Việc phát triển quan hệ Việt Nam- Ấn Độ là ưu tiên cao trong chính sách đối ngoại mỗi nước, là nhân tố quan trọng để đảm bảo hòa bình và ổn định khu vực
Sáng 12-10, theo giờ địa phương, lễ đón chính thức Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và Phu nhân sang thăm cấp Nhà nước tới Cộng hòa Ấn Độ được tổ chức trọng thể tại Phủ Tổng thống ở Thủ đô New Dehli.
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và Thủ tướng Ấn Độ Manmohan Singh
|
Với tấm lòng trân trọng và tình cảm sâu sắc đối với nhân dân Việt Nam, cả Tổng thống Ấn Độ Pratibha Devisingh Patil và Thủ tướng Manmohan Singh, cùng các thành viên chính phủ Ấn Độ đã tham dự lễ đón Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và Phu nhân.
Xe chở Chủ tịch nước ta và Phu nhân, được đội kỵ binh hộ tống, tiến vào Phủ Tổng thống trong 21 loạt đại bác chào mừng. Tổng thống Pratibha Devisingh Patil và Thủ tướng Manmohan Singh đón Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và Phu nhân tại nơi đỗ xe, nhiệt liệt chào mừng Chủ tịch nước ta và Phu nhân đến thăm Ấn Độ, coi đây là biểu hiện sinh động của tình cảm hữu nghị truyền thống và hợp tác, đối tác chiến lược giữa hai nước. Chủ tịch nước Trương Tấn Sang được mời bước lên bục danh dự. Sau khi quân nhạc cử Quốc thiều Việt Nam và Ấn Độ, Chủ tịch nước đã duyệt đội danh dự.
Kết thúc lễ đón, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã phát biểu với báo chí: “Tôi dẫn đầu đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam sang thăm cấp Nhà nước tới Ấn Độ lần này, không có mục đích nào hơn là tiếp tục tăng cường hơn nữa tình đoàn kết, quan hệ hữu nghị truyền thống và đối tác chiến lược giữa hai nước. Tôi tin tưởng chuyến thăm sẽ thành công, góp phần làm sâu sắc thêm mối quan hệ vốn hết sức tốt đẹp đó. Xin chúc nhân dân và đất nước Ấn Độ ngày càng phát triển phồn vinh, ấm no, hạnh phúc”.
Trưa 12-10, theo giờ địa phương, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã có cuộc hội đàm quan trọng với Thủ tướng Ấn Độ Manmohan Singh.
Trong cuộc hội đàm, hai bên đã trao đổi với nhau về tình hình kinh tế-xã hội mỗi nước, quan hệ hai nước cũng như các vấn đề khu vực và quốc tế cùng quan tâm. Hai bên bày tỏ hài lòng về mối quan hệ hữu nghị truyền thống hợp tác nhiều mặt và đối tác chiến lược tốt đẹp giữa hai nước đã được Cố Thủ tướng Jawaharlal Neru và Chủ tịch Hồ Chí Minh đặt nền móng và các thế hệ lãnh đạo và nhân dân hai nước gìn giữ, vun đắp và ngày càng phát triển mạnh mẽ. Thủ tướng Ấn Độ Manmohan Singh cũng chúc mừng thắng lợi của Đại hội Đảng XI và cuộc bầu cử Quốc hội khóa XIII của Việt Nam.
Hai bên nhấn mạnh việc phát triển quan hệ hai nước là ưu tiên cao trong chính sách đối ngoại mỗi nước, là nhân tố quan trọng để đảm bảo hòa bình và ổn định khu vực. Hai bên nhất trí thúc đẩy hơn nữa các chuyến thăm cấp cao và các cấp; tăng cường hơn nữa và mở rộng nội hàm của mối quan hệ đối tác chiến lược toàn diện dựa trên các trụ cột chính là hợp tác chính trị, quốc phòng, an ninh, kinh tế, văn hóa và đào tạo nguồn nhân lực; nhất trí tăng cường hơn nữa phát triển hợp tác trong các lĩnh vực quốc phòng và an ninh.
Hai bên đánh giá cao quan hệ nhiều mặt giữa hai nước, nhất trí tăng cường hơn nữa hợp tác trong các lĩnh vực như kinh tế, thương mại, đầu tư, tài chính, khoa học và công nghệ, văn hoá và mở rộng các lĩnh vực hợp tác có tiềm năng khác. Hai nước thỏa thuận phấn đấu đưa quan hệ thương mại song phương lên 7 tỷ USD vào năm 2015.
