.

Đào tạo nguồn nhân lực ở nước ngoài: Hiệu quả từ tư duy mới

.

Phong cách hiện đại, năng động cùng khát vọng mang kiến thức đã học ở nước ngoài vào công việc là điều dễ nhận thấy ở các học viên đề án Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao của thành phố Đà Nẵng.

 

Mô tả ảnh.
Trưởng ban Tổ chức Thành ủy Bùi Văn Tiếng và các học viên được đào tạo thạc sĩ ở nước ngoài.

 

Tính đến tháng 8-2011, có 251 học viên tham gia đề án được đào tạo ở nước ngoài, trong đó có 167 học viên bậc đại học và 84 học viên sau đại học.

Đúng người, đúng việc

Tốt nghiệp cử nhân Quản lý du lịch và khách sạn loại giỏi tại Trường Đại học Swinburne (Úc) vào tháng 12-2010, Trần Thị Diễm My vừa nhận công tác tại Trung tâm Tổ chức sự kiện và lễ hội, thuộc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch thành phố Đà Nẵng. Đây là một trong những nguyện vọng mà My đã đề xuất trong đơn xin phân bổ công tác. Mới đi làm 2 tuần, nhưng cô gái 23 tuổi này đã bày tỏ cảm giác thích thú khi được áp dụng kiến thức đã học và tự do thể hiện những ý tưởng sáng tạo.  

Cũng như My, Nguyễn Thị Thu Hằng hiện công tác tại Sở Khoa học - Công nghệ thành phố đã tốt nghiệp thạc sĩ Công nghệ sinh học loại giỏi tại Trường Đại học Queensland (Úc). Hằng cũng chia sẻ sự hài lòng khi làm việc phù hợp với chuyên ngành đào tạo. Sống và học tập trong môi trường giáo dục tiên tiến của Úc đã giúp Hằng rèn luyện sự tự tin, tự lập, năng động và phong cách làm việc khoa học. “Tôi nghiên cứu tại Viện Kỹ thuật Sinh học và công nghệ Nano (AIBN) của Đại học Queensland, một trong những viện nghiên cứu lớn trên thế giới. Tại đây, tôi đã tiếp cận với nhiều phương pháp nghiên cứu mới, thiết bị hiện đại và học cách làm việc chuyên nghiệp, độc lập của các cán bộ khoa học. Điều này giúp ích cho tôi rất nhiều trong công việc và cuộc sống hiện nay”, Hằng tâm sự.

Ông Nguyễn Văn Chiến, Phó Giám đốc Trung tâm Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao thành phố Đà Nẵng, cho rằng có thể khẳng định công tác đào tạo đã phù hợp với nhu cầu sử dụng học viên sau khi hoàn thành chương trình. Ban Tổ chức Thành ủy và Sở Nội vụ bố trí học viên sau khi tốt nghiệp dựa vào ngành nghề đào tạo, nhu cầu nhân lực và cũng tham khảo nguyện vọng của các học viên để bảo đảm đúng người, đúng việc. “Qua quá trình khảo sát hằng năm, trung tâm cũng đã mạnh dạn đề xuất chuyển đổi công tác cho một số học viên mà công việc chưa phù hợp với chuyên môn được đào tạo, nhằm tạo sự an tâm công tác và tránh lãng phí”, ông Chiến nói.

Cơ hội phát triển

Rất nhiều học viên được đào tạo ở nước ngoài đều khẳng định thu hoạch lớn nhất của họ là sự thay đổi tư duy. Tư duy năng động, tích cực đã mang lại hiệu quả đáng kể trong công việc và mở ra cơ hội phát triển cho những người tham gia đề án. Với Võ Thị Minh Đức, tốt nghiệp thạc sĩ Quản lý dự án tại Trường Đại học Wollongong (Úc), khi mỗi công việc luôn được xem là một dự án thì sẽ xác định rõ vai trò, trách nhiệm cụ thể của từng thành viên, mục tiêu, chất lượng đầu ra, tiến độ cụ thể của dự án, yêu cầu đầu vào, các rủi ro tiềm ẩn..., để từ đó tránh được rủi ro, tránh tiêu tốn nhiều tiền của và công sức.

Với Lê Thị Hồng Thảo, cán bộ Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch, cái được lớn nhất khi học thạc sĩ Quản lý Du lịch, Trường Đại học Quảng Tây (Trung Quốc) là xây dựng và khẳng định phong cách nữ giới. Thảo cho rằng, nam - nữ luôn bình đẳng trong cả tư duy lẫn công việc. Vì vậy, khi trở về nước, Thảo mong muốn được tham gia vào việc hiến kế cho chiến lược phát triển du lịch của thành phố. Trong khi đó, chị Dương Thúy Hằng, tốt nghiệp thạc sĩ Quan hệ quốc tế, Trường Đại học Queensland, hiện là Trưởng phòng Đào tạo - Bồi dưỡng của Trung tâm Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao thành phố, được đánh giá nhiều khả năng sẽ nắm giữ vị trí cao hơn.

Kết quả khảo sát vào tháng 8 vừa qua của Trung tâm Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao thành phố cho thấy, 94,4% các đơn vị sử dụng lao động đánh giá học viên tốt nghiệp đại học, thạc sĩ ở nước ngoài có triển vọng được đề bạt, bổ nhiệm các chức danh lãnh đạo, quản lý. Chỉ có 5,6% đánh giá không có triển vọng.

Trong một buổi báo cáo kết quả học tập của các học viên đề án, ông Bùi Văn Tiếng, Trưởng ban Tổ chức Thành ủy, Phó Trưởng ban chỉ đạo đề án, cho rằng đi học nước ngoài là học cách học, phong cách hiện đại, cách làm việc, cách quý trọng thời gian, tác phong nhanh nhẹn, không vồ vập nhưng hăm hở. “Môi trường giáo dục ở một số nước tiên tiến mang lại cho người học những điều đó. Cần tránh tình trạng tuy dư nhiệt tình nhưng tư duy thiếu. Tư duy cần đổi mới, đột phá, đưa xã hội hướng đến chân - thiện - mỹ”, ông Tiếng nói.

 

Theo kết quả khảo sát vào tháng 8-2011 của Trung tâm Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao thành phố Đà Nẵng, 100% các đơn vị sử dụng lao động đều nhận định rằng, học viên đề án được phân công công tác phù hợp, đồng thời bày tỏ hài lòng về kết quả làm việc và thái độ công tác của những người được thành phố cử đi đào tạo. 83,3% các đơn vị đánh giá tốt năng lực làm việc của các học viên.

Trong khi đó, về phía học viên, 73% cho rằng việc phân công công tác sau tốt nghiệp phù hợp với chuyên ngành đào tạo, 11,5% cảm thấy chưa phù hợp. 71% hài lòng với công việc đang đảm nhiệm, 17,3% tương đối hài lòng và 9,6% không hài lòng.

 

Bài và ảnh: TÚ PHƯƠNG

;
.
.
.
.
.