cũng đưa ra hướng “mở” cho người nghèo. Với những trường hợp người nhận phương tiện gặp rủi ro trong quá trình làm ăn, hoặc chưa trả xong nợ nhưng lại có lý do chính đáng mong được vay thêm, Hội sẽ tiếp tục có những hỗ trợ đột xuất khác, thậm chí sẵn sàng cho vay lần 2, lần 3.

Với Hội Phụ nữ Thanh Khê, sau khi trao phương tiện cho hộ nghèo, Quận Hội sẽ phối hợp với UBND phường đề ra những giải pháp hỗ trợ tiếp theo để chị em có điều kiện lao động thuận lợi. Chị Ý Nhi ví dụ: “Trao xe nước mía xong, chúng tôi có đề nghị địa phương bố trí chỗ cho các chị yên tâm buôn bán, đồng thời tránh gây lấn chiếm lòng, lề đường. Mang cái xe về mà không biết để đâu, bán đâu cũng như không”.

Nhà tài trợ vào cuộc

Không dừng lại ở việc “rót vốn” ban đầu, các nhà tài trợ gồm tổ chức phi chính phủ, doanh nghiệp, v.v… đã thực sự đồng hành trên con đường thoát nghèo của phụ nữ. Đại diện Tổ chức Trẻ em Việt Nam, đơn vị thường xuyên có những chương trình trợ giúp người nghèo quận Hải Châu nói: Không phải nhận phương tiện một lần sẽ thoát nghèo ngay, bởi với sự thiếu hụt nhiều mặt của người nghèo, một vài trợ giúp ban đầu đôi khi chỉ mang tính chắp vá. Sự hỗ trợ phải toàn diện, kịp thời và liên tục. Trên tinh thần đó, Tổ chức này đã cùng Hội LHPN chia sẻ, tháo gỡ những khó khăn của cả trước và sau khi chị em nhận tài trợ. Với Tổ chức Trẻ em Việt Nam, số lượng người được giúp không phải là mục tiêu, mà chất lượng cải thiện đời sống của người nghèo là điều họ quan tâm nhất.

Công ty Thực phẩm Vissan lại có một giải pháp thoát nghèo cho phụ nữ Sơn Trà, đó là tặng xe bán hàng cùng tất cả dụng cụ buôn bán cho chị em. Các chị nói vui: “Chỉ cần đi tay không tới, nhận xong quà là đủ đồ đi buôn luôn”. Trong 3 tháng đầu, công ty hỗ trợ mỗi điểm bán 1 triệu đồng/tháng, chiết khấu 5% trên tổng doanh thu ngày. Sau thời gian đó, mức chiết khấu tăng lên 10%. Các tiểu thương còn được gối đầu tiền vốn. Trước đó, họ tham gia tập huấn kiến thức về quy định buôn bán thực phẩm. Bù lại, các chị phải bán theo định mức tối thiểu 2 con vịt và 2 ký heo quay/ngày. Nhiều chị không tránh khỏi hồi hộp khi bắt đầu chuyển qua một nghề mới, nhưng sự hào hứng và hy vọng đã không thể che giấu trên vẻ mặt họ trong ngày đầu ra quân bán hàng.

Bài và ảnh: Toàn Vân

;
.
.
.
.
.