Về các vấn đề khu vực và quốc tế, hai bên đánh giá cao sự hợp tác tốt đẹp giữa hai nước tại các diễn đàn khu vực và quốc tế như diễn đàn ASEAN - Ấn Độ, Sông Hằng-Sông Mekong, EAS, ASEAN, ASEM, ARF…, nhất trí tăng cường hơn nữa sự hợp tác và phối hợp này trong thời gian tới.
Hai bên cũng khẳng định tầm quan trọng của việc duy trì hoà bình, ổn định và tầm quan trọng của việc đảm bảo an toàn, an ninh và tự do hàng hải tại biển Đông. Hai bên nhất trí rằng các tranh chấp ở biển Đông cần được các bên giải quyết thông qua đàm phán hoà bình trên cơ sở của luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước của LHQ về Luật biển 1982 (UNCLOS-1982).
Kết thúc hội đàm, hai nhà lãnh đạo đã chứng kiến lễ ký 6 văn kiện hợp tác gồm hiệp định về dẫn độ tội phạm, bản ghi nhớ về Năm hữu nghị Việt- Ấn 2012, hợp tác nông nghiệp, thỏa thuận hợp tác về dầu khí, Nghị định thư về hợp tác văn hóa, chương trình trao đổi văn hóa giai đoạn 2011-2014.
Lãnh đạo hai nước tại Lễ ký kết
|
Phát biểu với báo chí, Thủ tướng Ấn Độ Manmohan Singh nhấn mạnh, chuyến thăm cấp Nhà nước tới Ấn Độ của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang có ý nghĩa quan trọng góp phần thúc đẩy quan hệ hữu nghị truyền thống và hợp tác đối tác chiến lược giữa hai bên ngày càng đi vào chiều sâu, hiệu quả, thiết thực hơn.
Ngài Thủ tướng khẳng định, củng cố và phát triển quan hệ với Việt Nam là một trong những ưu tiên trong chính sách hướng Đông của Ấn Độ nhằm góp phần giữ vững hòa bình, ổn định, phát triển ở khu vực châu Á- Thái Bình Dương và đây hoàn toàn xuất phát từ nhu cầu tự thân của Ấn Độ.
Thủ tướng Manmohan Singh nói: “Việt Nam là một trong những nền kinh tế năng động nhất châu Á. Chúng tôi mong muốn thắt chặt quan hệ với Việt Nam và điều này phù hợp với khát vọng của nhân dân hai nước. Trong cuộc hội đàm, chúng tôi đã nhất trí tăng cường hợp tác trong tất cả các lĩnh vực, cùng nhau hướng tới ký kết Hiệp định thương mại tự do giữa Ấn Độ và ASEAN trong dịch vụ và đầu tư. Ấn Độ cam kết tạo thuận lợi cho dòng thương mại và đầu tư lớn hơn nữa giữa hai nước chúng ta. Đã có nhiều công ty Ấn Độ đầu tư vào Việt Nam và chúng tôi hoan nghênh các công ty của Việt Nam đầu tư vào Ấn Độ. Ấn Độ và Việt Nam là hai quốc gia láng giềng biển. Chúng tôi cho rằng điều quan trọng là cần đảm bảo an toàn, an ninh cho các tuyến đường biển quan trọng và chúng tôi nhất trí tăng cường chia sẻ, hợp tác trong lĩnh vực này”.
Về phần mình, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang nhấn mạnh kết quả cuộc hội đàm rất thành công. Hai bên nhất trí được nhiều phương hướng và biện pháp thúc đẩy quan hệ đối tác chiến lược giữa hai nước, từ kinh tế, đầu tư, khoa học kỹ thuật, văn hóa đến an ninh, quốc phòng.
Chủ tịch nước nêu rõ: “Chúng tôi đạt được nhiều điểm tương đồng về tình hình khu vực và quốc tế cùng quan tâm trên tinh thần vì hòa bình, hợp tác, ổn định ở khu vực và trên thế giới; tăng cường hợp tác trên các diễn đàn quốc tế như ASEAN- Ấn Độ, sông Hằng- sông Mekong, cấp cao Đông Á, ASEM… Hai bên cũng khẳng định tầm quan trọng của việc duy trì hòa bình, đảm bảo an toàn, an ninh và tự do hàng hải ở biển Đông. Chúng tôi nhất trí các tranh chấp ở biển Đông cần được giải quyết thông qua đàm phán hòa bình trên cơ sở của luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên Hợp Quốc về Luật biển 1982 và thực hiện nghiêm túc về Tuyên bố ứng xử của các bên ở biển Đông (DOC)”.
Cùng ngày, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã tới đặt vòng hoa tại mộ Mahatma Gandhi, Anh hùng giải phóng dân tộc của Ấn Độ và nhân loại.
VOVNews